23/05/2018, 18:43

Trái Đất nóng lên đến ngưỡng nào?

Ảnh minh họa Dường như nhiệt độ thế giới chỉ có ngày càng nóng lên mà thôi. Vậy thì thật sự Trái Đất có thể trở nên nóng đến mức nào? Có giới hạn nào đối với sự nóng lên toàn cầu do con người tạo ra? Những khí thải gây hiệu ứng nhà kính này sẽ khiến thế giới nóng lên đến mức nào ...


Ảnh minh họa

Dường như nhiệt độ thế giới chỉ có ngày càng nóng lên mà thôi. Vậy thì thật sự Trái Đất có thể trở nên nóng đến mức nào? Có giới hạn nào đối với sự nóng lên toàn cầu do con người tạo ra?

Những khí thải gây hiệu ứng nhà kính này sẽ khiến thế giới nóng lên đến mức nào trong thời gian tới?

Dự đoán qua mô hình

Các nhà khoa học đã xây dựng các mô hình máy tính nhằm mô phỏng điều gì sẽ xảy đối với khí hậu Trái Đất. Những mô hình rất phức tạp này được thiết kế dựa trên những nguyên tắc vật lý cơ bản về phản ứng của không khí và nước.

Bằng cách đưa vào những thay đổi tự nhiên và thay đổi do con người gây ra, các mô hình này có thể ước tính khí hậu sẽ biến đổi ra sao khi có một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính được thải ra.

Theo báo cáo mới nhất được thực hiện trong năm 2013-2014, nếu lượng phát thải tiếp tục tăng như trong vòng 50 năm qua thì đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ Trái Đất sẽ ít nhất nóng hơn 4 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp.

Các mô hình hiện nay cho thấy vào năm 2200 Trái Đất sẽ tăng lên thêm 7 độ C so với mức thời tiền công nghiệp hóa, nhưng nhiệt độ sau đó sẽ ổn định trở lại miễn là chúng ta dừng thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào biết chắc được điều đó, bởi khí hậu Trái Đất là một hệ thống phức tạp. Khi khí hậu ấm lên, có một số quá trình sẽ hoạt động lại và điều này thậm chí còn dẫn đến sự tăng nhiệt độ nhiều hơn.

Nóng ấm thời cổ đại

Khoảng 55 triệu năm trước, Trái Đất đã trải qua một đợt tăng nhiệt độ nhanh nhất trong lịch sử.

Trong thời kỳ nóng ấm toàn cầu thời cổ xưa, thời Cực đại Nhiệt Cổ-Thuỷ Tân (Palaeocene-Eocene Thermal Maximum - PETM), nhiệt độ trung bình trên mặt biển đã tăng lên đến 10 độ C ở các địa cực so với mức âm 2 độ C ngày nay.

Khí gây hiệu ứng nhà kính là tác nhân chính. Khí methane từ đáy biển đã thoát ra, đi vào bầu khí quyển khiến cho tác động của hiệu ứng nhà kính thêm rõ rệt. Người ta không biết rõ bằng cách nào mà khí methane thoát ra. Nhiều khả năng các vụ phun trào núi lửa hay tác động của sao chổi là những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Khi nhiệt độ lên đến một mức nào đó thì lượng khí methane chìm dưới đáy biển sẽ trở nên mất ổn định. Tác động của khí gây hiệu ứng nhà kính gây ra trong thời kỳ đó dường như gần tương đương với những gì con người sẽ thải ra. Những khí thải này sẽ làm Trái Đất nóng lên ít nhất 5 độ C hoặc có thể đến 8 độ C trong một vài ngàn năm.

Sự nóng lên của sao Kim

Sự nóng lên của Trái Đất là do có thêm nhiều lượng khí thải xả ra, tạo hiệu ứng nhà kính. Về mặt lý thuyết, hiện tượng này là không thể ngăn chặn và nó sẽ đẩy nhiệt độ Trái Đất nóng lên thêm hàng trăm độ. Dĩ nhiên là điều này chưa từng xảy ra trên Trái Đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng nó đã xảy ra trên hành tinh gần nhất với chúng ta là sao Kim khoảng 3-4 tỷ năm trước. Trên bề mặt, nhiệt độ tăng lên nhiều đến nỗi tất cả chất lỏng trên hành tinh này đều bốc hơi vào không khí.

Hơi nước đến lượt mình lại giữ không cho nhiệt thoát ra, và do không có nước trên bề mặt nên carbon dioxide không được hấp thụ trở lại. Bầu khí quyển trên sao Kim có đến 96% là carbon dioxide.

Nhiệt độ trên hành tinh này hiện nay là 462 độ C, tức là nóng đến mức có thể làm tan chảy cả chì, sao Kim trở thành hành tinh nóng nhất trong Hệ Mặt Trời, nóng hơn cả sao Thuỷ nằm gần Mặt Trời hơn. Gần như chắc chắn Trái Đất của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng giống như vậy trong vài tỷ năm nữa.

Nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất sẽ tăng cao khiến nước ở các đại dương sôi sùng sục, và Trái Đất sẽ rơi vào tình trạng bên bờ vực bị phá huỷ do hiệu ứng nhà kính, rồi tiếp đến là mọi sự sống trên Trái Đất sẽ bị diệt vong và Trái Đất sẽ bị bao phủ bởi một lớp carbon dioxide dày đặc. Tuy nhiên, những thay đổi do Mặt Trời sẽ chỉ xảy ra sau hàng tỷ năm nữa.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu con người chúng ta có đẩy Trái Đất vào tình trạng bị phá huỷ bởi hiệu ứng nhà kính sớm hơn hay không?

Để Trái Đất rơi vào tình thế bị huỷ diệt do hiệu ứng nhà kính, mật độ khí carbon dioxide trong không khí sẽ cần đạt mức lên tới 30 ngàn phần triệu.

Đây là mức cao hơn gấp 10 so với lượng carbon dioxide thải ra khi chúng ta đốt hết toàn bộ nhiên liệu hóa thạch mà con người đã biết đến cho tới nay.

Nước biển dâng

Chỉ cần nhiệt độ tăng lên vài độ C cũng đã đủ để gây ra hàng loạt tác động tiêu cực. Nhiều nơi trên Trái Đất sẽ trở nên quá nóng để con người có thể tồn tại. Tại những điểm nóng nhất trên Trái Đất hiện nay, chẳng hạn như Thung lũng Chết ở California, nhiệt độ có thể lên tới trên 50 độ C.

Nếu nhiệt độ Trái Đất tới năm 2200 tăng lên thêm 7 độ C như dự đoán, một số nơi trên địa cầu sẽ trở nên không còn ở được đối với con người. Nếu nhiệt độ tăng lên 12 độ C thì phân nửa Trái Đất sẽ trở nên không còn có thể ở được. Tuy nhiên, bên cạnh chi phí đắt đỏ, điều này sẽ khiến chúng ta bị nhốt bên trong các tòa nhà trong nhiều ngày hoặc trong nhiều tuần.

Theo xu hướng hiện tại tiếp diễn thì nhiều khả năng nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm 4 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp và cao hơn hiện tại 3 độ C. Nếu chúng ta xét đến điều này thì chúng ta sẽ dễ hình dung ra nếu Trái Đất tăng thêm 4 độ C thì chuyện gì sẽ xảy ra xung quanh chúng ta.

Theo Baoxaydung.com.vn

0