Những biến động lãnh thổ nước ta từ thời Lê Sơ đến Nhà Mạc (1428 – 1592)
Lược đồ hành chính nước Đại Việt thời Lê sơ (1428-1527) Hoa Anh Đào ĐẶT VẤN ĐỀ Trong bản thảo cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời được in ở miền Bắc của học giả Đào Duy Anh có chương nói về biên giới Việt Nam qua các đời, nhưng đến sau năm 1975 khi tái bản ở miền Nam, ...
Hoa Anh Đào
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bản thảo cuốn sách Đất nước Việt Nam qua các đời được in ở miền Bắc của học giả Đào Duy Anh có chương nói về biên giới Việt Nam qua các đời, nhưng đến sau năm 1975 khi tái bản ở miền Nam, Ông xem lại thì đã bỏ chương này đi vì thấy tài liệu chưa được đầy đủ. Chứng tỏ đây là một vấn đề hết sức khó khăn cần phải dày công nghiên cứu mới có thể khái quát, hệ thống hóa vấn đề này một cách đúng đắn nhất. Việc nghiên cứu về những biến động biên giới nước ta từ thời Lê Sơ đến nhà Mạc mà chúng tôi thực hiện chắc chắn có rất nhiều thiếu sót. Qua bài viết lần này, chúng tôi mong muốn cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về những biến động biến giới lãnh thổ nữa ta trong gần 2 thế kỷ từ thời Lê Sơ đến thời Mạc. Để thấy rõ ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ đất đai của tổ tiên ta. Cùng với đó, làm rõ sự kiện “dâng đất dưới thời Mạc” và hệ quả của cuộc xung đột Việt – Chiêm dưới thời vua Lê Thánh Tông năm 1471.
I. THỜI LÊ SƠ (1428 -1527)
- Bối cảnh và tác động của tình hình lịch sử
Sau khởi nghĩa Lam Sơn, nhà Minh mặc dù bị bại trận nhưng vẫn không từ bỏ ý định âm mưu xâm lược và vẫn tìm cách gây hấn, các vua đầu triều Hậu Lê luôn chăm lo đến giữ gìn bờ cõi phía Bắc và vùng núi dọc dãy Trường Sơn trong phạm vi quản lý của mình.
Ngay từ cuối năm 1427, khi khởi nghĩa Lam Sơn sắp kết thúc, thổ quan Hoàng Kim Quảng đã mang 19 thôn và 4 động Tư Lẫm, La Phù, Cổ Sâm, Cát Nguyên thuộc Khâm châu theo Đại Việt. Lê Lợi cho nhập 4 động đó vào châu Vạn Ninh và phong Hoàng Kim Quảng làm Kinh lược sứ.
Nhà Minh cho chiêu hồi Lộc Thụ và Khoan về, nhưng không có kết quả. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, nhà Lê cử các đoàn sứ bộ sang nhà Minh các năm 1442, 1444 và 1447 bàn “việc địa phương châu Khâm”. Năm 1447, khi đoàn sứ Đại Việt của Hà Phủ về nước, nhà Minh trao cho sắc dụ hẹn sẽ cử sứ đến điều tra để thương lượng phân định lại biên giới.
Vụ tranh lấn biên giới đầu tiên xảy ra năm 1438 tại châu An Bình, Tư Lang và châu Tư Lang Hạ. Cả hai bên đều có những hành động vượt biên giới xâm chiếm lẫn nhau. Theo Minh sử và Minh thực lục, vùng châu An Bình, huyện Long Châu, phủ Thái Bình (Quảng Tây) và châu Tư Lang bị thổ quan châu Tư Lang của Đại Việt là Nông Nguyên Hồng xâm lấn, chiếm 2 động và 21 thôn, bắt người và đoạt gia súc.
Năm 1447 hội khám bàn về biên giới giữa 2 nước diễn ra, sau đó thống nhất 11 thôn thuộc về Long châu của nhà Minh, 6 thôn thuộc về Hạ Tư Lang của Đại Việt.
