21/02/2018, 09:30

Trình bày về các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam – Văn hay lớp 10

Trình bày về các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam – Bài làm 1 Mùa xuân là mùa của cây cối sinh sôi nảy nở, của hoa lá đơm bông khoe sắc. Mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, mùa của yêu thương nhung nhớ sau những ngày dài xa cách vì mưu sinh vất vả. Tết đến, ...

Trình bày về các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam – Bài làm 1

Mùa xuân là mùa của cây cối sinh sôi nảy nở, của hoa lá đơm bông khoe sắc. Mùa xuân còn là mùa của đoàn tụ, mùa của yêu thương nhung nhớ sau những ngày dài xa cách vì mưu sinh vất vả. Tết đến, xuân về là lúc nhà nhà no đủ, quây quần, vui vẻ, là lúc người người tụ họp sum vầy sắm sửa để mong đón một cái Tết tròn vẹn nhất, đủ đầy nhất. Nhưng bên cạnh những bánh chưng, những câu đối, những cây nêu và hơn hết là những điều đẹp đẽ thiêng liêng nhất thì cũng có không ít những hủ tục, tập quán lạc hậu có dịp tung tác và lây lan một cách mạnh mẽ nhất như thói tiêu xài phung phí, cờ bạc, rượu chè, mê tín dị toan….

Sau một năm làm việc vất vả cực nhọc không có thời gian nghỉ ngơi, thì Tết đến là dịp mà người người nhà nhà có cơ hội để thể hiện sự no đủ sung túc của mình với người khác. Ông bà ta xưa quan niệm rằng, cho dù những ngày bình thường mình có thể khó khăn, thiếu thốn, nhưng Tết đến thì phải sắm sanh, sửa sang cho bằng người ta, nếu không thì cả năm tới sẽ không gặp may mắn, và còn nghèo hơn năm cũ nữa. Chính vì những suy nghĩ này đã in sâu trong tiềm thức của dân ta nên mọi người không ngần ngại chi ra những khoản chi tiêu hết sức bất hợp lý. Họ sẵn sàng săn lùng những loại trái cây lạ mắt, độc đáo, những loại bánh trái nhập ngoại, hay những cây mai, cây đào có giá lên tới cả mấy chục triệu đồng, mấy trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng họ vẫn nhất quyết mua cho bằng được. Mặc dù hoàn cảnh không cho phép người ta tiêu xài như vậy nhưng để mát mặt, để khoe của thì họ sẵn sàng đánh đổi những thứ xa xỉ đó với bao tháng ngày cực nhọc, vất vả đổ mồ hôi để kiếm từng đồng tiền lo cho cuộc sống hàng ngày có khi còn không đủ. Họ không biết rằng, trên khắp mảnh đất hình chữ S này, có biết bao số phận, biết bao con người, biết bao gia đình vì nhiều nguyên nhân khác nhau chỉ mong có một cái Tết đúng nghĩa. Đó là có bánh chưng, có bánh kẹo, có vài chiếc áo mới cho con cái hay thậm chí đơn giản hơn là có một bữa cơm đúng nghĩa với cơm canh và với thịt nữa. Nhưng vì họ nghèo, nghèo tới mức một bữa ăn đơn giản còn không có nói gì đến áo mới, bánh chưng hay cành đào… Vậy mà, nhiều con người như họ lại có thể vung tay quá trán như vậy, họ vô tâm, thờ ơ đến mức tàn nhẫn. Những đứa trẻ ở các vùng sâu, vùng xa đang phải đối mặt với cái rét cắt da cắt thịt chỉ với đôi chân trần đỏ lựng lên vì giá buốt, chỉ với khuôn mặt hồn nhiên nhưng lại đang tái đi vì gió lạnh, hay đúng hơn là sự lạnh lẽo từ trong tâm hồn,  tiềm thức của những người đang ăn theo trào lưu “lợn cưới áo mới”.

