Thực trạng tham nhũng ở Việt Nam
I Đặt Vấn Đề Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng hơn 30 năm qua, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt, thế là lực của nước ta được nâng lên ở một tầm cao mới. Định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa của Đảng và nhà nước ta đến năm ...
I Đặt Vấn Đề
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng hơn 30 năm qua, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt, thế là lực của nước ta được nâng lên ở một tầm cao mới. Định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa của Đảng và nhà nước ta đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy vậy, để thực hiện được điều đó hoàn toàn không dễ chút nào, sự nghiệp cách mạng của đảng ta, nhân dân ta cũng đứng trước nguy cơ, thách thức lớn, mà một trong những nguy cơ đe dọa sự “tồn vong” của chế độ đó chính là “quốc nạn” tham nhũng.
Nhận thức được sự nghiêm trọng và tính chất đặc biệt của nạn tham nhũng, từ rất sớm và trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và nhà nước ta đã đặt ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm ngăn chặn bài trừ tham nhũng. Tuy nhiên, thực trạng tham nhũng hiện nay diễn biến một cách hết sức phức tạp mà khó lường, trên nhiều lĩnh vực và có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, thể hiện số tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát và lãng phí ngày càng lớn. Đòi hỏi những người trong cuộc chiến chống tham nhũng phải hết sức tỉnh táo, khách quan và phải có tinh thần thép trước những cám dỗ của tham nhũng
II Nội Dung
1 Khái Niệm
Tham nhũng là một phạm trù lịch sử, xuất hiện cùng với sự ra đời của Nhà nước và tồn tại song song cùng với sự phát triển Nhà nước.
Theo Luật phòng chống tham nhũng 2005 thì “ Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” [1].
Theo Tổ chức Minh Bạch Quốc tế thì “Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân”.
2 Các dạng của tham nhũng
Dựa vào hình thức tham nhũng được chia ra nhiều dạng khác nhau và cách gọi khác nhau:
-
Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công
-
Hối lộ là hành vi đưa tiền, hoặc vật phẩm có giá trị, hoặc những thứ khác khiến cho người nhận cảm thấy hài lòng, để mong muốn người nhận giúp đỡ mình thực hiện hành vi trái pháp luật.
3 Đặc điểm của tham nhũng
Để cấu thành hành vi tham nhũng phải có những biểu hiện và đặc điểm sau đây:
-
Chủ thể tham nhũng phải là người có chức vụ quyền hạn, hay có trách nhiệm trong một cơ quan quản lý của nhà nước của đảng, các cơ quan hành chính sự nghiệp có quyền lực về chính trị, hay các tổ chức kinh tế tư nhân.
-
Chủ thể phải có động cơ thực hiện hành vi tham nhũng đó chính là mục đích đem lại lợi ích cho bản thân, cho nhóm người… thông qua hành vi vụ lợi.
-
Hành vi tham nhũng được thể hiện bằng cách: người thực hiện hành vi tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền lực, lợi dụng nhiệm vụ, trọng trách cũng như vị trí, địa vị công tác mà mình được giao phó để không làm hoặc làm trái với những nguyên tắc quản lý Nhà nước, trái với nội dung công việc được giao, gây thiệt hại đến lợi ích chung của Nhà nước, xã hội, các tổ chức….
VD: Vụ án Trương văn Cam và đồng bọn có liên quan đến rất nhiều quan chức trong ngành tư pháp từ TƯ đến địa phương, có đến 155 bị can trong đó có 21 người nguyên là cán bộ công chức nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật (13 cán bộ công an, ba cán bộ Viện kiểm sát và 5 cán bộ cơ quan hành chính); 17 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã khai trừ khỏi Đảng: 10, đình chỉ sinh hoạt Đảng: 6)
Ngoài ra theo Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng thì những hành vi sau đây là tham nhũng:
-
Tham ô tài sản.
-
Nhận hối lộ.
-
Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
-
Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
-
Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.
-
Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.
-
Nhũng nhiễu vì vụ lợi.
-
Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi..
4. Phân loại
Dựa vào hành vi tham nhũng:
a. Tham nhũng cá nhân và tham nhũng tập thể.
Tham nhũng cá nhân là do một người tiến hành, từ chủ mưu đến lấy của, biến của công quỹ, của cải nhà nước thành của cá nhân
VD: Vụ Nguyễn Trí Đức 28 tuổi, nguyên Giám đốc Cửa hàng trưng bày sản phẩm số 1 và 2 của Công ty Phan Khang chi nhánh Cần Thơ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của công ty. Tổng cộng số tiền mà Đức chiếm đoạt lên đến 22 tỷ đồng.
Tham nhũng tập thể là do một số người, một số đơn vị thống nhất với nhau hành động và chia phần của cải tiền bạc chiếm đoạt được từ của công.
VD: Vụ án tham nhũng lớn nhất Việt Nam của tập đoàn Vinashin. Phạm Thanh Bình nguyên Chủ tịch hồi đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinashin cùng các đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước với tổng thiệt hại trên 910 tỷ đồng. Trong Số các bị can và bị cáo đưa ra xét xử có 2 bị can Hồ Ngọc Tùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy) và Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin).
b. Tham nhũng trực tiếp và gián tiếp.
Trực tiếp: kẻ tham nhũng tự mình thực hiện hành vi tham nhũng như: nhận hối lộ, bớt xén công quỹ, lấy của cải của nhà nước…
VD: Cảnh sát giao thông nhận mãi lộ từ người vi phạm
Gián tiếp: kẻ tham nhũng không trực tiếp nhúng tay mà lợi dụng quyền lực để ban hành quy chế có lợi cho số ích người, đặc biệt cho bản thân.
VD: Trịnh Hùng Cường sinh năm 1992 con trai Trịnh Xuân Thanh, tốt nghiệp tại Queen Mary, London vào năm 2014, bắt đầu làm việc tại Halico từ cuối năm 2015. Chỉ trong vòng 5 tháng làm việc, ông Cường được thăng chức Phó phòng phụ trách truyền thông và thị trường, thuộc Phòng truyền thông Marketing của Halico. Giai đoạn 2011-2013, Ông Mai Văn Lợi là Giám đốc Khách sạn Lam Kinh, một đơn vị kinh doanh thua lỗ nặng, lên tới 200 tỷ đồng. Sau khi Khách sạn Lam Kinh được PVC của ông Trịnh Xuân Thanh (lúc đó là Chủ tịch HĐQT) mua lại, ông Lợi được điều về làm Giám đốc Halico vào tháng 11/2014. 5 tháng sau đó, ông Lợi được thăng chức Chủ tịch HĐQT Halico. Từ một DN làm ăn có lãi tới hơn 200 tỷ hồi năm 2012, năm 2015 Halico lỗ tổng cộng 21 tỷ đồng. Riêng quý I năm 2016, DN này lỗ 10 tỷ đồng.
c. Tham nhũng có ý thức vào không có ý thức.
Có ý thức: có chủ ý ngay từ đầu vạch ra mục tiêu, biện pháp tiến hành tham nhũng .
Không ý thức: hay còn gọi là tham nhũng “lây” thì người lấy của không có ý thức được của ấy ở đâu.
VD: một cơ quan khai man, ăn bớt ăn xén….để xoay tiền của nhà nước đem chia cho cán bộ nhân viên dưới dạng tiền thưởng, tiển bồi dưỡng, đa số cán bộ công nhân không ý thức được tiền đó là của tham nhũng.
5. Thực Trạng Tham Nhũng Ở Việt Nam
Năm |
Xếp hạng |
2012 |
112/168 |
2013 |
119/175 |
2014 |
116/177 |
2015 |
123/176 |
Kết quả chỉ số tham nhũng hàng năm của Việt Nam
(https://towardstransparency.vn/vi/chi-so-cam-nhan-tham-nhung)
Đây là bảng thống kê kết quả về chỉ số tham nhũng của Việt Nam do Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế điều tra được từ năm 2012-2015. Được tính theo thang điểm từ 1 đến 100( điểm càng thấp và thứ hạng càng cao thì mức độ tham nhũng sẽ càng cao). Qua bảng số liệu cho ta thấy tình trạng tham nhũng ở Việt Nam có xu hướng tăng lên( nhất là từ năm 2014-2015 đã tăng 6 bậc) Chỉ số tham nhũng từ năm 2012-2015 vẫn là 31/100 điểm. Nước ta hiện nay nằm trong khu vực những nước có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng.
Trong năm 2015 điều tra các cấp đã thụ lý 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng, đã kết luận 198 vụ và đang điều tra 140 vụ. Các vụ án đã gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887m2 đất. Trong đó thu hồi được 505 tỷ đồng (đạt55.8%) và được 2887m2 đất( đạt 29.2%). Cho thấy tình trạng tham nhũng ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp và trầm trọng hơn. Số tài sản thâm hụt do tham nhũng là rất lớn nhưng khi thu hồi lại thì nó đã bị “bóc khói” khá nhiều. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách nhà nước và nền kinh tế của nước ta. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì đất nước ta rất khó để phát triển toàn diện. Tham nhũng sