Niên biểu Nhà Mạc
Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc Lê Thành Lân Nước có lúc mạnh lúc yếu, mỗi triều đại có lúc thịnh lúc suy. Có thịnh mới giành được nước, có suy mới bị diệt vong. Nhà Mạc không ngoài lệ ấy. Nhà Mạc chưa kịp cho viết sử về triều đại mình. Các sử quan triều Lê trung hưng và ...
Lê Thành Lân
Nước có lúc mạnh lúc yếu, mỗi triều đại có lúc thịnh lúc suy. Có thịnh mới giành được nước, có suy mới bị diệt vong. Nhà Mạc không ngoài lệ ấy.
Nhà Mạc chưa kịp cho viết sử về triều đại mình. Các sử quan triều Lê trung hưng và triều Nguyễn vẫn chỉ coi nhà Mạc là ngụy triều hoặc họ dùng một mỹ từ là nhuận triều để gọi. Điều đáng tiếc là họ không viết một kỷ dành riêng cho nhà Mạc mà chỉ phụ chép. Thái độ đó còn ảnh hưởng mãi về sau, đến những người làm niên biểu gần đây vẫn chép phụ một Thế phả họ Mạc, xếp cùng với thế phả họ Trịnh và thế phả họ Nguyễn. Từ cách nhìn thiên lệch ấy, dẫn đến chỗ không chú ý đến sưu tầm tư liệu về nhà Mạc, không khảo cứu cho chính xác, được chăng hay chớ. Đến thời chúng ta tư liệu chẳng còn được bao nhiêu, muốn khảo cứu cũng khó.
Có lẽ trong số các sử gia xưa, chỉ có Lê Quý Đôn có một ý thức rõ ràng về việc sưu tầm tư liệu và viết riêng về nhà Mạc trong Đại Việt thông sử(1), tuy vậy ông vẫn phải dùng từ nghịch thần. Ông cầm bút sau những năm tháng sôi động của nhà Mạc khoảng 200 năm, tất nhiên cũng có chịu ảnh hưởng của những tư liệu và cách nhìn của nhóm tác giả Đại Việt sử ký toàn thư(2), nhưng rõ ràng tư liệu của ông còn khá phong phú, nhiều chỗ có thể đính chính lại những sai sót của họ, như ta sẽ thấy sau này.
Gần đây, có nhiều người đã hướng sự chú ý của mình về nhà Mạc, điều này cũng tự nhiên khi có một cách nhìn mới sẽ có nhiều phát hiện mới. Chúng tôi vì thế mà được đọc và tiếp thu nhiều ý kiến cũng như tư liệu mới qua các tác phẩm Văn bia thời Mạc(3) Mạc thị thế phả hợp biên(4), Vương triều Mạc(5). Những kết quả nghiên cứu này mới chỉ là bước đầu, một ý tưởng, một phác họa, đôi chỗ chưa chuẩn xác, sơ lược. Dưới góc nhìn niên đại học, chúng tôi muốn đóng góp một chút vào thành quả chung đó.
Một chục năm trước, chúng tôi đã có ý định biên soạn lại niên biểu Việt Nam, nhất là niên biểu nhà Mạc, lúc đó chúng tôi đã nhận thấy có những chỗ sai lệch lớn, chẳng hạn năm sinh, năm lên ngôi của Mạc Mậu Hợp và viết bài Vài ý kiến về việc biên soạn niên biểu Việt Nam(6).
Có lẽ người đầu tiên làm một niên biểu Việt Nam tương đối hệ thống và chi tiết là Cadière với cái tên Tableau chronologique des dynasties Annamites(7). ở đó, chủ yếu ông đã tham khảo Việt sử thông giám cương mục(8) và Đại Việt sử ký toàn thư, và dường như không tham khảo Đại Việt thông sử. Kể ra đối với niên biểu Việt Nam nói chung thì như thế là được, nhưng riêng về nhà Mạc có lẽ là không đủ và đã dẫn đến một vài sai sót đáng lẽ có thể tránh được. Nguyễn Bá Trác viết Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu(9) dường như độc lập với Cadière, nhưng kết quả cũng gần như vậy, đặc biệt là còn bỏ xót các niên hiệu: Đoan Thái, Hồng Ninh và Long Thái. Vụ Bảo tồn bảo tàng biên soạn cuốn Niên biểu Việt Nam(10), chỉ là kế thừa các tác giả đi trước, không sáng tạo thêm gì, làm thô đi bằng cách không ghi ngày cải nguyên, vì thế không làm rõ được các năm có hai niên hiệu, đặc biệt chép các vua nhà Mạc vào mục thế phả như họ Nguyễn và họ Trịnh là không đăng đối về lịch sử. So với cuốn lịch trên, Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử(11) của Nguyễn Trọng Bỉnh đã cố gắng chi tiết hoá đến ngày cải nguyên, nhưng hơi rườm rà và có phần không chính xác, như cho rằng Mạc Mậu Hợp có miếu hiệu là Mục Tông… Nhìn chung các niên biểu này đại để là giống nhau và có chỗ không chính xác.
