18/06/2018, 12:56

Tp.Hồ Chí Minh

Diện tích: 2.095 km² Số dân: 6.387.100 Mật độ: 4072 người/km² Dân tộc: Việt, Hoa Về chính quyền, thành phố có Hội đồng Nhân dân (HĐND) gồm 95 đại biểu do dân chúng bầu trực tiếp. Đứng đầu HĐND là Chủ tịch, có 01 Phó Chủ tịch và 01 Ủy viên thường trực giúp việc. Hội ...

Diện tích:   2.095 km²
Số dân:   6.387.100
Mật độ:   4072 người/km²
Dân tộc:     Việt, Hoa

Về chính quyền, thành phố có Hội đồng Nhân dân (HĐND) gồm 95 đại biểu do dân chúng bầu trực tiếp. Đứng đầu HĐND là Chủ tịch, có 01 Phó Chủ tịch và 01 Ủy viên thường trực giúp việc. Hội đồng nhân dân cử ra Ủy ban Nhân dân trực tiếp quản lý mọi hoạt động chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa trên địa bàn thành phố. Ủy ban Nhân dân thành phố có 13 thành viên, gồm: Chủ tịch, 05 Phó Chủ tịch và 07 Ủy viên. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố có vai trò tương đương chức vụ Thị trưởng của các thành phố lớn khác trên thế giới.

Do tại Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện mọi hoạt đông, nên trong thực tế vị Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo cao cấp nhất của thành phố.

Điều kiện tự nhiên

Khí hậu thành phố có hai mùa rõ rệt:
mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa bình quân trong năm: 1.979 mm.
mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình trong năm: 27,55°C.
Thành phố có hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai, chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam đổ ra biển Đông.

Thành phố có một khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ đã được UNESCO công nhận năm 2000.

Thành phố kết nghĩa 

 1995: Busan, Hàn Quốc
 1995: San Francisco, Hoa Kỳ
 1990: Thượng Hải, Trung Quốc
 1968: Đài Bắc, Đài Loan

Dân số

Theo thống kê chính thức dân số Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 là 6,24 triệu, so với 6,12 triệu người trong năm 2004. Tuy nhiên có khoảng 7 triệu người đăng ký hộ khẩu tại thành phố lớn nhất Việt Nam này và số dân có mặt trong thành phố thường cao hơn, thêm khoảng 2 triệu dân ngoại tỉnh làm ăn tại thành phố theo mùa vụ.

Bên cạnh người Việt, cộng đồng người Hoa gồm hơn 500.000 người đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thành phố.

Khoảng 30% số doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tay 23.000 người Hoa. Ngoài ra, trên 190.000 người Hoa khác tham gia kinh doanh buôn bán nhỏ. Xem thêm Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh

Kinh tế

Góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi được xem là trung tâm Thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, là địa phương đứng đầu về tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài. Năm 2005, thành phố nộp ngân sách 64.000 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thu ngân sách của cả nước; kim ngạch xuất khẩu chiếm 1/3 tổng kim ngạch của cả nước, GDP chiếm 20% cả nước. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu: điện, điện tử (bao gồm điện tử kỹ thuật cao), cơ khí, hoá chất, phần mềm, dệt may, giày da, luyện kim, dầu khí, sản xuất ô tô, đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến nông, lâm sản và nhiều ngành công nghiệp khác. Thành phố cũng là nơi tiếp nhận lượng kiều hối lớn nhất nước, khoảng 60% lượng kiều hối gửi về nước hàng năm. GDP năm 2005 tăng 12,2% và GDP đầu người đạt 1,850 USD (hoặc 8,900 theo chỉ số PPP), gấp 3 lần mức bình quân cả nước và xếp hàng đầu cả nước, thành phố là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sang năm 2006, GDP tăng 12,2% so với năm 2005, bằng tốc độ tăng của năm 2005 và cao hơn tốc độ năm 2004.

Thành phố có 3 khu chế xuất, 12 khu công nghiệp, khu công nghệ cao Sài Gòn, công viên phần mềm Quang Trung.
 
