Thông tin

Số điện thoại 0350.364. 0297

Email thptclhp@gmail.com

Website http://thpt-lehongphong-nd.edu.vn/

Địa chỉ 76 Vỵ Xuyên - Thành phố Nam Định - Nam Định

Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định

Từ năm học 2013-2014, nhà trường có chủ trương ghi lịch sử nhà trường chi tiết cho từng năm một. Do vậy từ trang này trở, đi để tiện theo dõi tiến trình lịch sử của nhà trường và lưu trữ tư liệu cho các thế hệ sau một cách chi tiết và chính xác, lịch sử nhà trường sẽ được chúng tôi ghi theo hình thức biên niên. Nghĩa là mỗi năm sẽ được cấu tạo thành một mục riêng để ghi lại những sự kiện quan trọng nhất của năm học. Đây là tư liệu gốc, chính xác, phản ánh tương đối đầy đủ các mặt hoạt động nổi bật nhất của nhà trường trong từng năm học.

 I. Lịch sử hình thành.

   Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định là trường THPT chuyên hệ công lập của tỉnh NamĐịnh.

      Tiền thân của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường Thành Chung Nam Định.    Trường Thành Chung Nam Định ra đời theo nghị định số 2455 do Toàn quyền Đông Dương Pôn- Du-me ( Poul Doumer) ký ngày 24-08-1920. Nghị định đã quy định, năm học đầu nhà trường được mở một lớp, kinh phí 4.500đ, tuyển sinh các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Báo Trung Bắc Tân Vân, một tờ báo được Pháp bảo trợ, sau kêu xin được cho một số học sinh 15 tuổi vào học. Số báo ra ngày 8-10-1920 đã đưa tin lớp học đầu tiên của trường Thành Chung Nam Định có 45 học trò. Lớp học đặt tại một căn phòng gần Sở Bưu điện bây giờ. Người Thầy Việt Nam từ năm học đầu tiên của trường là thầy Nguyễn Văn Hiếu, hiệu trưởng là viên thanh tra người Pháp Lo-retx.

Năm học 1921-1922 của trường có 2 lớp (năm thứ nhất và năm thứ hai), học nhờ trường Cửa Bắc. Người Pháp giảng dạy một số môn. Người Việt Nam có thêm thầy Vũ Văn Roãn. Để chuẩn bị mở lớp năm thứ 3, ngày 13-2-1922, giám đốc Nha học chính Bắc Kỳ điện cho Nam Định yêu cầu xây dựng trường riêng. Công sứ Nam Định ủng hộ chủ trương ấy. Thành phố đã lấy 2.250m2 tại phố Gốc Ngái để xây trường (nơi đặt trụ sở UBMTTQ thành phố bây giờ). Thầy Hoàng Ngọc Phách chuyển về trường vào thời gian viết cuốn tiểu thuyết "Tố Tâm".

Năm học 1922-1923 với 3 lớp, trường chuyển về phố Gốc Ngái. Thầy Nguyễn Văn Hiếu chuyển về Hà Nội từ năm 1923. Nhà trường có thêm các thầy Nguyễn Văn Bằng, Mai Phương, Nguyễn Gia Tường.

Ngày 2-9-1923 Giám đốc Nha học chính Bắc Kì quyết định cho Nam Định được mở tiếp năm thứ tư. Do đó, trường mới được xây dựng ở đầu phố Bến Ngự (nơi đặt trường Tiểu học Phạm Hồng Thái bây giờ).

Năm học 1923-1924 trường có 4 lớp. Cũng như các trường khác, nhà trường được sự trợ giúp của Hội Bảo trợ học đường. Trường chuyển ra địa điểm mới và theo Nghị định số 2419 lúc bấy giờ của toàn quyền Đông Dương ký ngày 23-09-1924, trường đổi tên là Cao đẳng tiểu học Pháp-Việt.

Năm học 1924-1925 nhà trường tuyển 80 học sinh (vẫn chưa tuyển nữ sinh), nhưng năm học sau chỉ tuyển 40 học sinh vì thiếu lớp học. Năm 1925 Sac-lơ Pa-trix, một nhà văn, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Những năm 1925 - 1928 trường có thêm nhiều thầy dạy. Các thầy người Việt Nam, tính đến năm 1925 có thêm các thầy Trần Văn Hào, Trần Văn Chử, Vũ Tam Thám, Đỗ Hữu Phúc, Ngô Duy Cừ, Phạm Văn Bảng, Đào Văn Định, Vũ Tam Tập, Phan Đình Nghiu, Nguyễn Văn Chính, Phạm Văn Nam, Nguyễn Như Loan, Nguyễn Quang Xương, Vũ Văn Roãn. Đến năm 1927 có thêm các thầy Phan Thế Roanh, Dương Quảng Hàm, cụ kép Phạm Cao Bạt, thân sinh nhà văn Phạm Cao Củng, được tạm tuyển dạy Hán Văn. Học sinh trường Thành Chung Nam Định có truyền thống học giỏi và yêu nước, chịu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước và phòng trài cách mạng sớm lan tỏa vào trường từ những năm 1924, 1925. Gần nhất là phong trào công nhân trong thành phố đấu tranh đòi quyền con người. Nhiều sách báo đã xuất hiện trong nhà trường "L'annam" của Phan Văn Trường, "Le Paria", Người cùng khổ của Nguyễn Ái Quốc, báo Nhân đạo, "L'Humanite" của Đảng Cộng sản Pháp rồi đến "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản".... Thầy trò chuyền nhau đọc. Tháng 11-1925 khi Thực dân Pháp kết án cụ Phan Bội Châu, cụ tú Nguyễn Khắc Doanh, người Nam Trực, xin chết thay cụ Phan. Sự việc này đã được đăng trên các báo, đã gây tác động mạnh đến các học sinh và nhân dân. Toàn quyền Đông Dương Va-ren phải ân xá cho cụ Phan. Cũng năm ấy nhiều vùng miền Bắc bị lụt lớn, học sinh trường Thành Chung đã tổ chức diễn kịch lấy tiền trợ giúp những người bị nạn.

Ngày 11-3-1926 nhà yêu nước Phan Chu Trinh mất. Phong trào truy điệu và để tang cụ Phan từ Sài Gòn đã lan ra toàn quốc. Nhân dân Nam Định cũng đã đấu tranh đòi được tổ chức lễ truy điệu cụ Phan, nòng cốt là học sinh trường Thành Chung được các nhà nho và công nhân nhà máy ủng hộ. Những người khởi xướng là Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khắc Lương, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Tường Loan, Đặng Châu Tuệ, Nguyễn Văn Hoan.... Học sinh đã bãi khóa và tổ chức thành công lễ truy điệu.