Sự giống nhau giữa cá niên biểu này làm cho nhiều người hoàn toàn yên tâm, tin tưởng và do đó dẫn đến những sai sót. Tất nhiên, mỗi người có một chuyên môn riêng, khi đã động đến niên đại thì phải dùng các niên biểu này và vì thế mà dẫn đến sai sót thì cũng chẳng đáng trách. Đặng Kim Ngọc trong Vương triều Mạc là một ví dụ, anh viết: “ảnh hương của nhà Mạc đậm nhất là ở vùng Thăng Long và sứ Hải Dương. Các vùng khác rất ít tiếp xúc với chính quyền trung ương. Một ví dụ để chứng minh cho điều này: một số bia đã được dựng ở Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình khi dùng niên hiệu vua Mạc, không biết niên hiệu đó đã được thay đổi bằng một niên hiệu mới. Ví dụ như niên hiệu Quang Bảo có 8 năm (1554 – 1561), từ 1562 trở đi thuộc niên hiệu Thuần Phúc. Thế nhưng trên bia Hậu thần từ vũ bi ký ở huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội lại ghi năm Quang Bảo thứ 9 (1562), hoặc bia trùng tu Thanh Quang tự ở huyện Trực Ninh (Hà Nam Ninh) lại ghi năm Quang Bảo thứ 10 (1563)… (5, tr.67). Chúng tôi không bàn về nhận định trên của Đặng Kim Ngọc mà chỉ bàn về thí dụ của anh. Thí dụ đó không đắt vì thật ra các văn bia đều đúng cả, niên hiệu Quang Bảo được dùng 10 năm, từ đầu năm ất Mão (1555) đến hết năm Giáp Tý (1564) (chú ý rằng từ tháng Hai năm Giáp Tý đã sang thời Mạc Mậu Hợp, nhưng còn dùng niên hiệu Quang Bảo). Năm khởi đầu và năm kết thúc của niên hiệu Quang Bảo ở các niên biểu cũ đều sai cả. Đinh Khắc Thuân dịch Văn bia thời Mạc gặp những bia tương tự, cũng nghĩ như Đặng Kim Ngọc, dựa vào các niên biểu cũ mà ghi chú rằng bia sai, thế là lấy cái sai làm chuẩn để chú cho cái đúng. Các tác giả của Các nhà khoa bảng Việt Nam(12) cũng đã tin vào niên biểu cũ nên bị nhầm.
Rõ ràng có một nhu cầu khẩn trương soạn lại và công bố một niên biểu mới và chính xác về nhà Mạc, nhất là khi có nhiều người hướng vào việc nghiên cứu triều Mạc.
Hôm nay, chúng ta gặp một xu hướng mới, tạm gọi là “tìm lại nguồn gốc”, nhiều dòng họ đang chắp nối lại các chi phái, xây dựng các phả hệ, họ cần biết hành trạng của các tiên tổ của mình: ngày sinh, ngày thi đỗ, ngày nhậm chức, ngày kỵ…, khi đó họ cũng cần một niên biểu chính xác. Hy vọng niên biểu này của chúng tôi đáp ứng phần nào nhu cầu này.
Chúng tôi xin tóm tắt một vài kết quả mà chúng tôi đã thu được.
Chúng tôi đã dùng 6 bia (số 36, 39, 40, 47, 33 và 38) ở sách Văn bia thời Mạc và 2 khoa thi trong Đăng khoa lục(13) là: khoa thứ 13 vào năm Thuần Phúc 1 là năm Ất Sửu (1565) và khoa thi thứ 14 vào năm Thuần Phúc 4 là năm Mậu Thìn (1568) để chứng minh rằng Đại Việt thông sử (1, tr.311-313) đã viết đúng:
– Tháng Hai năm Quý Hợi (1563) Mạc Mậu Hợp sinh;
– Tháng Hai năm Giáp Tý (1564) Mạc Mậu Hợp lên làm vua;
– Lấy năm sau là Ất Sửu (1565) làm năm Thuần Phúc thứ nhất.
