18/06/2018, 16:08

Sự trỗi dậy của Iran ở Trung Ɖông

Phạm Ɖình Lân …Mùa Xuân Á Rập và hoạt động khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan ở Yemen làm cho ảnh huởng của Iran vượt Vịnh Ba Tư sang đến bờ Hồng Hải. Sự bành trướng ảnh hưởng của Iran ở Yemen là sự thành công lớn lao của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran thuộc phái Shiite và ...

iran o trung dong

Phạm Ɖình Lân

…Mùa Xuân Á Rập và hoạt động khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan ở Yemen
làm cho ảnh huởng của Iran vượt Vịnh Ba Tư sang đến bờ Hồng Hải.
Sự bành trướng ảnh hưởng của Iran ở Yemen là sự thành công lớn lao của
Cộng Hòa Hồi Giáo Iran thuộc phái Shiite và là một sự thất bại và đe dọa về phía các nước Hồi Giáo Sunni.
Trên bình diện quốc tế đó là sự thất bại của các nước Tây Phương, đứng đầu là Hoa Kỳ…

Trung Ɖông bao gồm những quốc gia nằm trên bờ biển phía đông Ɖịa Trung Hải. Những quốc gia trong vùng gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Lebanon, Do Thái, Saudi Arabia, Yemen, Oman, Liên Hiệp Á Rập Emirates, Bahrain, Qatar, Kuwait, Jordan. Hai quốc gia Hồi Giáo rộng lớn láng giềng với các quốc gia Trung Ɖông là Iran và Ai Cập.

Ai Cập là quốc gia Bắc Phi nằm ở phía nam Do Thái và cách bán đảo Saudi Arabia bằng Hồng Hài.

Iran là quốc gia láng giềng của Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ. Nước nầy phân cách với Oman, Liên Hiệp Á Rập Emirates, Qatar, Bahrain và Kuwait bằng Vịnh Ba Tư (Persian Gulf).

Vấn đề Trung Ɖông ảnh hưởng đến các quốc gia Bắc Phi theo Hồi Giáo và các quốc gia trên bán đảo Balkans chịu ảnh hưởng của Chính Thống Giáo, Thiên Chúa Giáo lẫn Hồi Giáo.

Ɖặc điểm của các quốc gia Hồi Giáo Trung Ɖông

Các quốc gia Hồi Giáo Trung Ɖông ngoại trừ Do Thái có những đặc điểm chung đại để như nhau:

  • Khí hậu khô hạn.
  • Có nhiều sa mạc.
  • Có nhiều giếng dầu (Saudi Arabia, Kuwait, Iraq, Qatar, Liên Hiệp Á Rập Emirates, Oman). Saudi Arabia sản xuất trên 26% tổng sản lượng dầu hỏa trên thế giới. Iran là quốc gia lân bang có nhiều giếng dầu quan trọng trên thế giới.
  • Theo đạo Hồi, phần lớn là Hồi Giáo thuộc phái Sunni đối nghịch với phái Shiite thiểu số.
  • Quốc gia theo Hồi Giáo Sunni: Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Kuwait, Yemen, Qatar, Oman, Liên Hiệp Á Rập Emirates, Syria (75% Sunni), Jordan.
  • Quốc gia theo Hồi Giáo phái Shiite: Bahrain (75% Shiite), Iraq (60% Shiite), Lebanon (Sunni và Shiite gần như bằng nhau. Ngoài ra còn có tỷ lệ Thiên Chúa Giáo khá quan trọng).
  • Các quốc gia Trung Ɖông là cựu thuộc địa của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Ɖào Nha, Pháp, Anh trước khi thu hồi độc lập.
  • Tất cả các quốc gia Hồi Giáo Trung Ɖông đều thù ghét Do Thái và các nước Tây Phương theo đạo Christ từng biến xứ sở họ thành thuộc địa hay đất bảo hộ.
  • Giữa những người Hồi Giáo Sunni và Shiite tranh chấp nhau về quyền lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo ngay sau khi tiên tri Mohammed  (570 – 632) thăng thiên. Chữ Sunni do chữ Ahl al Sunni tức những người có truyền thống gần gũi với tiên tri Mohammed và tuân theo lời chỉ dạy của giáo chủ, tôn kính tất cả các tiên tri trong Thánh Kinh Koran nhưng tiên tri Mohammed là đấng Tối Thượng. Phái Shiite hay Shiat Ali chủ trương Ali, rể của tiên tri Mohammed, là người kế nghiệp tiên tri Mohammed lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo.
  • Về phương diện chánh trị phần lớn các quốc gia Hồi Giáo Trung Ɖông đều theo chế độ độc tài và vi phạm nhân quyền trầm trọng theo quan điểm Tây Phương, dù theo chế độ quân chủ chuyên chính hay chánh thể Cộng Hòa. Các vương quốc Saudi Arabia, Jordan, Kuwait, Qatar, Bahrain, Liên Hiệp Á Rập Emirates, Oman đều thân Tây Phương. Ɖó là những vương quốc giàu dầu hỏa trên thế giới ngoại trừ Jordan. Vua Abdullah II của Jordan từng học trường Võ Bị Hoàng Gia Sandhurst ở Anh và đại học Georgetown ở Hoa Kỳ nên có tư tưởng cởi mở như phụ hoàng Hussein rất thân thiện với người Anh. Người Jordan theo Hồi Giáo Sunni trong chế độ quân chủ Jordan sống thoải mái hơn các dân tộc khác trong vùng dù các quốc gia lân bang theo chế độ quân chủ chuyên chế hay chánh thể Cộng Hòa như Iraq, Syria, Ai Cập và Lebanon, nơi chánh phủ trung ương hầu như bất lực trước hoạt động của nhóm Hezbollah, một nhóm Hồi Giáo Shiite cực đoan thân Syria và được Iran tài trợ. Chánh quyền thân Tây Phương nhưng dân chúng thấm nhuần giáo lý Hồi Giáo không thiện cảm với tín đồ các tôn giáo khác như Do Thái Giáo và đạo thờ đấng Christ (Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Quốc Giáo, đạo Coptic). Họ bất thân thiện với Tây Phương vì lý do tôn giáo và chánh trị vì vùng đất thiêng Hồi Giáo của họ bị gót giày của các đế quốc Tây Phương chà đạp trong quá khứ.

Saudi Arabia là đồng minh thân thiện gắn bó với Hoa Kỳ. Nhưng đa số các người khủng bố cướp phi cơ gây đổ nát tháp đôi World Trade Center ở New York ngày 11-09-2001 đều là người Saudi Arabia. Quốc gia nầy thân với Hoa Kỳ, tôn trọng nữ quyền nhưng phụ nữ ở Saudi Arabia không được quyền lái xe. Ɖây là cái nôi của Hồi Giáo với Thánh Ɖịa Mecca nhưng vương quốc Saudi Arabia rất ghét nhóm Huynh Ɖệ Hồi Giáo vì sợ nhóm nầy dùng sự cực đoan của tín đồ Hồi Giáo để cướp chánh quyền. Saudi Arabia luôn luôn tự xem mình là thủ lãnh của các quốc gia Hồi Giáo trong vùng vì đó là một vương quốc rộng lớn, giàu có với trên 30 triệu dân. Về phương diện tôn giáo đó là quê hương của giáo chủ Mohammed, nơi tín đồ Hồi Giáo ước muốn được đến đó hành hương ít ra một lần trong đời trước khi chết. Saudi Arabia rất giàu và có ảnh hưởng rất lớn với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ giống như Do Thái dù tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Ảnh chụp tổng thống Barack Obama cúi đầu bắt tay quốc vương Saudi Arabia một cách kính cẩn cho thấy điều đó. Ȏng vội vã rút ngắn chuyến viếng thăm Ấn Ɖộ vừa qua để đến tham dự đám tang của quốc vương Saudi Arabia, Abdulah Bin Abdulaziz al Saud (1924 – 2015, lên ngôi năm 2005), băng hà vì phổi bị nhiễm trùng. Việc lật đổ tổng thống dân bầu Morsi ở Ai Cập năm 2013 bởi tướng Sisi cho thấy ảnh hưởng của Saudi Arabia đối với chánh quyền quân nhân ở Ai Cập như thế nào. Sisi không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ tài chánh của vương quốc Saudi Arabia. Vai trò của Saudi Arabia rất rõ rệt khi quân Saudi Arabia cùng chiến xa được phái tới cứu vãn ngai vàng cho quốc vương Hamad bin Isa al Khalia (1950 – , lên ngôi năm 1999) trong Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập năm 2011. Vua Hamad thuộc phái Sunni trong khi đa số dân dưới sự cai trị của ông thuộc phái Shiite. Bahrain chỉ phân cách với Iran thuộc phái Shiite bằng Vịnh Ba Tư (Persian Gulf).

