Trong thiên truyện Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy
Trong thiên truyện “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy. Anh chị hãy làm sáng tỏ vẻ đẹp của dòng sông truyền thông ấy qua các nhân vật chính trong tác phẩm. Bài làm ...
Trong thiên truyện “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy. Anh chị hãy làm sáng tỏ vẻ đẹp của dòng sông truyền thông ấy qua các nhân vật chính trong tác phẩm.
Bài làm
Nguyễn Thi là một cây bút văn xuôi tiêu biểu cho nền văn học chống Mỹ. “Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của ông. Tác phẩm kể về một gia đình Nam Bộ anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng thể hiện được một hiện tượng lịch sử: Sự tiếp nối truyền thống yêu nước và cách mạng của các thể hệ người Việt Nam trong chiến tranh. Quy luật đó được làm rõ bởi hình ảnh dòng sông truyền thống gia đình lấp lánh chảy trong tác phẩm.
Những người con trong dòng sông truyền thống gia đình là những con người yêu nước, căm thù giặc, gan góc, dũng cảm và khao khat được chiến đấu giết giặc, mang đậm tính cách Nam Bộ. Chú Năm – “khúc thượng nguồn” trong dòng sông gia đình – là người thân gần nhất và lớn nhất còn lại của gia đình Việt. Trong hồi tưởng của Việt, chú Năm hiện lên là một người luôn có ý thức gìn giữ và vun đắp cho truyền thống yêu nước, căm thù giặc của gia đình, chuyên vui, buồn , chiến công của người thân hay tội ác của kẻ thù… chú đều ghi lại và dặn dò con cháu phải ghi nhớ “dòng sông gia đình ta”, là người chất phác, giàu tình cảm, hay hát, hay hò, mỗi khi hò “gân cổ chú nổi đỏ lên, tay chú đặt lên vai Việt, đôi mắt chú mở to, đọng nước…”. Chú Năm phân xử chuyện trẻ con giữa Chiến và Việt, dặn dò chu đáo các cháu lúc bước ra “chân trời mặt biển”, gánh vác phần việc còn lại của gia đình. Tiếp đến là Má Việt – “khúc trung nguồn” trong dòng sông gia đình. Nếu chú Năm là người luôn có ý thức gìn giữ và vun đắp cho truyền thống của cả gia đình, thì má Việt lại là hiện thân của truyền thống ấy. Là một người vợ, người mẹ, má Việt là người giàu tình thương chồng, thương con, suốt đời đảm đang, tháo vát, lam lũ, chịu nhiều vất vả, đau thương nhưng luôn giấu nỗi đau để nuôi con, đánh giăc. Với kẻ thù, má Việt là một người phụ nữ gan góc ngoan cường, căm thù giặc cao độ, đi đấu tranh mỗi lần bọn lính bắn dọa, “mắt má lại sắc ánh lên nhìn bọn lính, đôi mắt của người đã vượt sông, vượt biển”. Cuối cùng là Chiến và Việt – “khúc hạ nguồn” trong dòng sông truyền thống gia đình. Ở cả hai nhân vật này, Nguyễn Thi khắc họa lên những nét tính cách chung của hai chị em. Cùng sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát, đau thương, cùng chứng kiến cái chết đau thương của ba má do bọn Mỹ gây nên. Hai chị em căm thù giặc sâu sắc nên có cùng ý chí là trả thù cho bá má, cho quê hương và có cùng nguyện vọng được cầm súng đánh giặc. Tình yêu thương là vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em tình cảm này được thể hiện sâu sắc và cảm động nhất trong cái đêm chị em chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Cả hai chị em đều là những chiến sĩ gan góc, dũng cảm. Đánh giặc là niềm say mê lớn nhất của hai chị em và cũng là của tuổi trẻ miền Nam. Với những nét ngây thơ , thậm chí có phần trẻ con “giành nhau bắt ếch, giành nhau thành tích bắn tàu chiến giặc, giành nhau ghi tên tòng quân…” .
Không chỉ dừng lại ở những điểm chung, ở mỗi nhân vật, cá nhân họ đều toát lên một vẻ rất riêng của mình. Chiến – hơn Việt một tuổi nhưng Chiến người lớn hơn hẳn. Chiến mang hình dáng và tính cách của má Việt “thân người to và chắc nịch – thân hình của người sinh ra để gách vác, chống chọi, để chịu đựng và chiến thắng, biết lo liệu , toán tính việc nhà y hệt má”. Biết nhường nhịn em, hồn nhiên, trẻ trung, thích làm duyên, làm dáng, vào bộ đội, Chiến mang theo chiếc gương soi. Còn Việt – nhân vật được nhà văn tập trung khắc họa rõ nét nhất từ tâm hồn , tính cách đến hành động. Việt có nhiều nét dễ thương của cậu bé mới lớn: lộc ngộc vô tư, hồn nhiên, ngây thơ và hiếu động. Ở nhà luôn tranh phần hơn với chị, khi vào bộ đội, được anh em xem như em út “giấu chị như giấu của riêng” vì sợ mất chị. Trong đánh giặc, Việt luôn tỏ ra gan góc, dũng cảm, khi bị thương, nằm một mình giữa chiến trường, Việt vẫn luôn trong tư thế chờ giặc đến “Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mây, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày…”. Qua chi tiết này, có thể nói, lòng yêu nước – căm thù giặc luôn là thước đo quan trọng nhất về phẩm giá con người ở tất cả các nhân vật của Nguyễn Thi.
Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” có một dòng sông truyền thống gia đình liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến đời chị em Chiến, Việt . Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.Nguyễn Thi đã sử dụng bút pháp nghệ thuật già dặn , điêu luyện được thể hiện ở giọng trần thuật qua hồi tưởng của nhân vật, miêu tả tâm lí, tính cách sắc sảo, ngôn ngữ phong phú, góc cạnh và đậm chất Nam Bộ để lại trong lòng độc giả nhiều xúc cảm.