Chúng tôi ai cũng đã dùng hơn 60 bia trong số 147 bia + 1 chuông trong Văn bia thời Mạc cùng với niên đại của 22 khoa thi thời Mạc trong Đăng khoa lục xác định lại được 7 niên hiệu sau:
– Quang Bảo, gồm 10 năm, từ đầu năm Ất Mão đến hết năm Giáp Tý (1555 – 1564) chứ không phải 1554 – 1561.
– Thuần Phúc, gồm 4 năm, từ đầu năm ất Sửu đến giữa năm Mậu Thìn (1565-1568) chứ không phải 1562-1565.
– Sùng Khang, gồm 11 năm, từ giữa năm Mậu Thìn đến giữa năm Mậu Dần (1568 – 1578) chứ không phải 1566 – 1577.
– Diên Thành, gồm 8 năm, từ giữa năm Mậu Dần đến giữa năm Ất Dậu (1578 – 1585) chứ không phải từ đầu năm Mậu Dần đến hết năm Ất Dậu.
– Đoan Thái, gồm 4 năm, từ giữa năm ất Dậu đến giữa năm Mậu Tý (1585 – 1588) chứ không phải 1586 -1587.
– Hưng Trị, gồm 4 năm, từ giữa năm Mậu Tý đến giữa năm Tân Mão (1588 – 1591) chứ không phải 1588-1590.
– Hồng Ninh, gồm 2 năm, từ giữa năm Tân Mão đến gần cuối năm Nhâm Thìn (1591 – 1592) chứ không phải từ đầu năm Tân Mão đến gần cuối năm Nhâm Thìn.
Trước khi xây dựng niên biểu nhà Mạc, chúng ta cần có một cái nhìn tổng quát về giai đoạn lịch sử nước nhà từ 1527 đến 1802 nêu trong bảng 1: Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn phân liệt.
Tình hình đất nước giai đoạn này rất phức tạp, nhiều thế lực phong kiến vì quyền lợi ích kỷ của dòng họ mình tranh giành nhau quyền vị; đất nước bị phân chia, lúc thì Nam – Bắc triều, lúc thì Trịnh – Nguyễn phân liệt; chiến tranh liên miên, lúc thì giữa thế lực nhà Mạc với Lê – Trịnh, lúc thì Trịnh – Nguyễn, lúc thì Tây Sơn với chúa Nguyễn, đất nước chẳng mấy lúc được bình yên.
Cặp phạm trù chính triều – nhuận triều (hàm ý: ngụy triều) theo thiên kiến của các sử gia xưa, giờ đây không còn thích hợp cho việc soạn niên biểu nữa. Ở đây, chúng tôi dùng cặp phạm trù (vương) triều chính thức – (vương) triều cùng thời theo vai trò của triều đại đó về mặt kinh tế, văn hoá, quản lý xã hội, phạm vi lớn nhỏ về đất đai mà họ chiếm giữ, trong một chừng mực nhất định có đặt vấn đề họ có giữ được Thủ đô Thăng Long hay không.
Theo cách nhìn đó, thời Nam – Bắc triều, nhà Mạc được coi là triều chính thức, họ quản lý một phần đất đai rộng lớn ở phương Bắc, trong đó có Thủ đô Thăng Long; trong 60 năm ấy họ liên tục 3 năm một lần tổ chức được 20 khoa thi lấy đỗ hơn 400 Tiến sĩ, trong khi đó thế lực Lê – Trịnh đang nhen nhóm dần từ bên Lào, rồi về vùng Thanh Nghệ, mấy lần đánh ra Thăng Long rồi lại rút về; năm 1554 mới lần đầu cho thi Chế khoa, đến năm 1592 mới tổ chức được 7 khoa thi và lấy đỗ không nhiều, bởi vậy ta tạm coi là triều cùng thời. Từ 1593, thời Trịnh – Nguyễn phân liệt, nhà Lê – Trịnh mới được coi là triều chính thức, còn nhà Mạc là triều cùng thời.
