21/02/2018, 09:30

Phân tích Chất thép trong thơ Hồ Chí Minh – Văn hay lớp 12

Phân tích Chất thép trong thơ Hồ Chí Minh – Bài làm 1 Một nền văn học đặc sắc là một nền văn học có nhiều tác phẩm đặc sắc, một người nghệ sĩ tài bà thì cần phải có quan điểm sáng tác của riêng mình. Hồ Chí Minh một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt nam là một nhà ...

Phân tích Chất thép trong thơ Hồ Chí Minh – Bài làm 1

Một nền văn học đặc sắc là một nền văn học có nhiều tác phẩm đặc sắc, một người nghệ sĩ tài bà thì cần phải có quan điểm sáng tác của riêng mình. Hồ Chí Minh một trong những tác gia lớn của nền văn học Việt nam là một nhà nghệ sĩ như vậy. Trong quan điểm sáng tác của mình  Hồ Chí Minh đã từng viết:

“Nay ở trong thơ cần có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”

Trong trận chiến đấu ác liệt của dân tộc ta thì văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ chính là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Là người nói lên quan điểm ấy nên Hồ Chí Minh cũng làm gương thực hiện quan điểm ấy một cách xuất sắc trong thơ ca của mình. Từ đó chúng ta có thể nói thơ Hồ Chí Minh rất giàu chất thép.

Trước hết chúng nên hiểu chất thép là gì?. Chất thép là thơ sáng tác nên phải có tính chiến đấu về mặt tư tưởng chính trị đối với cuộc đấu tranh chống quân xâm lược. Không những thế nó còn là sự đấu tranh kiên cường bất khuất thể hiện trong thơ mình. Điều đó nhằm khẳng định ý chí của dân tộc ta, cỗ vũ nhân dân ta chiến đấu vì tổ quốc. Khơi dậy niềm tự tôn dân tộc ở mỗi con người.

Riêng cuốn Nhật Kí trong tù của Bác đã có bao nhiêu là tác phẩm nói lên chất thép ấy. Điển hình như chúng ta đã từng được lắng nghe những vần thơ thép trong bài thơ đề từ của Người:

“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao”

Qua những vần thơ ấy ta thấy được chất thép ở đây chính là ý chí vượt lên hoàn cảnh để chờ ngày tự do tiếp tục hoạt động cách mạng của mình. Đó là một tinh thần thép, ý chí thép, sự kiên cường vĩ đại. Dù cho Người có bị giam cầm trong lao ngục thì Người vẫn tự an ủi động viên chính bản thân mình phải lạc quan vượt qua nó. Tinh thần ấy cũng thể hiện phần nào ý chí quyết tâm đuổi bọn ngoại xâm về nước.

Đó là những vần thơ thép trực tiếp, thế nhưng chất thép còn được thể hiện một cách gián tiếp. Nhiều bài thơ không nói chuyện thép, không lên giọng thép mà vẫn thấy chất thép. Ẩn sau những câu chữ hóm hỉnh, hài hước lại là những bài thơ chiến đấu. Trong tù có biết bao nhiêu là khó khăn về vật chất, điều kiện sống ấy khiến cho nhà thơ bị ghẻ lở, ngứa ngáy thế nhưng nhà thơ vẫn làm thơ: “Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu”. Đó chính là chất thép. Vì Bác muốn đấu tranh tư tương với cái hoàn cảnh ấy nên nó cũng thể hiện chất thép. Hay khi xiềng xích quán quanh người Bác lại nảy lên những vần thơ mới:

“Rồng cuốn vòng quanh chân với tay
Trông như quan võ quấn tua quay”

Hay khi tiếng xích va đập vào nhau tạo nên tiếng động Người lại bật lên câu thơ so sánh:

“Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung”

Đằng sau những vần thơ tưởng chừng như rất đỗi bình thường ấy lại là chất thép. Rõ ràng qua môi câu thơ chúng ta không thấy bất cứ một từ gân guốc nào thế nhưng chất thép lại ẩn sau những dòng thơ ấy. Nói về xiềng xích về tiếng kêu của nó nhà thơ một lần nữa lại thể hiện ý chí lạc quan vượt qua hoàn cảnh ngục tù để chờ ngày tự do hoạt động. Đồng thời thì chúng ta còn thấy được sự tố cáo của nhà thơ về chế độ nhà tù Tưởng giới Thạch.

