25/04/2018, 20:59

Tìm hiểu chung về phép lập luận giải thích SBT Văn 7 tập 2 trang 60...

Câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 60 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. Đọc lại văn bản Không nhận cá (bài tập 3, tiết Tìm hiểu chung về văn nghị luận, trang 9, sách này) và cho biết. Bài tập 1. Bài luyện tập, trang 72, SGK. 2. Nhờ sự giải thích trong bài Óc phán đoán và óc thẩm mĩ (trang 72 – 73, ...

Câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 60 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 7 tập 2. Đọc lại văn bản Không nhận cá (bài tập 3, tiết Tìm hiểu chung về văn nghị luận, trang 9, sách này) và cho biết.
Bài tập

1. Bài luyện tập, trang 72, SGK.

2. Nhờ sự giải thích trong bài Óc phán đoán và óc thẩm mĩ (trang 72 – 73, SGK), em đã hiểu thêm điều gì về việc thưởng thức một áng văn chương ?

3. Đọc lại văn bản Không nhận cá (bài tập 3, tiết Tìm hiểu chung về văn nghị luận, trang 9, sách này) và cho biết, Công Nghi Hưu đã bảo vệ quan điểm của mình bằng phép lập luận nào, chứng minh hay giải thích ?

4. Câu chuyện “Nhan Xúc nói chuyện với Tề Vương” (đã được kể một phần ở bài tập 2, tiết Tìm hiểu chung về văn nghị luận, trang 8-9, sách này) có một đoạn tiếp như sau :

      Sau khi Nhan Xúc trả lời : “Kẻ sĩ đáng tôn quý, quân vương không đáng tôn quý”.

      Tề Vương hỏi: “Có sách nào nói thế không ?”.

      Nhan Xúc thưa : “Có […]”.

   Hãy đoán xem sau khi quả quyết rằng “Có”, Nhan Xúc sẽ dùng phép lập luận gì, chứng minh hay giải thích để thuyết phục Tề Vương.

5. Hãy đọc mẩu chuyện sau đây:

NÓI VÍ DỤ

   Có người bảo vua nước Lương rằng : “Huệ Tử nói việc gì cũng hay ví dụ. Nếu nhà vua không cho ví dụ thì Huệ Tử chắc không nói gì được nữa”.

   Hôm sau, vua đến thăm Huệ Tự, bảo rằng : “Xin tiên sinh nói gì cứ nói thẳng, đừng ví dụ nữa”.

   Huệ Tử nói : “Nay có một người ở đây không biết nỏ là cái gì, mới hỏi hình dạng cái nỏ thế nào. Nếu tôi đáp rằng : Hình dạng cái nỏ giống như cái nỏ thì người ấy có hiểu được không ?”.

   Vua nói: “Hiểu làm sao được ?”.

   Huệ Tử lại nói : “Thế nếu tôi bảo người ấy : Hình dạng cái nỏ giống như cái cung nhưng có cán, có lẫy thì người ấy có biết được không ?”.

   Vua trả lời: “Biết được”.

   Huệ Tử bèn nói: “Ôi! Khi nói với ai là đem cái người ta biết để làm ví dụ với cái người ta còn chưa biết, để khiến người ta biết. Nay nhà vua bảo tôi đừng ví dụ nữa thì tôi không sao nói được”.

(Theo Cổ học tinh hoa)

   Em thấy mẩu chuyện trên giúp ta hiểu rõ tầm quan trọng của dẫn chứng trong văn lập luận chứng minh hay trong văn lập luận giải thích ? Vì sao ?


Gợi ý làm bài

1.  Hãy chú ý đến nhan đề bài viết để nhận ra vấn đề được giải thích ở bài văn. Em cũng cần đọc kĩ nội dung bài để tìm hiểu rõ thêm : tác giả đã giải thích những khía cạnh cụ thể nào của vấn đề ấy (ví dụ : có phải ông chỉ giảng giải lòng nhân đạo là gì không ?).

   Để tìm xem phương pháp giải thích nào đã được sử dụng trong bài, em có thể đọc lại phần Ghi nhớ của bài học (trang 71, SGK), rồi đối chiếu với bài văn, để lần lượt xem xét : Người viết bài có dùng cách nêu định nghĩa không, có kể ra các biểu hiện không, có so sánh với các hiện tượng khác không… (Nếu thấy trong bài còn có những cách chưa được kể ra trong phần Ghi nhớ thì hãy nghĩ xem nên gọi tên cách đó là gì cho thích đáng).

2.  Cần nêu một cách chân thực những bài học mà em đã rút ra cho mình khi đọc bài văn giải thích của Nguyễn Hiến Lê. Ví dụ : Nhờ bài văn ấy, em đã hiểu, khi thưởng thức văn chương phải cảm được cái hay của văn trước đã ; sau đó mới dùng lí trí để tìm xem nó hay chỗ nào. Mặt khác, nhờ bài văn, em cũng hiểu rằng óc thẩm mĩ và óc phán đoán không tương phản lẫn nhau, lí trí cũng giúp ta nhận thức ra cái hay của văn chương, cái đẹp của văn là điều có thể giảng ra, chứ không phải lúc nào cũng ”vô bằng cứ” mơ hồ như nhiều người vẫn nói.

3.  Để làm được bài tập này, cũng như bài tập sau đó, cần tìm hiểu rõ :

   a)  Công Nghi Hưu (và Nhan Xúc trong bài sau) lập luận nhằm mục đích gì, để làm cho người nghe tin điều mình nói là có thật, hay để hiểu điều mình nói là có lí ?

   b)  Mục đích ấy tương ứng với phép lập luận nào, giải thích hay chứng minh ?

   Từ đó, dễ dàng kết luận Công Nghi Hưu và Nhan Xúc, ai dùng phép lập luận giải thích, ai dùng phép lập luận chứng minh.

5.  Trong câu chuyện Nói ví dụ, những dẫn chứng được nêu ra nhằm giúp cho người nghe đi từ chỗ còn chưa hiểu đến chỗ có thể hiểu ra. Như thế, câu chuyện ấy đã nói đến tác dụng của dẫn chứng trong công việc giải thích và trong văn lập luận giải thích, chứ không phải trong công việc chứng minh và trong văn lập luận chứng minh.

0