Để thấy rõ quan hệ giữa các triều vua và các họ (về sau là các chúa) Trịnh, Nguyễn, chúng tôi bố trí bảng 1 thành 4 cột tạo nên một bảng không – thời gian, vừa biểu hiện tính đồng đại vừa biểu hiện tính lịch đại. Cột 1 dành cho triều chính thức. Cột 4 dành cho triều cùng thời. Cột 2 lúc đầu dành cho họ Trịnh và về sau là chúa Trịnh. Cột 3 lúc đầu dành cho họ Nguyễn và về sau là chúa Nguyễn.
Việc phân chia các giai đoạn hoàn toàn có tính chất tương đối. Chúng tôi tạm lấy ngày 16 tháng Tư năm Quý Tỵ (16-5-1593) là ngày Lê Thế Tông vào Thăng Long, đánh dấu sự thắng lợi có tính chất quyết định của thế lực Lê – Trịnh làm mốc kết thúc thời kỳ Nam – Bắc triều, từ đó thế lực nhà Mạc bị thu hẹp dần, cuối cùng chỉ còn chiếm giữ 4 huyện ở Cao Bằng cho đến 1677.
Điểm mốc phân ra Lê trung hưng và Lê mạt thực ra không rõ ràng, có thể ở cuối thế kỷ sau; nhưng với việc Trịnh Tùng xưng Bình An vương vào tháng Tư năm Kỷ Hợi (1599), bắt đầu thời vua Lê chúa Trịnh, thì vua Lê chỉ còn là hư vị, ta có thể tạm lấy mốc đó.
Họ Trịnh và họ Nguyễn đều lấy danh nghĩa Lê để cai quản đất nước. Sau việc Trịnh Tùng xưng vương, năm 1600 Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá cát cứ, có thể coi là bắt đầu thời Trịnh – Nguyễn phân liệt. Trịnh – Nguyễn đánh nhau chỉ từ 1627. Họ Nguyễn mãi đến năm Giáp Tý (1744) mới xưng vương.
Niên biểu nhà Mạc được chia làm 3 giai đoạn:
M.a. 1527 – 1533: Một mình thống trị đất nước,
M.b. 1533 – 1593: Có thể coi là triều chính thức (Bắc triều).
Hai giai đoạn đó gồm chung vào bảng 2: triều chính thức.
M.c. 1593 – 1677: Được coi là triều cùng thời, lập thành bảng 3.
Nói chung, đối với triều chính thức, chúng tôi bố trí thành 10 cột, như ở bảng 2: Niên biểu nhà Mạc; A. Triều chính thức.
Cột 1 ghi thứ tự các vua của một triều đại.
Cột 2 ghi tên thật (húy) của vua; khi vua mất thì ghi miếu hiệu được vua con tân phong.
Cột 3 ghi các triều đại phong kiến phương Bắc hoặc nước thực dân thống trị khi đất nước bị ngoại thuộc. Trong trường hợp này ta bỏ trống.
Cột 4 ghi số năm tại ngôi của vị vua đó. Khi bị ngoại thuộc thì ghi số năm bị thống trị.
Cột 5 ghi niên hiệu. Khi chưa lên ngôi thì ghi các chức tước được đảm nhận. Ngoài ra còn ghi việc sinh, tử nếu biết rõ niên đại.
Cột 6 ghi số năm dùng niên hiệu đó. Chú ý là có những năm dùng 2 niên hiệu, nên được tính hai lần, tổng số năm dùng các niên hiệu của một vị vua sẽ lớn hơn hoặc bằng số năm tại ngôi, chẳng hạn Mạc Mậu Hợp ở ngôi 29 năm, dùng 7 niên hiệu (kể cả niên hiệu Quang Bảo, được dùng tiếp cho đến hết năm), nếu đem cộng một cách “máy móc” thì số năm dùng 7 niên hiệu đó sẽ là 34 !
Cột 7 ghi ngày, tháng (nếu có thể biết được) và năm can chi bắt đầu dùng niên hiệu đó.
Cột 8 ghi năm dương tương ứng với năm can chi ở cột 7, cốt để dễ tính, dễ hình dung.
Cột 9 ghi các niên hiệu của Trung Quốc tương ứng. Khi chưa lên làm vua, các chức tước được ghi theo niên hiệu của triều chính thức, ở đây là triều Lê tương ứng.
Cột 10 ghi đời vua tương ứng niên hiệu ở cột 9.