Sự kiện ấy đã gây tiếng vang lớn trong cả nước. Một số thầy giáo và một số lớn học sinh đã bị kỷ luật. Thầy Vũ Tam Tập phải đổi đi Lạng Sơn, thầy Đào Văn Định đi Sơn Tây sau đó đi Bắc Ninh, thầy Nguyễn Văn Chính đi Bắc Ninh. Theo quyết định số 1654E ngày 30-04-1926 của thống sứ Rôbanh thì 47 học sinh năm thứ 4, 7 học sinh năm thứ 3 trong đó có Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tường Loan, Đặng Xuân Khu bị đuổi hẳn, còn có 30 học sinh lớp 3A, 28 học sinh lớp 3B bị đuổi tạm thời, và có khoảng 50 học sinh các lớp năm thứ hai và năm thứ nhất bị đuổi tạm thời hoặc bị tước hết học bổng.

Hiệu trưởng Saclo Patris bị coi là nhu nhược phải đổi về trường Bưởi dạy Văn-sử. Người thay thế là Đờ Phô-tơ-rô Vatxen. Sau lễ truy điệu cụ Phan, một số học sinh tự thôi học đi tìm đường cứu nước. hơn một chục người lần lượt sang Quảng Châu tìm gặp cụ Nguyễn Ái Quốc được cụ giác ngộ, huấn luyện rồi trở thành những đại biểu Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (VN TNCMĐCH). Năm 1927 đồng chí Nguyễn Văn Hoan đã tổ chức chi bộ VN TNCMĐCH đầu tiên ở trường Thành Chung. Những người đầu tiên gia nhập tổ chức là Trần Việt Giần, Ngô Thế Ruông, Đặng Vũ Tiềm, Đặng Vũ Giác, Đặng Tiện Quỳ rồi đến Đỗ Như Lăng. Riêng hai ông Đặng Vũ Tiềm, Đặng Vũ Giác đã vận động rất nhiều thanh niên, trí thức yêu nước làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định) tham gia tổ chức. Chi bộ này ghép với chi bộ công nhân do đồng chí Trần Văn Lan, thợ điện nhà máy sợi làm Bí thư.

Từ năm 1928 đến năm 1932 các học sinh khác của trường Thành Chung như Tống Phúc Chiểu, Đặng Châu Tuệ, Vũ Văn Mẫn, Vũ Công Phụ, Lưu Đình Diêu, Nguyễn Văn Chước, Đỗ Duy Ninh, Nguyễn Thượng Chí, Đặng Hữu Rạng (Đặng Việt Châu), Trần Văn Ngoạn, Vũ Đức Oong, Hoàng Thọ Tiểu, Vũ Ngọc Thuần,...lần lượt được kết nạp Đảng.

Năm 1928 có một số người tìm đường sang Xiêm bị bắt giữ lại. Ngày 18-12-1928, Ro-bin ký Nghị định số 5438 cấm 6 người không được làm việc nhà nước. Đó là Nguyễn Trịnh Bảo, Vũ Tiến Lữ, Lê Trọng Quy, Nguyễn Tuân, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đình Chung. Có hai học sinh tham gia Việt Nam Quốc Dân Đảng, một tổ chức lúc ấy cũng chống đế quốc Pháp; nhưng khi thấy sự bế tắc của đường lối, các anh đã ly khai và gia nhập Đảng Cộng Sản. Đó là trường hợp các anh Nghiêm Tử Trình (sau này là Ủy viên Ủy ban Hành chính Hà nội những năm 1950) và Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân trở thành nhà văn trong điều kiện như thế.

Từ năm 1930 đến 1935 bộ máy nhà trường có thay đổi. Hiệu trưởng là Agard, các thầy người Việt Nam là Vũ Văn Roan, Phạm Văn Nam, Trần Văn Hào, Phạm Xuân Độ, Hoàng Đình Ân, Phạm Đình Nghiu, Phan Thế Roanh. Thầy Vũ Tam Tập đi một năm lại trở về, thầy Đào Văn Định đi 5 năm thì trở về. Thầy Ngô Duy Cừ mất năm 1936.

Những năm 1931-1935 thực dân Pháp khủng bố mạnh. Nhiều học sinh là nòng cốt của phong trào đã thôi học, đi hoạt động cách mạng. Phong trào có lúc lắng xuống, nhưng lại vẫn có lúc bùng lên với những sự kiện đáng ghi nhớ. Một sự việc đáng kể là học sinh trường Thành Chung tham gia cuộc vận động nhân dân thành phố Nam Định không đi xem đoàn xiếc nước Anh biểu diễn, triệt để tẩy chay tên Ham-xton, chủ gánh xiếc đã xúc phạm dân tộc Việt Nam.

Việc làm ấy có tiếng vang lớn, lan truyền đến Vinh và các nơi khác. Hamston bị tẩy chay, bị xua đuổi khắp nơi, hết đường hành nghề, đành bắn hết hổ báo... đến mức kiệt sức, phải hổ thẹn và cuối cùng đã tự sát! Học sinh trường Thành Chung còn vận động nhân dân không đi đón " Bảo Đại ngự giá Bắc tuần". Thời kỳ này còn có thêm một số nhân tài trong học sinh xuất hiện : Trần Hữu Trí, do hoàn cảnh túng thiếu, đã bỏ học, đi dạy tư và viết văn. Anh đã sớm trở thành nhà văn Nam Cao đáng tự hào của quê hương đất nước. Còn phải kể đến các nhạc sĩ Bùi Công Ký, nhà văn Nguyễn Văn Niêm, Trần Lê Văn... Người học sinh xuất sắc Vũ Công Hậu đã đứng đầu cuộc thi học sinh giỏi toán các trường trung học toàn Đông Dương. Trong đội ngũ các thầy giảng dạy thời gian ấy có một số thầy đi làm kiểm học rồi làm đốc học ở một số tỉnh miền Bắc. Đó là thầy Nguyễn Như Loan, Nguyễn Quang Xương, Vũ Văn Roan....

