13/01/2018, 10:55

“Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” – Văn hay lớp 7

“Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” – Văn hay lớp 7 "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Trà Vinh Mỗi khi Tết đến, xuân về, cây cối lại đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ tốt tươi. ...

“Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” – Văn hay lớp 7

"Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Trà Vinh

Mỗi khi Tết đến, xuân về, cây cối lại đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ tốt tươi. Lòng mỗi người phơi phơi đón mùa xuân về và không quên hưởng ứng phong trào “trồng cây xanh” theo lời dạy của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, thời tiết ấm áp muôn hoa đua nở, cây cối tốt tươi chứ không còn nghèo nàn, khẳng khiu như mùa đông giá lạnh nữa. Thời tiết thuận lợi, kèm theo có những cơn mưa xuân đầu mùa là thời điểm thích hợp để trồng cây xanh, trồng cây vào mùa xuân cây cối sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Đó chính là lý do mà Bác cho rằng mùa xuân là mùa để trồng cây.

Nhưng ở câu thơ thứ hai từ “xuân” ở đây không còn là từ “xuân” để chỉ mùa bắt đầu của một năm nữa mà từ “xuân” trong “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” là để chỉ sự tươi đẹp, giàu có, tươi mới của đất nước. Vậy việc trồng cây vào mùa xuân có liên quan gì đến sự giàu đẹp của đất nước? Chúng ta cần tìm hiểu về vai trò của cây xanh trong đời sống con người và sự phát triển của đất nước. Cây xanh trong quá trình quang hợp đã thải ra khí ô xi – một loại khí rất cần thiết cho sự sống của con người và hút vào khí các bô níc – một loại khí gây ô nhiễm môi trường nhờ vậy mà vai trò to lớn của cây xanh là giúp điều hòa khí hậu, con người luôn được sống và làm việc trong một bầu không khí trong lành.

Ở đây Bác muốn nhấn mạnh đất nước tươi đẹp không chỉ ở sự giàu có về cơ sở vật chất mà còn là sự trù phú của của muôn loài, là sự trong lành trong môi trường mà chúng ta đang sống. Vai trò của cây xanh không chỉ dừng lại ở đó, thực tiễn cho thấy những nơi nào việc chặt phá rừng xảy ra phổ biến thì những nơi đó hay xảy ra các thiên tai như lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất…ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người dân vùng đó. Vì vây việc trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là những nơi hay xảy ra lũ quét có ý nghĩa vô cùng to lớn, làm hạn chế các thiên tai vào đất liền. Trồng nhiều cây tạo thành rừng còn là nơi sinh sống, cư trú của rất nhiều loài động vật, đặc biệt là những động vật quý hiếm, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của giới sinh vật nước ta. Không chỉ vậy cây xanh còn góp phần phát triển kinh tế đất nước thông qua việc cung cấp một lượng gỗ lớn để sản xuất các đồ dùng mĩ nghệ và công nghiệp sản xuất giấy. Phân tích vai trò của cây xanh ta mới hiểu rõ ý của Bác qua hai câu thơ.

Bác đã lấy việc trồng cây xanh vào mùa xuân làm cơ sở để tạo nên “mùa xuân” của đất nước. Đây là một lời dạy quý báu và ngày nay chúng ta vẫn ghi nhớ lời căn dặn ấy thông qua các hoạt động thực tiễn như ngày hội trồng cây xanh ở các cơ quan, trường học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo nên sự trong lành của bầu không khí.

Bác Hồ – vị cha già vĩ đại của cả dân tộc đã để lại cho chúng ta những lời dạy quý báu, một trong số đó là việc trồng cây vào mùa xuân để từ đó làm nên mùa xuân của đất nước.

"Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" – Bài làm số 2

Theo quy luật thiên nhiên, một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân mở đầu cho năm mới với bao điều tốt lành. Thời tiết ấm áp khiến cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi, muôn hoa khoe sắc, tỏa hương. Đâu đâu cũng ríu rít tiếng chim, tạo nên một khung cảnh đẹp đẽ tràn đầy sức sống. Vì thế, mùa xuân được coi là mùa sinh sôi phát triển nhất trong năm.

Sinh thời, Bác Hồ phát động nhân dân hăng hái tham gia phong trào Tết trồng cây. Năm 1960, Bác viết hai câu thơ:

   Mùa xuân là Tết trồng cây,
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác khuyên khi mùa xuân tới, mỗi người nên trồng một cây xanh để góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Từ đó, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục mới của dân tộc ta trong những ngày xuân.

Bác nói: Mùa xuân là Tết trồng cây không có nghĩa là mọi người chỉ trồng cây trong mấy ngày Tết mà trông cây suốt cả mùa xuân. Bác gọi phong trào trồng cây là Tết trồng cây với hàm ý so sánh không khí náo nức tưng bừng của nó chẳng khác chi ngày Tết… (Vui như Tết). Bác đem lại cho phong trào không khí vui tươi của lễ hội mùa xuân.

Ở câu thơ thứ hai, Bác Hồ nêu rõ mục đích của Tết trồng cây là Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Từ xuân ở câu thơ này không giống như từ xuân ở câu thơ đầu. Nó không còn là tên của một mùa trong năm (danh từ) mà đã chuyển thành tính từ chỉ sự tươi trẻ và sức sống tràn đầy của đất nước đang trên đường phát triển.

Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ tới màu xanh mơn mởn của cỏ cây, hoa lá. Màu xanh ấy mang đến vẻ đẹp tươi mát, trù phú cho đường phố, làng quê. Nếu nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ được bao phủ trong một màu xanh bất tận.

Xét về tác dụng của cây xanh đối với môi trường thì có thể ví cây xanh là lá phổi thiên nhiên kì diệu làm nhiệm vụ hút lọc khí thải, cung cấp khí oxi để duy trì sự sống cho muôn loài, làm trong sạch môi trường quanh ta.

Khí hậu Việt Nam cũng có lúc thất thường. Vào mùa mưa lũ nếu không có những cánh rừng như những bức tường thành vững chắc ngăn gió bão, lụt lội thì biết bao nhà cửa, ruộng vườn sẽ bị cuốn trôi, bao thành quả lao động bị phá hủy… Lũ lụt sẽ gây ra những thảm họa ghê gơm khôn lường.

Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên. Đất nước xanh tươi, con người khỏe mạnh… là cơ sở vững chắc để chúng ta học tập, lao động và sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ môi trường sống là vấn đề cấp thiết được nhân loại đặt lên hàng đầu. Hơn bốn chục năm trước, Bác Hồ đã quan tâm đến điều này bằng việc hô hào toàn dân tham gia Tết trồng cây. Bác quả là vị lãnh tụ cách mạng sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.

Mùa xuân này cũng như bao mùa xuân trước, ở khắp mọi miền đất nước, nhân dân ta nô nức tham gia phong trào Tết trồng cây. Mấy năm trở lại đây, nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho dân đã động viên mọi người nỗ lực chăm sóc, bảo vệ rừng và trông thêm cây mới, phủ xanh đất trống đồi trọc. Ở các vùng ven thành phố, phong trào lập trang trại trồng hoa, trồng rau, trồng cây ăn quả ngày càng phát triển. Cây xanh ở thủ đô Hà Nội, ở thành phố Hồ Chí Minhvà các tỉnh thành khác luôn được chăm sóc chu đáo bởi bàn tay của các cô chú công nhân và ý thức bảo vệ của người dân.

Việc gìn giữ khu vườn nguyên sinh, rừng đầu nguồn và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn việc chặt phá cây rừng bừa bãi đã trở thành mối quan tâm rất lớn của Đảng và Chính phủ.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhân dân ta đã trồng được thêm nhiều rừng cây mới ở miền núi, trung du; tạo ra nhiều công viên xanh trong lòng đô thị. Nếu mỗi người tự giác đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc phủ xanh đất nước thì chúng ta sẽ được sống trong môi trường xanh-sạch-đẹp. Năm nào trường em cũng tổ chức Tết trồng cây xanh nên cây xanh tỏa bóng mát khắp sân trường. Dưới bóng cây râm mát, chúng em thỏa thích vui chơi. Những mệt mỏi và căng thẳng trong giờ học hầu như tan biến hết, tâm hồn trẻ thơ lại lâng lâng, thanh thản.