Sang thời Lê Thánh Tông, nước Đại Việt cường thịnh. Vua Thánh Tông đổi gọi châu Hạ Tư Lang là Hạ Lang. Biên giới giữa hai nước nước cũng bất ổn và nhiều cuộc chiến nhỏ xảy ra. Các vua Lê nhất là thời kỳ đầu rất có ý thức đến việc giữ đất đai của đất nước, Lê Thái tổ đã cho khắc vào vách núi đá ở Hoà Bình để nhắc con cháu:
“Biên phòng hảo vị trù phương lược
Xã tắc ưng tư kế cửu an”
(Tạm dịch: Việc biên phòng cần có phương lược phòng thủ; đất nước phải lo kế lâu dài).
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông chỉ dụ với quan Thái bảo Lê Cảnh Huy rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự nhiên vứt đi được. Phản kiên quyết tranh luận, không để họ lấn dần. Nếu họ còn không theo, có thể sai sứ sai tận triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, kẻ ấy phải bị trị nặng (tru di)”. Câu nói ấy biểu thị ý chí mãnh liệt của Lê Thánh Tông trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc và lãnh thổ quốc gia, đồng thời có thể được xem như quan niệm chính trị rất cơ bản trong nhận thức về trách nhiệm quản lý nhà nước của vua Lê Thánh Tông. Để làm cơ sở cho việc khẳng định nền độc lập, Lê Thánh Tông quan tâm tới việc xác định rõ ràng cương vực của đất nước. Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) công bố năm 1483 có điều khoản 74, 88 về bảo vệ đất đai ở biên giới như sau: “những người bán ruộng đất ở biên cương cho người nước ngoài thì bị tội chém”; Quan phường xã biết mà không phát giác cũng bị tội; “Những người đẵn tre, chặt gỗ ở nơi quan ải thì bị xử tội đồ” (đồ là đầy đi làm khổ sai).
Trong thời kỳ trị vì, Lê Thánh Tông đã hai lần định lại bản đồ cả nước, Lần thứ nhất, vào năm cuối niên hiệu Quang Thuận (1469): “Định lại bản đồ các phủ, châu, huyện, xã, trang, sách”. Lần thứ hai, vào năm thứ 21 niên hiệu Hồng Đức (1490): “Mùa Hạ, tháng tư ngày mồng 5, định lại bản đồ trong nước: 13 xứ thừa tuyên, có 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 30 nguyên, 30 trường”. Bản địa đồ toàn quốc được vẽ và cho công bố trước thần dân trong nước đều biết hết là sự chính thức xác nhận bằng một văn bản có tính nhà nước và là văn bản pháp lý nhà nước về chủ quyền dân tộc đối với lãnh thổ Đại Việt. Hồng Đức bản đồ là minh chứng về ý thức bảo toàn nền độc lập, thống nhất dân tộc của Lê Thánh Tông, được kế thừa bởi truyền thống tư tưởng được hun đúc ngàn đời của người Việt coi đất đai, bờ cõi là thiêng liêng, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là bất khả xâm phạm, biên giới là phiên giậu, yết hầu quan yếu của đất nước.
- Tình hình cương giới lãnh thổ của Việt Nam dưới thời Lê sơ
Ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc, dọc theo biên giới Việt – Trung ngày nay thì biên giới giữa nhà Lê sơ với phương Bắc đã rất rõ ràng, do đặc tính là không có đường biên giới mà chỉ có các vùng biên giới nên có sự tranh chấp thường xuyên. Nhà Lê là triều đại rất quan tâm đến non sông đất nước vì vậy một tấc đất cũng giữ gìn rất cẩn thận.
