Tìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác – Văn hay lớp 7
Tìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác – Văn hay lớp 7 Tìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hòa Bình Giản dị là đức tính nổi bật nhất trong con người vĩ đại của Hồ Chí Minh. Cuộc đời Bác – cuộc đời ...
Tìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác – Văn hay lớp 7
Tìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Hòa Bình
Giản dị là đức tính nổi bật nhất trong con người vĩ đại của Hồ Chí Minh. Cuộc đời Bác – cuộc đời chính trị lay trời chuyển đất – nhưng cũng là cuộc đời của một con người, có lối sống thanh bạc vô cùng. Để ca ngợi phẩm chất cao quý ấy, đã có biết bao bài báo, bài văn thơ của bao nhiêu tác giả trong nước và ngoài nước. Và chính Người đã ghi lại lối sống giản dị của mình bằng chính những vần thơ cũng hết sức giản dị, tự nhiên.
Sự giản dị của Bác nhất quán từ lối sống đến ngôn ngữ nói, viết và trong quan hệ với mọi người. Như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói, chúng ta chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Quan niệm về sự giản dị đã được Người bộc lộ trong nhiều bài thơ:
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế khác gì tiên.
(Sáu mươi tuổi)
Như vậy, lối sống này thực sự là một lối sống văn minh, xuất phát từ một cách nghĩ rất tiến bộ. Chẳng cần phải quan trọng vật chất, cái đáng quý ở sự giàu có về tinh thần và sự thanh cao của tâm hồn. Sáu mươi ba tuổi Bác lại viết:
Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung
Thật vậy, chỉ khi nào trong suy nghĩ không vướng bận lo toan vật chất tầm thường thì tinh thần mới thư thái bay bổng. Tâm hồn cao quý ấy vút nên từ cuộc sống vô cùng giản dị, thậm chí có phần kham khổ của người chiến sĩ cách mạng:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo hẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
(Tức cảnh Pác Bó)
Cảm động làm sao khi biết rằng nơi rừng sâu hang tối, nơi bàn đá chông chênh là nơi Người tạo nên những trang sử hào hùng cho dân tộc. Ăn thế, ở thế nhưng chính sự giản dị về vật chất đã làm nổi bật sự phong phú trong đời sống tinh thần của Bác. Ý chí, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tính hài hước – hóm hỉnh vẫn nổi lên trên nền bức tranh gian khổ: Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Ngay cả trong vòng tù tội, vật chất thiếu thốn đủ bề nhưng đời sống tinh thần của Bác không vì thế mà khô cằn và kém phần lãng mạn. Vượt ra khỏi khó khăn về vật chất, vượt ra khỏi chấn song nhà tù, Bác làm bạn với trăng:
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cành đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(Ngắm trăng)
Giản dị trong đời sống, Người còn giản dị trong cả ngôn ngữ văn thơ. Có lẽ, chưa có ai lại đưa việc tế nhị của con người vào thơ tự nhiên và hài hước như Bác:
Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở, không đau bụng
Đau bụng thì không mở cửa tù.
(Bị hạn chế)
Sau bốn tháng bị giam cầm trong nhà tù dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch, chúng ta chẳng còn nhận ra vị lãnh tụ vĩ đại trong hình hài quỷ đói:
Răng rụng mất một chiếc
Tóc bạc thêm mấy phần
Gầy đen như quỷ đói
Ghẻ lở mọc đầy thân.
(Bốn tháng rồi)
Quả là hết sức chân thật và hóm hỉnh! Chuyện bình thường là vậy. Song đến những vấn đề triết lí cao cả sâu xa, trong thơ Bác cũng trở nên bình dị và rất dễ hiểu:
Sự vật xoay vần đã định sẵn
Hết mưa là nắng hửng lên thôi
…. Hết khổ là vui vốn lẽ đời
(Trời hửng)
Quy luật vận động của tự nhiên, của con người đã được Hồ Chủ Tịch đúc kết trong mấy câu thơ mộc mạc đến không ngờ. Để khuyên răn mọi người phải không ngừng phấn đấu rèn luyện mới mong ngày thành công, Bác đã sử dụng hình ảnh hạt gạo gần gũi quen thuộc đối với một nước nông nghiệp như nước ta:
Gạo đem vào giã bao đau đởn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công
(Nghe tiếng giã gạo)
Người giản dị trong cả mối quan hệ với tất cả mọi người. Thiếu niên nhi đồng là đối tượng Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Đơn giản mà sâu xa, mộc mạc mà ý nghĩa, khi đối tượng khuyên răn là các cháu thiếu niên nhi đồng, Bác đã đúc kết trọn vẹn sự nhắn nhủ của mình trong năm điều ngắn gọn, dễ thuộc dễ nhớ. Các cháu ghi nhớ một cách dễ dàng và phấn đấu làm theo bởi tính gần gũi, không hô hào đao to búa lớn và phù hợp với lứa tuổi:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Khiêm tốt, thật thà, dũng cảm.
