Tiêm thuốc bằng... dòng điện
Sau khi nhỏ thuốc vào miếng vải đệm nằm trên điện cực, bác sĩ áp điện cực làm bằng chì hoặc cao su dẫn điện vào chỗ cần điều trị. Dưới tác dụng của dòng điện một chiều, thuốc sẽ thấm qua da, tạo thành một kho thuốc bên dưới da. Kho thuốc này sẽ ...
Sau khi nhỏ thuốc vào miếng vải đệm nằm trên điện cực, bác sĩ áp điện cực làm bằng chì hoặc cao su dẫn điện vào chỗ cần điều trị.
Dưới tác dụng của dòng điện một chiều, thuốc sẽ thấm qua da, tạo thành một kho thuốc bên dưới da.
Kho thuốc này sẽ được giải phóng và lan toả từ từ, mang lại hiệu quả cao trong điều trị giảm đau, chống viêm (chẳng hạn viêm khớp), phục hồi chức năng thần kinh, cơ (chẳng hạn cứng khớp sau chấn thương), tai biến mạch máu, sẹo lồi, sẹo cứng...
Hai chiếc máy loại này đang được dùng thử nghiệm tại Bệnh viện E (Hà Nội).
Đây là phiên bản mới từ loại máy cũ cũng do nhóm nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Đức Thuận chế tạo năm 2002.
Máy điện phân đời mới có kiểu dáng hiện đại, an toàn hơn, sử dụng vi điều khiển và có thể đặt thời gian điều trị từ 1 tới 59 phút.
Theo BS Hùng, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu, ưu điểm của máy là đưa thuốc trực tiếp vào nơi cần điều trị. Do vậy, lượng thuốc xâm nhập vào cơ thể thấp hơn nhiều so với đường uống song vẫn đảm bảo tác dụng như đường uống. Ngoài ra, kỹ thuật này còn giúp bệnh nhân tránh các tác dụng phụ, chẳng hạn như kích ứng dạ dày và xuất huyết tiêu hoá, mà một số thuốc uống chống viêm, giảm đau gây ra.
Được biết trung bình mỗi ngày có khoảng 20-30 bệnh nhân được điều trị bằng máy điện phân, theo diện bảo hiểm y tế, tại Bệnh viện E. Mặc dù là thiết bị chuyên khoa nhưng giá thành của máy rất rẻ, chỉ khoảng hơn 1 triệu VNĐ. Trước đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm điện tử Y sinh cũng đã chế tạo máy điện phân dùng để đưa thuốc vào mắt qua da.