18/06/2018, 12:57

Trang phục triều Nguyễn

Y phục Triều Nguyễn Triều Nguyễn (1802 - 1945), vương triều cuối cùng của giai cấp phong kiến nước ta, càng về sau càng phản động với bộ máy thống trị lạc hậu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ huy của thực dân Pháp. Đầu thời Nguyễn, trang phục ...

 

 Y phục Triều Nguyễn


Triều Nguyễn (1802 - 1945), vương triều cuối cùng của giai cấp phong kiến nước ta, càng về sau càng phản động với bộ máy thống trị lạc hậu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ huy của thực dân Pháp.

Đầu thời Nguyễn, trang phục của vua quan cũng được quy định tỉ mỉ như ở những triều đại phong kiến trước và có một cơ quan chuyên trách: Bộ lễ, song nó đã không mang được sắc thái riêng của dân tộc. Sự pha tạp những yếu tố Đông Tây, Âu Á trong hình dáng và họa tiết, nhằm mục đích phô trương hình thức, thể hiện uy quyền của đẳng cấp thống trị, cho nên không thể nào tránh được sự lố bịch, lai căng.

Vua Gia Long lên ngôi năm 1802. Trang phục của vua, có mũ miện, áo long cổn, xiêm, đai, hia, hốt...
- Mũ miện, thân mũ hình tròn ống, đan bằng dây thau, rộng hẹp tùy cỡ đầu, mặt ngoài bọc lụa màu huyền, trong lót lụa màu đỏ. Đặt lên trên thân mũ là một ván gỗ mỏng hình chữ nhật, cạnh trước và cạnh sau đeo 24 dây tua bằng vàng, xâu 300 hột san hô, trân châu, pha lê và 400 hạt vàng. Đỉnh mũ đính hai chữ vạn thọ bằng vàng. Xung quanh thân mũ có 12 hình rồng vàng, 6 hình ngọn lửa cũng bằng vàng. Lại dát hình hoa sen và đám mây bằng 256 hột vàng. Khi đội mũ, dùng một khăn chít ở trán để đội cho chặt (võng cân). Khăn dệt bằng tơ vàng.

 

 Y phục Triều Nguyễn


- Áo long cổn bằng sa tanh màu thanh thiên, cổ tròn bằng đoạn bát ty màu quan lục, trong lót lụa trắng. Thân áo thêu nhiều họa tiết: mặt trời, mặt trăng, sao, núi, rồng v.v... Vạt áo thêu rồng, mây, hình sóng nước... Tay áo cũng có họa tiết hình hai con rồng quay đầu xuống. Bên trong mặc áo đơn màu bạch tuyết, cửa tay thêu hình rồng mây.

 - Xiêm bằng sa màu vàng bóng, dưới viền gấm, thêu các họa tiết: ngọn lửa, hạt gạo, hình phất, hình phủ... lại còn đính các thứ ngọc bội, khánh ngọc, ngọc huỳnh, hạt vân mẫu, san hô, hổ phách... Khi đi lại, các thứ đó va chạm vào nhau, phát ra âm thanh rủng rẻng.

Đai làm bằng da bọc đoạn màu vàng, giữa đính một miếng ngọc hình vuông, xung quanh gắn sáu viên ngọc trắng hình quả trám, bịt vàng, 392 hạt châu ngọc, bên trong có sáu khuy để đính vào áo.

Hia, ngoài bọc đoạn màu đen, trong lót đoạn màu đỏ. Xung quanh thêu hình rồng, mây, đính ngọc, kim cương và những miếng kính cùng nhiều thứ khác. Hốt (cầm tay) của vua bằng ngọc, dài một thước hai tấc (khoảng 40cm), ngang ba tấc (khoảng 10cm), có túi gấm đựng.
Năm 1806, vua Gia Long ban chiếu quy định phẩm phục đại triều và thường triều cho các hàng văn võ, tóm lược như sau:

* Phẩm phục đại triều Văn giai:

 

 Áo hoàng hậu - Triều Nguyễn

Các quan từ trên nhất phẩm đến chánh thất phẩm, tùng thất phẩm đều đội mũ cánh chuồn tròn, nhưng tùy cấp bậc thấp, cao mà được đính ít hay nhiều vàng, bạc, đá quý... ởtrên mũ.
áo, mãng, bào cổ tròn. Chức cao nhất thì màu tía rồi đến hàng thấp: màu lục, lam, xanh...Đai, thân màu đỏ, trang sức vàng, ngọc, bạc, đồi. Hia, màu đen, mũi vuông. Tất viền gấm.

* Phẩm phục thường triều Văn giai:

Từ trên nhất phẩm đến chánh tam phẩm, tùng tam phẩm: đội mũ văn công, trang sức bằng vàng có hai dải đính ngọc kim hoa. áo bằng sa đoạn, màu xanh, lục, lam, đen v.v... hoặc thêu hoa, cổ chéo, màu trắng. Xiêm thêu chim hạc, xen hoa màu đỏ. Hia, tất giống như phẩm phục đại triều Văn giai.