Tết là để nghỉ ngơi, an hưởng sau những ngày làm việc cật lực. Đúng là vậy, nhưng nhiều người, nhiều gia đình lại đang làm cho cái Tết mất đi đúng cái ý nghĩa vốn có của nó. Họ tự cho mình tự do quá nhiều, thỏa sức ăn chơi, nhậu nhẹt không kể ngày đêm. Và nhiều cái kết đau lòng đã xảy ra, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cái mất cha…. Vì sự phóng túng quá mức, người ta đi xe trong lúc say xỉn, mặc dù sau lưng họ, trước mặt họ đang là những sinh mạng vô tội, thậm chí có những đứa trẻ chỉ vì một phút nông nổi của người cha, người mẹ mà không được nhìn thấy ngày mai nữa, hoặc có nhìn thấy cũng trong những hoàn cảnh hết sức đau lòng và thương cảm. Theo thống kê của các đài báo, thì tỉ lệ những vụ tai nạn giao thông, những vụ ẩu đả, đánh nhau trong các ngày Tết cao gấp nhiều lần ngày bình thường. Năm nào cũng như năm nào, nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đã treo những câu băng rôn, khẩu hiệu để hạn chế việc bia rượu, nhậu nhẹt một cách quá đà của người dân thế nhưng, dường như người ta vẫn rất thờ ơ với chính sinh mạng của mình. Chính họ đang biến những ngày Tết đoàn viên hạnh phúc, thành những ngày ám ảnh, day dứt vì nỗi ân hận khôn nguôi.

Năm cũ qua đi, năm mới đến. Trong những ngày này, nhân dân ta có tục đi chùa, đi đền để cầu cho mình một năm mới nhiều sức khỏe, bình an, nhiều may mắn và có nhiều người lại cầu tài lộc, cầu tình duyên mình bớt lận đận đi. Chính vì những nhu cầu hết sức bình thường này của mình, mà chúng ta đã tự đưa mình vào những cái vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra khi tin lời những ông thầy bà bói. Có khi họ nhìn vào mặt chúng ta, nhìn vào bàn tay, nhìn vào quân bài, hay có một số ông thầy kỳ dị khác còn nhìn vào những chỗ kỳ quái khác như lỗ tai, hay các điểm tế nhị khác, để khi biết chúng ta cũng phải há hốc mồm ra vì ngạc nhiên. Những người đó đều tự xưng mình là con của trời, hay là giúp việc cho ông thần này, bà thánh nọ, được những vị thánh xa lắc xa lơ đó sai xuống trần để giúp người, làm việc thiện tích đức. Nhưng khi những nạn nhân đó mà có lỡ cho ít tiền vào đĩa cúng thì thầy lại phán rằng thánh đang ngủ, hay thánh đang bận không xem được, những con bệnh dường như hiểu ra điều gì, vội vàng cho thêm tiền vào cúng vái rồi lễ lại. Họ tin những lời phán vô bổ, chung chung đó đến mê muội, đến nỗi sẵn sàng bỏ ra rất rất nhiều tiền để mua những chai nước thánh, những bùa chú cầu may mắn…. Họ làm theo lời thần thánh phán một cách vô điều kiện và rồi tin rằng chỉ có như thế thì công việc, tình duyên của mình mới mau mắn, suôn sẻ. Kéo theo sự mê muội tin tưởng một cách thái quá, mù quáng đó là những thói chây lười, không chịu cố gắng trong công việc trong mọi chuyện, rồi thì lại đâm ra lo lắng vì những điều vớ vẩn, không đâu bởi sợ vợ hoặc chồng ngoại tình, bởi mình có người âm theo nên lận đận tình duyên, hay bởi việc làm ăn, công việc của mình năm nay gặp hạn phải cúng, phải giải hạn mới được. Và bao sự việc, bao cái kết đau lòng đã xảy ra, gia đình tan nát, mất công việc, mất tiền bạc và cả thời gian nữa, đúng là “tiền mất tật mang”.

Trong độ Tết đến xuân về là lúc ông bà cha mẹ con cái trao nhau những lời chúc ý nghĩa nhất, may mắn nhất qua tục lì xì đầu năm. Ông bà, cha mẹ sẽ lì xì cho con cháu mình những phong bao lì xì đỏ thắm kèm trong đó là những đồng tiền lấy hên đầu năm cho con cháu mình thôi. Đây là một trong những tập tục đẹp, những tập tục hay được gìn giữ qua bao đời nay. Nhưng ngày nay, nhiều người, nhiều gia đình đang lợi dụng cái ý nghĩa này để nhằm tư lợi cá nhân. Nói là đi chúc Tết sếp, đi thăm hỏi, gặp gỡ sếp đầu năm, nhưng họ lại cố tình chọn những món quà giá trị nhất đó là những chai rượu Tây đắt tiền, đó là những hộp đồ ngoại danh giá, hay kèm trong đó là nhưng phong bao lì xì dày cộp những tiền là tiền. Kèm theo những món đồ đó là ước mong được thăng quan tiến chức, được đề bạt lên cấp này cấp nọ, và xa hơn là đường công danh được thăng tiến. Những giá trị, những ý nghĩa nhân văn cao đẹp còn đâu, mà chỉ thấy cái mục rỗng, cái tha hóa, thối nát về đạo đức, về lương tâm con người ngày một cao hơn mà thôi.