Ở khu vực biên giới phía Tây Bắc Nghệ An đến Quảng Bình, dọc dãy Trường Sơn với dòng họ Cầm nhiều đời làm tù trưởng. Vua Lê Nhân Tông đã đổi tên Bồn Man thành châu Quy Hợp, vẫn cho dòng họ Cầm giữ chức phục đạo vùng đất này như bao đời nay. Đến năm thứ 10 niên hiệu Hồng Đức thổ tù là Cầm Nông làm phản muốn tách ra lập một tiểu quốc riêng, nhà vua đã sai tướng Lê Niệm đánh dẹp và lập thành phủ Trấn Ninh thuộc tỉnh Nghệ An.
Ở phía Nam, trong những đời vua đầu của thời hậu Lê, sau khi mới giành được độc lập, việc nội trị được ưu tiên hàng đầu nên trước những hành động quấy rối của Champa ở biên giới, vua Lê Nhân Tông chỉ cho quân đánh vào thành Đồ Bàn, bắt được vua Champa là Ba Đích Lại đưa về Thăng Long và lập cháu (gọi chú) của Ba Đích Lại là Maha Quý Lai lên thay chứ không lấy lại Chiêm Động Cổ Luỹ (4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa mà nhà Hồ đã sáp nhập trước đây).
Đến năm 1470, vua Champa là Bàn La Trà Toàn, một mặt cầu viện nhà Minh, mặt khác xuất 10 vạn quân ra cướp Hoá Châu. Để chấm dứt sự quấy phá của Champa, vua Lê Thánh Tông thân chinh đem 26 vạn quân đi đánh Champa. Vua cho vẽ bản đồ Champa để biết rõ những nơi hiểm yếu của vương quốc này, vua Trà Toàn bị đánh bại. Sau chiến thắng này, vua Lê Thánh Tông cho một số quân đóng tại kinh đô Champa chứ không rút hết về nước như trước nữa. Trong khi khi vua Lê Thánh Tông đánh vào kinh đô của Champa thì một viên tương của Champa là Bố Trì Trì đem quân chạy về phía Nam đèo Cả, tự lập làm Vua, xin sắc phong được nhà Lê đồng ý. Với ý định tạo nên sự yên ổn lâu dài ở phía Nam, vua Lê Thánh Tông cắt phần đất ven biển từ đèo Cù Mông tới đèo Cả (hay Đại Lãnh) lập nên một nước riêng gọi là nước Hoa Anh. Lại lấy phần thượng nguyên ở phía tây Hoa Anh – vùng Cheo Reo để Lập nước Nam Bàn.
Như vậy Chiêm Thành ngăn cách hẳn với Đại Việt bằng hai nước, tuy nhỏ nhưng cũng là tấm đệm từ miền núi ra đến biển. Điều này cũng được Lê Quý Đôn ghi lại ở Phủ biên tạp lục: “Tháng 2 đánh thành Chà – Bàn. Quân Thuận Hoá bắt sống được Trà Toàn. Tướng nước ấy là Bố Trì chạy đến Phan Lung, giữ đất ấy xưng vương, chỉ còn lại được 2 phần 5 đất nước, sai người vào cống. Bèn phong Bố Trì làm Chiêm Thành vương, lại phong Hoa Anh vương và Nam Bàn vương, chia làm 3 nước”.
Vua Lê cho những viên quan Champa đã đầu hàng giữ những chức vụ quan trọng đối với vùng đất mới. Ba Thái được cử làm Đại Chiêm đồng tri châu, Đa Thuỷ làm Thiêm tri châu. Vua có dụ: “Đại Chiêm và Cổ Luỹ trước là đất của ta, gần đây bị mất về nước Chiêm Thành, nay lấy lại được hết. Ai dám không theo lệnh thì chém trước tâu sau”. Vùng đất này được đặt làm đạo Quảng Nam, chia làm ba phủ, chín huyện. Các sở đồn điền cũng được lập ra để dân nghèo từ miền Bắc vào cùng với những kiều dân cũ đã có ở đó từ trước cùng khai khẩn, sinh sống.