The Queen Hosts A Reception For Delegates Of The London Summit...LONDON - APRIL 1:  The President of the United States Barack Obama (C back to camera) greets King Abdullah of Saudi Arabia (C) before the official G20 leaders photograph with Queen Elizabeth II at Buckingham Palace on April 1, 2009 in London, England. Obama is on his first trip to the UK as President and will be attending G20 world leaders' summit dedicated to tackling the global financial crisis.  (Photo by John Stillwell/WPA Pool/Getty Images)

(Photo by John Stillwell/WPA Pool/Getty Images)

Sự trỗi dậy của Iran

Tam hùng Hồi Giáo Trung Ɖông là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Saudi Arabia.

Thổ Nhĩ Kỳ là cựu đế quốc thống trị Trung Ɖông từ thế kỷ XV đến khi đệ nhất thế chiến chấm dứt. Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi Giáo phái Sunni. Nước nầy là một nước Cộng Hòa, một thành viên của NATO (North Atlantic Treaty Oragnization: Minh Ước Bắc Ɖại Tây Dương) đã Tây Phương hóa từ thập niên 1920. Do đó Thổ Nhĩ Kỳ không quá nặng tinh thần Hồi Giáo như những quốc gia Hồi Giáo khác trong vùng. Chánh quyền Thổ Nhĩ Kỳ là chánh quyền thế tục. Quân đội đóng vai trọng tài trong sinh hoạt chánh trị. Truyền thống nầy do Mustapha Kemal tức Ataturk Kemal (1881 – 1938) lưu lại. Trong những năm gần đây thủ tướng Erdogan (1954 – , thủ tướng 2003 – 2014, tổng thống 2014 – ) rồi tổng thống, người thành công trong việc chấn hưng kinh tế  Thổ Nhĩ Kỳ, có khuynh hướng dựa vào Hồi Giáo và can dự vào vấn đề Trung Ɖông khi bày tỏ cảm tình với nhóm Hamas ở Gaza. Erdogan như muốn làm sống dậy đế quốc Ottoman ngày xưa khi tiếp lãnh tụ Abbas của Palestine ở West Bank, chở hàng hóa tiếp tế cho Hamas và đụng chạm với Do Thái. Erdogan rất miễn cưỡng trong việc chống ISIS. Ȏng lo sợ người Kurds ở Iraq sẽ giúp đỡ cho đảng PKK của người Kurds ở Thổ Nhĩ Kỳ đòi thành lập quốc gia tự trị ở miền Nam nước Thổ. Phe đối lập của Erdogan cho rằng ông muốn trở thành Sultan (hoàng đế thời đế quốc Ottoman). Ȏng đáp lại một cách thách thức rằng không phải như vậy mà giống như nữ hoàng Elizabeth II của Anh, nghĩa là nữ hoàng không còn thuộc địa!

Chế độ quân chủ Iran bị lật đổ năm 1979. Iran trở thành nền Cộng Hòa Hồi Giáo với một chế độ chánh trị tập trung quyền hành vào tay vị giáo chủ, giống như chế độ Cộng Sản tập trung mọi quyền hành vào lãnh tụ đảng Cộng Sản mặc dù vẫn có các chức vụ chủ tịch nhà nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, v.v… Iran trở thành một đối thủ đáng sợ đối với Saudi Arabia trong thế giới Hồi Giáo Trung Ɖông.

Về phương diện tôn giáo Iran là quốc gia Hồi Giáo Shiite đối lại với Hồi Giáo Sunni của Saudi Arabia.

Về phương diện kinh tế Iran là nước sản xuất nhiều dầu hỏa cạnh tranh với dầu hỏa Saudi Arabia.

Về định chế chánh trị Iran là một xứ Cộng Hòa Hồi Giáo trong khi Saudi Arabia vẫn còn theo chế độ quân chủ.