Kèm theo niên hiệu và đời vua, chúng tôi có ghi một phân số, tử số là niên thứ, mẫu số là số năm niên hiệu đó được dùng hay số năm tại ngôi của vị vua đó, để khi tính toán không bị “vượt khung”. Chẳng hạn niên hiệu Sùng Khang 1 ứng với niên hiệu Long Khánh 2/6 nhà Minh. Như vậy, Sùng Khang 6 không thể ứng với Long Khánh 7 được nữa, bởi thế là “vượt khung”, do Long Khánh chỉ được dùng có 6 năm. Ta có thể tìm ra Sùng Khang 6 ứng với Vạn Lịch 1 đời vua Thần Tông.
Bảng 3 là niên hiệu nhà Mạc khi là triều cùng thời, có cấu trúc gần giống bảng 2, khác là đã bỏ đi cột 3, chỉ còn 9 cột, do đó số thứ tự các cột tương ứng mà giảm đi 1. Cột 8 và cột 9 chỉ để đối chiếu với triều chính thức.
Đi sâu, cụ thể vào từng bảng, theo từng vị vua cần có lời bàn thêm cho rõ: những chỗ này, chúng tôi có đánh dấu hoa thị (*).
1. Về Mạc Đăng Dung:
Cuốn Vương triều Mạc ghi sai ngày sinh và ngày mất của ông do đem ghép ngày tháng âm vào năm dương (5, tr.14). Tộc phả họ Mạc ở Nghệ Tĩnh lại nhầm ngày mất của ông ghi theo can chi thành ra năm mất, nên sai lệch lớn.
– Về niên hiệu Hồng Thuận của nhà Lê được đem đối chiếu cũng cần bàn: Đại Việt sử ký toàn thư có ghi năm Canh Ngọ sai thành năm thứ 1(2, tr.57), đúng ra phải là năm thứ 2; còn việc ghi năm Tân Mùi là năm thứ 3(2, tr.63) thì đúng.
– Năm Bính Tý ở nhà Lê ứng với 2 niên hiệu. Việc Mạc Đăng Dung được phong chức Tả Đô đốc là sau khi nhà Lê đã cải nguyên thành Quang Thiệu vào ngày 27 tháng Tư năm đó.
2. Về Mạc Đăng Doanh:
– Tháng Chạp năm Kỷ Sửu (1529) Mạc Đăng Doanh xưng làm Hoàng đế, tôn Đăng Dung làm Thái thượng hoàng. Đến đầu năm sau Đăng Doanh mới lấy niên hiệu là Đại Chính. Lê Qúy Đôn ghi ngày mồng 1 tháng Giêng năm Canh Dần (1530) này là ngày Đinh Hợi (1, tr.269), có lẽ sai, theo chúng tôi phải là ngày Nhâm Thìn.
– Đăng Doanh miếu hiệu là Thái Tông. Do thời Nguyễn húy vua Thiệu Trị, mà sử sách sau đó đều ghi chữ Tông thành Tôn.
– Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng Đăng Doanh mất ngày 15 (2, tr.131), Lê Qúy Đôn lại viết là ngày 25, ông còn ghi ngày đó là ngày Mậu Ngọ (1, tr.179), đúng với lịch pháp; nên chúng tôi tin theo Lê Qúy Đôn.
3. Mạc Phúc Hải còn có tên là Đức Nguyên theo Đại Việt thông sử (1, tr. 280). Chữ Nguyên này có ý nghĩa là bắt đầu. Con ông là Phúc Nguyên, với chữ Nguyên có nghĩa là nguồn nước. Có người băn khoăn về trường hợp này, hai cha con có tên đồng âm khác nghĩa, liệu có đúng như vậy không ? Theo chúng tôi, quả thật Phúc Hải có tên là Đức Nguyên. Điều này phải dựa vào kết quả khảo về chữ húy.
Trong Nghiên cứu chữ húy trên các văn bản Hán Nôm (18, tr.63), Ngô Đức Thọ cho biết các địa danh có âm Dung và Nguyên được đổi thành tên khác dưới triều Mạc, nhưng các địa danh có âm Doanh và Hải không thấy đổi. Trong văn bia không thấy buộc phải kiêng húy âm Dung, thậm chí cả chữ Nguyên là nguồn nước, nhưng lại thấy viết kiêng húy chữ Nguyên là bắt đầu.