Và một tệ nạn không kém phần nhức nhối khác là tệ cờ bạc trong dịp lễ Tết này. Trẻ con thì sẵn có những đồng tiền lì xì trong tay, chúng tụ tập lại chơi bầu cua tôm cá, chơi lô tô, thanh niên thì đánh phỏm, đánh tá lả, cá cược, xóc đĩa các kiểu, còn những người già cũng quây quần, tụ họp trong các sới bạc, các chiếu bạc. Lúc đầu thì là chơi cho vui chỉ vài ngàn bạc lẻ sau đó là vài chục ngàn, vài trăm ngàn rồi cứ thế mà lên từ từ thành tiền triệu, chục triệu… Những ai đã rơi vào lưới của đỏ đen rồi sẽ biết, lúc vào thì dễ, nhưng để rút chân ra thì rất khó, cảm giác như mình đang rơi vào một vũng sình, càng lún càng sâu khó có thể rút chân ra được, đó là cảm giác càng đánh càng thua càng muốn gỡ lại. Vậy là bao nhiêu tài sản trong nhà đội nón ra đi, trong nhà lúc nào cũng lục đục vì cờ bạc. Thậm chí có bao người mất trắng, không nhà cửa, không gia đình rồi rơi vào cảnh tù tội cũng bởi bài bạc mà ra. Đây không phải là đến Tết mà là đến chết thì đúng hơn.

Tôi mong rằng người người, nhà nhà sẽ có một cái Tết dúng nghĩa là Tết cổ truyền, Tết của đoàn viên, của sum vầy hạnh phúc. Hãy để thời khắc trời đất giao hòa, lòng người chứa chan tình thương trở nên thiêng liêng nhất, quý giá nhất hơn bất cứ mọi thứ trên đời.  

Trình bày về các hủ tục tập quán không tốt trong ngày lễ tết ở Việt Nam – Bài làm 2

Tết đến xuân sang là dịp thường diễn ra rất nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh như chúc Tết, mừng xuân, lễ hội truyền thống của các địa phương, các đình chùa nổi tiếng trong cả nước như hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội Gióng, hội Lim, hội phủ Giầy, lễ xuống đồng, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương… Nhân dân nô nức tham gia để tiếp nhận luồng sinh khí dồi dào, vui đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Tết là dịp chủ yếu để những người thân trong gia đình, họ hàng sum họp, hàn huyên tâm sự, chia sẻ vui buồn, thành công hay thất bại trong năm vừa qua và trao đổi những dự định học hành, làm ăn trong năm tới.

Tuy vậy, bên cạnh những phong tục tốt đẹp cần gìn giữ và phát huy như đã nêu trên thì Tết cũng là dịp thuận tiện cho nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội như thói tiêu xài phung phí, mê tín dị đoan, cờ bạc… phát triển.

Từ xưa, dân gian đã có câu: Khó quanh năm, giàu ba ngày Tết. Có nghĩa là dù quanh năm sống trong nghèo túng thì ba ngày Tết mọi người cũng phải cố sắm sửa sao cho tươm tất để tổ tiên, ông bà khỏi tủi và để đỡ mất mặt với hàng xóm láng giềng. Nhưng điều đó vẫn nằm trong mức độ khả năng kinh tế cho phép, chứ không đồng nghĩa với sự chi tiêu vung tay quá trán mà ngày nay nhiều người, nhiều gia đình mắc phải. Tết hoàn toàn không phải là dịp khoe giàu khoe sang, phô trương thanh thế để lòe thiên hạ. Thế nhưng hiện nay không ít người hiểu sai lệch về ý nghĩa của Tết. Họ đua nhau mua sắm, chất đầy nhà thức ăn, thức uống, cố tìm cho được những gì là quý, là lạ, bất chấp giá cả, chỉ cần tỏ ra ta đây là dân thừa tiền, sành điệu. Họ dám bỏ ra vài chục triệu để mua một cây mai hay một cây cảnh mà họ gọi là “hàng độc” để trưng chơi trong ba ngày Tết. Chi tiêu kiểu đó quả là xa hoa phung phí, trong khi xung quanh còn rất nhiều gia đình nghèo khổ, Tết đến chỉ mong lo được cho đàn con vài cái bánh tét, bánh chưng, vài bộ quần áo mới. Trong cảnh nghèo, nhiều gia đình chỉ có chén trà thay rượu khi tiếp khách và đồ nhắm là những câu chuyện, những tràng cười vui vẻ.