Từ năm 1936-1937, nhà trường có thêm thầy Đỗ Trọng Cảnh, Đặng Lợi Hàm (sau là Ủy viên Ủy ban Hành chính Thành phố Hải Phòng), Nguyễn Đình Hường, Nguyễn Bá Cường. Hiệu trưởng Agard bị đổi đi nơi khác vì sự việc xúc phạm đến nhân cách học sinh và dân tộc Việt Nam, học sinh phẫn nộ, phản ứng lại mạnh mẽ và rải truyền đơn chống đối. Pierre Maneval về thay. Trong khoảng thời gian ở Pháp, Mặt trận bình dân cầm quyền, thực dân Pháp cho xây dựng một trường lớn có 8 lớp đủ tiện nghi, phương tiện thí nghiệm, thực hành với mức khá hiện đại ở đầu đường Cổng Hậu (gần bến ôtô cũ bây giờ). Di tích còn lại của trường nay là phố Thành Chung.

Năm học 1937 -1938 trường chuyển về địa điểm mới và bắt đầu nhận học sinh nữ. Mỗi lớp có khoảng 5 nữ sinh. Đồng thời, nhà trường cũng nhận thêm một số học sinh là con em Pháp kiều không có điều kiện học ở truờng Sa-rô ở Hà Nộị. Năm học 1938-1939 Lô-hê-nê về làm hiệu trưởng thay Maneval. Sau đó, Lô-hê-nê bị động viên vào quân đội sang đánh nhau ở Campuchia, Bre-ăng thay được ít lâu thì Ma-nơ-van trở lại trường nhận chức vụ cũ cho tới ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, nắm chính quyền ở Đông Dương, thì bị Nhật bắt, sau được trả tự do, trở về Pháp.

Trong tình hình cụ thể của những năm 1936-1939, phong trào cách mạng được phục hồi và phát triển, có sự hoạt động của các đồng chí Đào Năng An, Đình Gia Thái, Vũ Quốc Uy, Nguyễn Công Bổng, Phan Đình Đống, Phạm Văn Cương, Hà Văn Lộc, Nguyẽn Bá Huấn, trong phòng trào đoàn thanh niên Dân chủ rồi đến đoàn thanh niên Phản đế. Lúc ấy các đồng chí này đang học năm thứ 3 (1939), nhiều đồng chí bị bắt, bị tù đầy vào tuổi 16, 17.

Từ năm 1939 đến năm 1940 có các thầy Đỗ Văn Đoan, Thạch Quan Tuấn, Nguyễn Hữu Văn, Đào Đình Khánh, Nguyễn Thụy Hùng, Nguyễn Trọng Thuyết, Nguyễn Quang Hồ, Hà Văn Bính... nối tiếp nhau về trường.

Năm 1942 trường cao đẳng tiểu học Pháp-Việt đổi tên thành trường Trung học. Thời kỳ này các học sinh Phạm Ngọc Khuê, Phạm Ngọc Lê, Trần Hữu Bái... tham gia hoạt động thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc trong mặt trận Việt Minh, rồi tham gia tổng khởi nghĩa.

Khi chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật ra đời, thầy Phan Thế Roanh được cử tạm quyền Hiệu trưởng. College de Nam Dinh được đổi tên thành trường Trung Học Nguyễn Khuyến. Ít lâu sau thầy Phó Đức Tố, giáo sư trường Bưởi chính thức về làm hiệu trưởng. Giặc Nhật chiếm trường ở đầu phố Cổng Hậu làm doanh trại, trường trở lại địa điểm cũ ở đầu phố Bến Ngự. Cách mạng tháng Tám thành công, quân Tàu Tưởng lại vào chiếm trường thay quân Nhật.

Năm học 1946-1947 trường đổi tên thành trường trung học chuyên khoa Nguyễn Khuyến có Ban Toán-Lý-Hóa và ban Vạn vật. Lần đầu tiên bậc trung học chuyên khoa (THCK, tức phổ thông trung học-Trung học phổ thông hoặc phổ thông cấp 3 có phân ban) được mở ở thành phố Nam Định. Có một số thầy mới về như: Vũ Bình, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Hữu Ngọc,...

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947 trường chuyển đến xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương (CSĐD) trường THCK Nguyễn Khuyến, tức THCK Nguyễn Thượng Hiền sau này, được thành lập ngày 13-1-1948, lúc đầu gồm 4 đồng chí: Đào Nguyên Cát (bí thư), Nguyễn Văn Đắc, Phạm Văn Phối, Vũ Phi Hoàng (đều là Đảng viên về đi học). Một bộ phận của trường Nguyễn Khuyến, chủ yếu là cấp 2, tản cư về Trà Bắc, huyện Xuân Trường Nam Định, do thầy Đào Đình Khánh làm hiệu trưởng.

Cuối năm 1948 Pháp đánh Phát Diệm (Ninh Bình), trường THCK Nguyễn Khuyến chuyển vào thôn Ngô Xá, xã Đại Đồng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đổi tên thành trường THCK Nguyễn Thượng Hiền, có các Ban Toán- Lý - Hóa, Ban Vạn vật là Ban Ngoại ngữ. Năm 1950, khu giáo dục Liên khu 3 quyết định thành lập trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Liên khu 3, lúc đầu lấy một số học sinh chuyên khoa Nguyễn Thượng Hiền chuyển sang học sư phạm. Có 2 BGH: Thầy Phó Đức Tố làm hiệu trưởng trường THCK Nguyễn Thượng Hiền, thầy Đỗ Trọng Cảnh làm hiệu trưởng trường CĐSP Liên khu. Lúc đầu 2 trường có chung một chi bộ Đảng CSĐD lãnh đạo, sau tách thành 2 chi bộ đều trực thuộc Tỉnh ủy Đảng CSĐD tỉnh Thanh Hóa.

Lúc này trường THCK Nguyễn Thượng Hiền đã trở thành một cái nôi đào tạo nhân tài, tập hợp nhiều học sinh muốn học lên THCK của đồng bằng Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ (bao gồm cả nhiều học sinh từ các thành phố tản cư về), trong đó có những đảng viên đã đi công tác nay được Đảng cho về trường tiếp tục học để hoàn thành bậc tú tài.

Đến những năm 1952- 1953 ở Liên khu 3, đã phát triển thêm một số trường cấp 3 như các trường Hoa Lư, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu, Hồ Tùng Mậu (các thầy Đào Văn Định, Nguyễn Văn Vận... của trường Nguyễn Thượng Hiền được cử sang làm hiệu trưởng), đến khi giải phóng, những trường này hợp nhất lại thành trường cấp 3 Liên khu 3 và trở về đặt trụ sở tại thành phố Nam Định (1954).

Năm 1959 trường đổi tên thành trường cấp III Lê Hồng Phong.