Trong các văn bia, khi ghi năm đầu một niên hiệu, thường người ta viết là “nguyên niên”. Trước khi Phúc Hải lên làm vua, ta thấy trong các văn bia thời Mạc có 3 lần dùng chữ “nguyên niên”; đó là bia số 3 trong cuốn Văn bia thời Mạc dựng năm Canh Dần (1530) có một lần viết “Minh Đức nguyên niên”, lần sau lại viết “Đại Chính nguyên niên”; bia số 4 dựng năm Tân Mão (1531) cũng viết “Đại Chính nguyên niên” không kiêng kỵ gì (3, tr.37-38, 40). Nhưng, sau khi Phúc Hải lên ngôi vào năm Canh Tý (1540), chúng tôi thấy có đến 25 lần theo lẽ thường nên viết là “nguyên niên” đều đổi khắc là “sơ niên”, bắt đầu từ bia số 15, khắc năm “Quảng Hòa sơ niên” (1541) (3, tr.64).
Chúng tôi bàn kỹ điều này, vì đây cũng là trường hợp ít thấy, hai vua cùng triều có tên tuy chữ viết khác nhau, nhưng lại đồng âm (Một trường hợp khác, cũng có khía cạnh tương tự, tuy không hoàn toàn giống là ở triều Nguyễn: Vua Minh Mệnh có tên là Nguyễn Phúc Kiểu, chữ Kiểu này có sách phiên âm là Hiệu; vua Kiến Phúc có tên là Nguyễn Phúc Hạo, có sách cũng phiên chữ Hạo này là Hiệu). Các tác giả Tộc phả họ Mạc ở Nghệ Tĩnh chắc có phân vân về tên gọi Đức Nguyên này nên không ghi lại, nhưng ghi lại một tên gọi khác của Phúc Hải là Đăng Hàn (14, tr.31), tiếc rằng không dẫn rõ căn cứ vào đâu.
4. Mạc Phúc Nguyên: dùng 4 niên hiệu: năm đầu dùng tiếp niên hiệu Quảng Hoà của vua cha cho đến hết năm; sau đó dùng các niên hiệu Vĩnh Định, Cảnh Lịch và Quang Bảo. Theo khảo cứu của chúng tôi qua 6 văn bia: 26, 28, 32, 33, 38, đặc biệt là bia số 23 (3, tr.77) việc cải nguyên Quang Bảo, muộn hơn ở các sách khác 1 năm, cụ thể là vào năm ất Mão (1555).
– Chúng tôi theo Đại Việt thông sử mà cho rằng Phúc Nguyên mất vào ngày 7 tháng Hai năm Giáp Tý (1564) (1, tr.311); có lẽ Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng ông mất vào tháng Chạp năm Tân Dậu (1561) (2, tr.146) là sai. Điều này dễ hiểu khi ta khảo cứu kỹ về Mạc Mậu Hợp.
5. Các niên đại liên quan đến Mạc Mậu Hợp là phức tạp nhất, đa phần do Đại Việt sử ký toàn thư viết sai hoặc không rõ; hầu hết các sách sử, niên biểu đều theo đó mà viết sai. Nhưng, cũng rất may là chúng ta có hơn 40 văn bia có niên đại chính xác làm thành một hệ thống hoàn chỉnh giúp ta chỉnh lý lại. Phối hợp với các cuốn cổ sử, có những niên đại ta có thể xác định chính xác đến ngày tháng, đôi chỗ chỉ biết nó xê dịch trong khoảng một vài tháng.
– Theo truyền thống, năm đầu Mậu Hợp dùng tiếp niên hiệu Quang Bảo của vua cha, tiếp theo là 6 niên hiệu nữa: Thuần Phúc, Sùng Khang, Diên Thành, Đoan Thái, Hưng Trị và Hồng Ninh.
– Bia số 36 ghi: “Thuần Phúc vạn vạn niên chi số, tuế tại Chiên Mông, Xích Phấn nhược; trọng thu cốc đán” (3, tr.112). Rõ ràng Thuần Phúc 1 là năm Ất Sửu (1565)
– Ngược lên ta biết ông lên làm vua năm Bính Tý (1564), đúng nhưĐại Việt thông sử đã viết (1, tr. 311); cũng từ đó ta có lý do để thừa nhận Đại Việt thông sử đã viết đúng về ngày mất của Phúc Nguyên.
