28/05/2017, 20:44

Tình yêu tiếng nói dân tộc

Đề bài: Trong truyện Buổi học cuối cùng của An-phông-xơ Đô-đê (Ngữ văn 6, tập hai), nhân vật thầy giáo Ha-men đã nói với học sinh của mình: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù.” Em có suy nghĩ ...

Đề bài: Trong truyện Buổi học cuối cùng của An-phông-xơ Đô-đê (Ngữ văn 6, tập hai), nhân vật thầy giáo Ha-men đã nói với học sinh của mình: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù.” Em có suy nghĩ gì về ý kiến đó? BÀI LÀM 1 Lòng yêu nước đâu chỉ bắt nguồn từ tình yêu một cái cây trồng trước nhà, một triền để lộng gió hay một dòng sưới tươi mát… mà nó còn bắt nguồn từ một ...

Đề bài: Trong truyện Buổi học cuối cùng của An-phông-xơ Đô-đê (Ngữ văn 6, tập hai), nhân vật thầy giáo Ha-men đã nói với học sinh của mình: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù.”

Em có suy nghĩ gì về ý kiến đó? 

BÀI LÀM 1

Lòng yêu nước đâu chỉ bắt nguồn từ tình yêu một cái cây trồng trước nhà, một triền để lộng gió hay một dòng sưới tươi mát… mà nó còn bắt nguồn từ một tình yêu tưởng chừng giản dị song lại vô cùng cao đẹp, có sức mạnh to lớn vượt qua mọi xiềng xích, gông cùm, đó là tình yêu tiếng nói dân tộc. Nói như thầy giáo Ha-men: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù”( trích Buổi học cuối cùng, An-phông-xơ Đô-đê). Câu nói đã khiến cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ về tình yêu tiếng nói dân tộc trong mọi hoàn cảnh…

Buổi học cuối cùng là câu chuyện kể về hành trình nhận thức của cậu bé Phơ-răng, một cậu bé ham chơi, lười học, bị cám dỗ khi thấy lính Phổ tập tành mà không biết chúng là kẻ thù dân tộc. Một cậu bé có tính cách và nhận thức như thế, nhưng không khí đặc biệt của buổi học Pháp văn cuối cùng đã cảm hoá và cải biến em, làm thay đổi cơ bản tư tưởng, tình cảm của em đối với quê hương, đất nước đặc biệt là thái độ học tập tiếng mẹ đẻ.

Xây dựng một tình huống nhận thức có sự thay đổi đó, An-phông-xơ Đô-đê đã gửi tới chúng ta một thông điệp giàu ý nghĩa, một bài học vô cùng sâu sắc. Thông điệp đó được gửi gắm qua câu nói của nhân vật thầy Ha-men với học trò trong buổi học cuối cùng: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù”. Với cách nói so sánh, giàu hình ảnh câu nói đã khẳng định một chân lí bất diệt đối với mọi dân tộc trên thế giới: Tiếng nói dân tộc chính là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng dân tộc khỏi áp bức, giữ vững được tiếng nói là nắm vững chìa khoá giải thoát gông xiềng, nô lệ.

Tại sao lại nói như vậy?

Tiếng nói dân tộc là ngôn ngữ chung được một cộng đồng xã hội sử dụng để giao tiếp. Dùng tiếng nói thống nhất là một đặc điểm chủ yếu của dân tộc. Giữ vững được tiếng nói thì sẽ không bao giờ quên Tổ quốc, sẽ luôn ấp ủ lòng nhiệt tình yêu nước. Trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cùng với chủ trương đường lối lãnh đạo đúng đắn, thời cơ và những điều kiện vật chất khác thì ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá, tình yêu tiếng nói dân tộc sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp về tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng để đấu tranh bảo vệ dân tộc. Vứt bỏ tiếng nói dân tộc, khước từ tiếng nói dân tộc là từ chối bản sắc văn hoá của dân tộc. Một dân tộc thực sự độc lập không chỉ tự do về mặt chủ quyền, lãnh thổ mà hơn hết là giữ vững được bản sắc văn hoá riêng. Văn hoá lại kết tinh trong ngôn ngữ dân tộc. Một khi ngôn ngữ đã bị đồng hoá, bị lai căng mất đi tinh hoa dân tộc thì việc tự đánh mất mình, trở thành kẻ phụ thuộc “ăn nhờ ở đợ” sẽ là điều tất yếu. Vì lẽ đó, trong tất cả cuộc xâm lăng, kẻ xâm lược luôn đặt vấn đề nô dịch văn hoá lên hàng đầu. Như vậy, tình yêu tiếng nói dân tộc giữ một vai trò nhất định, một sức mạnh to lớn trong quá trình đấu tranh, bảo vệ và giữ gìn phát triển một đất nước.

Tinh yêu tiếng Việt của người Việt, của dân tộc Việt là một minh chứng hùng hồn cho chân lí sáng ngời đó. Tiếng Việt của chúng ta có một lịch sử lâu đời. Lịch sử tiếng Việt là lịch sử của đời sống tư tưởng, tâm hồn, tình cảm người Việt, là lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước kiên cường, bất khuất. Còn nhớ một nghìn năm Bắc thuộc, khi đất nước bị các triều đại phong kiến phương Bắc kế tiếp đô hộ, chúng thực hiện chiến dịch đồng hoá bắt nhân dân ta học chữ Nho. Còn nhớ tới trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ, chúng thực hiện chính sách đông hoá theo lối Tây học, Âu hoá. Tưởng chừng tiếng Việt sẽ bị Hán hoá, Tây hoá… tưởng chừng tiếng Việt sẽ bị ngôn ngữ ngoại lai, đốn gục trong đấu trường văn hoá. Vậy mà tiếng Việt vẫn được bảo tồn, lưu giữ,..

Tiếng Việt vẫn “sống”… sống trong lời ăn tiếng nói giản dị hàng ngày của nhân dân, sống trong những câu ca dao, làn điệu dân ca ấm áp ân tình, thuỷ chung, sống trong những trang thơ thuần Nôm đầy hương vị dân tộc của Nguyễn Trãi, trong những trang Kiều của cụ Nguyễn Du, trong những vần thơ lãng mạn thành “tấm lụa bạch hứng vong hồn cả một thế hệ” trí thức Tây học, trong những câu thơ của Lưu Quang Vũ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như ruộng / Óng tre ngà và mềm mại như tơ"…

Trên thế giới, những hoạt động bảo vệ tiếng nói dân tộc luôn được quan tâm. Nước Nga đã chọn một năm làm “Năm tiếng Nga”, nước Pháp cũng rất quan tâm đầu tư xây dựng “Cộng đồng Pháp ngữ, chính phủ Trung Quốc đã có quy định về viết tên thương hiệu, tên của các cơ quan, tổ chức, công ty theo nguyên tắc chữ Hán.

Ở Việt Nam ta, từ xa xưa yêu cầu bảo vệ tiếng nói dân tộc đã được đặt ra như một nội dung quan trọng. Vua Trần Duệ Tông xuống chiếu cho quân dân không được bắt chước tiếng nói dân tộc khác. Nguyễn Trãi nhấn mạnh người nước ta không được bắt chước ngôn ngữ để làm loạn ngôn ngữ nước nhà. Hồ Chí Minh đã từng phê phán căn bệnh nói chữ: “Của mình có mà không dùng lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”