Cố nhiên Saudi Arabia lo ngại một sự thay đổi định chế chánh trị tương tự ở nước họ.

Iran công khai chống Hoa Kỳ trong khi Saudi Arabia thân Hoa Kỳ. Saudi Arabia không công khai chống Do Thái quyết liệt trong khi Cộng Hòa Hồi Giáo Iran giúp đỡ Syria, nơi 75% dân chúng thuộc Hồi Giáo Sunni đặt dưới sự lãnh đạo của gia đình Assad thuộc một chi nhánh nhỏ của phái Shiite để nuôi chí phục thù Do Thái đòi lại Golan.

Iran huấn luyện và tài trợ cho nhóm Hezbollah cực đoan (Shiite) ở nam Lebanon, giúp đỡ cho Hamas ở Gaza (Sunni) để đe dọa Do Thái.

Chiến tranh Iraq-Iran (1980 – 1988) mang ít màu sắc chiến tranh giữa phái Shiite và Sunni mà nặng về tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Iran sang Iraq trên bước đường tiến ra Ɖịa Trung Hải dưới chiêu bài lãnh đạo các nước Hồi Giáo Trung Ɖông loại bỏ Do Thái khỏi vùng nầy. Saddam Hussein thuộc phái Sunni. Ȏng kỳ thị người Iraq thuộc phái Shiite ở phía Nam. Những người nầy chiếm 60% dân số xứ Iraq. Hussein cũng kỳ thị người Kurds ở phía đông bắc xứ Iraq. Những người nầy chiếm 20% tổng số dân. Họ thuộc phái Sunni như Hussein. Hoa Kỳ đứng về phía Iraq của Hussein trong chiến tranh Iran-Iraq. Ngày 23-10-1983 hai xe cam nhông chở bom nổ ở Beirut giết chết 299 quân sĩ Hoa Kỳ và Pháp trong lực lượng đa quốc gia bảo vệ hòa bình trong cuộc nội chiến ở Lebanon. Người ta cho rằng tổ chức Hezbollah chịu trách nhiệm về vụ nổ bom nầy nhưng cả Iran lẫn Hezbollah đều không nhận họ gây ra cuộc nổ bom ghê rợn nói trên. Kết quả là Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Lebanon.

Sự năng nổ của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran làm cho Saudi Arabia và Do Thái có vài điểm chung chánh trị. Năm 2012 có tin đồn rằng nếu Do Thái oanh tạc lò nguyên tử Iran, có thể Saudi Arabia sẵn sàng cho họ mượn không phận Saudi Arabia. Chúng ta đã thấy vì sao Saudi Arabia không xem Iran là bạn mặc dù cùng theo đạo Hồi nhưng khác phái. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran muốn đóng vai trò thủ lãnh cộng đồng Hồi Giáo thế giới như Ai Cập đã làm dưới thời vua Farouk và đại tá Nasser bằng cách đẩy mạnh phong trào bài Do Thái qua tướng Assad, tổng thống Syria và tổ chức Hezbollah, hỗ trợ cho nhóm Hamas (phái Sunni) quấy phá Do Thái trong cuộc đấu tranh trường kỳ của người Palestine chống Do Thái. Iran tìm cách sản xuất bom nguyên tử  bằng kỹ thuật của các nhà khoa học Liên Sô sau khi chế độ Sô Viết sụp đổ. Iran xuất cảng nhiều dầu hỏa nên có nhiều tiền để phát triển kỹ nghệ quốc phòng. Họ lớn tiếng đe dọa xóa bản đồ Do Thái ở Trung Ɖông và cho rằng chuyện Holocaust chỉ là huyền thoại!!

