21/02/2018, 09:30

Bình giảng đoạn đầu bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm – Văn hay lớp 12

Bình giảng đoạn đầu bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm – Bài làm 1 Có biết bao nhiêu dòng sông trở đi trở lại trong những trang thơ trang văn. Nguyễn Tuân với dòng sông Đà hung bạo mà trữ tình, Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả dòng sông Hương mơ mộng, Quang Dũng kết thân với ...

Bình giảng đoạn đầu bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm – Bài làm 1

Có biết bao nhiêu dòng sông trở đi trở lại trong những trang thơ trang văn. Nguyễn Tuân với dòng sông Đà hung bạo mà trữ tình, Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả dòng sông Hương mơ mộng, Quang Dũng kết thân với dòng sông Mã thì Hoàng Cầm đã rất tự hào khi viết về dòng sông Đuống của quê hương mình. Bài thơ Bên kia sông Đuống chính là tấm lòng của nhà thơ dành cho quê hương đất nước của mình. Đặc biệt ta không khỏi ấn tượng ngay từ những phần thơ đầu tiên bởi nó mang đến cảm xúc bao trùm cho cả bài, sông Đuống xưa kia và sông Đuống hiện tại tác giả đang đứng ngắm.

Trước hết hai câu thơ đầu nhà thơ mang đến một giọng thơ tâm tình giữa anh và em để nói tâm trạng của chính mình và giới thiệu về con sông Đuống tới bạn đọc:

“Em ơi! Buồn làm chi 
Anh đưa em về sông Đuống”

Giọng điệu thủ thỉ tâm tình ta đã từng bắt gặp trong bài thơ đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và ở đây một lần nữa ta lại được lắng nghe những câu thơ mang giọng điệu như thế. Tâm trạng của nhà thơ được gói gọn trong chữ “buồn” ở câu thơ thứ nhất. Nói em ơi đừng buồn nhưng chính là tác giả đang nói chính bản thân mình. Buồn làm chi như một lời an ủi động viên chính mình phải vui lên. Tiếng gọi em ơi nghe sao mà tha thiết đến thế. Nhà thơ gọi người vợ tần tảo chăm sóc mẹ già và những đứa con hay đang gọi chính bản thân mình. “Anh đưa em về sông Đuống” khiến cho ta liên tưởng đến câu hát “Theo em anh thì về thăm lại miền quê, nơi có một triền đê có dòng sông bên lở bên bồi”. Nhà thơ như dắt người “em” về với dòng sông quê hương mình. Phải chăng đó chính là cách mà nhà thơ giới thiệu về dòng sông Đuống bên lở bên bồi của quê hương Kinh Bắc?. Và quay trở lại nỗi buồn được thể hiện trong hai câu thơ trên thì chúng ta đặt ra một câu hỏi tại sao nhà thơ lại buồn?. Nhà thơ buồn bởi lẽ khi ấy quê hương Kinh Bắc của nhà thơ đang bị thực dân Pháp chiếm đóng. Dòng Sông Đuống chia quê hương thành hai bờ. Đứng bên này sông nhà thơ đau lòng khi thấy bên kia sông nơi có mẹ già vợ tần tảo và những đứa con thơ dại đang phải chịu cảnh đàn áp của lũ cướp nước. Là một người con, một người chồng, một người công dân yêu nước chứng kiến cảnh đó thì hỏi làm sao mà không buồn cho được.

Như vậy chỉ với hai câu thơ mà Hoàng Cầm vừa giới thiệu được con sông Đuống vừa nói lên được hoàn cảnh mà quê hương ông đang gặp phải. Đồng thời nhà thơ nói lên tâm trạng của chính mình khi thấy những vết giày xéo của bọn cướp nước trên quê hương mình.

Và cũng như theo dòng của kỉ niệm của cảm xúc nhà thơ Hoàng Cầm đưa ta về với dòng sông Đuống ngày xưa êm ả yên bình:

“Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ 
Sông Đuống trôi đi 
Một dòng lấp lánh”

Con sông quê hương của nhà thơ là con sông cát trắng phẳng lỳ, cái màu trắng cát ấy in sâu vào tâm trí nhà thơ như một màu tiền sử của mảnh đất sinh thành. Sông Đuống mềm mải như một dải lụa trôi đi một dòng lấp lánh. Nghe câu thơ chúng ta như tưởng tượng được hình ảnh con sông Đuống ngày xưa đẹp lung linh mỗi khi nắng lên. Những tia nắng chiếu soi xuống mặt gương sông nước khiến cho dòng nước lấp lánh như dát vàng dát ngọc vậy. Sông Đuống một dòng trôi giống như nhà thơ một lòng yêu quê hương đất nước. Con sông ấytrở biết bao nhiêu là kỉ niệm tuổi thơ biết bao vui buồn của con người nơi đây.