Sống là người giản dị, mất đi, Bác cũng mong được thanh thản, nhẹ nhàng. Thật xúc động khi đọc những lời Di chúc của Người, khi Người muốn một lễ tang đơn giản, được hòa mình vào mảnh đất thân yêu. Nhân dân thương tiếc Người, cả thế giới ca ngợi Người không chỉ bởi Người là vị lãnh tụ vĩ đại mà Người còn là vị cha già của dân tộc Việt Nam.
Tìm ví dụ chứng minh sự giản dị trong thơ văn của Bác – Bài làm số 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh sự nghiệp cứu nước vĩ đại, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản văn chương vô cùng quý giá.
Bác không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương và chưa bao giờ tự nhận mình là văn nghệ sĩ. Bác viết văn, làm thơ xuất phát từ nhận thức văn chương là vũ khí sắc bén chống quân thù và là phương tiện thuận lợi để tuyên truyền cách mạng.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã trải qua nhiều hoàn cảnh sống và tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Tùy từng tình huống, từng nhiệm vụ chính trị mà Bác có cách viết cho phù hợp. Với lực lượng quần chúng cách mạng phần lớn là nông dân, công nhân, Bác đã chọn hình thức sáng tác quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ như ca dao, thơ lục bát… để lồng vào đó nội dung chính trị.
Giản dị trong đời sống – đó là điều nổi bật trong phong cách của Hồ Chủ tịch. Bác cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho nhân dân hiểu được, nhớ được và thực hiện được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình vận động cách mạng, Bác làm nhiều bài ca dưới hình thức văn vần để giác ngộ quần chúng như Bài ca sợi chỉ, Bài ca binh lính, Bài ca đoàn kết… Bác viết thật mộc mạc, giản dị để người nghe, người đọc dễ tiếp thu và truyền bá cho nhau.
Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu:
Sau khi về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác đã viết nhiều câu thơ, bài thơ làm tài liệu giác ngộ, vận động quần chúng tham gia vào hội Việt Minh, đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật:
Muốn phá sạch nỗi bất bình,
Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào.
Hoặc:
Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.
Thơ Bác còn chỉ ra nguyên nhân khổ đau, bất hạnh của nông dân:
Dân ta không có ruộng cày,
Bao nhiêu đất tốt về Tây đồn điền.
Hay của giai cấp công nhân:
Công nhân sức mạnh nghề quen
Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ
Mà mình quần rách áo xơ
Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm
Lại còn đánh chửi tần phiền
Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua.
Bác thể hiện rõ nỗi khổ, nỗi nhục của kẻ lầm đường lạc lối cầm súng giặc bắn vào cha mẹ, anh em, bà con làng xóm:
Hai tay cầm khẩu súng dài,
Ngắm đi ngắm lại, bắn ai bây giờ.
Cuối năm 1946, thực dân Pháp và đế quốc Mĩ cấu kết với nhau, cố tình xâm lược nước ta một lần nữa. Sau khi chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa được thành lập, với cương vị Chủ tịch, Bác đã làm bài thơ chúc mừng năm mới 1947, kêu gọi đồng bào quyết tâm kháng chiến để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do vừa giành được:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kì kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công
Xuân 1949 là mùa xuân tưng bừng khí thế trong bài thơ nổi tiếng của Bác:
Người người thi đua
Ngành ngành thi đua,
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua;
(Mừng xuân 1949)
Cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chấn đông năm châu. Miền Bắc giải phóng, nhân dân nô nức bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương lớn của miền Nam – thành đồng Tổ quốc – đang ngày đêm trực tiếp đối đầu với quân xâm lược Mĩ và bè lũ tay sai.
Bài thơ chúc Tết năm 1956 là lời Bác hô hào, động viên nhân dân cả nước đoàn kết một lòng đánh Mĩ:
Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí bền gan chiến đấu,
Hòa bình, thống nhất thành công.
Nhân dân Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về lại hân hoan, phấn khởi đón nghe thơ Bác vì đó chính là tâm tình, ý nguyện, là lí tưởng và khát vọng chiến thắng của toàn dân tộc.
Mừng xuân 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác để lại cho đất nước, nhân dân:
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào!
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Thơ Bác chính là con người Bác, thật gần gũi, giản dị mà cũng thật sâu sắc, hào hùng. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.
Dân tộc Việt Nam sung sướng và hạnh phúc được chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ kính yêu!
Hồng Loan tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm:
- ví dụ về lối sống giản dị
Bài viết liên quan
- Tả một loài hoa mà em thích – Văn hay lớp 5
- Tả hình ảnh cụ già đang ngồi câu cá – Văn hay lớp 6
- Tả cảnh một đêm trăng đẹp ở quê em – Văn hay lớp 5
- Thuyết minh về cái cặp sách – Văn hay lớp 8
- Thuyết minh về cái phích nước – Văn hay lớp 8
- Thuyết minh về hoa sen – Văn hay lớp 8
- Thuyết minh về di tích lịch sử Dinh Độc lập – Văn hay lớp 9
- Nghị luận xã hội về câu nói của Bác Hồ: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó – Văn hay lớp 12