- Từ năm 1965 đến 1972 do đế quốc Mĩ bắn phá miền Bắc nên trường đã sơ tán về xã Nhân Tiến  và Nhân Thắng huyện Lí Nhân tỉnh Hà Nam. Sau khi hiệp định Pa-ri được kí kết, đầu năm 1973 trường lại trở về địa điểm cũ. Nhà trường đã được củng cố vững vàng trong hòa bình, tiếp tục được tôi luyện và không ngừng phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Năm 1993 trường có quyết định của UBND tỉnh Nam Định đổi tên trường cấp III Lê Hồng Phong thành trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Từ đó đến nay, trường luôn là một trong những trường chuyên nổi tiếng của cả nước với bề dày thành tích trong học tập, giảng dạy.

II. Tóm tắt những thành tích nổi bật của nhà trường

   Do điều kiện sơ tán, kháng chiến, những lần trường chuyển địa điểm, điều kiện lưu trữ chưa tốt nên tư liệu chưa đầy đủ. Thống kê dưới đây là những tư liệu còn tập hợp được. Có điều kiện nhà trường sẽ bổ sung sau

1. Những danh hiệu cao quý nhà trường được đón nhận :

a . Danh hiệu :

- Năm 2000 nhà trường được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động trong thì kì đổi mới đất nước.

- Năm 2008 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

b. Huân chương :

-Năm 2004 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

- Năm 2012 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Năm 1999 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Năm 1995 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

-Năm 1981 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

-Năm 1994 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

-Năm 1989 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

-Năm 1971 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

-Năm 1987 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 2001 Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

--Năm 1989 tổ Ngữ văn nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

c. Cờ thi đua, Bằng khen các cấp và các phần thưởng khác :

   Từ những năm kháng chiến, nhà trường đã được tặng thưởng Cờ thi đua khá nhất của UBHC Liên khu Ba ( 1955). Trong suốt quá trình phát triển, nhà trường đã được nhận nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của các cấp, gần đây nhất là : 
- Năm 2010 trường tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập (1920-2010), 50 năm trường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và đón nhận Cờ Thi đua của Chính phủ.

- Từ 2008 đến 2013 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng 03 bằng khen.

-Năm 2012 được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua.

- Được UBND tỉnh Nam Định, Trung ương ĐTNCS Hồ Chí Minh, Sở GD và ĐT Nam Định tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 - Đảng bộ nhà trường nhiều năm liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Công đoàn nhà trường được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Tổng Liên Đoàn Lao động Việt nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động Tỉnh Nam Định.

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của nhà trường nhiều năm liền liên tục được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn tặng thưởng cho đơn vị có phong trào xuất sắc.

- Ban nữ công của nhà trường được Tổng liên đoàn Lao đông Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2010.

2Sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo :

     Trường đã nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương về thăm trường.

Tháng 7 năm 1987 Tổng Bí thư Đảng CSVN Trường Chinh

Tháng 2 năm 1992 Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tháng 2 năm 1998 Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Tháng 3 năm 1999 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

Tháng 9 năm 2001 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Vũ Ngọc Hải

Tháng 3 năm 2005 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai

Tháng 9 năm 2005 Thường trực Ban Bí thư Đảng Phan Diễn

Tháng 4 năm 2007 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Tháng 9 năm 2009 Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Tháng 9 năm 2009 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

Tháng 9 năm 2010 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý Tháng 9 năm 2013

Ngày 5-9-2013 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh;

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý

3. Danh hiệu và phần thưởng của Giáo viên.

Nhà trường đã có 15 thầy giáo, cô giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Thầy Vũ Trọng Xương.

- Thầy Vũ Tuấn Lâm. ( Nguyên tổ trưởng tổ Vật lí- KTCN)

-Thầy Đỗ Thanh Dương( Nguyên ổ trưởng tổ Ngữ văn)

-Thầy Trần Gia Lộc ( Nguyên tổ trưởng tổ Sử- Địa- GDCD)

- THầy Hồ Quang Diệu ( Nguyên Phó hiệu trưởng)

-Thầy Phạm Văn Hoan ( Nguyên tổ trưởng tổ Vật lí)

- Thầy Cao Xuân Hùng – ( Nguyên Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng.)

-Thầy Trần Xuân Đáng-( Giáo viên  môn Toán)

- Cô Phạm Thị Minh Hạnh ( Nguyên Phó Bí thư Đảng bộ, giáo viên môn Tiếng Anh)

-Thầy Lương Văn Thủy- Phó hiệu trưởng.

-Thầy Phạm ĐÌnh Chuẩn Chủ tịch Công Đoàn

- Thầy Đặng Kim Long ( Nguyên giáo viên môn Toán)

-Thầy Phạm Quốc Khánh ( giáo viên Vật Lí)

-Cô Phạm Thị Thanh Tâm ( PHT, giáo viên môn Ngữ văn)

-Cô Mai Thúy Dung ( giáo viên môn tiếng Nga)

- Có nhiều nhà giáo được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, của Chủ tịch UBND tỉnh và của Sở GD và ĐT Nam Đinh.

4. Học sinh

    Suốt chiều dài lịch sử từ trường Thành Chung đến nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định, nhà trường đã đào tạo được rất nhiều nhân tài cho đất nước, trong đó có một số đã đảm nhiệm những cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước như :

-Trường Chinh chính trị gia, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương, chủ tịch hội đồng nhà nước.

-Đặng Việt Châu Phó thủ tướng chính phủ.

-Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, là Đại tướng công an nhân dân đầu tiên của Việt Nam.

-Thép Mới nhà văn

- Nguyễn Cơ Thạch nhà chính trị, nhà ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ), nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của CHXHCN Việt Nam.

- Nguyễn Đức Cảnh Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng, Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao Động.

-Đinh Văn Cương ủy viên BCHTW Đảng Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc…..