Mua Xuân Á Rập không đem lại dân chủ và phồn vinh cho quốc gia phát xuất cách mạng (Tunisia) lẫn các quốc gia láng giềng ở Bắc Phi và Trung Ɖông. Nhóm khủng bố và cực đoan Hồi Giáo có môi trường hoạt động. Nhà độc tài Qadafi bị lật đổ ở Libya và bị bắn chết. Ở Ai Cập tổng thống Mubarak phải từ chức sau 30 năm cầm quyền và bị đưa ra tòa trước áp lực của Huynh Ɖệ Hồi Giáo, tổ chức Hồi Giáo cực đoan bị cấm hoạt động trên nửa thế kỷ trước từ thời đại tá Nasser cầm quyền. Ở Syria cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011 đến nay khiến cho nhiều thành phố thành đống gạch vụn; hàng trăm ngàn người chết vì nội chiến, sự tàn sát lẫn nhau giữa các phần tử nổi dậy chống chánh quyền Assad (được Nga, Iran và nhóm Hezbollah ở Lebanon nhiệt tình ủng hộ); hàng triệu người bỏ nước tỵ nạn chiến tranh ở các quốc gia láng giềng. Cho đến bây giờ Assad vẫn còn tại chức.

Trong hàng ngũ các nhóm nổi dậy chống Assad xuất hiện nhóm ISIL quá khích hơn cả khủng bố Al Qaeda. Nhóm nầy chiếm một phần phía bắc Syria và thành phố Mosul, thành phố thứ hai của Iraq và Tikrit, thành phố sinh quán của nhà độc tài Saddam Hussein. ISIL (Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Levant) đổi thành ISIS (Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Syria) rồi IS (Quốc Gia Hồi Giáo). Ɖó là nhóm cực đoan quá khích Hồi Giáo  phái Sunni bất mãn chánh phủ Baghdad do thủ tướng Malaki thuộc phái Shiite ở miền Nam Iraq lãnh đạo, kỳ thị và đàn áp sau khi Saddam Hussein bị lật đổ. Trong hàng ngũ ISIS có tàn quân của Saddam Hussein lẩn trốn ở Iraq sau khi liên quân Anh-Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq, tín đồ Hồi Giáo Sunni ở Trung Ɖông, người Hồi Giáo từ các nước Tây Phương tự nguyện về Syria chiến đấu nhằm lật đổ Assad.

Trong thời kỳ Mùa Xuân Á Rập, dân chúng Bahrain, đa số thuộc Hồi Giáo Shiite, nổi lên chống lại vua Hamad thuộc phái Sunni. Người ta tin rằng Iran có nhúng tay vào cuộc nổi dậy của dân chúng Bahrain. Cuộc nổi dậy ở Bahrain bị bẻ gãy nhờ sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia.

Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq cuối năm 2011. Ɖó là cơ hội tốt cho Iran thiết lập ảnh hưởng đối với chánh quyền Baghdad đồng đạo và đồng phái. Iran có cơ hội thay thế Hoa Kỳ bảo vệ cho chánh quyền Baghdad thuộc phái Shiite trước sự đe dọa của phe Hồi Giáo quá khích thuộc phái Sunni. Hoa Kỳ kêu gọi Liên Âu và các nước Á Rập chống sự bành trướng của ISIS. Các nước hưởng ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ có vẻ không tích cực lắm.

Ɖối với các quốc gia Á Rập theo Hồi Giáo Sunni việc tiêu diệt ISIS làm lợi cho Syria của Assad.

Ɖối với Iran việc đánh ISIS là cơ hội cứu Assad, đồng thời cứu Iraq dưới sự lãnh đạo của chánh phủ Shiite. Con đường đưa Iran ra Ɖịa Trung Hải xuyên qua Iraq và Syria được trơn tru hơn. Ở Lebanon Iran có nhóm Hezbollah. Việc Iran có ảnh hưởng ở Iraq là điều không tránh khỏi được. Khi Iran oanh tạc ISIS, Hoa Kỳ cám ơn hành động nầy. Nhưng khi Iran có kế hoạch chỉ huy quân Iraq phản công tái chiếm Tikrit thì Hoa Kỳ thấy ảnh hưởng của Iran càng rõ nét. Ɖến tháng 4 năm 2015 quân Iraq đánh đuổi quân ISIS ra khỏi Tikrit nhờ sự oanh tạc yểm trợ của Hoa Kỳ. Những quân sĩ tham dự trận đánh tái chiếm Tikrit như không ghi công Hoa Kỳ trong chiến thắng. Có người còn trách phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc nhầm vào quân Iraq. Có người nói chỉ có chánh phủ Baghdad cảm ơn sự yểm trợ không quân của Hoa Kỳ vì họ yêu cầu!!