– Theo bia số 47 (3, tr.134) và bia số 45 (3, tr.129) ta biết được việc cải nguyên Sùng Khang được tiến hành sau tháng Giêng và trước hoặc trong tháng Một năm Mậu Thìn (1568), chứ không phải đầu năm Bính Dần (1566) như đã ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư (2, tr.151).
– Chúng tôi theo Việt sử thông giám cương mục (8, tr.1381) cho rằng cải nguyên Diên Thành vào tháng 7 năm Mậu Dần (1578). Điều này không mâu thuẫn với văn bia.
– Theo bia số 99 (3, tr.242) và bia số 103 (3, tr.250) ta có thể thấy việc cải nguyên Đoan Thái trong khoảng thời gian từ mồng 3 tháng Sáu đến 25 tháng Mười năm ất Dậu (1585) chứ không phải đầu năm Bính Tuất (1586) như Đại Việt sử ký toàn thư (2, tr.175) đã viết. Tuy vậy, theo tinh thần đoạn văn trong Đại Việt sử ký toàn thư ấy, cũng như trong Đại Việt thông sử ta có thể đoán định thêm rằng việc cải nguyên được tiến hành đúng vào ngày 28 tháng Sáu năm ất Dậu (1, tr.344). Theo bia số 122 (3, tr.288) ta biết tháng Năm năm Mậu Tý (1588) vẫn còn thuộc niên hiệu Đoan Thái, việc cải nguyên Hưng Trị sẽ phải sau tháng Năm đó chứ không phải ngay đầu năm như Đại Việt sử ký toàn thư đã viết (2, tr.178).
– Việc cải nguyên Hồng Ninh phải sau tháng Tám, theo bia số 140 (3, tr.331) và trước mồng 3 tháng Chạp năm Tân Mão (1591), theo bia số 144 (3, tr.377) chứ không phải ngay đầu năm như trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết (2, tr.182).
– Mậu Hợp mất tháng Chạp năm Nhâm Thìn, theo lẽ thường năm Nhâm Thìn ứng với năm 1592, nhưng lúc này đã sang năm 1593.
– Tộc phả họ Mạc ở Nghệ Tĩnh đã theo Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử (11, tr.382, 384) mà ghi miếu hiệu của Mậu Hợp là Mục Tông, có lẽ là sai, chúng tôi chưa thấy cuốn sử nào viết như vậy. Có thể Nguyễn Trọng Bỉnh đã nhầm với Mục Tông nhà Minh, được chép ngay gần đấy trong Đại Việt thông sử (1, tr.314, 315).
6. Mạc Toàn làm vua có 3 tháng, từ cuối năm này sang đầu năm sau nên coi là 2 năm.
7. Mạc Kính Chi cũng như Mạc Toàn, nhưng trong 2 năm đó, dùng 2 niên hiệu: niên hiệu Bảo Định chỉ gần 2 tháng, niên hiệu Khang Hựu không đầy 1 tháng.
8. Mạc Kính Cung lên làm vua lấy niên hiệu là Càn Thống vào tháng Ba năm Lê Quang Hưng thứ 16, tức là năm Quý Tỵ (1593), người dịch Đại Việt thông sử đã ghi chú lầm thành năm 1592 (1, tr.366).
9. Mạc Kính Khoan đầu hàng nhà Lê trung hưng và được phong Thông quốc Công vào tháng Sáu năm Ất Sửu (1625). Đến đây coi như niên hiệu Long Thái chấm dứt.
10. Mạc Vũ Kính chạy sang Trung Quốc tháng Tám năm Đinh Tỵ (1677). Đến đây nhà Mạc mới chấm dứt.
Để kết thúc, xin thuật lại việc chúng tôi làm lại niên biểu nhà Mạc.
Mười năm trước, khi viết bài Vài ý kiến về việc biên soạn niên biểu Việt Nam, chúng tôi thấy Đại Việt sử ký toàn thư viết Mạc Mậu Hợp nối ngôi Phúc Nguyên vào tháng Chạp năm Tân Dậu (1561), lấy đầu năm sau là Nhâm Tuất (1562) làm năm Thuần Phúc thứ nhất (2, tr.147). Trong khi đó Đại Việt thông sử lại cho biết Mậu Hợp sinh vào tháng Hai năm Chính Trị thứ sáu, tức năm Qúy Hợi (1563) (1, tr.311). Thật là mâu thuẫn: chẳng lẽ Mậu Hợp lên làm vua, rồi 14 tháng sau mới chào đời ?
