Trọng tài kinh tế và giải quyết tranh chấp bằng thủ tục
Khái niệm. Theo từ điển luật học của Black's "Trọng tài là cơ quan xét xử do các bên đương sự thoả thuận thành lập để giải quyết tranh chấp giữa chính các bên đương sự đó. Thành ...
Khái niệm.
Theo từ điển luật học của Black's "Trọng tài là cơ quan xét xử do các bên đương sự thoả thuận thành lập để giải quyết tranh chấp giữa chính các bên đương sự đó. Thành phần của trong tài do các bên đương sự thoả thuận giải quyết định "
Theo Điều 1, Nghị định 116/CP về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế quy đinh: "Trọng tài kinh tế là tổ chức xã hội nghề nghiệp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế; các tranh chấp giữa công ty và các thành viên công ty; giữa các thành viên của công ty với nhau; các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu.
Ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây còn có hệ thống trọng tài kinh tế của Nhà nước, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân dân cùng cấp và chịu sự chỉ đạo, giám sát của trọng tài kinh tế cấp trên. Các cơ quan trọng tài này hoạt động như một cơ quan Nhà nước có chức năng quản lý công tác hợp đồng kinh tế và xử lý các vi phạm hợp đồng kinh tế.
Các hình thức trọng tài kinh tế.
Đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp vốn đa dạng và phức tạp, tạo điều kiện cho các bên tranh chấp thực hiện quyền lựa chọn của mình đối với các hình thức trọng tài kinh tế trong nền kinh tế thị trường có thể được phần ra theo những tiêu thức sau:
Căn cứ vào quy chế tổ chức gồm trọng tài vụ việc (trọng tài AD -HOC) và trọng tài thường trực
Trọng tài AD-HOC: Là loại hình trọng tài không có cơ quan thường trực do các bên tranh chấp lập ra để giải quyết vấn đề mà họ yêu cầu. Trọng tài AD - HOC không có quy chế hoạt động riêng và chỉ giải quyết vấn đề xong thì giải tán.
Khi áp dụng hình thức trọng tài AD - HOC, các bên phải tự thoả thuận và lập ra quy tắc tố tụng, lựa chọn trọng tài viên và địa điểm xét xử. Về cơ bản các bên không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý về tố tụng khi mà họ vẫn đảm bảo được nguyên tắc khách quan trong quá trình xét xử trường hợp của họ.
Giải quyết bằng trọng tài AD - HOC khá đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm được chi phí do không phải trả phí cho bộ máy hành chính. Đây là biện pháp giải quyết tranh chấp mềm dẻo, linh hoạt, phán quyết của trọng tài AD - HOC vẫn được công nhận có giá trị chung thẩm và được thi hành.
Để thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết tranh chấp thì khi lựa chọn trọng tài vụ việc, các bên nên thoả thuận quy tắc tố tụng trong hợp đồng để khi muốn áp dụng thì chỉ cần dẫn chiếu. Trong trường hợp cần thiết, các bên có thể sửa đổi, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với tính chất từng vụ việc. Việc áp dụng các quy tắc này không đòi hỏi các bên phải trả thêm bất kỳ một khoản lệ phí nào mà lại có thể mang lại cho các bên một cách thức giải quyết nhanh.
Tuy nhiên trọng tài vụ việc còn có nhược điểm là tính hiệu quả của nó phụ thuộc vào tinh thần hợp tác toàn diện của các bên tranh chấp và cần có sự hỗ trợ của một hệ thống pháp luật kinh tế hoàn chỉnh. Nguyên tắc "tự do lựa chọn" sẽ chỉ là hình thức nếu các bên không có thiện chí với nhau. Trình tự xét xử dễ bị trì hoãn nếu các bên không thống nhất được thủ tục giải quyết hoặc trở ngại trong việc lựa chọn trong tài viên.
Trọng tài vụ việc trên thực tế chỉ thích hợp với những tranh chấp nhỏ, khi các đương sự có sự am hiểu về pháp luật, dày dạn trên thương trường và có kinh nghiệp tranh tụng.
Trọng tài thường trực: bên cạnh loại hình trọng tài AD - HOC, còn có loại hình trọng tài hoạt động thường xuyên, theo thông lệ quốc tế được gọi là trọng tài thường trực hay trọng tài quy chế. Trọng tài thường trực có điều lệ riêng và quy chế hoạt động cụ thể. Mỗi tổ chức trọng tài quy chế đều đưa ra một bản quy tắc tố tụng hướng dẫn trình tự tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp. Các trung tâm trọng tài này đươc gọi dưới các tên như Toà án trọng tài (Ví dụ Toà án trọng tài quốc tế, Toà án trọng tài Luân Đôn); Trung tâm trọng tài (Ví dụ Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Hông kông...); hay Hiệp hội trọng tài (Hiệp hội trọng tài Mỹ...). Các Trung tâm trọng tài được tổ chức dưới dạng công ty hoặc Hiệp hội.