Trong cuốn sách Vương quốc Champa của Giáo sư Lương Ninh có dẫn của Đại Nam nhất thống chí như sau “Trong cuộc hành quân này, quân Đại Việt còn vượt qua đèo Cù Mông, tiến tới núi Đá Bia (Thạch Bi). Núi Thạch Bi ở phía đông huyện Tuy Hòa, phía bắc đèo Cả, thuộc thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phù Yên ngày nay. Núi này có một chi, đến bờ biển thành hai… có một khối đá lớn, quan đầu về phía đông như hình người… Vua Lê sai mài vách núi dựng bia đá để chia địa giới với Chiêm Thành”. Vậy thì phải chăng lãnh thổ Đại Việt về phía nam dưới thời Lê Thánh Tông kéo đến ngang núi Thạch Bi? Qua quá trình tìm hiểu như sau, theo như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết “Tháng 3 ngày 1, hạ được thành Chà Bàn, bắt sống hơn 3 vạn người…” “ngày mồng 2 vua thấy đã phá được thành Chà Bàn rồi, xuống chiếu đem quân về”, từ thành Chà Bàn đến núi Thạch Bi phải qua đèo Cù Mông, đi qua tỉnh Phú Yên và xuống gần hết tỉnh Phú Yên mới tới đèo Cả trong đó có núi Thạch Bi. Trong vòng một ngày quân Đại Việt không thể kéo quân đến nơi đây được. Đại Việt sử ký toàn thư như chúng ta đã biết là được ghi chép dưới thời Lê nên những sự ghi nhận trên là đáng tin cậy. Lý giải vì sao Đại Nam nhất thống chí lại cho chép vụ việc này thì Tiến Sĩ Huỳnh Công Bá cho rằng: “qua quá trình mưa gió đã bào mòn, lồi ra trên đỉnh núi một tảng đá bằng hoa cương không bị bào mòn trông giống như một tấm bia, sau đó người dân trong vùng đã thiêu dệt thành truyền thuyết rằng vua Lê Thánh Tông đã cho người mài đá và khắc chữ lên phiến đá đó để đánh dấu cương giới phía Nam của đất nước mà sau này Đại Nam nhất thống chí viết thời nhà Nguyễn đã có sự lầm lẫn đáng tiếc, đã ghi chép vụ việc này mà giáo sư Lương Ninh đã dẫn”. Vả lại giáo sư Lương Ninh cũng viết: “Với ý định tạo nên sự yên ổn lâu dài ở phía nam, vua Lê cắt phần đất ven biển từ đèo Cù Mông tới đèo Cả (hay Đại Lãnh) lập nên một nước riêng gọi là nước Hoa Anh.” Điều này cho thấy phần đất phía Nam đèo Cù Mông Đại Việt không hề quản lý, thì sự ghi chép của Đại Nam nhất thống chí về địa giới phía Nam với Chiêm Thành là núi Thạch Bi là sự lầm lẫn hết sức đáng tiếc.
Như vậy, đến thời Lê sơ biên giới Đại Việt kéo đến đèo Cù Mông. Các vua đời Lê, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông không những đã lấy lại được vùng đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay mà còn mang về cho lãnh thổ Đại Việt thêm phần đất Bình Định. Biên giới Đại Việt về phía Nam kéo dài đến đèo Cù Mông.