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chụp từ quận Bình Thạnh
Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, có mã giao dịch là VN-Index, được thành lập vào ngày 11 tháng 7 năm 1998. Cho đến cuối tháng 1 năm 2007, tại Trung tâm có 107 công ty niêm yết với tổng vốn hóa thị trường gần 245,000 tỷ đồng. Hàng tuần, thành phố có thêm 300-350 công ty đăng ký thành lập với tổng vốn trung bình vào khoảng 350-500 tỷ đồng (nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 26 tháng 10 năm 2006) và đang có tốc độ tăng trưởng nhanh (năm 2006, chỉ số VN-Index tăng trưởng 144% khiến thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh nhất thế giới).

Thành phố có hệ thống nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng. Chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa của thành phố. Lĩnh vực kinh doanh địa ốc, đặc biệt là các tòa nhà cao tầng phục vụ cho kinh doanh thương mại, văn phòng đang được đầu tư ồ ạt. Hiện tại, tòa nhà cao tầng nhất tại thành phố là Saigon Trade Centre cao 33 tầng trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 và cũng là tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, kỷ lục này sẽ bị sớm phá vỡ khi tòa nhà The Times Square 42 tầng, được dự kiến hoàn thành trong năm 2007 và đặc biệt là khi The Financial Tower (Tháp Tài chính), 68 tầng, được hoàn thành.

Giao thông vận tải

Đường bộ: Hệ thống đường bộ dày đặc nhưng do sự gia tăng dân số quá nhanh và qui hoạch chưa hợp lý nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Để giải quyết vấn nạn tắc nghẽn giao thông, Thành phố đã triển khai và hoàn tất nhiều dự án giao thông quan trọng như: đại lộ Đông Tây, cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đường xuyên Á, đường cao tốc Tp. HCM - Long Thành - Dầu Dây và Tp HCM - Vũng Tàu, đường Trường Chinh, đường cao tốc đi Trung Lương, đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Một số dự án lớn đang giai đoạn chuẩn bị triển khai: Các đường vành đai 1, 2, 3; đường trên cao Thị Nghè - Sân bay Tân Sơn Nhất; cầu Bình Triệu... và đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng số vốn dự kiến lên tới trên 30 tỷ đô la. Khi dự án này hoàn thành sẽ kết nối thành phố với tất cả các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước.

Đường thủy: Các hệ thống cảng Sài Gòn, Tân Cảng đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận các tàu trọng tải lớn. Tuy nhiên, do nằm trong nội đô nên ảnh hưởng lớn đến giao thông đô thị và đang được di dời ra khỏi nội thành. Các cảng container mới, hiện đại đang được triển khai có: cụm cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái...

Đường sắt: Ga Sài Gòn là đầu mối giao thông quan trọng và nhộn nhịp nhất nước, phục vụ các tuyến vận tải Bắc Nam. Do mật độ giao thông nội thị cao, việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt trên cao (monorail) đang được triển khai như các tuyến: Bến Thành - Biên Hoà, Bến Thành - Bến xe Miền Tây, Bến Thành - Tân Sơn Nhất - An Sương... đang được các đối tác nước ngoài như (Nhật, Pháp, Nga, Đức) đệ trình phương án đầu tư.

Đường hàng không: Thành phố có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cho đến tháng 3 năm 2006 là sân bay lớn nhất Việt Nam (năm 2005, có lượng khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm 2/3 tổng số lượng khách đến các sân bay quốc tế tại Việt Nam, sân bay này phục vụ 7 triệu khách thông qua, chiếm 1/2 tổng số 14 triệu khách sử dụng sân bay tại Việt Nam). Nhà ga quốc tế mới với năng lực 8-10 triệu khách năm dự kiến hoàn thành cuối năm 2006. Trong tương lai không xa, Sân bay quốc tế Long Thành với công suất 80-100 triệu khách năm sẽ được xây dựng 40 km về phía Đông Bắc thành phố.

 Du lịch
 
Chợ Bến Thành là biểu tượng không chính thức của Thành phố

Khẩu hiệu du lịch của thành phố là "TPHCM - điểm đến an toàn và thân thiện". Năm 2005, thành phố đón 2 triệu khách du lịch quốc tế. Khách du lịch đến thành phố được tham quan ở các di tích lịch sử khu vực trung tâm như: dinh Xã Tây (tòa nhà UBND thành phố), bến Nhà Rồng, nhà thờ Đức Bà, nhà hát lớn Thành phố, bưu điện Thành phố, dinh Độc Lập, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm, nhà thờ Huyện Sỹ và hàng chục viện bảo tàng, viện nghiên cứu lớn nhỏ, hay ra ngoại thành thăm khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ ở đường Đồng Khởi, chợ Bến Thành. Thành phố có "khu phố Tây" ở Khu phố Phạm Ngũ Lão, thưởng thức ẩm thực khẩn hoang Nam bộ ở khu du lịch Bình Quới. Nếu đến vào dịp Tết, du khách sẽ được ngắm nhìn đường hoa Nguyễn Huệ và tham dự vào lễ hội bánh tét thành phố.