Giờ đây, trả lời câu hỏi đó, chúng tôi mới khẳng định Đại Việt thông sử viết đúng, nhưng vẫn còn những chỗ khác viết sai.
Khi đọc Mạc thị thế phả hợp biên, chúng tôi thấy các tác giả dường như đã ngẫu nhiên mà tìm thấy một sự thật là Mạc Mậu Hợp lên ngôi vào năm 1564 (tr. 40), nhưng rồi lại trở về với định kiến cũ: niên hiệu Thuần Phúc từ 1562 đến 1565 (tr.54). Đối với chúng tôi lúc ấy Thuần Phúc chỉ còn có một năm 1565. Đọc tiếp, chúng tôi thấy sách ấy mô tả hiện vật. “Khuông trị vệ lăng xuyên tiền sở chi ấn” do “Thượng bảo ty tạo” mà bên trái ấn có ghi Thuần Phúc 3 (tr.128). Thế là quả ấn này đã phá khung 1 năm của Thuần Phúc. Vậy là Sùng Khang cũng sai. Chúng tôi bèn quyết định xây dựng lại niên biểu này hoàn toàn từ các văn bia không phụ thuộc vào các niên biểu hiện có. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: một hệ thống hoàn chỉnh, không một mâu thuẫn nội tại. Chúng tôi trao đổi với PTS. Ngô Đức Thọ để đối chiếu với Đăng khoa lục, thì thấy chúng khớp nhau hoàn toàn.
Thế là các hiện vật của một thời xa xưa đã nói lên tiếng nói chân thật về thời đại mình !
BẢNG 2: NIÊN BIỂU NHÀ MẠC.
A. TRIỀU CHÍNH THỨC 1527 – 1593
BẢNG 2: NIÊN BIỂU NHÀ MẠC.
A. TRIỀU CÙNG THỜI 1593 – 1677
TÀI LIỆU DẪN
(1) Lê Quý Đôn toàn tập. Tập III. Đại Việt thông sử. Nxb. KHXH. 1978.
(2) Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê. Đại Việt sử ký toàn thư. Tập IV. Nxb. KHXH, H. 1973.
(3) Đinh Khắc Thuân (Sưu tầm, khảo cứu, dịch chú). Văn bia thời Mạc . Nxb. KHXH, H. 1996.
(4) Hoàng Lê (Biên soạn). Mạc thị thế phả hợp biên (Lưu hành nội bộ) H. 1988.
(5) Viện Sử học. Vương triều Mạc. Nxb. KHXH, 1996.
(6) Lê Thành Lân: Vài ý kiến về việc biên soạn niên biểu Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử, số 6 (231), 1986, tr.61-68.
(7) Cadière, M. L. Tableau chronologique des dynasties annamites.BEFEO, t. V. 1905, tr. 77-145.
(8) Quốc sử quán Thế kỷ XIX. Việt sử thông giám cương mục. Tập XIV, NXB. Văn sử địa. Hà Nội. 1957.
(9) Nguyễn Bá Trác. Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu. Đắc lập ấn quán. Huế. 1924.
(10) Vụ bảo tồn bảo tàng. Niên biểu Việt Nam. Nxb. KHXH. 1970.
(11) Nguyễn Trọng Bỉnh, Nguyễn Linh, Bùi Viết Nghị. Bảng đối chiếu âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử. Nxb. KHXH. 1976.
(12) Các nhà khoa bảng Việt Nam. Ngô Đức Thọ (Chủ biên), Nxb. Văn học, 1993.
(13) Đăng khoa lục. Ký hiệu VHv.650. Thư viện Viện Hán Nôm.
(14) Phan Xuân Thủy, Phan Đăng Diêu, Phan Đăng Ngàn. Tộc phả họ Mạc ở Nghệ Tĩnh. (Lưu hành trong nội bộ). 1979.
(15) Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy trên các văn bản Hán Nôm,Luận án Phó Tiến sĩ khoa học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm 1995.
(*) Cách gọi này theo gợi ý của Phó Tiến sĩ Ngô Đức Thọ. Mười năm trước, khi bàn về việc làm niên biểu (6), chúng tôi đã dùng cặp phạm trù Chính triều – đồng triều (phụ triều)./.
Nguồn bài đăng