Hiện nay, điều đáng buồn là vẫn còn có một số người đi ngược lại lợi ích chung. Họ chỉ biết cái lợi của cá nhân mà không cần biết đến cái thiệt hại của cộng đồng cho nên môi trường bị hủy hoại nghiên trọng vì khí thải công nghiệp, vì rừng phòng hộ bị chặt phá và đốt cháy quá nhiều. Vì thế lời Bác Hồ dạy hơn bốn mươi năm trước giờ đây lại càng tỏ rõ ý nghĩa thiết thực và quý báu.

"Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" – Bài làm số 3

Mùa xuân là mùa của sự sống, mùa của cây cối đâm trồi nảy lộc, mùa của trăm hoa khoe sắc rực rỡ nhất. Vì vậy, vào mùa xuân người ta thường trồng cây, bởi đây là mùa thích hợp để cho cây cối sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nhất, nên Bác Hồ vĩ đại của chúng ta còn gọi mùa xuân là Tết trồng cây. Bác còn có một câu nói đầy ý nghĩa mùa trồng cây này: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Câu nói của Bác không chỉ thể hiện được sự quan tâm của Người đến mùa xuân của đất nước mà còn thể hiện được tầm hiểu biết về vạn vật, vũ trụ, một tầm nhìn sâu rộng về vai trò của cây cối đối với sự sống của con người nói chung, về con người Việt Nam nói riêng.

Mùa xuân là mùa của những cơn mưa phùn nhẹ, tiết trời trong lành mà ẩm ướt. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để các loài cây cối, thực vật được hồi sinh sức sống, phát triển mạnh mẽ sau một mùa đông dài giá rét, cằn cỗi. Đây cũng là một quy luật của tự nhiên, đất trời. Bước vào mùa thu, cây cối bắt đầu trút từng chiếc lá khỏi cành, chỉ trơ lại những cành cây khô khẳng khiu chống chọi với một mùa đông đầy giá rét. Tuy nhiên, khi tiết trời lập xuân thì những cây này lại bắt đầu đâm chồi nảy lộc, phát triển những cành lá xanh mướt, mọi loài thực vật đều căng tràn sức sống. Cũng có lẽ vì mùa xuân mang đặc điểm ấy mà Bác Hồ của chúng ta gọi mùa xuân với cái tên đầy thân mật là Tết trồng cây.

Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là người cha già của dân tộc Việt Nam. Với địa vị của một vị lãnh tụ, Bác đã phải lo trăm công ngàn việc, giải quyết biết bao chuyện bộn bề của chính sự, của Cách mạng. Nhưng Bác luôn dành những khoảng thời gian quý báu của mình để vận động người dân trồng cây mùa xuân. Và câu nói “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” cũng được ra đời trong những lần vận động ấy. Bác Hồ phát động toàn dân trồng cây vào mùa xuân hoàn toàn không phải xuất phát từ mục đích cá nhân của Bác. Bác là người biết nhìn xa trông rộng, việc trồng cây hoàn toàn là vì một tương lai tốt đẹp của toàn dân. Nghĩa là Bác căn cứ vào cơ sở khoa học để thực hiện những cuộc vận động đầy ý nghĩa này. Như chúng ta đã biết, cây cối thực vật có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của con người. Cây xanh cung cấp cho con người nguồn ô xi, lọc xạch không khí, điều tiết khí hậu, điều tiết dòng chảy của sông ngòi, chống xói mòn mỗi khi có bão lũ xảy ra…

Xuất phát từ vai trờ thiết yêu của cây xanh đối với cuộc sống của con người. Bác Hồ của chúng ta đã phát động phong trào trồng cây. Đặc biệt, lời phát động của Bác là vào mùa xuân, là mùa của sinh trưởng, mùa của các loài cây phát triển tươi tốt nhất. Như vậy, Bác Hồ không chỉ quan tâm đến cuộc sống của người dân mà còn am hiểu sâu sắc về đặc tính sinh học, quy luật tự nhiên của các mùa trong năm, để từ đó phát động toàn dân trồng cây. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để trồng cây, không chỉ bởi thời tiết ủng họ, mà mùa xuân cũng là mùa mà con người thảnh thơi, thư thái nhất. Sau cả năm bận rộn với những công việc làm ăn, nhà cửa thì mùa xuân là lúc con người tạm gác lại công việc, rọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón tết.

