Trình bày vắn tắt quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh trên những điểm chủ yếu và chứng minh rằng sự nghiệp văn học của Người là minh chứng hùng hồn và đẹp đẽ cho quan điểm ấy (chỉ cần chứng minh trên những nét lớn)
Hướng dẫn DÀN BÀI CHI TIẾT I. Mở bài Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ, người yêu văn nghệ, nhưng sự thật Người đã trở thành nhà văn lớn của dân tộc, nhà văn cách mạng của thời đại. Điều này không chỉ ...
Hướng dẫn
DÀN BÀI CHI TIẾT
I. Mở bài
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ là người bạn của văn nghệ, người yêu văn nghệ, nhưng sự thật Người đã trở thành nhà văn lớn của dân tộc, nhà văn cách mạng của thời đại. Điều này không chỉ thể hiện ở sự nghiệp văn học phong phú mà trước hết thể hiện trong hệ thống quan điểm sáng tác văn chương của Người.
II. Thân bài
A. Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh gồm ba điểm chủ yếu
1. Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng; nhà văn cũng phải ở giữa cuộc đời, góp phần vào nhiệm vụ đấu tranh và phát triển xã hội. Quan điểm ấy, có khi Người nói lên rõ ràng, minh bạch trong thơ:
Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Cảm tưởng đọc "Thiên gia thi", 1943 – Nhật kí trong tù)
có khi lại khẳng định dứt khoát trong văn chính luận: "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951). Đó là sự kế tục quan điểm thơ "chuyên chú ở con người" của Nguyễn Văn Siêu, tinh thần "Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" của Nguyễn Đình Chiểu và được nâng cao trong thời đại cách mạng vô sản.
2. Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến mục đích, đối tượng thưởng thức. Văn chương trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Chính vì vậy, khi đặt bút viết, bao giờ Người cũng tự hỏi: "Viết cho ai?" (đối tượng viết), "Viết để làm gì?" (mục đích viết), sau đó mới quyết định "Viết cái gì?" (nội dung) và "Cách viết thế nào?" (hình thức). Người chú ý đến quan hệ giữa phổ cập và nâng cao trong văn nghệ, đến ý thức và trách nhiệm của người cầm bút.
3. Hồ Chí Minh luôn quan niệm tác phẩm vãn chương phải có tính chân thật và tính dân tộc bởi tính chân thật vốn là cái gốc của văn chương xưa và nay. Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải "miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn" những đề tài phong phú của hiện thực cách mạng, phải chú ý nêu gương "người tốt, việc tốt", uốn nắn và phê phán cái xấu. Người đặc biệt quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Theo Người, tác phẩm văn chương phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và được nhân dân yêu thích.
B. Sự nghiệp văn học của Người là minh chứng hùng hồn và đẹp đẽ cho quan điểm ấy, được biểu hiện ở những mặt chủ yếu sau đây:
– Suốt cuộc đời cầm bút, Người chỉ viết cho nhân dân ta và nhân loại cần lao (Báo Người cùng khổ).
– Sáng tác của Người nhằm mục đích phục vụ cho cuộc cách mạng của dân tộc và cách mạng thế giới.
– Người chỉ viết một đề tài duy nhất là chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
– Cách viết của Người ngắn gọn, "hình thức sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân" (Trường Chinh).
III. Kết bài
Quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh là quan điểm văn nghệ cách mạng. Do tính chất đúng đắn, tiến bộ và cách mạng của nó, quan điểm của Người đã trở thành quan điểm của nền văn nghệ cách mạng nước ta, góp phần quan trọng đưa nền văn nghệ ấy ngày càng phát triển và đạt thành tựu tốt đẹp.
Thu Trang