Về cơ cấu tổ chức, mỗi tổ chức trọng tài quy chế gồm một bộ phận thường trực hoặc ban thư ký nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính và giám sát việc áp dụng các quy tắc trọng tài. Thành phần thứ hai không thể thiếu ở các tổ chức trọng tài qui chế là các trọng tài viên, họ là các luật sư, các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại, hàng hải, bảo hiểm...
Trọng tài thường trực là hình thức trung gian giữa Toà án và Trọng tài vụ việc, Trọng tài thường trực giống trọng tài AD - HOC ở khả năng lựa chọn trọng tài viên, tuy có hạn chế hơn (vì phải chọn một hoặc tất cả trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên có sẵn của Trung tâm trọng tài). Mặt khác, trong tố tụng trọng tài thường trực, các bên đương sự buộc phải tuân theo các quy chế xét xử của từng Trung tâm trọng tài, bất luận nó có phức tạp hoặc không hợp lý đến mức nào. Tuy nhiên, trên thực tế điều này là rất hãn hữu, vì để tồn tại và phát triển, bên cạnh chất lượng của đội ngũ trọng tài viên thì quy chế tố tụng của từng Trung tâm trọng tài phải rất linh hoạt, có khả năng đáp ứng đòi hỏi của các nhà kinh doanh trong việc giải quyết tranh chấp.
Lợi thế lớn nhất của trọng tài thường trực là có sẵn các bộ quy tắc tố tụng trọng tài và các bên đương sự chỉ cần thoả thuận áp dụng quy tắc là đủ mà không cần phải tốn công tạo ra một bộ quy tắc mới. Các bản quy tắc trọng tài cũng được bổ sung thường xuyên, điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Những điều này rất thuận lợi cho các doanh nghiệp mới bước vào nghề, hoặc không am hiểu nhiều về luật pháp, về thủ tục kiện tụng. Nếu họ không muốn có điều gì bất lợi cho mình thì họ chọn trọng tài thường trực với bộ quy tắc có sẵn để giải quyết tranh chấp. Hơn nữa trọng tài quy chế hoạt động thường xuyên, có tổ chức chặt chẽ tạo điều kiện cho các bên dễ dàng quy định một thoả thuận trọng tài riêng. Một ưu điểm khác của trọng tài quy chế là vấn đề lựa chọn trọng tài viên. Trong trường hợp vụ việc tranh chấp bị một bên gây căng thẳng làm cản trở việc lựa chọn trọng tài viên thì sự chỉ định của Chủ tịch Trung tâm trọng tài là hết sức cần thiết. Các trọng tài Trung tâm là những người được tuyển chọn kỹ càng, và các bên hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào trình độ chuyền môn cũng như sự khách quan của họ. Ngoài ra còn phải kể đến vai trò của ban thư ký đối với quá trình giải quyết tranh chấp, họ có nhiệmvụ theo dõi, giám sát việc giải quyết tranh chấp làm cho quá trình thụ lý và xét xử không bị gián đoạn.
Bên cạnh những ưu điểm trên thì trọng tài quy chế cũng có những hạn chế nhất định như chi phí trọng tài cao hơn so với trọng tài AD - HOC. Ngoài chi phí trọng tài, các tổ chức trọng tài còn thu thêm phí hành chính. Và cũng do bộ máy hành chính nên đôi khi quá trình tố tụng trọng tài quy chế kéo dài vì phải tuân thủ những thủ tục trong quy tắc tố tụng một cách tuần tự và nghiêm chỉnh. Nguyên tắc "tự do lựa chọn" của các bên thực chất đã bị hạn chế trong quy tắc tố tụng của tổ chức trọng tài.
Theo kinh nghiệm, khi phải giải quyết những vụ tranh chấp phức tạp, có giá trị kinh tế cao thì nên kiện ra trong trọng tài quy chế.
Căn cứ theo vị trí trọng tì trong hệ thống tổ chức gồm:
Trọng tài Nhà nước: (hay còn gọi là trọng tài Chính phủ): Là cơ quan thuộc hệ thống cơ quan chấp hành và điều hành Nhà nước, có chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác hợp đồng kinh tế. Hoạt động giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm hợp đồng kinh tế cũng chính là phương tiện để đạt được mục đích là trực tiếp tham gia việc điều hành, tổ chức các quan hệ kinh tế.
Trọng tài kinh tế Nhà nước tồn tại ở các nước có nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung như ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và ở Việt Nam trước đây (từ những năm 1960 cho đến tận đầu thập kỷ 90). Và hiện nay khi chuyển sang cơ chế thị trường, các quốc gia này cũng tiến hành đổi mới cách thức tổ chức giải quyết tranh chấp.
Trọng tài phi Chính phủ: là một tổ chức độc lập, không phụ thuộc hệ thống các cơ quan Nhà nước. Nó có thể được thành lập ở dạng công ty hoặc Hiệp hội trọng tài. Mô hình này phổ biến ở nước có nền kinh tế thị trường.
Căn cứ vào mô hình tổ chức:
- Trọng tài độc lập: ví dụ như: Hiệp hội trọng tài Mỹ, Hiệp hội trọng tài Nhật Bản, Toà án trọng tài quốc tế Luân Đôn.
- Trọng tài bên cạnh phòng thương mại: ví dụ: Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh phòng thương mại quốc tế, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng thương mại và chủ nghĩa Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore.
Căn cứ vào thẩm quyền giải quyết vụ việc: gồm trọng tài chuyên ngành và trọng tài tổng hợp.
Căn cứ theo đặc điểm thành lập: Trọng tài quốc tế, trọng tài quốc gia.
Theo pháp luật và thực tiễn trọng tài của các nước trọng tài thì có thẩm quyền xét xử khi các bên đương sự thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nếu các bên trước và sau khi phát sinh tranh chấp không thống nhất giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì tranh chấp được giải quyết bằng Toà án. Tuy nhiên, việc thoả thuận giải quyết tranh chấp phải được thực hiện trong khuôn khổ do pháp luật quy đinh.
Theo mục một, Thông tư 02 - PLDSKT ngày 03/01/1995 hướng dẫn thi hành về thẩm quyền của trọng tài kinh tế được quy định tại Nghị định 116/CP về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế, "trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sau đây, không phụ thuộc vào quốc tịch của các bên tranh chấp.
Tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân, giữa pháp nhân với doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp tư nhân và giữa pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân với cá nhân kinh doanh...
Vấn đề thoả thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp còn được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam. Ví dụ Mục 3 Điều 239 Luật Thương mại quy định: "Trong trường hợp thương lượng hoặc hoà giải không đạt kết quả thì tranh chấp thương mại tại trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của trọng tài, Toà án mà các bên lựa chọn". Điều 21b Điều lệ mua bán licent, Điều 241 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Điều 38 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, Điều 24 Luật đầu tư nước ngoài... cũng có những quy định tương tự.
Quy tắc tố tụng là khung pháp lý mà Uỷ ban trọng tài và các bên đương sự phải tuân theo. Do trọng tài là tổ chức xã hội nghề nghiệp được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các trọng tài viên, theo quy định của Pháp luật; hoặc trên cơ sở lựa chọn của các đương sự (trọng tài AD - HOC), nên không tồn tại một tố tụng thống nhất. Tuy vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của tất cả các tổ chức, hình thức trọng tài phải đảm bảo các nguyên tắc sau mà nếu vi phạm các nguyên tắc này sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý rất phức tạp.
+ Nguyên tắc tự nguyện: Là nguyên tắc cốt lõi trong vấn đề trọng tài vì trọng tài được hình thành là do ý chí tự nguyện của các bên đương sự và trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài đều nhân danh ý chí tối cao của các bên đương sự. Họ có thể thoả thuận chọn hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên, địa điểm mà họ thấy thuận tiện và thậm chí là cả quy tắc tố tụng áp dụng trong vụ kiện. Trong quá trình tranh tụng, nếu các bên đạt được sự thống nhất trên cơ sở thương lượng hoặc hoà giải thì trọng tài phải tôn trọng sự thoả thuận đó và chấm dứt việc giải quyết vụ việc.
+ Nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tranh chấp: Trong mọi việc: từ lựa chọn hay bãi miễn trọng tài viên, lựa chọn địa điểm tố tụng, trong việc đưa đơn yêu cầu hay đơn biện minh trong việc nhận thông tin từ trọng tài và phía bên kia. Mọi tài liệu thông tin cho trọng tài đều phải thông báo cho bên kia, mọi biện pháp, quyết định của trọng tài đều phải đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên tranh chấp.
+ Nguyên tắc độc lập của các trọng tài viên trong khi giải quyết tranh chấp trong quá trình giải quyết tranh chấp, không ai có quyền can thiệp vào hoạt động của trọng tài viên. Các trọng tài viên bình đẳng với nhau và xét xử độc lập căn cứ vào những Điều khoản của hợp đồng và pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, với tư cách là những người hoàn toàn độc lập trong xét xử tranh chấp, trọng tài phải đảm bảo thái độ khách quan, vô tư nếu không muốn bị các bên khước từ hoặc phải tự khước từ.
+ Nguyên tắc giữ bí mật trong giải quyết tranh chấp: đây là nguyên tắc xuất phát từ mong muốn và lợi ích của các doanh nghiệp. Theo đó, các buổi họp xét xử của trọng tài trên cơ sở sự thoả thuận của các trọng tài viên sẽ được tiến hành tại nơi mà ngoài trọng tài viên và các đương sự thì những người không có trách nhiệm hoặc không liên quan thì không được có mặt. Trọng tài viên có trách nhiệm phải đảm bảo bí mật mọi vấn đề mà mình biết khi tiến hành giải quyết vụ việc, kể cả phán quyết cuối cùng trừ khi được sự đồng ý của các đương sự.
+ Quyết định của trọng tài có giá trị bắt buộc với các bên và không thể bị kháng cáo.