Đó còn là con sống khi còn yên bình thế khi có giặc xâm lăng thì con sông đó như thế nào?
“Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ 
Xanh xanh bãi mía bờ dâu 
Ngô khoai biêng biếc”

Khi giặc Pháp đến xâm lược con sông ấy không còn được bình yên êm ả như trước nữa. Bởi biết bao nhiêu bom đạn của chúng nã thẳng xuống làn nước lấp lánh ấy rồi làm sao nó còn vẻ yên bình êm ả trôi nửa. Hình ảnh con sông Đuống được nhân hóa nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ. Con sông nghiêng ư hay là do nhà thơ nói như thế. Nhưng theo các nhà nghiên cứu thì đứng bên này sông Đuống nhìn sang bờ bên kia thì thấy nó nghiêng nghiêng. Tuy nhiên thực chất của vấn đề sông Đuống nghiêng là cách nói nghệ thuật của nhà thơ nhằm thể hiện sự kiên cường của con sông chiến đấu với quân thù. Nó nằm nghiêng như thế để đem tấm thân dài rộng của mình che chở cho dân làng. Biết bao nhiêu bom đạn sông Đuống hứng chịu và cùng nhân dân vượt qua những khó khăn của cuộc kháng chiến gian khổ này. Cuộc chiến tranh phá hủy ác liệt như thế nhưng hai bên sông vẫn xanh xanh những bãi mía bờ dâu, ngô khoai vẫn biêng biếc. Điều đó thể hiện dù cho chiến tranh còn ác liệt thế nào thì dòng sông kia hay chính là con người Kinh Bắc vẫn cứ lao động và kiên cường đấu tranh lại chúng.

Kết thúc đoạnthơ đầu nhà thơ lại nêu lên tâm trạng của mình về việc thực dân pháp xâm lược bên kia sông Đuống:

“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc 
Sao xót xa như rụng bàn tay”

Chứng kiến những cảnh tượng đau lòng và một phần nhà thơ lo lắng cho những người thân yêu của mình từ mẹ già, vợ trẻ, con thơ đến những cô hàng xén răng đen, những văn hóa Kinh Bắc nhà thơ thấy thương lòng. Không những nuối tiếc con sông Đuống yên bình êm ả mà còn thấy xót xa cho hoàn cảnh hiện giờ. Chỉ trong một câu thơ mà Hoàng Cầm sử dụng đến hai biện pháp nghệ thuật so sánh và chuyển đổi cảm giác. Nỗi xót xa kia đau đớn như rụng đôi bàn tay vậy hay từ nỗi xót xa ấy nhà thơ chuyển đổi cảm giác sang xúc giác, tay như rơi rụng. Nói tóm lại câu thơ thể hiện sự xót xa đến đau đớn rụng rời khi chứng kiến hoàn cảnh bên kia sông Đuống.

Như vậy đoạn thơ mở đầu của bài bên kia sông Đuống nhà thơ Hoàng Cầm đã giới thiệu cho chúng ta thấy hình ảnh con sông Đuống trong thời hòa bình và thời chiến tranh. Qua đó ta thấy dù ở bất cứ thời nào thì con sông cũng vẫn cứ đẹp, chỉ là nét đẹp khác nhau một chút. Ngày xưa lấp lánh hiền hòa đến đâu thì ngày chống thực dân Pháp lại kiên cường che chở đến thế. Đồng thời ta cũng cảm nhận được tình cảm của tác giả dành cho quê hương đất nước của mình. Chính vì thế khi thấy quê hương chịu đau thương nhà thơ vô cùng xót xa.

Bình giảng đoạn đầu bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm – Bài làm 2

Hoàng Cầm là một nhà thơ yêu nước, trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Là người con của quê hương Kinh Bắc xưa nên Hoàng Cầm không chỉ kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, mà còn thể hiện trong những trang văn của mình một tình yêu tha thiết dành cho quê hương. Bài thơ “Bên kia sông Đuống” là bài thơ tiêu biểu cho nguồn cảm xúc dạt dào, vô hạn ấy. Viết về quê hương bằng tất cả những tình yêu chân thành, sâu sắc nhất nên người đọc cảm nhận ở bài thơ này những cảm xúc chân thật, sống động nhất của Hoàng Cầm. Đặc biệt, thông qua khổ thơ đầu nhà thơ vừa gợi mở cho người đọc những ấn tượng đầu tiên về bức tranh quê hương nhiều màu sắc, những hình ảnh, những địa danh được mở ra đều quá đỗi giản dị, chân quê nhưng nguồn cảm xúc chứa đựng trong đó thì dạt dào khiến người đọc cảm thấy choáng ngợp.

Bài thơ “Bên kia sông Đuống” được Hoàng Cầm sáng tác trong một hoàn cảnh khá đặc biệt, đó là khi nhà thơ đang hoạt động cách mạng ở núi rừng Việt Bắc thì nghe tin quê hương mình bị thực dân Pháp đánh phá. Với tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương, cùng sự đau lòng khôn xiết trước thực tế phũ phàng, ngay trong đêm nhà thơ Hoàng Cầm đã sáng tác bài thơ “Bên kia sông Đuống”, vừa thể hiện sự xót xa trước thực tại bị tàn phá, đóng chiếm của quê hương vừa là thể hiện lòng tự hào về những giá trị truyền thống của dân tộc. Mở đầu bài thơ, tuy cảm xúc vẫn đang khắc khoải, trực trào ra bên ngoài nhưng giọng thơ vẫn thể hiện sự điềm tĩnh, da diết, đó chính là lời tâm tình của nhà thơ:

“ Em ơi, buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống”

Nhân vật “em” trong bài thơ này khá độc đáo, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng thú vị, bởi “em” có thể là người thương của Hoàng Cầm, người mà nhà thơ muốn dẫn về vùng quê đầy thơ mộng của mình, “em” ở đây cũng có thể là đại từ số nhiều, đại diện cho những con người, những độc giả trên dải đất Việt Nam thân yêu, hiểu như thế ta có thể hiểu câu thơ như một lời dẫn dắt, chào mời của nhà thơ đến với mọi người, rằng hãy về vùng quê này, về để khám phá, về để cảm nhận chất thơ trong từng khung cảnh. “Em ơi, buồn làm chi”, câu thơ này gợi cho ta một liên tưởng đó chính là việc quê hương tác giả bị giặc Pháp xâm lấn.

Đây là một việc khiến tác giả xót xa, đau đớn, chính là nguồn cảm hứng chủ đạo để nhà thơ viết bài thơ này. Tuy nhiên, gợi nhắc đến nỗi buồn ngay trong câu thơ đầu tiên không phải để buồn thương, xót xa mà để thể hiện sự lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào tương lai đầy tươi sáng “buồn làm chi”. Nghĩa là, dù thực tại đau lòng có xảy ra, thực dân Pháp có dùng bạo tàn để đóng chiếm, xâm lược thì đó cũng chỉ là tạm thời, rồi chúng cũng sẽ buộc phải rời khỏi, dù sớm hay muộn. Và những cảnh sắc của quê hương thì cũng không bị dấu chân xâm lược mà đổi thay, mà mất mát, tương lai trước mắt vẫn rất tươi đẹp, đó là ngày “anh” đưa “em” về Sông Đuống “Anh đưa em về sông Đuống’.

Sông Đuống hay còn được biết đến với một tên gọi khác là sông Thiên Đức, dòng sông này là một nhánh của dòng sông Hồng, nối liền với sông Thái Bình, chia vùng đất Bắc Ninh, cũng là quê hương của nhà thơ ra làm hai phần, phần phía Nam và phần phía Bắc. Vì vậy mà sông Đuống trở thành một biểu tượng mà khi nhắc đến nó người ta thường nhớ đến vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Câu thơ “Anh đưa em về sông Đuống” đã thể hiện được niềm tin của nhà thơ về tương lai của quê hương, cũng là tương lai tốt đẹp của dân tộc. Trong lời tâm tình tha thiết, chân thành, nhà thơ cũng không quên giới thiệu một cách đầy tự hào về vẻ đẹp của dòng sông ấy:

“Ngày xưa cát trắng phẳng lì”

Con sông Đuống hiện lên trước mắt người đọc với một vẻ đẹp đầy lãng mạng, thơ mộng, đó là những dải cát trắng “phẳng lì”, nhà thơ dùng từ “ngày xưa” để giới thiệu, bởi đây là những kí ức tươi đẹp trong tâm thức của nhà thơ, cái “phẳng lì” của bờ cát trắng còn gợi ra một cuộc sống êm ả, thanh bình của người dân nơi đây. Từ cái miêu tả khái quát, những lời giới thiệu đầu tiên, ở những câu thơ tiếp theo, nhà thơ Hoàng Cầm đã rất sôi nổi trong đặc tả những nét cụ thể, những vẻ đẹp chi tiết của dòng sông Đuống thân thương.

“Sông là Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh”

Đến những câu thơ này, ta thấy được chân dung cụ thể đối tượng trong bức tranh thơ của Hoàng Cầm, dòng sông Đuống trong cảm nhận và trong kí ức của nhà thơ là một dòng sông hiền hòa, yên bình, lặng lẽ chảy, lặng lẽ tồn tại bên cạnh con người, đặc biệt và với những người dân vùng Kinh Bắc xưa “Sông Đuống trôi đi”, tuy luôn lặng lẽ, trầm mặc nhưng trong cảm nhận của nhà thơ tì dòng sông ấy mang một nét đẹp đặc biệt, đó chính là những nét đẹp vốn có của nó hay trong chính tình cảm tha thiết của nhà thơ thì cái bình dị của con sông cũng trở nên thi vị, lãng mạn “Một dòng lấp lánh”, câu thơ gợi cho ta liên tưởng về những ánh nắng khi rọi chiếu xuống dòng sông, tạo ra những vệt sáng lấp lánh.

“Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu”

Nhà thơ Hoàng Cầm lựa chọn thể thơ tự do khi sáng tác bài thơ này, tạo ra được sự linh hoạt trong chuyển đổi cảm xúc, chuyển đổi trạng thái, nếu như những câu thơ trên hình thức câu thơ ngắn, nhịp thơ nhanh thể hiện được những kí ức tản mạn về vẻ đẹp con sông thân thương, thì đến những câu thơ này, nhà thơ lại thể hiện được sự tự hào khôn xiết khi sử dụng hình thức câu thơ dài, chứa chan những tình cảm. Bởi, con sông Đuống không chỉ là con sông hiền hòa, gần gũi trong cuộc sống sinh hoạt, mà nó còn là một dòng sông anh hùng, một nhân chứng của lịch sử “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”, câu thơ thể hiện được hình dáng của con sông về mặt địa lí, tự nhiên, nhưng trên hết, đó chính là sự tự hào vì dòng sông Đuống anh dũng cùng con người chiến đấu trong suốt thời kì dài, đầy gian khổ của kháng chiến chống Mĩ.

Từ cảm hứng tự hào, nhà thơ lại đột ngột chuyển sang cảm xúc trữ tình khi mô phỏng, khắc họa lại vẻ đẹp của dòng sông, đó cũng chính là những kí ức sống động trong tâm trí của nhà thơ, đó là những bãi mía xanh mướt, những bờ dâu ngút ngàn tươi xanh “Xanh xanh bãi mía bờ dâu”, trên những bãi bồi ven sông, khi phù sa sông bồi đắp không chỉ làm cho những bãi mía, bờ dâu trở nên tốt tươi mà còn có những dãy ngô, thưở khoai xanh tốt “Ngô khoai xanh biếc”, đó chính là cái trù phú, tốt tươi mà dòng sông Đuống mang lại cho con người vùng đất Kinh Bắc. Nhưng, trở lại với thực tế nhà thơ không khỏi xót xa, bồi hồi:

“Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”

Đó chính là hiện thực hết sức đau đớn, xót xa, đưa nhà thơ Hoàng Cầm cũng như bao độc giả trở về với thực tiễn, đó là một phần của quê hương bị xâm phạm, bắn phá bởi thế lực bạo tàn. Vì nơi nhà thơ sinh sống là bờ Nam của sông Đuống, nên hình ảnh thơ “Đứng bên này sông sao nhớ tiếc” thể hiện được hình ảnh giả tưởng của nhà thơ, bởi lúc này nhà thơ đang hoạt động ở chiến khu Việt Bắc, nghe tin quê hương bị bắn phá thì cũng chỉ có thể đau lòng, xót xa chứ không thể trở về. Câu thơ thể hiện được nỗi niềm đầy xót xa của nhà thơ với thực tế đầy khốc liệt. Và mỗi hình ảnh, dấu ấn của quê hương đã khắc sâu vào trong tâm trí, trong trái tim của nhà thơ nên khi nghe tin dữ, nỗi đau của nhà thơ cũng thật khắc khoải, xót xa “Sao xót xa như rụng bàn tay”, đó là nỗi đau tinh thần, được cụ thể hóa qua nỗi đau của thể xác, thể hiện được sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với quê hương của mình.

“Bên kia sông Đuống” là một bài thơ tiêu biểu, thể hiện sâu sắc được tình cảm mãnh liệt, da diết của nhà thơ Hoàng Cầm đối với quê hương của mình. Tình yêu ấy sâu sắc đến mức dù là những chi tiết đời thường, gần gũi nhất cũng toát lên một vẻ đẹp lạ thường, độc đáo. Vì quá gắn bó, yêu thương mà mỗi thương tổn, mất mát dù nhiều, dù ít của quê hương ấy cũng tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến nhà thơ, làm cho nhà thơ bồi hồi, xuyến xao nhưng cũng làm cho nhà thơ thao thứu, đau đớn đến tột cùng. Qua khổ thơ đầu của bài thơ, ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp dung dị, tươi đẹp của dòng sông Đuống, cũng cảm nhận được tình cảm gắn bó của nhà thơ Hoàng Cầm với con sông ấy.

0