    Ngay từ những năm đầu miền Bắc được giải phóng, trường cấp III Lê Hồng Phong đã nổi tiếng toàn miền Bắc ( lúc đó đất nước còn chia làm hai miền) với những đội tuyển học sinh giỏi văn và toán ( thời kì đó chỉ tổ chức thi học sinh giỏi hai môn này) trong đó có những tên tuổi  đã  ghi dấu ấn không thể phai mờ như: Nguyễn Đức Đại, Đặng Vũ Bình ( sau này là giáo sư, tiến sĩ kkhoa học, hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp 1) Trần Sĩ Hưởng ( Nguyên Trưởng Ban Văn Xã báo Nam Định) Trần Quang Vinh, đoạt giải nhất duy nhất của cả nước môn văn, Trần Mạnh Thường, gải nhất môn văn tự do, sau này là nhà thơ Trần Mạnh Thường trưởng Ban văn Nghệ Đài tiếng nói Việt Nam, Lê Văn Vị thủ khoa môn văn nghị luận v.v... Đến các năm học tiếp theo là những anh chị như:  Ngô Phúc Thái, Trần Ái Hoa,Tiết Kim Lai, những người sau này đã thành danh, làm vẻ vang tên tuổi nhà trường...Từ mài trường này đã xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu cho trí tuệ và ý chí Việt Nam. Có nhiều học sinh hiện nay đang giữ những cương vị lãnh đạo cao của Đảng và Nhà nước, nhiều học sinh là các nhà khoa học nổi tiếng được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh như : Giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện cá nước ngọtTrần Mai Thiên ( Học sinh khóa 1959-1962), Giáo sư, tiến sĩ  khoa học, viện trưởng viện lúa đồng bằng sông Cửu Long Phạm Văn Ro (Học sinh khóa 1960-1963), Giáo sư, tiến sĩ kkhoa học, viện trưởng viện Vật lí địa cầu, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Thoa v.v... Các nhà văn nổi tiếng như nhà văn Nam Cao (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật), nhà văn Nguyễn Tuân ( giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật), các nhà văn, nhà thơ được bạn đọc biết tới  như Hồ Anh Thái, Phong Điệp, Bình Nguyên Trang v.v...Nhiều học sinh của nhà trường hiện nay là ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thứ trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh v.v... Nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành những nhà quản lí giỏi, những doanh nhân thành đạt…, khẳng định vị trí và đóng góp của mình trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Đặc biệt trong những năm gần đây, học sinh nhà trường còn tỏa sáng trong các cuộc thi lớn mang tầm vóc quốc gia về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật như Vũ Thảo My, học sinh lớp 10A1 năm học 2012-2013 đoạt giải nhất cuộc thi ca nhạc Tuổi Hồng do Sở GD và ĐT tổ chức và sau đó tham gia cuộc thi “ Giọng hát Việt 2013” do VTV3 tổ chức giành ngôi vị quán quân. Em Nguyễn Cao Kì Duyên, học sinh khối Chuyên Pháp khóa 2011-2014 giành Ngôi vị Hoa hậu Việt nam 2014. Điều đó càng khẳng định sự phát triển đúng hướng, toàn diện của học sinh nhà trường.  

     Trong xu thế hội nhập và phát triển, với những đòi hỏi và cạnh tranh mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã và đang lao động, học tập, làm việc phấn đấu hết mình. Thắp lên ngọn lửa của niềm đam mê, nhiệt huyết, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường miệt mài sáng tạo, không ngừng thay đổi, tự làm mới chính mình nhằm phù hợp với thực tiễn, vừa để khẳng định mình đồng thời cũng góp phần tô thắm thêm truyền thống của nhà trường trong thời đại mới. Nằm trong hệ thống các trường THPT Chuyên- hệ thống chủ lực tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo nguồn cho chiến lược bồi dưỡng nhân tài, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh Nam Định và cả nước

  Sau đây là thống kê một số kết quả các kì thi của học sinh nhà trường trong những năm gần đây :

Danh sách học sinh đạt giải Quốc tế, khu vực ( Từ năm 1995- 2014 )

2013-1014

Phạm Minh Đức học sinh lớp 11 chuyên Toán, huy chương đồng Olympic môn Sinh học tổ chức tạiIndonesia

Nguyễn Thị Minh Nguyệt học sinh lớp 11 chuyên Nga huy chương vàng Olympic tiếng Nga tổ chức tại Matxcơva

2012-2013

  Trần Thị Thu Hương, Huy chương Đồng và danh hiệu "Thí sinh nữ xuất sắc nhất châu Á" kì Olympic Vật lí Quốc tế tại Đan Mạch.

2011-2012

-Nguyễn Thu Trang, Huy chương Bạc Olympic Sinh học Quốc tế tại Singapor;

-Trần Đức Huy, Huy chương Đồng Olympic Sinh học Quốc tế tại Singapor;

-Đinh Việt Thắng, Huy chương Bạc Olympic Vật lí châu Á tại Ấn Độ, Huy chương Đồng Olympic Vật lí Quốc tế tại Estonia;

-Bùi Xuân Hiển, Huy chương Đồng Olympic Vật lí châu Á tại Ấn Độ, Huy chương Đồng Olympic Vật lí Quốc tế tại Estonia;

-Trần Thị Mai Hương, Huy chương Đồng Olympic Hóa học Quốc tế tại Hoa Kỳ.

2010-2011 Nguyễn Thu Trang HC Đồng Sinh học Quốc tế, Đặng Thu Trang Bằng khen Sinh học Quốc Tế, Nguyễn Văn Thế HC Đồng Toán Quốc tế

2009 - 2010 Phạm Văn Quyền HC Bạc Vật Lí Quốc tế

2008 - 2009 Phạm Văn Quyền HC Bạc Vật lí Quốc tế

2006 - 2007 Lương Kim Doanh HC Đồng Vật lí Châu Á, Đinh Đăng Đức Bằng khen Vật lí Châu Á

2005 - 2006 Trần Mạnh Tùng Bằng khen Vật lí Châu Á

2003 - 2004 Đoàn Văn Khánh HCB Vật lí Quốc tế, Đoàn Văn Khánh HCB Vật lí Châu Á

2002 - 2003 Nguyễn Đăng Hợp HCB Toán Quốc tế, Trần Công Toán HCB Vật lí Châu Á

2000 - 2001 Hoàng Thu Quỳnh HCĐ Tiếng Nga Quốc tế, Trần Công Tú HC Đồng Sinh học Q tế

1999 - 2000 Nguyễn Trung Dũng Bằng khen Vật lí Quốc tế, Hoàng Tiến Bằng khen Vật lí Châu Á, Vũ Việt Tài HCB Toán Châu Á - TBD

1998 - 1999 Hoàng Mạnh Quang HCB Toán Châu Á - TBD, Phạm Văn Quyền HCĐ Toán Châu Á - TBD,

1997 - 1998 Chu Văn Trung HCĐ Sinh học Quốc tế, Nguyễn Anh Hoa HCĐ Toán Châu Á - TBD

1996 - 1997 Trần Thế Truyền HCB Vật lí Quốc tế, Lương Văn Huấn HCĐ Hóa học Quốc tế, Vũ Hải Sâm HCB Toán Châu Á - TBD

