Trang phục đám tang
Trang phục lễ tang Trong lịch sử loài người đến trung kỳ thời đại đồ đá cũ mới có tập tục mai táng người chết, ai cũng hiểu là người đó không bao giờ còn trở lại với người sống nữa. Tình cảm thông thường của những người sống là sự thương nhớ, đau khổ... biểu lộ bằng nước mắt, sự buồn rầu, ...
Trong lịch sử loài người đến trung kỳ thời đại đồ đá cũ mới có tập tục mai táng người chết, ai cũng hiểu là người đó không bao giờ còn trở lại với người sống nữa. Tình cảm thông thường của những người sống là sự thương nhớ, đau khổ... biểu lộ bằng nước mắt, sự buồn rầu, than vãn. Có thời kỳ, với triết lý của tôn giáo, người ta còn cho rằng sống là gửi, chết là về, chết là thoát khỏi sự đau khổ của cuộc đời, chết là để tiếp tục sống ở bên kia thế giới (hoặc là lên thiên đàng, hoặc là xuống địa ngục).
Nói chung, tang lễ người Việt trong cái buồn lại xen lẫn một niềm an ủi hoặc lo lắng. Những diễn biến tình cảm có ảnh hưởng đến nội dung và các mặt hình thức trong tổ chức lễ tang. Dù sao với ý niệm "nghĩa tử là nghĩa tận", các hình thức biểu hiện mối quan hệ tình cảm, tinh thần trách nhiệm của người sống với người chết ngày càng phong phú, đa dạng. Trang phục lễ tang là một trong những biểu hiện quan trọng, lâu dần trở thành phong tục.
Tục thời Hùng Vương khi có người chết, người ta giã chày vào cối phát ra tín hiệu thông báo cho mọi người cùng biết, có thể thời đó đã có những nghi thức và trang phục đơn giản về lễ tang nhưng ta chưa tra cứu được.
Trang phục lễ tang, ngoài mục đích để biểu thị tình cảm, thái độ với người chết, còn là để phân biệt mối quan hệ thân sơ ruột thịt xa gần với người chết. Sau này, trang phục lễ tang, nằm trong toàn bộ tổ chức lễ tang, đã được giai cấp bóc lột, thống trị dùng làm phương tiện khoe của, thị uy, tuyên truyền cho quan điểm giai cấp, đẳng cấp đương thời. Trong khi đó, có những gia đình nhân dân lao động, không đủ tiền mua áo quan cho người chết, phải bó chiếu đem chôn, nói gì tới trang phục lễ tang cho người chết. Ngay cả trong trường hợp này, người ta cũng cố gắng tìm một dải vải nhỏ chít lên đầu, gọi là có tí chút để tang cho đỡ tủi vong linh người chết, cho đỡ đau lòng người sống. Qua đó, ta thấy trang phục lễ tang có ý nghĩa quan trọng thiêng liêng.
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, từ thời nhà Lý, đã có nói tới quốc tang, với trang phục quốc tang dùng vải xô, gai. Vua chết, cả nước phải để tang. Vua Lý Nhân Tông, xuất phát từ lòng thương dân, trước ngày chết (1127) dặn lại quan, dân chỉ nên để tang 3 tháng. Vì vậy, sau khi vua chết, triều đình đã bỏ áo tang sớm. Đến thời Lý Cao Tông (1176 - 1210) bắt đầu để tang vua 3 năm. Sau đó, thỉnh thoảng cũng có đời vua (Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông) chỉ duy trì quốc tang hơn một năm vì những lý do khách quan nào đó (như sự trời ra tai cho thiên hạ v.v...). Đến cái chết của vua Lê Thánh Tông (1497) trang phục quốc tang được thực hiện nghiêm túc. Dân gian trăm họ phải để tóc dài, mặc áo xô trắng 100 ngày. Các quan để tóc dài, mặc áo xô trắng 3 năm. Ở nhà có thể mặc áo xanh. Ngoài 100 ngày được mặc áo xanh hay áo đen, không được dùng các màu hồng, màu lục. Từ đó về sau, từ vua đến dân ai cũng để tang cha mẹ 3 năm.