II. CƯƠNG GIỚI LÃNH THỔ VIỆT NAM Ở THỜI MẠC
- Bối cảnh và tác động của tình hình lịch sử ở thời Mạc
Sau khi phế truất nhà Lê, lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Mạc. Mạc Đăng Dung đứng trước những khó khăn rất lớn và hiểm nguy. Tuy nhà Mạc đã có những chính sách đúng đắn để bình ổn tình hình trong nước, tình hình chính trị xã hội được ổn định, nhưng một số cựu thần nhà Lê, trong đó có Nguyễn Kim tìm mọi cách chống đối nhà Mạc. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn phò một người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lập nên làm vua lấy hiệu là Lê Trang Tông. Nhà Lê được Trung Hưng, đóng đô ở Thanh Hóa, không ngừng xây dựng lực lượng chống đối với nhà Mạc tạo nên cục diện Nam – Bắc Triều. Ở phía Bắc thì quân Minh sai tướng Mao Bá Ôn mang theo 20 vạn quân tiến sát biên giới nước ta. Âm ưu của chúng là nhân tình hình trong nước bất ổn, có nội chiến, mượn cớ “phù Lê diệt Mạc” như đã làm dưới thời Hồ để chiếm nước ta lần nữa. Đứng trước tình hình đó, Mạc Đăng Dung phải trá hàng với quân Minh để tránh nạn tai ương, chấp nhận triều cống hằng năm, công nhận 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát thuộc về lại nhà Minh. Việc trá hàng và trả đất đó bị lịch sử lên án hết sức nặng nề. Vậy thì cụ thể sự thật như thế nào. Chúng tôi may mắn là thế hệ sau, được các nhà sử học đi trước đã mở đường khai phá và cung cấp những kiến thức đúng đắn và rõ ràng về sự kiện này.
Qua tìm hiểu, thì việc trả lại đất mà thường được gọi là “việc cắt đất của nhà Mạc cho nhà Minh” từng bị nhiều nhà sử học trong nước phê phán gay gắt và Mạc Đăng Dung được coi là “chủ mưu” trong việc này bị lên án là người “không biết liêm sĩ” là kẻ phản quốc như trong cuốn Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim đã viết như sau: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là một nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi; lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cỡi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lại ở trước của một tướng quân địch để cầu lấy cáu phú quý một cho thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sĩ”. Cuối cùng tác giả kết luận: “Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người, là không có nhân phẩm; một người như thế mà ai kính phục…”. Đánh giá ấy của học giả Trần Trọng Kim bị nhà sử học miền Nam Lê Văn Hòe, năm 1951 phê phán là người đã “giáng một quả búa quá nặng lên đầu Mạc Đăng Dung”. Trong những năm cuối của thế kỷ XX, giới sử học Việt Nam đã có những cách nhìn nhận lại về Mạc Đăng Dung và vai trò của dòng họ này trong lịch sử dân tộc mà tiêu biểu là hội thảo khoa học “Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử” được tổ chức năm 1994 ở Hải Phòng. Đã có những đánh giá khách quan, đúng đắn và công bằng hơn. Về sự kiện trả đất, theo sử liệu cho biết, Mạc Đăng Dung đã có ít nhất hai lần “cắt đất” cho nhà Minh. Đó là vào năm 1528, cắt hai châu Quy Thuận và năm 1540 cắt một số động sát nhập vào Khâm Châu.
Về sự kiện được gọi là cắt đất năm 1528, chỉ duy nhất được nêu trong Đại Việt sử kí toàn thư, rằng: “sợ nhà Minh hỏi tội, Đăng Dung bèn lập mưu cắt đất, dâng nhân dân hai châu Quy Thuận và hai hình người bằng vàng bạc, cùng là châu báu, của lạ, vật lạ…”. Thực tế đã không có sự kiện trả lại hai châu này. Ở trong phần trình bày cương giới phía Bắc Đại Việt dưới thời Lý thì hai châu Quy Thuận là châu Quy Hóa và châu Thuận An mà trước đó là hai động Vật Dương và Vật Ác bị nhà các tù trưởng nộp cho nhà Tống khi chúng xâm lược Đại Việt năm 1076. Như vậy, sự ghi chép trong Toàn Thư về việc nhà Mạc trả hai châu Quy Thuận cho nhà Minh là sự nhầm lẫn hết sức đáng tiếc.