Vì vậy, mùa xuân cũng là lúc con người có thể tham gia tích cực nhất vào phong trào trồng cây. Mùa xuân có thể coi là lúc “Thiên thời­_ Địa lợi_ Nhân hòa” thời điểm tập hợp được mọi yếu tố thích hợp để trồng cây. Mùa xuân không chỉ là mùa của tết xum vầy mà còn là mùa của Tết trồng cây. Theo Bác Hồ, trồng cây cũng là “trồng” thễm xuân cho đất trời, cho con người “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Câu nói của Bác quả thực rất ý nghĩa bởi mục đích của hành động trồng cây thật đẹp. Cây cối không chỉ làm cho mùa xuân thêm tươi đẹp, thếm nhựa sống mà còn làm cho cuộc sống của con người trở nên trong lành, tốt đẹp hơn. Vì vậy, câu nói “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” của Bác ở đây không chỉ hướng đến cái tươi đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mà “mùa xuân” ở đây là dùng để chỉ sự tươi đẹp, phát triển của đất nước. Nếu mùa xuân thường được các thi sĩ dùng để chỉ tuổi xuân của con người, thì ở đây Bác Hồ dùng nó để chỉ tuổi xuân của đất nước, về sự trường tồn của đất nước.

Như vậy, câu nói “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” của chủ tịch Hồ Chí Minh mang nhiều ý nghĩa lớn lao, không cỉ cho con người mà còn cho sự trường thịnh của đất nước, non sông. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, nền kinh tế tuy phát triển nhanh, nhưng song song với nó là bao nhiêu mặt trái cần khắc phục, một trong số đó là sự ô nhiễm nặng nề của môi trường sống, đe dọa đến sự sống và sự tồn tại của con người. Vì vậy, câu nói của Bác Hồ càng có ý nghĩa đặc biệt trong thời đại ngày nay. Trồng cây góp phần làm cho không khí trong lành, hạn chế được những mặt trái của sự phát triển kinh tế.

"Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" – Bài làm số 4

Hằng năm, cứ vào mỗi độ xuân về Tết đến, mọi người lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Tuy là ngày hội được khởi xướng gần đây nhưng nó đã trở thành một trong những phong tục tốt đẹp của dân tộc để góp vui với mùa xuân đất trời, mùa xuân của đất nước.

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Mùa xuân năm 1960, trong không khí sôi động của cao trào xây dựng đất nước, Hồ Chủ Tịch đã khởi xướng Tết trồng cây. Đây là ngày hội mới gắn với xã hội mới, thời cơ vận hội mới. Lúc còn sống, dịp Tết cổ truyền mỗi năm, Người đều đi trồng cây. Giờ đây, khi người đã đi xa thì người trồng cây chính là nhân dân Việt Nam để gìn giữ phong tục tốt đẹp này và tưởng nhớ vị cha già dân tộc. Ngày hội được đón nhận và hưởng ứng một cách rộng rãi khắp cả nước khác nào hội đền Hùng, hội Chùa Hương, hội gò Đống Đa… vốn đi vào đời sống nhân dân.