Mùa Xuân Á Rập và hoạt động khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan ở Yemen làm cho ảnh huởng của Iran vượt Vịnh Ba Tư sang đến bờ Hồng Hải. Sự bành trướng ảnh hưởng của Iran ở Yemen là sự thành công lớn lao của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran thuộc phái Shiite và là một sự thất bại và đe dọa về phía các nước Hồi Giáo Sunni. Trên bình diện quốc tế đó là sự thất bại của các nước Tây Phương, đứng đầu là Hoa Kỳ. Muốn biết rõ vấn đề thiết tưởng cũng cần biết qua về xứ Yemen.

Xứ Yemen nằm ở phía tây nam và nam bán đảo Á Rập, tựa trên Hồng Hải và Vịnh Aden gần cửa ngõ tiến vào Hồng Hải để đi vào kinh đào Suez ở phía bắc trên hải lộ nối liền Ấn Ɖộ Dương-Hồng Hải-Kinh đào Suez và Ɖịa Trung Hải. Xứ Yemen rộng 527.900 km2. Ngày xưa thời đế quốc La Mã vùng nầy được gọi là Arabia Felix, có nghĩa là “Á Rập Hạnh Phúc”. Mặc dù Yemen có dầu hỏa, kinh tế nước nầy còn thấp kém. Ɖời sống dân chúng quá tồi tệ so với dân Saudi Arabia hay Kuwait, Qatar và các quốc gia Hồi Giáo khác ở Trung Ɖông. Ɖất đai canh tác chỉ chiếm 3% tổng số diện tích nước nầy.

Năm 1904 Yemen phân ly thành hai vùng ảnh hưởng chánh trị khác nhau:

  • Phía bắc chịu ảnh hưởng của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) do các quân vương lãnh đạo. Dân chúng ở miền bắc nổi dậy chống chánh quyền tham nhũng, lạm quyền, hà khắc và thân Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc đảo chánh bất thành năm 1955 chánh quyền miền Bắc Yemen hướng về Ai Cập. Lúc ấy đại tá Nasser cầm quyền ở Ai Cập. Dân chúng tiếp tục phản đối chánh quyền về sự hiện diện của người ngoại quốc (Ai Cập) trên xứ họ. Năm 1962 một cuộc đảỏ chánh xảy ra với sự tiếp tay của Ai Cập nhằm biến bắc Yemen thành một nước Cộng Hòa. Cuộc đảo chánh thất bại. Cuộc nội chiến bùng nổ giữa phe bảo thủ chủ trương chế độ quân chủ và phe Cộng Hòa. Liên Sô và Ai Cập yểm trợ phe Cộng Hòa. Hoa Kỳ cũng thuận cho khuynh hướng Cộng Hòa. Saudi Arabia và Jordan yểm trợ cho phe quân chủ. Ɖến năm 1969 phe bảo hoàng bị đánh bại. Bắc Yemen trở thành nước Cộng Hòa Á Rập Yemen.
  • Phía Nam chịu ảnh hưởng của người Anh. Anh chiếm cảng Aden, cửa ngõ tiến vào Hồng Hải từ Ấn Ɖộ Dương, từ năm 1839. Người Anh duy trì ảnh hưởng ở Nam Yemen đến năm 1967 mới trao trả độc lập. Nam Yemen trở thành Cộng Hòa Nhân Dân Yemen, một quốc gia Hồi Giáo nghiêng hẳn về khối Cộng Sản. Cộng Hòa Nhân Dân Yemen trở thành Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân năm 1970. Nền Cộng Hòa Hồi Giáo mang màu sắc Xã Hội Chủ Nghĩa nầy nhận viện trợ của Liên Sô và Trung Quốc. Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Ɖông Âu. Miền nam Yemen Xã Hội Chủ Nghĩa mất nguồn viện trợ từ khối Cộng Sản.