Từ chánh tứ phẩm, tùng tứ phẩm đến chánh, tùng lục phẩm (tán giai): đội mũ kiểu Đông pha. áo bằng sa đoạn, màu xanh, lam, lục... Bố tử nền đỏ, thêu chim công, (cháng, tùng tứ phẩm), thêu vân nhạn (chánh, tùng ngũ phẩm), thêu ngỗng trắng (chánh, tùng lục phẩm).

Chánh thất phẩm, tùng thất phẩm đến chánh cửu phẩm, tùng cửu phẩm (tán giai): đội mũ văn tú tài. áo: kiểu may, màu sắc và hia tất giống cấp bậc trên. Bố tử, bậc chánh: nền đỏ, bậc tùng: nền xanh, thêu hình chim cò. Xiêm màu xanh, lục tùy ý nhưng hai bên không thêu hoa chùm.

Ở thời nhà Nguyễn, càng về sau trang phục của giai cấp phong kiến, đặc biệt là ở tầng lớp trên, càng biểu hiện một sự lố lăng, pha tạp, nhằng nhịt đến rối mắt.

 
 Trang phục của Vua Khải Định

Ví dụ như hình ảnh một ông vua: Vua Khải Định mặt áo dài đến đầu gối, cổ đứng cao. áo mở giữa nhưng bó lấy người bằng một thắt lưng to bản và một dải vải vắt chéo thân người. áo thêu rồng, mây, sóng nước rối rắm. Cổ tay chẽn lại bằng miếng đáp như "măng-xét" áo sơ mi. Hai vai đeo ngù. Đầu đội nón chóp. Chân đi giầy da đen bóng và ống chân được bó lại như kiểu đi "ghệt" nhưng lại thêu rồng. Trên nón, trên áo, trên thắt lưng... đều có đính rất nhiều vàng ngọc. Ngực đeo thẻ bài, khánh... bên cạnh các loại "mề đay" to nhỏ. Có cái "mề đay" đeo xuống tận đùi. Đeo kiếm Tây nhưng vỏ kiếm lại chạm các hình hoa lá phương Đông...

Về trang phục của binh lính thời đó, ta thấy: lính trong triều thường mặc áo thân dài. Loại quan ở cấp bậc trên, áo được may bằng vải tốt, có họa tiết hay trơn. áo có nẹp khác màu ở vòng quanh tai, mép tà, gấu áo, cửa tay. Lính hầu vua quan mặc áo cài cúc giữa, có nẹp hai bên tà từ ngực đến suốt chiều dài của thân áo. Thắt lưng vải buộc ngoài áo dài nhân dân gọi là lính khố vàng, vì vải màu trắng cháo lòng. Mặc quần ta, dưới chân bó xà cạp. Chân đi dép da trâu hoặc đi đất. Đầu đội mũ hay khăn theo phẩm trật. Lính hầu thì đội nón sơn nhỏ có chóp nhọn.
Ngoài ra còn có lính khố xanh, khố đỏ. Gọi là lính khố xanh vì loại lính này thắt lưng xanh. Gọi là lính khố đỏ vì loại lính này thắt lưng đỏ. Thắt lưng bằng vải, thắt phía trong áo và buông xuống trước bụng một đoạn ngắn khoảng 20cm.

Nói chung lính đều mặc áo cánh ngắn, cổ đứng, cao, cài cúc giữa, tay áo hẹp, ở gần cửa tay áo có đính phù hiệu chữ V bằng màu đỏ hay vàng hoặc kim tuyến để chỉ cấp bậc là cai, đội hay quản v.v... Quần như quần nhân dân nhưng phía dưới bó xà cạp. áo quần màu vàng cỏ úa. Đầu đội nón dấu nhỏ hay nón đĩa đan bằng tre quang dầu. Nón đĩa rộng như cái mẹt con, đường kính khoảng 25cm, phía sau có đính vải để che gáy và hai bên tai tránh nắng. Chân đi dép da trâu mỏng, có quai chéo chữ V và một quai quàng.

Giai đoạn này, lính người Việt tham gia quân đội Pháp được trang phục theo kiểu cách quân đội viễn chinh Pháp quy định.

Nhìn vào hệ thống trang phục của vua, quan nhà Nguyễn như trên, người ta đã thấy được thực chất tham vọng của những con người mặc nó. Ví dụ như trên bề mặt nhỏ hẹp của một chiếc áo lai căng, vua Nguyễn đã cho thêu vẽ đầy họa tiết rồng, mây, hoa, lá, sóng nước, vàng bạc, châu báu... như muốn thu cả đất trời, của cải về mình. Cái nón dân tộc giản dị, trang nhã được gắn đầy ngọc ngà, đối lập với đôi "ghệt" Tây phương, trông thật là lố bịch. Còn trang phục các quan, hầu như là một sự sao chép trang phục triều đình phương Bắc.

0