18/06/2018, 16:45

Tìm hiểu yếu tố địa hình trận thủy chiến Bạch Đằng lịch sử

Nguyễn Triệu Đồng Trận thủy chiến ngày 09/04/1288 trên sông Bạch Ðằng giữa quân Mông Cổ và quân ta, dưới triều đại nhà Trần, đã được nhiều sách sử (1)(2) kể lại. Ðặc biệt là trong trận này, quân ta dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn đã dựa vào địa thế, địa hình để đánh trận mai ...

hinh1_bachdang.jpg

Nguyễn Triệu Đồng

Trận thủy chiến ngày 09/04/1288 trên sông Bạch Ðằng giữa quân Mông Cổ và quân ta, dưới triều đại nhà Trần, đã được nhiều sách sử (1)(2) kể lại. Ðặc biệt là trong trận này, quân ta dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn đã dựa vào địa thế, địa hình để đánh trận mai phục, đóng cọc trong lòng sông để cản thuyền địch, và lợi dụng lúc thủy triều rút xuống để dòng chảy đẩy thuyền địch vào bãi cọc. Mấy chục năm sau trận chiến, nhà văn Trương Hán Siêu (? – 1354) đã thăm viếng trận địa này, gặp và hỏi ý các bô lão đã chứng kiến sự kiện, và viết bài « Bạch Ðằng Giang phú » nổi tiếng và còn được lưu truyền.

Ngày nay chúng ta đã xác định được vị trí bãi cọc và tìm lại được một số cọc thời xưa.

Năm 2000, tàu con thoi Endeavour đã dùng radar để đo cao độ trên phần lớn các lục địa trong chương trình SRTM (Shuttle Radar Topographic Mission) (4).

Cao độ Z phần đất Việt Nam được đặt trên trang Web (5), cứ mỗi ô vuông kích thước (3 giây Kinh)* (3 giây Vĩ) địa cầu (khoảng 90m*90m trên mặt đất) có một trị Z.

Tức là cho mỗi ô vuông địa cầu (1 độ Kinh) *(1 độ Vĩ) ta có 1200*1200 trị của Z.

Trên trang Web (5) thì có mảng cao độ Z cho ô vuông (5 độ Kinh)*(5 độ Vĩ) : mỗi  mảng chứa 36 triệu trị Z.

Tôi đã tải xuống những mảng (5 độ*5 độ) và trích ra thành những mảng nhỏ hơn (1 độ*1 độ), mỗi mảng chỉ có 1.44 triệu Z, và sắp xếp thành bảng (ma trận) 1200 hàng* 1200 cột. Toàn thể đất liền Việt Nam (và những đảo gần bờ) được chứa trong 57 ô vuông (1 độ Kinh*1 độ Vĩ).

Tôi đã dùng MatLab để xử lý cao độ Z của vùng đất trận địa Bạch Ðằng và vẽ các hình 1, 2 và 3.

Hình 1 cho thấy toàn thể trận địa trên vùng đất vuông khoảng (10 km*10 km) và hình 2 và 3 cho vùng đất (4 km*10 km) hai bên bờ sông Bạch Ðằng, khi ta đứng trên đỉnh núi Tràng Kênh nhìn về thượng lưu, nơi khúc sông quanh chuyển hướng 90° và nhìn về hạ lưu, nơi có bãi cọc và Ghềnh Cốc. 

hinh1_bachdang.jpg

hinh2_bachdanghinh3_bachdang

Trên một vùng đất rộng như vậy, nếu ta có cùng tỉ lệ cho độ cao Z và độ ngang dọc X, Y, thì rất khó nhìn địa thế. Nên ở đây tôi đã nhân Z với 10, để ta thể hiện địa thế rõ ràng hơn.

Tôi cũng tải xuống bản đồ hàng hải 93626 của NGA từ trang Web (6), để xác định vị trí của Ghềnh Cốc (Hình 4).

hinh4_bachdang.jpg

Trương Hán Siêu đã dùng thuyền nhỏ, xuôi dòng từ cửa Ðại Than (gần Hà Nội, nơi một phần nước sông Hồng chảy vào sông Ðuống) để đến sông Bạch Ðằng :

Bèn giữa dòng chừ buông chèo,

Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.

Qua của Ðại Than, ngược bến Ðông Triều,

Ðến sông Bạch Ðằng, nổi trôi mặc chèo.

Lớp lớp sóng kình muôn dặm,

Xanh xanh đuôi trĩ một màu.

Nước trời một sắc : phong cảnh ba thu.