Năm 1990 miền Bắc và Nam Yemen thống nhất để cho ra đời Cộng Hòa Yemen. Tổng thống Ali Saleh của Cộng Hòa Á Rập Yemen (Bắc Yemen) đắc cử tổng thống Cộng Hòa Yemen. Cộng Hòa Yemen thân Saudi Arabia và Tây Phương nhưng tổng thống Saleh ủng hộ Saddam Hussein trong việc xâm lăng Kuwait năm 1990. Saleh trở thành nhà lãnh đạo vừa độc tài vừa mị dân. Ȏng là tổng thống từ năm 1978 ở miền Bắc Yemen và tổng thống nước Yemen thống nhất năm 1990 đến tháng 10 năm 2011 khi dân chúng Yemen theo gương Tunisia, Ai Cập, Libya vùng lên chống lại các nhà lãnh đạo độc tài và tham nhũng khư  khư nắm chánh quyền trọn đời. Phe nổi dậy đòi Saleh từ chức. Saleh dùng võ lực đàn áp. Họ bắn vào dinh tổng thống khiến Saleh bị trọng thương phải sang Saudi Arabia chữa bịnh. Về nước, ông bị áp lực của phe đối lập phải từ chức để phó tổng thống Mansur Hadi xử lý quyền tổng thống.

Năm 2012 Hadi đắc cử tổng thống. Cộng Hòa Yemen rơi vào trạng thái bất ổn thường xuyên. Ɖó là môi trường hoạt động của khủng bố Al Qaeda, bạo động tôn giáo và sắc tộc. Hoa Kỳ dùng phi cơ không người lái để oanh tạc nơi trú ẩn của khủng bố. Trong nước có nhiều phe chống đối chánh quyền thân Tây Phương. Ngoài Al Qaeda còn có nhóm Ansar Allah, tức phong trào Zaidi Shia của người Yemen thuộc phái Shiite và tộc Zaidi. Nhóm nầy được sự giúp đỡ của Iran, hiện được biết dưới tên nhóm Houthis vì nhóm nầy đặt dưới sự chỉ huy của một thủ lãnh trẻ sinh năm 1982 tên là Abdul Malik al Houthi. Vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015  nhóm Houthis chiếm quốc hội và thủ đô Sana và thành lập Ủy Ban Cách Mạng do Abdul Malik al Houthi cầm đầu. Tổng thống Hadi chạy về Aden. Khi Aden bị nhóm Houthis vây hãm, tổng thống Hadi phải rời Yemen. Một liên minh các nước Á Rập gồm Saudi Arabia, Liên Hiệp Á Rập Emirates, Kuwait, Qatar, Jordan, Morocco, Bahrain, Sudan, Ai Cập, Pakistan được thành lập để chống lại nhóm Houthis. Saudi Arabia oanh tạc Aden để chận đứng sự tiến quân của nhóm Houthis. Hoa Kỳ không tham gia vào cuộc oanh tạc, nhưng đồng ý để liên minh các nước Á Rập oanh tạc Houthis. Liên minh các nước Á Rập có thể đưa quân vào Yemen để đánh quân Houthis. Yemen trở thành chiến trường giữa Hồi Giáo Sunni và Shiite và gián tiếp giữa Saudi Arabia và Iran. Dù trực tiếp hay gián tiếp Nga và Trung Quốc đứng sau Iran. Iran đứng đàng sau chánh phủ Shiite của Iraq ở Baghdad, nhà độc tài Assad của Syria, nhóm Hezbollah ở Lebanon và Abdul Malik al Houthi ở Yemen.

Khung thỏa thuận của cuộc đàm phán về nguyên tử Iran ở Lausanne ngày 02-04-2015 như thế nào chưa rõ, chỉ biết rằng Saudi Arabia, các nước quân chủ Hồi Giáo Sunni lẫn Do Thái, tức là các nước đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ đang lo âu không ít. Nhà ngoại giao Mohammed Javad Zarif của Iran về nước và được tiếp đón như người thắng trận trở về. Thời gian sẽ trả lời đó là sự thắng lợi của tổng thống Obama và ngoại trưởng Kerry hay của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Khi thoả ước được ký kết, ngoại trưởng Kerry và ngoại trưởng Iran Zarif sẽ cùng chia giải thưởng Nobel hòa bình như Kissinger và Lê Ɖức Thọ (1) năm 1973. Ɖược giải thưởng Nobel Hòa Bình và việc mang lại hòa bình là hai chuyện khác nhau, đôi khi còn có kết quả ngược lại.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_______________

(1) Ȏng Lê Ɖức Thọ không nhận nửa giải Nobel Hòa Bình.

Nguồn bài đăng

0