Chất thép trong thơ Bác lại còn được thể hiện trong khi Bác hòa mình vào thiên nhiên. Dù bị kìm kẹp bởi gông cùm những Bác vẫn thể hiên khát vọng tự do của mình qua những vần thơ thiên nhiên ấy. Và đó chính là chất thép trong thơ thiên nhiên của Người:

“Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta đừng
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu”
(Đi đường)

Bài thơ ấy rõ ràng không lên giọng thép chỉ là những hình ảnh thiên nhiên vô cùng đẹp. Tiếng chim ca rộn ràng trên khắp núi, hương thơm bay ngan ngát trong rừng. Chính cảnh đẹp ấy khiến cho nhà thơ quên đi nỗi vất vả trên đường đi. Nói cách khác nhà thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước. Và đặc biệt người lấy hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy để quên đi hoàn cảnh khốn cùng tiếp tục kiên trì chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đồng thời lòng yêu đời yêu cuộc sống ấy chứng minh cho ý chí quyết tâm bảo vệ sự tươi đẹp đó của Hồ Chí Minh.

Hay trong bài thơ Vọng Nguyệt của Người, bác cũng không hề nói đến chất thép ở đây nhưng ta vẫn cảm nhận được chất thép ấy:

“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Nhà thơ thể hiện chất thép là ý chí vượt qua gian nan vất vả để kiên cường chờ ngày tự do. Trong tù ấy không có rượu không có hoa để cho nhà thơ thưởng thức cảnh đẹp. Đêm trăng ấy đẹp khiến cho nhà thơ không thể hững hờ được. Thế nên nhà thơ thì ngắm trăng qua khung cửa, trăng thì như nhòm nhà thơ. Hình ảnh ấy thể hiện nhà thơ vượt qua cái không gian tù chật hẹp ấy để đắm mình vào hình ảnh thiên nhiên. Đó chính là ý chí vượt lên trên hoàn cảnh.

Thơ Bác quả thật đúng với nhận xét của Hoàng Trung Thông rằng:

“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

Người không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là một nhà thơ có tinh thần thép. Đến với thơ Hồ Chí Minh chúng ta vừa được đắm chìm trong sư bát ngát của tình người, tình yêu thiên nhiên mà còn được say sưa mạnh mẽ trong chất thép. Văn chương của Bác là một vũ khí lợi hại để Bác chống lại sự khó khăn khi ở trong tù. Đồng thời nó khơi dậy ý chí chiến đấu của người dân Việt Nam.

Phân tích Chất thép trong thơ Hồ Chí Minh – Bài làm 2

Thơ Bác khi thì cứng cỏi kiên cường, lúc lại vút cao lên âm điệu tha thiết, ngọt ngào của tình yêu. Tập thơ Nhật ký trong tù đã làm xúc động lòng người với giá trị tuyệt vời của nó. Chính vì vậy, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:

Vần thơ của Bác vần thơ thép 
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

Điều phải nói đến đầu tiên là thơ Bác chính là động lực giúp Bác vượt qua mọi gian khó trong cảnh tù đày. Để giữ vững ý chí sắt son của người cộng sản: vượt lên trên cảnh lao tù, Bác chẳng hề kêu ca, phàn nàn mà dùng thời gian đó để làm thơ răn mình:

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây 
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.

Chất thép trong thơ như đã được tôi luyện già dặn, ánh lên phẩm chất kiên cường cho nên nhà tù chỉ giam được thể xác chứ không giam được tinh thần của người chiến sĩ cộng sản: 

Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao.

Với nghị lực phi thường ấy, tâm hồn thi sĩ của người tù – chiến sĩ rõ ràng là đã tự cởi bỏ xiềng xích, để chọn cho mình một chỗ đứng ở một vị trí cao nhất:

Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non
(Đi đường)

Xiềng xích, dây trói, nhà tù…, dường như chẳng có gì làm cho trái tim người run sợ. Người luôn nở nụ cười dí dỏm, thách thức mọi gông cùm, vượt lên mọi nỗi đau của thể xác để tấm lòng vẫn luôn ngời sáng ung dung:

Hôm nay xiềng xích thay dây trói 
Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung.
Tuy bị tình nghi là gián điệp Mà như khanh tướng vẻ ung dung,
(Đi Nam Ninh)

Cả chân tay Bác bị xiềng xích, mỗi bước đi là mỗi bước kéo lê nặng nề, loảng xoảng mà Bác lại ví như là tiếng ngọc rung, cùm gông đeo trên cổ mà người tù vẫn ung dung như khanh tướng, thật không còn hình ảnh nào độc đáo hơn để thể hiện ý chí không lay chuyển của mình.

Phong thái ung dung còn được thể hiện tiếp ở tinh thần vượt qua khổ sở, vất vả nhưng Bác vẫn có cảm giác vững vàng, đàng hoàng để ngắm nhìn cảnh đẹp ở hai bên đường trong tư thế bị treo ngược:

Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình.
Làng xóm bên sông đông đúc thế,
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh.
(Giữa đường đáp thuyền đi Ung Ninh)

Sống trong tù, chịu đựng mọi sự hành hạ, nhưng Bác Hồ luôn coi đó là dịp gian nan rèn luyện mình cũng ví như hạt gạo phải đem vào giã chịu bao đau đớn nhưng rồi sẽ trắng tựa bông:

Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông,
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công.
(Nghe tiếng giã gạo)

Đọc Nhật ký trong tù, không những ta cảm phục tinh thần thép của người chiến sĩ cộng sản mà còn xúc động bởi tấm lòng mênh mồng bát ngát tình của Bác với cảnh với người, với đất nước thân yêu. Trong tù, biết bao đêm thu Người không ngủ được bởi tấm lòng đau đáu nhớ về Tổ quốc, nơi xa xôi nghìn dặm với nỗi buồn như vạn mối tơ vấn vương cả trong giấc mộng:

Nghìn năm bâng khuâng hồn nước cũ 
Muôn tơ vương vấn mộng sau này! 
Ở tù năm trọn thân vô tội 
Hóa lệ thành thơ tả nỗi này.

Ai mà không xúc động khi đọc những vần thơ chứa chan tình yêu nước này? Tình yêu thiên nhiên trong Bác cũng rất đáng trân trọng. Thiên nhiên trở thành người bạn tri kỷ, gắn bó với nhà thơ, làm tâm hồn Người dịu mát và thanh thản:

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(Ngắm trăng)

Rõ ràng tâm hồn của Bác đã vượt qua song sắt nhà tù để tâm sự cùng thiên nhiên tươi đẹp bên ngoài. Thân thể ở sau song sắt mà tâm hồn lại vút lên bầu trời bao la, hòa với không gian lấp lánh ánh trăng.

Và cảnh gian nan trên đường đi không thể làm chết đi tình yêu thiên nhiên, của Bác. Bác vẫn hòa đồng cùng vạn vật với một trái tim nhạy cảm và chan chứa tình:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
(Chiều tối)

Mệt mỏi, gian lao, Bác vẫn cảm nhận dược những nét vô cùng nhỏ bé, tinh tế của trời chiều. Tâm hồn, trái tim Bác như vẫn cùng cánh chim bé nhỏ bay bổng trên bầu trời, cùng chòm mây nhẹ nhàng trôi lơ lửng. Chẳng hề có một lời than thở, Chỉ thấy tình yêu chứa chan cùng thơ Bác vút lên. Còn đây nữa, suốt ngày trên đường đi, mặc dầu bị trói chân tay, thơ Bác vẫn rộn tiếng chim và ngát hương cỏ cây, hóa lá:

Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng.
(Trên đường đi)

Yêu thiên nhiên, Người càng yêu đời tha thiết. Mặc dù phải chịu đựng bao nỗi hà khắc vô nhân đạo của nhà tù Tưởng Giới Thạch nhưng dưới đôi mắt tình đời ấm áp, tâm hồn Người vẫn bay theo tiếng sáo của em bé chăn trâu về nơi xóm ấm trẻ dắt trâu về tiếng sáo reo. Người vẫn thấy được cuộc đời xiết bao đằng yêu trong ánh lửa của lò than hồng… Phải yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời thì tim Bác mới chứa chan niềm yêu thương đồng cảm với những người cùng cảnh khổ, nỗi nhớ nhà, nhở quê hương tha thiết khi nghe một tiếng sáo:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu.
Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
(Người bạn tù thổi sáo)

Tình thương mênh mông của Người còn đi xa hơn tiếng sáo buồn của người tù để liên tưởng đến cuộc sống đợi chờ khắc khoải của người vợ bạn, ngày ngày lên lầu ngóng chồng từ muôn dặm xa, và người như òa khóc theo em bé vừa nửa tuổi đã bị bắt đi tù đầy thay cha:

Oa! Oa! Oa!…
Cha trốn không đi lính nước nhà,
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)

Trái tim mênh mông của Bác vô bờ bến. Không chỉ ôm ấp mọi kiếp người (Tố Hữu) mà Bác vẫn không quên cả những vật nhỏ bé tầm thường đã gắn bó với mình:

Giận kề bất lương gây cách biệt 
Hai ta dàng dặc nỗi buồn thương.
(Bài thơ về chiếc gậy).

Ôi! Tình yêu thương trong tấm lòng Bác mênh mông quá! Không có bút nào diễn tả nổi.

Nhật ký trong tù của Bác đã chắp cánh cho tâm hồn em bay xa hơn với ý chí sắt đá và tình thương bao la. Hình ảnh Bác trang thơ cũng chính là con người Bác ở đời thường đã thực sư là tấm gương sáng để mỗi chúng ta tự soi lại chính bản thân mình trong cuộc sống còn bề bộn này. Nhật ký trong tù quả là một tác phẩm có ý nghĩa và giá trị to lớn cho ngày nay và mãi mãi về sau.

0