(Nhng dòng viết nghiêng ly t bn dch Bch Ðng Giang phú, ngưi dch Ðông Châu Nguyn Hu Tiến và Bùi Văn Nguyên)

Trên hình 1, ta thấy khi còn trên sông Ðá Bạc và nhìn về phía sông Bạch Ðằng, thì sông Bạch Ðằng hoàn toàn bị che khuất bởi nhiều dãy đồi cao khoảng 100 m, chạy dài theo sông Ðá Bạc: quân địch chỉ có thể  phát hiện trận địa mai phục vào lúc cuối cùng ! Nhất là còn hăng say đuổi theo chiến thuyền ta giả thua rút chạy để nhử thuyền địch vào trận địa mai phục, (trải dài khoảng 4 km hai bên bờ sau khúc sông quanh.). Lúc đó thủy triều xuống, nước chảy xiết.Ðầu tháng 4 năm 1288, đoàn chiến thuyền Mông Cổ do Ô Mã Nhi thống lĩnh bắt đầu rút lui từ Vạn Kiếp cũng theo tuyến thủy này để ra biển. Ngày 09/04/1288, đoàn thuyền đến cuối sông Ðá Bạc, chỗ dòng chảy chuyển hướng đột ngột để đổ nước vào sông Bạch Ðằng (vị trí quân ta, quân địch, bãi cọc được lấy từ sơ đồ « Chiến thắng Bạch Ðằng ») (1).

Theo bản đồ cho địa hình đáy lòng sông Ðá  Bạc (hình 4), ta thấy hố nước sâu 5m – 7m nằm bên bờ trái khúc sông quanh (bờ lõm), khi đến giữa sông Bạch Ðằng thì chuyển sang bờ phải, và sâu tới 16m – 18m.

Có nghĩa là dòng chảy chủ lưu khi thủy triều xuống đi từ bờ trái chuyển sang bờ phải để tránh Ghềnh Cốc và chảy ra cửa sông. Như vậy thuyền nhỏ của Trương Hán Siêu, « nổi trôi mặc chèo », cũng tự nhiên trôi ra biển, mà không vướng mắc Ghềnh Cốc.

Trương Hán Siêu diễn tả hình ảnh đoàn chiến thuyền Mông Cổ hùng hổ đuổi theo chiến thuyền ta đang theo triều rút chạy vào sông Bạch Ðằng (Hình 2):

« Ðương khi :

  Muôn đội thuyền bày, rừng cờ phấp phới,

  Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.

  Thắng bại chửa phân, Bắc Nam lũy đối.

  Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ :

  Bầu trời đất chừ sắp hoại. »

Theo hình 4, nếu thuận xuôi theo dòng chủ lưu khi triều rút, thì chiến thuyền Mông Cổ sẽ dồn sang bờ phải và ra biển mà không mắc phải bãi cọc và Ghềnh Cốc. Nhưng bị quân mai phục đánh dạt sang bờ trái, thuyền trôi đến cửa sông Chanh thì vướng bãi cọc và xa hơn nữa thì vướng Ghềnh Cốc, nên bị lật nghiêng và chìm đắm.

Ðại quân của vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông lại kịp thời đến tiếp ứng:

 « Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu.

  Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau.

  Vái ta mà thưa rằng :

  Ðây là chiến điạ buổi Trùng Hưng, Nhị Thánh bắt Ô Mã ;

  Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô Chúa phá Hoằng Thao. »

Nên chỉ trong một ngày trời mà :

« Muôn đội thuyền bay » (khoảng 400 chiến thuyền địch) đã bị xóa sổ. Thượng Hoàng sai dẫn hai tướng giặc bị bắt Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ lên thuyền ngự, cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ ! Ðứng từ đỉnh gần bờ của dãy núi Tràng Kênh, và nhìn về hạ lưu, nơi của sông Chanh (Hình 3), người hậu thế chỉ còn thấy :

  « Bờ lau xào xạc : bến lách đìu hiu.

  Sông chìm giáo gẫy : gò đầy xương khô.

  Buồn vì cảnh thảm : đứng lặng giờ lâu.

  Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,

  Mà nay dấu vết luống còn lưu. »

Ðể kết luận thì những lý do quân ta thắng trận là ở việc quân ta tập trung, lợi dụng nơi đất hiểm yếu để mai phục (dãy Tràng Kênh che khuất sông Bạch Ðằng, dòng nước chuyển hướng đột ngột khi chảy từ Ðá Bạc vào Bạch Ðằng, Ghềnh Cốc trở thành nông cạn khi triều xuống). Hơn nữa, quân ta đã tăng cường hiệu lực của Ghềnh Cốc bằng bãi cọc ở đầu sông Chanh, và lợi dụng dòng nước chảy xiết khi triều rút để thuyền địch trôi nhanh và khó điều khiển.

Nhưng theo Trương Hán Siêu, không chỉ có những lý do nêu trên để giải thích thắng trận :

  « Anh minh hai vị Thánh quân,

  Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.

  Giặc tan muôn thuở thăng bình,

  Tại đâu đất hiểm,

………………….. »

….và phiền quý bằng hữu tìm đọc Bạch Ðằng Giang Phú để biết kết luận của Trương Hán Siêu. 

Nguồn bài đăng

0