Tự hào về sự giàu đẹp của tiếng Việt qua các thời kì lịch sử lại thấy xót xa, đau đớn trước nguy cơ mai một của tiếng Việt, trước sự biến dạng của tiếng Việt ngày nay. Tiếng Việt hay là thế, đẹp là thế, có sắc thái biểu cảm và cấp độ nghĩa thật phong phú và tinh tế là vậy mà người ta lại thay thế những từ xin lỗi, cảm ơn, đồng ý bằng những từ sorry, thank you, ok một cách tuỳ tiện, mọi lúc mọi nơi. Tự hào, biết ơn, ghi công biết bao người đã và đang giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt lại chợt xót xa  giật mình trước con số 4,56 triệu kết quả “báo động tình trạng sử dụng sai tiếng Việt” trên Google giật mình với chính mình khi mình cũng là một trong nhiều bạn trẻ vẫn vô tư sáng tạo ra những thứ ngôn ngữ học trò không có trong từ điển, vẫn thoải mái sáng tạo ra thứ ngôn ngữ “đọc hiểu được chết liền”, vẫn vô tư chêm vào những câu tiếng Anh, tiếng Hoa, nửa tây, nửa ta một cách tự do, vô ý thức giật mình trước một đoạn văn của một chàng thanh niên nước ngoài xa xứ viết về nỗi nhớ quê hương bằng tiếng Việt trong khi biết bao người lại chối bỏ tiếng mẹ đẻ thân thương. Tất cả đều bắt nguồn từ thói quen sử dụng tiếng nước ngoài, từ suy nghĩ nói như thế mới là “sành điệu”, mới đúng mốt, từ thái độ coi thường hoặc thiếu ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù

Hiểu rõ được điều đó, mỗi người chúng ta phải nhận thức rõ tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ. Tình yêu đó không chấp nhận sự pha tạp, lai căng, lạm dụng tiếng nước ngoài, không chấp nhận những cách nói thiếu văn hoá, thiếu lịch sự trong giao tiếp. Tình yêu đó không mâu thuẫn với việc tiếp thu tinh hoa ngôn ngữ nước ngoài “Tiếng ta phải phát triển. Tất cả vấn đề là làm sao bảo đảm cho sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta, làm cho tiếng ta thêm giàu, nhưng vẫn giữ được phong cách, bản sắc tinh hoa của nó” (Phạn Văn Đồng).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: ‘Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Trách nhiệm này thuộc về ai? Một câu hỏi lớn nhưng không phải không có lời đáp. Là của tất cả mọi người nhưng đặc biệt đối với thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta cần phải biết yêu và quý trọng tiếng Việt, phải thường xuyên rèn luyện kĩ năng, bảo vệ tiếng Việt, có ý thức về sự phát triển tiếng Việt. Hãy luôn tâm niệm: 

Tôi chỉ biết nếu tiếng tôi biến mất 

Thì tôi sẵn sàng nhắm mắt buông xuôi!

Cậu bé Phơ-răng trong hoàn cảnh đặc biệt của buổi học cưới cùng đã có bước chuyển biến mới trong suy nghĩ, nhận thức và tình cảm. Còn bạn, bạn sẽ làm gì ngay bây giờ để thể hiện tình yêu tiếng nói dân tộc một cách cụ thể và rõ ràng nhất?

Nguyễn Thị Mỹ Lan

Lớp 11 Văn – THPT chuyên Hùng Vương – Phú Thọ

BÀI LÀM 2

Cuộc sống vốn chứa đựng những bề bộn, ngổn ngang. Giữa vòng quay tất bật của cuộc mưu sinh bận rộn ta dễ dàng lãng quên những giá trị vĩnh hằng được lắng kết từ những điều bình dị, thân thuộc. Truyện ngắn Buổi học mối cùng (A.Đô-đê) là một truyện ngắn giản dị và cảm động viết về một trong những giá trị vĩnh hằng ấy. Đó chính là tình yêu tiếng nói dân tộc. Giá trị ấy được nén dồn trong một buổi học cuối cùng, lắng lại trong tâm can những nhân vật trong truyện cũng như bao độc giả những xúc cảm khó gọi tên và khó nói nên lời. Trong cái giây phút xót xa, nghẹn ngào mà bồi hồi, xao xuyến ấy, nhân vật thay Ha-men đã nói với học sinh của mình câu nói để lại nhiều ý nghĩa sâu sắc: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khoá chốn lao tù!”

Câu nói của thay Ha-men đã có tác dụng khơi sáng những tâm hồn của một con người về vai trò của tiếng nói dân tộc. “Một dân tộc rơi vào vòng nô lệ nghĩa là họ bị trói buộc, bị cầm tù về mặt thể xác cũng như tinh thần. Thông thường, trong nếp cảm, nếp nghĩ của ta – một khi dân tộc ấy rơi vào cơn bĩ cực như thế thì chỉ có một con đường duy nhất, một con đường cuối cùng để vượt thoát nó. Ấy là con đường tranh đấu, vùng dậy. Nhưng bằng sự sâu sắc của một con người từng trải, thầy Ha-men đã phát hiện ra được một sức mạnh nội tại có tác động ghê gớm, có khả năng thay đổi được cục diện tình hình – biến một dân tộc từ bị trói buộc trong vòng nô lệ đến nắm được chìa khoá chốn lao tù. Sức mạnh ấy có từ tiếng nói dân tộc.

Tiếng nói – đó là linh hồn của một quốc gia, một dân tộc. Nó mang bản sắc riêng không thể hoà trộn giữa dân tộc này với dân tộc khác. Với mỗi ngưòi, đó chính là “tiếng mẹ đẻ”. Tiếng nói ấy thật thiêng liêng, thành kính mà cũng thật gần gũi, thân quen. Lúc bình thường, nó có thể là “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm / Cánh đòng xa cò trắng rủ nhau về”, có thể là “Tiếng cha gọi khi vun cành nhóm lửa / Khi chèo thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi"… Đến lúc nguy nan nhất, tiếng nói ấy trở thành một thứ vũ khí sắc bén để chống lại kẻ thù, để cởi trói mọi gông cùm, xiêng xích. Nhưng để làm nên điều kì diệu này, đâu phải chỉ là sự lên tiếng của một cá nhân, một con người, nó đòi hỏi phải là sự tổng hợp nhiều tiếng nói tạo thành nguồn sức mạnh lớn lao. Đó chính là tiếng nói của cả một dân tộc. Vậy, vì sao, tiếng nói dân tộc lại có được sức mạnh to lớn đến thế? Như ta đã biết, đối với mỗi con người khi ta cất tiếng nói là biểu hiện của một tâm hồn đang vui sống – nghĩa là chứa đựng sự yêu ghét, giận hờn. Khi ta cất tiếng nói là trái tim đang đập nhịp cộng hưởng với cuộc đời bao la rộng lớn. Với một dân tộc, lúc gian nguy, giữ vừng tình yêu đối với tiếng nói dân tộc là một biểu hiện cụ thể, sâu sắc của tình yêu đất nước. Bởi sự “giữ vững” ấy là một niềm tin sắt son, là tấm lòng thuỷ chung với tổ quốc. Hơn nữa, tiếng nói dân tộc còn là cội nguồn, gốc tích để ta khẳng định sự tồn tại của một quốc gia.

Hẳn mỗi chúng ta còn nhớ đến bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt được ngâm to trong hai ngôi đền Trương Hống và Trương Hát đã làm rệu rã tinh thần quân Tống. Đó chẳng phải là biểu hiện của tình yêu nước, tình yêu tiếng nói dân tộc hay sao? Đó chẳng phải là dân tộc ấy đã nắm được chìa khoá chốn lao tù rồi hay sao? 

Câu nói của thầy Ha-men đưa ta trở về với hiện thực một lớp học nhỏ, nơi đó có cậu bé Phơ-răng và những người bạn. Thật xa xót biết bao khi những con dân của một đất nước lại không giữ được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Càng xa xót hơn khi họ lại phải học thứ tiếng của chính kẻ đang thống trị trên đất nước họ. Vậy, một khi tình yêu tiếng nói dân tộc bị đánh mất, một khi những thường dân của đắt nước ấy không còn định hình trong tâm thức mình tiếng mẹ đẻ nghĩa là dân tộc đó đang tự đem mình vào vòng nô lệ. Phải chăng, tư tưởng cốt lõi của An-phông-xơ Đô-đê đã bắt gặp quan điểm của Nguyễn An Ninh trong Tiếng mẹ đẻ – Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức: “Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị… Vứt bỏ tiếng nói dân tộc đương nhiên là khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi…. Chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình”.

đâu chỉ là thước đo tâm hồn tình cảm và ý thức của con người trước vận mệnh của đất nước, tình yêu ấy còn là một thứ tình cảm bền chặt, thường trực, phập phồng và đau đáu trong tâm can và huyết quản của mỗi người. Ai đã từng là một lữ khách tha hương sau bao nhiêu năm trở lại quê cũ, hẳn sẽ không quên hai câu thơ xúc động của Hạ Tri Chương: “Khi đi trẻ, lúc về già / Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu”. Cái quý giá nhất còn lại của quê hương, đó chính là giọng quê, ấy là phần hồn cốt, phần máu thịt trong tâm hồn con người mà họ giữ được vẹn nguyên. Tình yêu ấy đâu chỉ biểu hiện ở mỗi cá nhân, mà nó còn có một sức lan toả sâu xa tới đông đảo nhiều lớp người. Thế hệ các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới chẳng phải là “đã yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông”, chẳng phải là “họ đã dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.

Suy đến cùng, “giữ vững tiếng nói của mình” nghĩa là ta đang giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc. Cái bản sắc ấy vốn được dệt nên từ những gì bình dị, gần gũi nhỏ nhặt, từ những cái giản đơn mộc mạc. Thực tế, ta khó có thể phát hiện ra được nó, một khi ta đang hít thở bầu khí quyển tinh thần của nó, quá quen với nó. Bởi vậy, mỗi chúng ta phải biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, của tiếng nói dân tộc. Giữ gìn nghĩa là ta không làm cho nó bị thui chột, bị pha tạp, bị lạm dụng một cách quá mức. Bởi sự thật, trong những người trẻ thế hệ 8X, 9X ở nước ta hiện đang tồn tại nếp nghĩ “sùng ngoại”, đang có những biểu hiện làm xấu đi sự “giàu và đẹp” của tiếng Việt. Nhưng “giữ gìn” tiếng nói dân tộc không đồng nghĩa với việc “Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn ” Ngược lại, ta cần học tập tiếng nước ngoài, làm giàu cho ngôn ngữ nước mình. Nghĩa là học tập duới tấm lưới của sự sàng lọc, tuyển chọn. Tựu chung, nghĩa là ta không được khinh miệt tiếng nói mẹ đẻ của mình, không được li khai với truyền thống văn hoá quý báu của dân tộc, nhưng đồng thời cũng không được hằn ghét những cái hay của văn hoá thế giới.

Đối với lịch sử oai hùng của dân tộc ta, câu nói trên như một chân lí hùng hồn. “Giữ vững tiếng nói của mình ”, dân tộc ta đã vuợt qua sự xâm lăng về mặt lãnh thổ, biên giới. Trong xu thế “toàn cầu hoá” hiện nay, việc “giữ vững tiếng nói của mình” lại càng được đặt ra với chúng ta cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi vì lẽ đó, mỗi chúng ta hãy tự trau dồi cho mình một vốn ngôn ngữ dân tộc, giữ vững tình yêu tiếng nói dân tộc, giữ gìn phát huy sự giàu và đeo của tiếng nói dân tộc mình.

Không hiểu sao khi nhắc đến tình yêu đối với tiếng nói dân tộc, với tiếng mẹ đẻ, tôi không thể quên được những câu thơ gan ruột của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý thâm trầm rực rỡ, vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người…

Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ…

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc bể 

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya…

(Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)

Bùi Thị Cẩm Hằng

Lớp 11 Văn- THPT chuyên Hà Tĩnh – Hà Tĩnh


Từ khóa tìm kiếm

  • dân tộc ngôn ngữ chìa khóa
  • khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác nào nắm được chìa khóa chốn lao tù em có suy nghĩ về vai trò của tiếng mẹ đẻ nói chung của tiếng việt nói riêng và việc học tập tiếng việt của lớp trẻ hiện nay
  • một khi ta vẫn giữ được ngôn ngữ là ta còn có chìa khóa
  • Suy nghĩ về thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm Tổ quốc là tiếng mẹ giữ gìn tiếng mẹ như giữ gìn Tổ quốc
  • suy nghĩ về tiếng nói của dân tộc
  • tình cảm của thầy ha men
0