Về sự kiện năm 1540, thì số lượng cũng như tên gọi của các động mà nhà Mạc trả lại cho nhà Minh được ghi chép rất khác nhau. Vùng biên giới phía bắc thời bấy giờ có ba “đô” là Như Tích, Thời La và Chiêm Lãng với 7 động là Chiêm Lãng, Thời La, Tư Lẫm, Liễu Cát, Cổ Sâm, Kim Lặc và La Phù. Trong đó các động Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Kim Lặc thuộc đô Như Tích, còn các động Cổ Sâm, Chiêm Lãng thuộc đô Chiêm Lãng, động Thời La thuộc đô Thời La. Mỗi động có một Động chủ đứng đầu. Như vậy, từ thời Tống đến thời Minh, xuất hiện ba loại đơn vị hành chính: đô, động và thôn. Mỗi đô gồm từ một đến bốn động, mỗi động có trên dưới bảy thôn. Cả thảy ba đô, bảy động kia thuộc vào Khâm Châu (Trung Quốc). Nhưng năm 1427 khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi thì bốn Trưởng động Tư Lẫm, Kim Lặc, Liểu Cát thuộc đô Như Tích và động Cổ Sâm thuộc đô Chiêm Lãng quy phục nhà Lê, nhà Minh đã nhiều lần cho người kêu gọi các Động trưởng này quay trở về nhưng đều thất bại vì vậy từ đó bốn động này sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Nhưng vào năm 1540 khi nhà Minh đe dọa quân sự ở phía Bắc, con cháu của các Động trưởng đã thuần phục Đại Việt liền bỏ về quy phục lại nhà Minh. Rõ ràng nhà Minh đã lấy lại bốn động này trước sự kiện Mạc Đăng Dung đầu hàng. Tình thế hết sức căng thẳng đã buộc nhà Mạc phải chấp nhận một việc đã rồi, và kết cục trong tờ giải trình của Mạc Đăng Dung: “Thủ thần Khâm Châu tâu xưng là 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát của 2 đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu. Nếu quả như vậy, thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận mà có. Nay hạ thần xin dâng đất ấy lệ vào Khâm Châu”.
Vậy là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã phải quàng cổ và chấp nhận sự kiện các Động trưởng của bốn động ở sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh. Với những vùng đất này, nhà Mạc cũng không thể tránh khỏi đối mặt với lời viện cớ từ thời Tống rằng: “Những đất mà nhà Tống chiếm đóng, thì sẽ trả lại cho Giao Chỉ, nhưng đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được”. Tương tự như vậy, thì nhà Mạc làm sao có thể giữ lại bốn động trong khi các động trưởng đã theo nhà Minh? Nhà Mạc đã rất khôn khéo trong cách ứng xử này, không bị mất mát gì mà làm cho nhà Minh rất hài lòng trong việc thu phục lại đất cũ của họ, tránh được mối họa ngoại xâm kề cận.
- Tình hình cương giới lãnh thổ của Việt Nam dưới thời Mạc
Sau năm 1540, biên giới phía Bắc dưới thời nhà Mạc tương đối ổn định, nhà Mạc cho lập nhiều đồn lũy sát biên giới với Trung Quốc mà nhà Minh gọi đó là các “tặc doanh” (đồn giặc). Nhà Mạc thường xuyên phái các đại thần đi khám xét biên giới, như: “Năm 1583, Đô ngự sử Đặng Võ Cạnh được phái lên hội khám biên giới ở Lạng Sơn” còn “Giáp Trưng thì được phái đi phúc định lại biên giới”. Ở Đông Bắc nhà Mạc cho lập vệ Đông Triều, còn ở Tây Bắc thì cho lập trấn Cao Bằng với tổ chức quân sự ở đây là Tổng binh và Tổng binh đồng tri. Vùng biên giới phía Tây nhà Mạc cũng kiểm soát cả một vùng rừng núi rộng lớn, quản lí được phủ Tây An, đạo Hưng Hóa trải sát đến biên giới Lào. Ở phía Nam thì trước khi bị Nguyễn Kim đánh chiếm vùng Thuận Hóa, Quảng Nam và đất Nghệ An, Thanh Hóa thì nhà Mạc cho những người thân cận trong hoàng tộc cai quản. Khi hình thành cục diện Nam Bắc triều thì nhà Mạc chủ yếu quản lí ở vùng đất từ Ninh Bình trở ra. Như vậy cương giới Đại Việt dưới thời Mạc đã tương đối ổn định. Phía Bắc, Đông Bắc, phía Tây tương đối giống với Bắc Bộ nước ta ngày nay.
