18/06/2018, 12:56

Bến Tre

Là tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, diện tích 2.247 km2, dân số 1.393.900 người , sinh sống trên thị xã Bến Tre và các huyện: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Ðại, Ba Tri, Thạch Phú. Bến Tre tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh. Bến Tre có khí hậu nhiệt đới ...

Là tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, diện tích 2.247 km2, dân số 1.393.900 người, sinh sống trên thị xã Bến Tre và các huyện: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Ðại, Ba Tri, Thạch Phú. Bến Tre tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh. Bến Tre có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, các tháng còn lại là mùa khô. 4 con sông lớn: Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên chia tỉnh thành 3 cù lao lớn là cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh.

Bến Tre xứ dừa, sông nước, miệt vườn rất thuận lợi cho du lịch sông nước, sinh thái. Bến Tre có mộ Nguyễn Ðình Chiểu, có phong trào Ðồng Khởi; Cồn Phụng còn có kiến trúc Ðạo Dừa.  

Cây dừa rất gắn bó với người dân Nam Bộ và chẳng có gì bị bỏ phí: Trái dừa cho nước uống, cơm dừa ăn ngon và dùng làm dầu, làm kẹo, thức ăn gia súc. Gáo dừa múc nước và làm than hoạt tính, xơ dừa làm thảm, thân dừa già làm cột, ván rất chắc, lá dừa để đun nấu và dựng vách.

Bến Tre có nhiều loại dừa: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa xiêm, dừa cỏ, dừa sáp, dừa bị... Ðây cũng là "cái nôi" của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dừa độc đáo. Từ khay ly, chén đĩa, bình trà, đũa, muỗng, nĩa và các dụng cụ gia đình, đồ dùng văn phòng làm từ gỗ dừa; những con búp bê xinh xắn bằng trái dừa, sọ dừa tới những con thú ngộ nghĩnh bằng trái dừa điếc. Cọng lá và bông dừa cũng biến thành lẵng, giỏ, chụp đèn... rất hấp dẫn du khách và được xuất khẩu qua nhiều nước. Nghề này hiện đã mở rộng sang một số tỉnh lân cận nhưng sản phẩm Bến Tre vẫn chiếm ưu thế cả về mẫu mã và chất lượng. Với hơn 500 km sông rạch chằng chịt, đất Bến Tre phù sa trù phú với những địa danh nổi tiếng Cái Mơn - Chợ Lách, Bình Ðại - Giồng Trôm... nơi cung cấp bonsai, hoa kiểng và nhiều trái cây đặc sản như sầu riêng cơm vàng hạt lép, chôm chôm nhãn, cam sành, xoài cát Hòa Lộc... và là vựa giống cây cho cả khu vực. Ghé Cồn Phụng bạn sẽ được nghe chuyện ông Ðạo Dừa, thăm các cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ từ dừa, tò mò thích thú xem các kèo ong đầy mật và tìm hiểu việc nuôi ong, nấu rượu nếp của dân địa phương. Hay vừa thưởng thức điệu đờn ca tài tử ngọt ngào vừa nếm hương vị trái cây theo mùa, nhấm nháp ly rượu hay tách trà pha mật ong và trái tắc thơm lạ. Rồi tìm hiểu về nghề làm bánh tráng, bánh phồng, kẹo dừa... những sản phẩm truyền thống của xứ dừa thơ mộng này.

Vườn chim Vàm Hồ

Từ thị xã Bến Tre đi 30 km đường thủy hay 40 km đường bộ là tới Vườn chim Vàm Hồ thuộc xã Mỹ Hòa - huyện Ba Tri. Vàm Hồ được biết tới từ hơn 100 năm trước với cái tên Cù Lao Cá. Vùng rừng phù sa nhiễm mặn này địa hình tương đối cao - trung bình là 1,2 m so với mặt biển nên chỉ bị ngập mặn khi triều cường. Xuôi dòng Ba Lai, đôi bờ ngút ngàn mầu xanh của dừa nước và thế giới thực vật phong phú. Từ các loại rau mầu, cây trái quen thuộc tới những loài cây hoang dại như lức, giá, sậy, ôrô, quao nước... Bạn như lạc vào khung cảnh êm đềm của rừng chà là và đước phủ dày mầu xanh ven dòng sông yên ả, mọi lo toan, bận rộn ngày thường tan biến hết. Vườn chim có gần 90 loài thuộc 35 họ và 12 bộ với hàng trăm nghìn con, nhiều nhất là cò trắng, cò ngang nhỏ, cò ruồi, quắm trắng, vạc, diệc xám. Trong các cây bụi, gần vực nước là thế giới của nào cuốc ngực trắng, trích, cúm núm, nào chàng nghịch, bìm bịp, chích chòe, chèo bẻo... Chiều xuống, những đàn chim tấp nập, tíu tít về tổ làm nên cảnh tượng thực náo nhiệt. Mỗi khi giông gió chuyển trời, chim dáo dác bay lên che rợp cả một khoảng trời. Bên trong vườn chim, kênh rạch chằng chịt rất nhiều tôm cá, chủ yếu là cá đối, bống kèo, cua biển, tôm đất... và đó là nguồn thức ăn dồi dào cho chim thú ở đây.

Sau khi tận hưởng cảm giác hòa mình với thiên nhiên, hãy dừng chân ở nhà hàng Vườn chim để thưởng thức các món ăn dân dã từ tôm, cá, rùa... vừa bắt từ ao nuôi.Vườn chim Vàm Hồ là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng đáng kể để phát triển du lịch sinh thái. Trong quy hoạch phát triển du lịch Bến Tre 1996-2010, Vườn chim hơn 67,6 ha này là một trong những khu du lịch trung tâm. Vườn chim Vàm Hồ sẽ được mở rộng và trồng thêm cây rừng phù hợp để trong tương lai không xa, đây sẽ là khu du lịch sinh thái lý tưởng của đồng bằng sông Cửu Long. (Theo Báo Phụ nữ Việt Nam)<

0