Các khu vui chơi giải trí như: khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên; công viên nước Đại thế giới; công viên giải trí Đầm Sen; hồ Kỳ Hòa... Các điểm tham quan hấp dẫn như: khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, địa đạo Củ Chi, Thảo Cầm Viên.

Thành phố vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề truyền thống có giá trị lớn về ý nghĩa văn hóa, tạo được nhiều việc làm cho lao động. Đó là làng hoa Gò Vấp, làng bánh tráng Phú Hòa Đông, làng dệt Bảy Hiền...

Ẩm thực

Là một thành phố có dân cư nhiều dân tộc (chủ yếu là Việt, Hoa) và dân cư từ khắp cả nước hội tụ về, ẩm thực của thành phố rất phong phú đa dạng. Người ta có thể thưởng thức phở 24 và bún thịt nướng Hà Nội; bún bò và các món bánh Huế; mì Quảng; các món ăn miền Tây; các món ăn của Trung Hoa, Indonesia, Pháp, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, Ấn Độ,... Các món ăn đặc trưng nhất của thành phố là: hủ tiếu Nam Vang, mì vịt tiềm, nem Sài Gòn... các món lẩu dê, đà điểu, cá sấu... đặc biệt là hàng trăm món nướng theo phong cách Nam Bộ.

Bưu điện Sài Gòn
 
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa (Việt, Hoa, Âu, Chăm, Khmer), thuộc vùng văn hóa Nam bộ với đặc trưng con người năng động, nhạy bén, sắc sảo.

Thành phố có 11 bảo tàng và nhiều nhà lưu niệm, nhà truyền thống, phòng truyền thống ở các quận, huyện: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là bảo tàng lớn nhất, và là bảo tàng đầu tiên của thành phố; Bảo tàng Hồ Chí Minh nơi xưa kia là Bến Nhà Rồng; Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.

Thành phố là nơi đầu tiên đề xướng và triển khai thực hiện các phong trào xã hội đầy tính nhân văn như: "nhà tình thương", "xóa đói giảm nghèo", "ánh sáng văn hoá hè", "chiến dịch mùa hè xanh" của thanh niên, đào tạo nghề cho người sau cai nghiện trên cả nước. Thành phố hiện có tỷ lệ người nghèo thấp nhất nước: 1,8%.

Thành phố có các trung tâm tôn giáo lớn: Nhà thờ Đức Bà, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm là chùa cổ nhất của thành phố. Ngoài ra còn có các thánh thất Cao Đài, thánh đường Hồi giáo, thánh địa Hòa Hảo...

Thành phố 22 đơn vị nghệ thuật, 9 rạp hát. Nhà hát Lớn thành phố là rạp hát nổi tiếng nhất. Rạp hát truyền thống có: Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát múa rối Thành phố Hồ Chí Minh. Các sân khấu và các đoàn kịch nói của của thành phố, khác với các tỉnh thành khác được Nhà nước bao cấp kinh phí, tự chủ hoạt động và tự chủ kinh phí và hoạt động liên tục suốt các ngày trong tuần. Các sân khấu kịch nói, ca nhạc hoạt động sôi động nhất nước. Thành phố là trung tâm ca nhạc, giải trí lớn của cả nước quy tụ các ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ khắp đất nước đến biểu diễn và sinh sống.

Thành phố là một trong những trung tâm thể thao lớn của cả nước, từng là nơi tổ chức SEA Games 22. Sân vận động lớn nhất là sân vận động Thống Nhất. Ngoài ra còn có các sân khác như: Sân vận động Quân khu 7, Thành Long, Hoa Lư; Nhà thi đấu Phú Thọ, Trường đua ngựa Phú Thọ, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng...