III. THAY LỜI KẾT LUẬN
Qua bài viết này chúng tôi mạo muội xin phép được rút ra những kết luận sau:
Thứ nhất, thái độ kiên quyết giữ từng tất đất, thước sông của dân tộc ta thể hiện rất rõ qua tư tưởng của các ông vua thời nhà Lê và nhà Mạc. Không để cho nước “thiên triều” Trung Hoa có cơ hội xâm lấn đất đai của tổ tiên ta để lại. Sự canh phòng cẩn mẫn, luôn ý thức đề phong sự xâm lực từ phương Bắc, trừng trị thích đáng những kẻ dám đem đất đai của dân tộc bán cho ngoại bang. Cùng với quá trình giữ vững biên giới ở phía Bắc, nhà Lê đã có công rất lớn khi tiếp tục mở rộng biên giới xuống phía nam. Đến năm 1471, vai trò và sứ mệnh của vương quốc Champa trong lịch sử dân tộc gần như bị xóa bỏ. Champa dần dần bị suy yếu và bị nuốt trong cái vòng xoáy không thể tránh khỏi của hệ tư tưởng phong kiến “cá lớn nuốt cá bé”.
Thứ hai, việc nhà Mạc “dâng đất” hoàn toàn không giống như cái cách mà các triều đại phong kiến đời sau lên án nó. Qua một số tư liệu thì đúng là nhà Mạc đã có hành động đầu hàng nhà Minh ở biên giới phía Bắc vào năm 1540. Tuy nhiên đây chỉ là nghi thức đầu hàng không ngoài mục đích làm hài lòng nhà Minh. Với sự đầu hàng này, nhà Mạc đã chấp nhận những điều kiện do nước lớn láng giềng định ra, như chấp nhận phụ thuộc dưới quyền bá chủ của nhà Minh và phải nộp cống hằng năm cho họ. Để đổi lại, nhà Mạc tránh được nguy cơ bị chinh phạt và đất nước được độc lập.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đào Duy Anh (2010), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Đào Duy Anh (2003), Lịch sử Việt Nam (Từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX), Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Huỳnh Công Bá (2011), Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
- Đặng Xuận Bảng (1997), Sử học bị khảo, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Phan Huy Chú (2009), Lịch triều hiến chương loại chí, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, thành phố Hồ Chí Minh.
- Lê Quý Đôn (1977), Toàn Tập, Phủ Biên tạp lục, Tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Khuyết danh (1960), Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội.
- Trần Trọng Kim (2006), Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Trương Vĩnh Khang, (2010), “Chính sách của vua Lê Thánh Tông đối với việc bảo vệ lãnh thổ đất nước”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6 (410).
- Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt Sử ký toàn thư, bản dịch, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
- Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh (1983), Lịch Sử Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Đại học và trung cấp chuyên nghiệp, Hà Nội.
- Lương Ninh (2006), Vương quốc Champa, Nhà xuất bản Đại quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2005), Đại Nam nhất thống chí tập I và tập II, bản dịch, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội.
- Đinh Khắc Thuân (2002), Lịch sử vương triều Mạc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội
- Nguyễn Trãi (1976), Toàn tập, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Viện Sử học (1996), Vương triều Mạc (1527 -1592), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội