Nghiên cứu và phương pháp đánh giá sự cố môi trường trong sử dụng khí hóa lỏng (LPG) ở Việt Nam - Tổng quan(part 1)
Khái niệm: Sự cố môi trường (SCMT) là những hiện tượng đột biến của thiên nhiên, của quá trình hoạt động của con người, gây tác động tới con người và môi trường, diễn ra dưới tác động của yếu tố tự nhiên hoặc sự tác động ...
Khái niệm:
Sự cố môi trường (SCMT) là những hiện tượng đột biến của thiên nhiên, của quá trình hoạt động của con người, gây tác động tới con người và môi trường, diễn ra dưới tác động của yếu tố tự nhiên hoặc sự tác động của con người hay là sự kết hợp cả hai yếu tố đó. Pháp luật nhiều nước định nghĩa SCMT như là một rủi ro môi trường (RRMT) và quy định những biện pháp, những nguyên tắc để ngăn chặn và khắc phục những rủi ro [98].
Luật bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 của Việt Nam [41] đưa ra khái niệm SCMT như sau: “SCMT là những tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường của tự nhiên gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng ”.
Ở Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng đồng thời hai khái niệm “sự cố môi trường” và “rủi ro môi trường” theo nghĩa tương tự. Trong một số trường hợp, khái niệm “sự cố” được sử dụng thay thế cho khái niệm “sự cố môi trường” [41]. Một số tác giả còn sử dụng thuật ngữ “tai biến môi trường” [35] hoặc “sự cố rủi ro môi trường” [29] để chỉ nghĩa như nghĩa của hai khái niệm “sự cố môi trường” và “rủi ro môi trường”. Tuy nhiên, trong luận án, khái niệm “sự cố môi trường” được sử dụng để phù hợp với thuật ngữ như đã ghi trong luật bảo vệ môi trường năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành [41], nhưng khi trích dẫn tài liệu tham khảo, luận án vẫn sử dụng khái niệm “rủi ro môi trường” như nguyên văn.
RRMT là khả năng mà điều kiện môi trường bị thay đổi bởi hoạt động của con người, có thể gây ra các tác động có hại cho một đối tượng nào đó. Các đối tượng bao gồm sức khỏe và tính mạng con người, hệ sinh thái và xã hội. Tác nhân gây rủi ro có thể là tác nhân hóa học, sinh học, vật lý hay kết hợp các tác nhân này. Các đối tượng bị rủi ro và tác nhân gây rủi ro nằm trong mối quan hệ phức tạp và được thể hiện bằng một sơ đồ gọi là chuỗi đường truyền rủi ro. Chuỗi này liên hệ tất cả các hoạt động liên quan của con người với các loại tác nhân gây rủi ro và các đối tượng bị rủi ro. Nhiều tác nhân có thể gây rủi ro cho một đối tượng, đồng thời nhiều đối tượng có thể bị tác động bởi một tác nhân gây rủi ro. Rủi ro thường phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc hay phơi nhiễm của đối tượng đối với tác nhân gây rủi ro và mức độ gây hại tiềm tàng của các tác nhân lên đối tượng.
Như vậy, rủi ro môi trường là xác suất các thiệt hại sẽ xảy ra do sự phơi nhiễm với các nguy hại môi trường hay xác suất của một tác động bất lợi lên con người hay môi trường do phơi nhiễm với một chất. Nó thường biểu diễn xác suất xảy ra tác động có hại, tức là tỷ số giữa số lượng cá thể bị ảnh hưởng và tổng số cá thể phơi nhiễm với tác nhân gây rủi ro. Về mặt toán học, sự cố R được xem là tích của xác suất xảy ra sự cố P và hậu quả do sự cố gây ra D [35]:
R(x) = P(x).D(x) (1.1)
Đối với một nhóm sự cố:
R(x) = P(x).D(x) (1.2)
Rủi ro tập hợp các hiện tượng có quan hệ với nhau và bằng xác suất xảy ra nhân với mức độ hậu quả. Vì vậy cần kết hợp chặt chẽ việc đánh giá rủi ro với quản lý môi trường [95].
Phân loại
Tùy thuộc tiêu chí phân loại sẽ có các cách phân loại SCMT khác nhau.
- Phân loại theo lĩnh vực xảy ra sự cố [47]: rủi ro sinh thái, rủi ro sức khỏe, rủi ro công nghiệp.
- Phân loại theo tiến trình xảy ra sự cố [35]:
- Loại cấp diễn: xảy ra nhanh, mạnh và đột ngột. Ví dụ: động đất, cháy nổ …
- Loại trường diễn: xảy ra chậm, trường kỳ. Ví dụ: nhiễm mặn, sa mạc hoá …