Thành phố là nơi ra báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ: Gia Định báo. Báo lớn nhất của thành phố là báo Sài Gòn giải phóng; các báo có số ấn bản lớn nhất nước như: Thanh Niên, Tuổi Trẻ. Ngoài ra còn hàng chục tờ báo và tạp chí lớn khác như: Công an thành phố, Người lao động, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thời trang, Thế giới mới, Kiến thức ngày nay... Báo tiếng Anh có: Saigon Times daily, Thanhniennews (báo điện tử). Báo tiếng Hoa: Sài Gòn giải phóng. Thành phố có Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Thư viện trung tâm của thành phố là Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố là địa phương tiêu thụ các ấn phẩm xuất bản lớn nhất nước, có hệ thống các nhà sách quy mô lớn, phân bố đều khắp các quận huyện.

Giáo dục và y tế

Thành phố đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Thành phố có các trường phổ thông quốc tế. Về đào tạo đại học, thành phố có Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (là trường đại học đào tạo đa ngành lớn nhất). Ngoài ra, còn có hàng chục trường đại học danh tiếng khác như: Học viện Kỹ nghệ Hoàng gia Melbourne (Royal Melbourne Institute of Technology) của Úc, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Hàng không, Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương Thành phố Hồ Chí Minh... và hàng trăm trường cao đẳng, trung học dạy nghề khác. Về chăm sóc y tế, thành phố là một trong những trung tâm hàng đầu về dịch vụ y tế chất lượng cao của Việt Nam. Thành phố có gần 100 bệnh viện và trung tâm y tế công lập (2005) và hàng trăm bệnh viện và trung tâm y khoa tư nhân, 8 bác sĩ/10.000 dân (2003). Bệnh viện lớn nhất và hiên đại nhất từ đèo Ngang trở vào là bệnh viện Chợ Rẫy do Chính phủ Nhật Bản tài trợ xây dựng.

Thành phố Hồ Chí Minh - Tầm nhìn 2020

Theo quy hoạch đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành một đại đô thị (mega city) với dân số khoảng 20 triệu người, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những trung tâm thương mại và tài chính của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trung tâm thành phố vẫn ở khu vực Quận 1 cũ, nhưng có mở rộng ra ở Thủ Thiêm, Quận 2. Đô thị sẽ được phát triển theo quan điểm "thành phố mở", là một đô thị đa trung tâm, nối kết với các tỉnh trong khu vực bằng những hành lang đô thị hóa, mở rộng ra theo 4 hướng: Đông (hướng về Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai), Nam (từ Nhà Bè, Cần Giờ hướng ra biển Đông), Bắc (từ Củ Chi hướng tới Tây Ninh và Campuchia), Tây (hướng về đồng bằng sông Cửu Long).

Các cơ hội

Tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam, sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, việc gia nhập WTO, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là cơ hội tốt để thành phố tiếp tục phát triển kinh tế hơn nữa.

Sự quan tâm nhiều hơn của thế giới vào châu Á-Thái Bình Dương, sự nổi lên của các cường quốc mới ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như việc nâng cao vị thế của tổ chức ASEAN mà Việt Nam là thành viên cũng sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc biến Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực.

Nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố cũng là một nguồn động lực quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu trở thành trung tâm phần mềm và có thể là trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính của khu vực.

Nạn nhân mãn và ô nhiễm môi trường

Do sự tăng dân số cơ học nhanh và có nhiều khu công nghiệp nằm trong thành phố nên tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước sông, nước ngầm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy hoạch và tình trạng xây dựng hiện tại, thượng lưu sông Sài Gòn - con sông cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố đã có những khu công nghiệp nhưng khả năng xử lý nước thải công nghiệp có hạn nên nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao. Ngoài ra, hệ thống xử lý vệ sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng chỉ pha loãng nước thải đổ ra sông Sài Gòn, kết hợp với triều cường cũng là nguy cơ rất cao đối với nguồn nước sông Sài Gòn.

Tình trạng ùn tắc giao thông

Do hạ tầng giao thông phần lớn đã trở nên lạc hậu, cùng với sự gia tăng chóng mặt của số lượng phương tiện giao thông (từ các miền của Việt Nam) nên ùn tắc là chuyện thường xuyên xảy ra, nhất là trong giờ cao điểm, tuy nhiên rồi đâu cũng vào đó.

0