1994 - 1995 Đặng Thu Giang HCV Tiếng Nga Quốc tế, Cao Hồng Hạnh HCV Tiếng Nga Quốc tế, Nguyễn Quỳnh Hương HCV Tiếng Nga Quốc tế, Trần Vân Anh HCB Tiếng Nga Quốc tế, Vũ Việt Hà HCĐ Tiếng Nga Quốc tế

Kết quả thi HSG cấp Quốc gia ( Từ năm 2001 đến năm 2014)

 

 Từ năm 2000- 2014, nhà trường có 1286 học sinh tham dự kì thi chọn HGS cấp Quốc gia, số em đoạt giải là 1072, trong đó giải nhất 56, giải nhì 363, giải ba 419, giải ba 416, khuyến khích 277. Tỷ lệ  bình quân học sinh đoạt giải trong các kì thi giỏi Quốc gia trong từ năm 2000 đến nay đạt 83,3 %. Cụ thể là :

 

Năm học

Số HS dự thi

Tỉ lệ đạt giải %

2013-2014

88

81,8%

2011-2012

84

97.6

2010-2011

84

96.4

2009-2010

84

97.6

2008-2009

82

96.3

2007-2008

66

90.9

2006-2007

66

84.8

2005-2006

88

79.5

2004-2005

88

65.9

2003-2004

88

87.5

2002-2003

88

84.1

2001-2002

88

75

2000-2001

88

76.1

 

Kết quả thi học sinh giỏi cụm Đồng bằng duyên hải Bắc bộ.

Học sinh nhà trường tham dự thi HSG Cụm Đồng bằng duyên hải Bắc bộ từ năm 2009. Tính từ năm học 2009- 2010 đến năm học 2012-2013 có 283 học sinh tham dự, số em đoạt giải là 253, trong đó Huy chương vàng 60, Huy chương Bạc 91, Huy đồng 74, Khuyến khích 28. Tỷ lệ đoạt giải là  89 %.

Kết quả thi đại học.

Tính từ năm học 2007-2008 đến năm học 2012-2013, nhà trường có 2082 học sinh tham dự kì thi tuyển sinh vào các trường đại học. Tỷ lệ đỗ đại học bình quân qua các năm là 97,9 %, trong đó ba năm học 2009-2010, 2011-2012 và 2012-2013 dều đạt 98,5%. Hầu hết học sinh của nhà trường thi và đỗ vào các trường đại học lớn của cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ giáo dục và Đào tạo những năm gần đây, điểm bình quân thi đại học của học sinh nhà trường luôn đứng ở tốp đầu cả nước:

-         Năm 2012 đứng thứ 6 với điểm bình quân là 21,03 .

-         Năm 2013 đứng thứ 5 với điểm bình quân là 21,35.

-         Năm 2014 đứng thứ 4 với điểm bình quan là 21,89

III Quy mô trường lớp hiện nay

Năm học 2014-2015, trường có hơn 144 giáo viên, cán bộ nhân viên, trong đó trình độ thạc sĩ là 60. Hiện nay trường có 1570 học sinh được biên chế vào 47 lớp trong đó có 6 lớp không chuyên và 41 lớp chuyên của các môn Toán, Lí, Hóa, Sinh, Tin, Văn ,Sử, Địa, Nga, Anh, Pháp.

  Trường có đủ lớp cho các lớp học buổi sáng. Tuy nhiên khi tập huấn các đội tuyển quốc gia thiếu phòng học nên phải tận dụng các phòng họp, hoặc phòng truyền thống của nhà trường. Các phòng chuyên cho việc học ngoại ngữ hiện nay vẫn còn thiếu. Phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho tập huấn đội tuyển quốc gia vẫn còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu các cầu nhiệm vụ được giao

- Hiện nay trường đã có khu nội trú học sinh, gồm 2 đơn nguyên được xây dựng kiên cố, thiết bị phục vụ sinh hoạt của học sinh tương đối hiện đại. Nhà ăn tập thể của khu nội trú đã được chú ý xây dựng và trang bị dung cụ tương đối đầy đủ đảm bảo bữa ăn cho học sinh vừa hợp với khả năng tài chính của các em, vừa hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm.

IV Những bài học kinh nghiệm

 1. Đoàn kết luôn luôn là vấn đề cần được quan tâm. Không có một nhiệm vụ nào có thể hoàn thành được tốt nếu tập thể nhà trường không đoàn kết nhất trí.

2. Lãnh đạo nhà trường, các tổ chuyên môn, các tổ chức chính trị xã hội biết lắng nghe, có khả năng nghe những ý kiến đóng góp của các thành viên trong cơ quan. Tôn trọng tầng lớp trí thức, bầu không khí dân chủ là một trong những vấn đề then chốt để tạo nên sự đồng thuận trong nhà trường.

3. Nắm bắt được xu thế của thời đại, của cuộc sống để từ đó đưa ra kế hoạch phù hợp nhất, có khả năng hiện thực hóa được kế hoạch đó.

4. Học sinh bao giờ cũng là nhân tố quan trọng  nhất để tạo nên thành tích dạy và học. Thầy cố gắng dạy không bằng khuyến khích cho học sinh cố gắng học. Học kiến thức không quan trong bằng cách thức chiếm lĩnh được kiến thức ấy. Phương pháp bao giờ cũng là vấn đề then chốt của mọi thành công.

5. Huy động mọi nguồn lực của xã hội góp sức cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là chiến lược bồi dưỡng nhân tài. Phụ huynh học sinh là nhân tố không thể thiếu trong mọi thành tích lớn nhỏ của nhà trường.

       Tin tưởng vào sự lãnh đạo và tạo điều kiện của các cấp quản lí, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định sẽ tiếp tục là nơi vun trồng, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những tài năng của quê hương, mở rộng tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn quôc và quốc tế trong giai đoạn mới. 

Phần B. Sử biên niên

  Do những năm trước đây, nhà trường không tổ chức ghi lịch sử hằng năm, vì thế  giai đoạn lịch sử từ khi thành lập trường ( 1920) dến năm học 2012-2013 chúng tôi biên soạn lịch sử nhà trường theo hình thức tổng hợp.

   Từ năm học 2013-2014, nhà trường có chủ trương ghi lịch sử nhà trường chi tiết cho từng năm một. Do vậy từ trang này trở, đi để tiện theo dõi tiến trình lịch sử của nhà trường và lưu trữ tư liệu cho các thế hệ sau một cách chi tiết và chính xác, lịch sử nhà trường sẽ được chúng tôi ghi theo hình thức biên niên. Nghĩa là mỗi năm sẽ được cấu tạo thành một mục riêng để ghi lại những sự kiện quan trọng nhất của năm học. Đây là tư liệu gốc, chính xác, phản ánh tương đối đầy đủ các mặt hoạt động nổi bật nhất của nhà trường trong từng năm học.