Đến năm 1601, vua Lê Thế Tông mất, lệ để tang lại được quy định cụ thể hơn:
- Thương phụ (chúa Trịnh) để tang 100 ngày. Khi ra làm việc ở vương phủ thì mặc áo trắng, dây thao trắng, mũ trắng. Các thân vương và các quan văn võ tước quận công trở lên mà vẫn thường được dự chầu, các quan từ ngũ phẩm trở lên không thường xuyên vào chầu và các quan cai trị ở địa phương để tang 2 năm, mặc áo trắng vén gấu, dây thao trắng, mũ trắng. Sau 27 ngày, khi vào chầu hay khi làm việc có thể mặc áo đen, dây thao đen, mũ đen.
- Về hàng võ, tước hầu, tước bá, từ ngũ phẩm trở lên, các chức nội giám, từ lục phẩm trở lên, về hàng văn, các quan bộ, tự, thủ lĩnh, tri phủ, tri huyện, hiệu quản trở lên để trong một năm, mặc áo trắng vén gấu, dây thao trắng, mũ trắng. Quá 100 ngày, khi vào chầu hay làm việc có thể mặc áo đen, dây thao đen, mũ đen.
- Hàng võ, từ lục phẩm trở xuống, hàng văn, bát, cửu phẩm triều yết, để tang 9 tháng, mặc áo trắng vén gấu. Các hộ vệ hiệu sĩ, án lại, hoa văn (học sinh) để tang một năm. Khi vào chầu hay đứng đầu mặc áo đen, gươm vỏ đen, dây thao đen, mũ đen, không được dùng trang sức vàng bạc.
- Vợ các quan là mệnh phụ để tang một năm, không là mệnh phụ để tang 100 ngày, không được trang sức.
- Các ấm quan, thuộc viên và tạp lưu để tang 5 tháng, mặc áo trắng vén gấu, sau 100 ngày, khi vào chầu hay đến nha môn làm việc thì mặc áo, dây thao, mũ màu đen.
- Các xá lại, văn thuộc, quan viên tử, tôn, nha lại, xã trưởng, thổ tù, phụ đạo, nhân dân ở làng nhà vua và ở trong đô thành để tang 100 ngày. Nhân dân các xứ để tang 27 ngày, đều cấm âm nhạc và đồ mặc, đồ dùng màu sắc lòe loẹt và đồ châu ngọc, vàng bạc.
Năm 1758, vua Lê Hiến Tông mất, Triều Đình lại yết bảng:
- Các hoàng thân và trai gái họ nhà vua đều để tang theo gia lễ.
- Các quan văn võ được dự chầu trở lên, các quan nội giám từ chức thiên giám trở lên, để tang ba năm, khi chầu (vua) thì mũ, áo, đai, đều màu đen, khi hầu (chúa) mặc áo thanh cát màu hoa quì, đội mũ sa đen, dây thao đen. Ra công đường làm việc mặc áo vải đen.
- Vợ các quan văn, quan võ, người nào là mệnh phụ để tang một năm, người nào chưa là mệnh phụ để tang 5 tháng.
- Hàng văn từ tự thừa, đồng tri phủ trở xuống để tang 9 tháng. Hàng võ từ thuộc viên có chức trở xuống, nội giám từ chức phụng ngự trở xuống, để tang 9 tháng. Áo mũ vào chầu đều dùng sắc đen. Khi vào hầu mặc áo thanh cát màu hoa quì, đội mũ sa đen, dây thao đen. Ra công trường làm việc, mặc áo vải đen.
- Các ấm chức, nho sinh trúng thức, giám sinh, biền binh hợp thức, nho sinh, sinh đồ, quan viên tử tôn, nhiều nam, học sinh, sinh viên, đều để tang 5 tháng. Khi vào hầu phủ chúa mặc áo thanh cát màu hoa quì, ngày thường đều dùng áo vải đen.
- Chức phụ đạo, thổ tù, các thuộc viên, tạp lưu, các án lại, hoa văn học sinh, thư tả, đề lại, xã trưởng để tang 5 tháng. Khi hầu phủ chúa mặc áo thanh cát màu hoa quì, ngoài ra đều dùng các vải đen.
- Xã dân các huyện xứ Thanh Hoa và nhân dân trong đô thành để tang 1 tháng, nhân dân các xứ để tang 27 ngày. Phàm màu sắc lòe loẹt, châu ngọc vàng bạc đều cấm cho đến hết hạn để tang.
Đối với nhà chúa:
- Năm 1729, chúa Trịnh Cương mất, thân thuộc nhà chúa để tang theo gia lễ. Các quan võ được dự ban chầu trở lên, nội giám chức thiêm sai thái giám trở lên, để tang một năm, triều phục mũ đai đều dùng các màu xanh, lục, đen.
- Đến thời nhà Nguyễn, tổ chức quốc tang được bày biện qui mô, linh đình, tốn kém vô kể. Trang phục lễ tang của hoàng gia và các tầng lớp quan, quân cũng có nhiều kiểu cách phức tạp. (Viện bảo tàng Con người ở Pa-ri đã trưng bày một mô hình đồ sộ phản ánh cung cách xa hoa tuyệt đỉnh của vua nhà Nguyễn).
Ngoài quốc tang giai cấp phong kiến và nhân dân lao động chịu sự chi phối của ý thức hệ phong kiến khi có tang đều tuân thủ những qui định về cái gọi là gia lễ.
Có năm loại trang phục lễ tang (gọi tắt là tang phục):
1. Trảm thôi là trang phục đại tang, để trở cha, mẹ 3 năm. Trảm thôi có nghĩa là may áo không cắt mà dùng phương pháp chặt vải cho các mép vải xơ ra một cách tiều tụy, tỏ ý đau đớn. Áo trảm thôi dài, rộng, tay thụng may bằng thứ xô rất thô, xấu, không viền gấu, không cài khuy mà chỉ buộc dải. Ở lưng áo có may thêm một miếng vải gọi là phụ bản. Hai vai có hai miếng vải gọi là thích.
Con trai, mặc áo trảm thôi còn phải buộc một sợi dây gai ngang lưng và đội một loại mũ gọi là mũ rơm. Mũ rơm hình vành bánh xe, tết bằng rơm hay lá chuối khô, ở trên có chằng hai dải vải xô hình chữ thập, có một quai cũng bằng vải xô để đeo dưới cằm.
Tục chống gậy. Cha chết thì con chống gậy tre. Phải chọn thứ tre màu xẫm đen (màu tang tóc). Sở dĩ, chọn loại tre này vì cây tre bốn mùa không đổi mầu, ví như tình cảm thương đau của người con không bao giờ giảm sút. Gậy tre để tròn, tượng trưng cho trời, ý coi cha như trời cao. Mẹ mất thì con chống gậy bằng gỗ cây vông. Cây vông còn tên là Đồng. Đồng nghĩa là cùng, ý rằng lòng mẹ vẫn cùng hợp với cha. Gậy vông được đẽo phần trên tròn, phần dưới vuông. Hình vuông tượng trưng cho đất, ý coi mẹ như đất dày. Chống gậy để tỏ ra là người con có hiếu, vì quá buồn thương, khóc lóc đến nỗi ốm yếu, không đủ sức đi đứng như bình thường.
Trong đám tang mỗi người con trai đội một mũ rơm, chống một gậy. Vắng người nào, mũ và gậy phải được treo ở cạnh bàn thờ hay đặt theo áo quan để mọi người cùng biết. Con gái, con dâu để trở đại tang cũng mặc xô gai nhưng không chống gậy, không đội mũ rơm mà xõa tóc, đội mũ mấn. Gọi là mũ nhưng chỉ là miếng vải xô chiều ngang khoảng 30 cm. Chiều dài khoảng hơn 1m gập đôi lại nhưng để hai đầu vải so le, rồi khâu một cạnh, chùm lên đầu thành một hình chóp. Đặc biệt, con trai, con gái và vợ người chết còn dùng một dải xô trắng chiều ngang khoảng 30 cm, dài hơn 1m, theo chiều dài gập lại vài lần để hình thành một chiếc khăn có chiều ngang khoảng 5 cm, chít quanh đầu, buộc múi ở phía sau, bỏ thõng hai đầu khăn xuống lưng, gọi là khăn ngang.
Ti thôi là tang phục không trọng bằng trảm thôi. Ti thôi có trường hợp để tang 3 năm, có trường hợp để tang 1 năm, 5 tháng hoặc 3 tháng. Ti là bằng. Gấu áo ti thôi không để xổ mà có viền qua loa. Áp dụng cho những trường hợp như con để trở mẹ ghẻ, mẹ nuôi (cũng có khi dùng trảm thôi) 3 năm. Chồng để trở vợ, con rể để trở bố mẹ vợ 1 năm. Cháu để tang ông bà nội, con để tang cha dượng, anh em ruột đều để tang ti thôi 1 năm. Trường hợp chị em dâu, chị em ruột đã lấy chồng, anh em chị em coi chú con bác để tang 9 tháng. Để tang cụ ông cụ bà nội, ông bà ngoại, anh em chị em cùng mẹ khác cha 5 tháng. Trường hợp con không ở với cha dượng, chồng để trở vợ lẽ đều để tang ti thôi 3 tháng v.v...
2. Cơ phục cũng như ti thôi nhưng áp dụng trong những trường hợp như để trở bác trai, bác gái, chú, thím, cô ruột (chưa lấy chồng) đều 1 năm.
3. Đại công là trang phục dùng thứ vải to sợi, còn thô, trong những trường hợp như cô ruột đã lấy chồng, anh em chị em con chú, con bác, đều 9 tháng.
4. Tiểu công là trang phục dùng thứ vải nhỏ sợi đã làm kỹ trong những trường hợp như cháu để trở ông bác, bà bác, ông chú, bà thím, bà cô ruột (chưa lấy chồng), bác trai bác gái, chú thím, cô họ (chưa lấy chồng) đều 5 tháng v.v...
5. Ti ma là trang phục có thể dùng vải nhỏ sợi, mịn, trong những trường hợp như để trở ông bà họ, vợ lẽ cha, anh em năm đời đều 3 tháng v.v...
Ngoài ra còn nhiều qui định về để trở đối với hàng con, hàng cháu, họ nội, họ ngoại, họ xa, họ gần, thày dạy học, bè bạn... rất phức tạp.
Đối với người chết cũng có trang phục như khăn chít đầu (bức cân), khăn phủ mặt (khăn minh mục), bao tay (các thủ bạch), áo thâm, áo trắng, quần trắng, thắt lưng, bít tất, giày... Áo phải cắt hết khuy, mặc lẻ, không nên mặc chẵn. Trước kia, những người để tang đều mặc quần áo tang trắng nhưng về sau, trừ những người để trở đại tang còn chỉ quấn khăn là chính. Nam quấn khăn vải trắng rộng bản, nữ vấn khăn trắng xoắn lộn với tóc. Hàng chắt, khăn màu vàng, hàng chút chít khăn màu đỏ. Đi đưa ma, xưa thường phải đi chân đất, nhà giàu ở thành thị sau bỏ lệ ấy mà đi dép tết bằng cói.
Sau ngày lễ tang, những người thân vẫn còn chít khăn ngang cho tới 100 ngày (có người theo phong tục phương Tây, dùng vải đen may khăn ấy). Áo quần để xổ gấu. Sống áo dài để hai nẹp máy ra ngoài (như mặc áo trái). Đội mũ cát hay mũ phớt, phải quấn khăn trắng quanh mũ hoặc may một khoanh băng đen (rộng khoảng 4 cm) có thừa ra hai đuôi ngắn về phía sau, lồng vào mũ.
Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, trang phục lễ tang đơn giản nhiều. Ví dụ, dùng áo xô nhưng bỏ hai tay áo đi. Đưa đám, đi giày dép bình thường. Nhiều người không đội mũ rơm, không chống gậy nữa. Ngày thường để trở bằng cách dùng miếng vải đen rộng chừng 8 cm máy thành nhiều nếp đeo quanh cánh tay. Có người đính ở trước ngực một miếng vải đen nhỏ. Có gia đình, trong đám tang vẫn mặc bình thường và chỉ để tang bằng cách chít khăn. Những người thân thích nhất với người chết (như vợ với chồng, con với cha, mẹ...) chít khăn xô buông hai dải phía sau. Họ hàng chít khăn vải trắng quanh đầu. Bè bạn đeo băng đen ở cánh tay hay đính miếng vải đen trước ngực.
Xét về nhiều mặt, để tang như vậy là thuận hợp, vừa giản dị, tiết kiệm, vừa không cắt đứt truyền thống dân tộc mà vẫn không hề có gì làm giảm bớt tình cảm thương tiếc đối với người quá cố. Điều quan trọng là ở ý thức, thái độ của mọi người trong đám tang. Ngoài việc không nên nói chuyện ồn ào, cười đùa cợt nhả, những người trong nhà tang và cả những người đến viếng, đi đưa tang không nên ăn mặc lòe loẹt (như mặc áo dài hoa to sặc sỡ, hoặc đeo cravat đỏ...), hoặc trang điểm cầu kỳ, diêm dúa.
Đối với trường hợp quốc tang (lãnh tụ tối cao mất), cán bộ, quân đội, nhân dân đeo ở ngực miếng vải nhỏ chữ nhật nằm (3cm x 6cm) nửa trên đỏ, nửa dưới đen.
Nhìn lại, trang phục lễ tang Việt Nam đã có từ lâu đời. Xưa nay, khi phát tang thường là dùng màu trắng may bằng các loại vải thô, rẻ tiền như xô, gai... Khi may, khi mặc, còn cố tình làm cho xấu xí đi để tỏ lòng thương tiếc đối với người quá cố, để chứng minh bản thân người sống đau buồn đến mức không muốn hưởng thụ gì là vui, sướng, đẹp... Thực chất tình cảm có thể như vậy. Nhưng rồi cũng không ít trường hợp chỉ là để cho người khác khỏi chê cười, nếu không phải là bày vẽ để thực hiện những ý đồ riêng biệt (như lừa dối mọi người). Nếu đi quá, sẽ là những hiện tượng hình thức chủ nghĩa, phản vệ sinh (thời xưa khi đưa ma phải ăn mặc xộc xệch, nhàu nát, đi chân đất, lăn đường hoặc chống gậy đi giật lùi, tùy mối quan hệ máu mủ với người chết. Sau đó, người để tang còn không chải tóc không tắm giặt, không xem hát, nghe nhạc trong nhiều ngày). Quan điểm tư tưởng phong kiến cũng được biểu hiện rõ ràng (như quan điểm trọng nam khinh nữ).
Lược bỏ những hình thức tiêu cực, việc để tang rất có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa người sống với người chết, giữa những người sống với nhau. Trang phục lễ tang nhắc nhở người sống biểu lộ tình thương yêu và lòng biết ơn đối với người đã khuất. Nó khuyên những người đang sống cần cống hiến cho xã hội như thế nào, cần đối xử với nhau như thế nào để khi nhắm mắt có thể ngậm cười trong niềm thương tiếc của mọi người. Và nếu mọi người có điều kiện tìm hiểu về những nguyên nhân nào đó đã sản sinh ra những tục lệ để tang, chắc rằng tác dụng giáo dục con người càng thêm sâu sắc.
Trang phục lễ tang đơn giản, nghiêm túc mang được những ý nghĩa sâu sắc cũng là một mặt của đời sống văn hóa mà mỗi dân tộc có truyền thống văn minh không thể thiếu quan tâm.