Ăn nhậu say xỉn cũng là một tệ nạn diễn ra liên miên trong dịp Tết. Lấy cớ vui Tết đón xuân, nhiều thanh niên, trung niên la cà hết chỗ nọ đến chỗ kia, nhà này sang nhà khác để gầy độ nhậu. Họ uống rượu, uống bia đến mức ỏi mửa, say xỉn không thể nhớ đường về nhà, thậm chí ngã vật ra tại chỗ không biết trời trăng là gì. Không những thế, họ nhậu từ trước Tết tới ngoài rằm tháng Giêng mà vẫn lai rai chưa hết. Ăn nhậu vô độ làm tốn tiền bạc, thời gian, sức khỏe và gây ra nhiều tai nạn giao thông. Thế là Tết vui hóa thành Tết buồn.

Người Việt có phong tục đi lễ đền, lễ chùa vào dịp Tết đến xuân sang để cầu cho quốc thái dân an hoặc cầu phúc, cầu lộc, cầu duyên… hay thăm viếng các danh lam thắng cảnh của đất nước. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất, với các thế hệ tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Lợi dụng phong tục tốt đẹp này, nhiều kẻ vẽ vời ra trồ cúng kiểng, bói toán với những lời lẽ chung chung, vô căn cứ để kiếm tiền. Vậy mà vẫn có người tin để rổi không chịu cố gắng phấn đấu học hành, làm việc ; cứ mơ ước viển vông, trông đợi vào vận may hoặc tự chuốc lấy lo âu, sầu não. Rõ ràng là tiền mất tật mang. Điều đáng buồn cười là không ít vị có chức có quyền nhưng dính vào tham ô, hối lộ cũng đi lễ đền, lễ chùa để cầu cho tai qua nạn khỏi. Thử hỏi có Thần, Phật nào phù hộ độ trì cho những kẻ tội đầy mình, hại nước hại dân như thế!?

Mừng tuổi vốn là một phong tục đẹp có từ ngàn năm nay. Con cháu mừng tuổi ông bà, bố mẹ và ông bà, bố mẹ mừng tuổi cho con cháu, Kèm theo là cái bao lì xì màu đỏ, trong đó có ít tiền mới tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Thế nhưng phong tục đó giờ đây cũng bị một số người lợi dụng, biến thành hình thức cầu cạnh, hối lộ để “mua quan bán tước”, mưu cầu tiến thân. Đó cũng là một tệ nạn nhức nhối trong xã hội ngày nay vì nó là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, làm rối loạn kỉ cương xã hội.

Một tệ nạn phổ biến khác trong dịp Tết là cờ bạc sẵn có tiền trong tay, nhiều kẻ bài bạc thâu đêm suốt sáng. Trẻ con thì tham gia trò “bầu cua cá cọp”; thanh niên thì đánh bài tá lả ăn tiền, chơi xóc đĩa, cò quay… Trung niên, người già cũng tụ tập ngồi vào chiếu bạc, ít thì vài chục, vài trăm ngàn, nhiều thì hàng triệu, chục triệu. Ca dao có câu: Cờ bạc là bác thằng bần, Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm. Ấy thế nhưng đã trót sa vào cờ bạc thì ít người tỉnh ngộ. Càng đánh càng thua, càng thua càng đánh để hòng gỡ lại, để rồi thua đến trắng tay, của cải nối nhau đội nón ra đi. Bàn thờ tổ tiên thì nhang tàn khói lạnh, vợ chồng, con cái thì cáu gắt, chì chiết lẫn nhau. Khởi đầu một năm mới như thế là bất hạnh.

Theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, năm hết thì Tết đến, xuân qua xuân lại lại. Mỗi khi Tết đến xuân về, trong lòng người lại dâng lên những cảm xúc thanh cao, háo hức trước đất trời và cuộc sống. Chúng ta hãy cố gắng gìn giữ và phát huy những phong tục tốt đẹp của ông cha, mạnh dạn đẩy lùi những hủ tục, tệ nạn chỉ đem lại những hậu quả xấu ; để Tết Nguyên Đán thực sự có ý nghĩa thiêng liêng, thực sự là niềm vui, niềm mong đợi của tất cả mọi người.

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

  • nghị luận về tết cổ truyền việt nam
0