Năm học 2013-2014

Ngày 20-10-2014. Người ghi : Trần Xuân Tuyết

A. Một số sự kiện nổi bật của năm học 2013-2014.

1. Ngày 05-9-2013 nhà trường đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2013-2014. Nhân dịp này nhà trường đã long trọng đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất (Lần thứ hai) mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước với công lao và những thành tích xuất sắc của  tập thể thầy và trò nhà trường đã đạt được trong chặng đường năm năm đầu tiên trường đạt chuẩn quốc gia ( 2008-2013).

   Thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước, ông Đinh Thế Huynh UVB Chính trị đã trao Huân chương Độc lập cho nhà trường.

2. Trong năm học, nhà trường có  một số thay đổi nhân sự lãnh đạo.

 -Ngày 20-12-2013 Ông Cao Xuân Hùng. Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định kí quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc sở GD và ĐT Nam định.

- Ngày 20-1-2014, Giám đốc Sở GD và ĐT Nam Định kí quyết định bổ nhiệm ông Vũ Đức Thọ, Phó hiệu trưởng giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.

-Ngày 10-4-2014 Thành ủy Nam Định chuẩn y giao chức vụ Bí thư Đảng bộ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho ông Phó hiệu trưởng Lương Văn Thủy.

3. Từ ngày 28-2 đến ngày 2-3 năm 2014, Bộ GD và ĐT đã tổ chức cuộc thi “ Sáng tạo khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia” tại Vĩnh Phúc. Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có 9 học sinh tham gia với 3 đề tài và đạt thành tích cao.

- Đề tài “ Thiết kế phanh xe tự động hỗ trợ giảm thiểu tai nạn giao thông” đã giành giải nhất thi cấp tỉnh và  giải sáng tạo do trường ĐHSP trao tặng.

- Đề tài “ Giải pháp nâng cao hiệu quả tự học cho HS THPT của các em Trần Phương Mai ( 11 Anh 1), Nguyễn Thị Kim Thoa ( 11 văn) và em Nguyễn Mạnh Tiến ( 11 toán 1) đã giành giải nhì lĩnh vực và giải 3 chung cuộc.

4. Trong 2 ngày 5 và 6 -10-2013, nhà trường kết hợp với Hội toán học Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “ Các chuyên đề toán chọn lọc trong xu hướng hội nhập quốc tế”. Tại cuộc hội thảo này, nhiều vấn đề quan trọng được đặt ra cho việc giảng dạy môn toán ở một trường chuyên đã được thảo luận sôi nổi. Kết quả cuộc hội thảo này đã trở thành tài sản quý giá trong kho tàng tri thức và kinh nghiệm của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo giảng dạy môn toán của nhà trường.

5. Trong năm học, nhà trường có nhiều học sinh đoạt giải xuất sắc trong các kì thi HS giỏi tỉnh, quốc gia và quốc tế. Em Vũ Phương Thảo, học sinh lớp 12 toán 1 đạt 38/40 điểm, giải Nhất môn Toán thi HSG Quốc gia. Đây là số điểm thi cao nhất của kì thi này. Em Phạm Minh Đức, học sinh lớp 11 chuyên

Toán 2, đoạt giải nhất môn sinh học trong kì thi học sinh  giỏi quốc gia và Huy chương đồng Olympic môn sinh học tại Indonesia. Em Nguyễn Thị Minh Nguyệt học sinh lớp 11 chuyên Nga đoạt Huy chương vàng, giải nhất hùng biện Olympic tiếng Nga tổ chức tại Matxcơva

6. Trong hai ngày 19 và 20-4-2014, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã cử 66 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi các trường chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ tại Hải Dương. Các đội tuyển của nhà trường đã đoạt 65 giải, trong đó có 17 Huy chương vàng, 18 Huy chương bạc, 20 Huy chương đồng,10 khuyến khích. Với kết quả này, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đứng thứ nhất toàn đoàn.

7.Công tác giáo dục truyền thống đã được nhà trường quan tâm sâu sắc. Nhà trường đã tổ chức nâng cấp và trưng bầy phòng tuyền thống với các chủ đề là:

 Quê hương văn hiến/ Các trường tiền thân/Truyền thống yêu nước và cách mạng/ truyền thống dạy giỏi và học giỏi/ Truyền thống đoàn kết nghĩa tình/ Trường trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đây cũng là năm đầu tiên trường tổ chức cho học sinh toàn trường tham quan Bảo tàng Nam Định để các em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa của quê hương mình.

8. Để tạo niềm vui cho học sinh sau những giờ lên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi thể dục thể thao văn nghẹ, chuyên mục đầu tuần, thi nấu ăn, thi chụp ảnh, cắm hoa v.v... Từ các hoạt động này, nhiều năng khiếu của học sinh đã được phát hiện và bồi dưỡng. Em Vũ Thảo My, học sinh lớp 10A1 đã đoạt giải nhất cuộc thi ca nhạc Tuổi Hồng do Sở GD và ĐT tổ chức. Hết năm lớp 10 lên lớp 11 em đã tham gia cuộc thi “ Giọng hát Việt 2013” do VTV3 tổ chức và em đã giành ngôi vị quán quân.

 B. Kết quả các kì thi trong năm học 2013-2014.

Bài liên quan

Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam

Bước lên thềm một giai đoạn phát triển mới, trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, với một sứ mệnh cao cả, một tầm nhìn xuyên suốt, luôn gìn giữ giá trị riêng của mình để trở thành ngôi trường đã được biết đến và sẽ được biết đến nhiều hơn, như lời một giáo sư người Mỹ đã phát biểu khi tới thăm ...

Trung học phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội

Chương trình học của mỗi lớp được cấu tạo thành hai phần: chương trình Phổ Thông và chương trình luyện thi Đại học, nhưng hai phần ấy được lồng ghép vào nhau một cách hợp lý ngay trong mỗi tiết học. Trong mỗi bài học, ngoài những yêu cầu chung như ở các trường Quốc lập khác, còn có một yêu cầu nữa ...

Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn - TP. Hồ Chí Minh

Trường được khởi công năm 1874 và hoàn tất năm 1877, giảng dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp. Ngày đầu thành lập, trường có tên Collège Indigène (trung học bản xứ), không lâu sau được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc ...