Thực ra, chúng ta không nhất thiết phải đợi đến mùa xuân thì mới trồng cây. Song, gắn việc trồng cây với mùa xuân, với không khí vui như hội của ngày Tết, Bác đã làm cho việc trồng cây trở nên sôi nổi, ý nghĩa không thể thiếu lúc đầu xuân. Làm cả năm bận rộn, Tết là dịp mọi người quây quần bên nhau. Hòa vào ngày hội trồng, chúng ta sẽ hiểu thêm, thêm yêu quý những người quanh ta, đoàn kết nhau lại vì công việc chung, vì lợi ích chung của xã hội. Đây cũng là lúc ta được thả hồn thư thái với thiên nhiên, quý trọng thiên nhiên. Thiên nhiên cũng như người bạn của con người. Con người khai thác từ đó một phần của cải vật chất cho xã hội. Vì vây, giữ gìn, bảo vệ và làm giàu thêm cho người bạn thiên nhiên chính là nghĩa vụ và trách nhiệm to lớn mà con người phải gánh vác.

Trong mùa xuân của đất trời ấy, việc trồng cây đã góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Xuân của đất nước không chỉ có ý nghĩa là mùa xuân trong năm mà nó là sự tươi trẻ, tràn đầy sức sống. Mỗi người chỉ cần trồng một cây xanh thì đất nước này sẽ tràn ngập trong màu xanh, tràn ngâp trong sự tươi trẻ và sức sống. Cây xanh cung cấp gỗ – nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Từ gỗ, ta có thể sản xuất ra biết bao vật dụng hữu ích phục vụ con người, nó còn là nguồn hàng xuất khẩu – cơ sở để phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, làm giàu đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Chẳng có tấm lá chắn nào bảo vệ chúng ta khỏi thiên tai hiệu quả bằng cây xanh. Cây giữ nước, giữ chất màu giúp đất khỏi nạn xói mòn, giúp điều hòa khí hậu. Hàng cây xanh giống như những chiến sĩ hiên ngang ngày đêm canh giữ vùng bờ biển, che chắn bảo vệ đồng lúa, làng mạc, hạn chế tình trạng sa mạc hóa, ngập mặn của đất, tránh cho đất nước những tổn hại về người và của cũng góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thật thú vị nếu mỗi trưa hè oi ả chói chang nắng mà được đạp xe dưới con đường rợp bóng cây xanh và du dương tiếng ve, tiếng chim chóc, tạo thành bản hợp xướng tuyệt diệu của thiên nhiên. Mọi căng thẳng mệt mỏi sẽ bị xua tan nhanh chóng, thay vào đó chỉ còn những giây phút thư thái ngất ngây của tâm hồn. Nếu không có những chiếc lá vàng nhỏ bé lìa cành, làm sao có mùa thu thơ mộng để các thi sĩ dạt dào cảm hứng thi ca? Khi tan biến, khi hòa vào đất, chúng lại trở thành nguồn dưỡng chất góp phần nuôi dưỡng sự sống cho cây. Cây cối còn ban tặng cho chúng ta thứ quà hết sức quý giá. Đó chính là hoa thơm trái ngọt để con người chiêm ngưỡng thường thức. Hãy thử tưởng tượng một ngày trái đất không còn bóng cây xanh, lúc nhà máy lọc khí kì diệu của thiên nhiên không còn cũng là lúc sự sống con người bị đe dọa.

Ngày nay, việc bảo vệ môi trường đang nổi lên trở thành vấn đề mang tính cấp bách và toàn cầu thì lời răn dạy của Bác càng có ý nghĩa lớn lo. Việc trồng cây không những là phong tục cần được phát huy mà nó còn là trách nhiệm. Mỗi cá nhân, đoàn thể, địa phương cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của hoạt động rất hữu ích này để thực hiện nhiệt tình hăng hái.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Tả cây hoa đào – Văn hay lớp 7
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Bạn đến chơi nhà – Văn hay lớp 7
  • Nghị luận xã hội về vấn đề tuổi trẻ phải sống đẹp- Văn hay lớp 12
  • Phát biểu cảm nghĩ về bài Bánh chưng, bánh giầy – Văn hay lớp 6
  • Thuyết minh về hoa đào – Văn hay lớp 8
  • Tả cảnh mùa xuân – Văn hay lớp 7
  • Phân tích tác phẩm Ông đồ – Văn hay lớp 8
  • Tả cảnh đẹp của mùa xuân – Văn hay lớp 2
0