Trung học phổ thông Hùng Vương - TP. Hồ Chí Minh

Trung học phổ thông Hùng Vương - TP. Hồ Chí Minh Địa chỉ: Số 124, Hồng Bàng, phường 12 - Quận 5 - TP. Hồ Chí Minh Cấp học: Trung học phổ thông Loại hình đào tạo: Chính quy Nhóm trường: Công lập Năm thành lập: 1934 Website: http://thpthungvuong.hcm.edu.vn Email: Điện thoại: 08 3855 ...

Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa (Tran Dai Nghia High school for the Gifted)

LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG * Năm 1874, Cha Henri De Kerlan – Cha Sở coi Thánh đường Sài Gòn tự xuất tiền riêng sáng lập trường Lasan Taberd đặt tại dinh của Tri phủ Tân Bình đời Tự Đức. Trường xây xong năm 1875 và hoàn thiện năm 1887, đầu tiên để nuôi trẻ mồ côi lai Âu và ...

Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong - Thành phố Hồ Chí Minh

Hơn 30 năm qua (tính từ 1975) Trường Lê Hồng Phong đã đóng góp cho thành phố và đất nước trên 15000 tú tài, hơn 7000 em thi đỗ vào đại học, hơn 300 học sinh du học có học bổng ở các Đại học nước ngoài. Tính từ năm 1996 đến nay tỉ lệ học sinh của trường tốt nghiệp tú tài xấp xỉ 100%, trên 90% thí ...

Trung học Phổ thông Marie Curie TP Hồ Chí Minh

Trường Marie Curie bắt đầu mở cửa từ năm 1918, là trường dành riêng cho nữ sinh, với tên gọi ban đầu là Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp (Ecole Primaire Supérieure des Jeunes Filles Françaises) Lycée Marie Curie. Sau khi Nhật tiến vào Đông Dương năm 1941, trường bị trưng dụng làm bệnh viện nên ...

Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai TP Hồ Chí Minh

Tháng năm đi qua, cùng với sự chuyển mình của ngành Giáo dục, trường Minh Khai đã không ngừng đổi mới để ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người. Cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên trường sạch, xanh và đẹp đã tạo được môi trường sư phạm lý tưởng để dạy và học. Chính sự đổi mới trong ...

Trung học phổ thông chuyên Quốc Học - Huế

Trung học phổ thông chuyên Quốc Học - Huế Địa chỉ: Đường Lê Lợi - Thành phố Huế - Thừa Thiên-Huế Cấp học: Trung học phổ thông Loại hình đào tạo: Chính quy Nhóm trường: Công lập Năm thành lập: 1896 Website: http://thpt-qhoc.thuathienhue.edu.vn Email: Điện thoại: 84-054-3823234 Số ...

Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Du - Đắk Lắk

Trường THPT Chuyên Nguyễn Du được thành lập theo quyết định 435/QĐ–UB, ngày 23/06/1994 của UBND Tỉnh Đăk Lăk. Thời gian xây dựng CSVC nhà trường trong vòng 2 năm, từ 1994 đến 1996. Sự ra đời của trường là cố gắng lớn của ngành GD-ĐT và thể hiện sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo Tỉnh đối với sự nghiệp ...

Mới nhất

THPT Đinh Tiên Hoàng

THPT Đinh Tiên Hoàng đang không ngừng nỗ lực phát triển trở thành một ngôi trường với chất lượng giảng dạy tốt nhất, tạo ra những thế hệ học sinh chất lượng

THPT Thực nghiệm

Trường THPT Thực Nghiệm trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Trường là cơ sở giáo dục đào tạo công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong hệ thống các trường phổ thông của thành phố Hà Nội. Trường dạy học theo chương trình giáo dục Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp ...

THPT Đông Kinh

Khẩu hiệu hành động: “ Hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ học sinh để giảng giải giáo dục và xử lý công việc ” “ Tất cả vì học sinh thân yêu ”

THPT Hà Nội Academy

Những rào cản còn tồn tại kể trên sẽ được vượt qua bởi những công dân toàn cầu tích cực với nhiệm vụ chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu bao gồm, nhưng không giới hạn ở nhân quyền, đói nghèo và công bằng xã hội. Nhận ...

http://thptkimlien-hanoi.edu.vn/

Qua 40 năm nỗ lực phấn đấu trong các hoạt động giáo dục, vượt khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường THPT Kim Liên đã tạo dựn được uy tín vững chắc, là 1 trong 5 trường THPT hàng đầu của Thủ đô có chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng nâng cao và trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc ...

THPT Tô Hiến Thành

Trường THPT Tô Hiến Thành được thành lập từ năm học 1995-1996, theo quyết định của Ủy Ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 6/2010, trường chuyển đổi loại hình sang công lập. Suốt 20 năm phát triển, thầy, cô giáo, thế hệ học sinh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, từng bước phát triển ...

THPT Mai Hắc Đế

Trường THPT Mai Hắc Đế được thành lập năm 2009, sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, Trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy trong đào tạo bậc THPT trên địa bàn Hà Nội.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều

Nhìn lại chặng đường gần 60 năm xây dựng và trưởng thành , các thế hệ giáo viên và học sinh trường Nguyễn Gia Thiều có thể tự hào về truyền thống vẻ vang của trường ; tự hào vì trường đã đóng góp cho đất nước những Anh hùng , liệt sĩ , những người chiến sĩ , nhà khoa học , trí thức , những cán bộ ...

Trường Trung học phổ thông MV.Lô-mô-nô-xốp

Sứ mệnh Xây dựng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp có môi trường học tập nền nếp, kỉ cương, chất lượng giáo dục cao; học sinh được giáo dục toàn diện, có cơ hội, điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực và tư duy sáng tạo, tự tin hội nhập.

Trường Trung học phổ thông Quốc tế Việt Úc Hà Nội

Trường thực hiện việc giảng dạy và học tập theo chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, thực hiện thời gian học tập theo biên chế năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Song song với chương trình này là chương trình học bằng tiếng Anh được giảng dạy bởi đội ngũ giáo viên bản ngữ giàu ...

KẾT QUẢ THI HSG QUỐC GIA

Năm học

Số HS dự thi

Số HS đạt giải QG

 

Tỉ lệ đạt giải (%)

 

 

Nhất

Nhì

Ba

Khuyến khích

Tổng

 

2013-2014

88

5

25

26

16

72

81.8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT QUẢ THI HSG TỈNH CHUYÊN

 

Năm học

Số thí

sinh dự thi

Số giải đoạt được

 

Tổng

Ghi chú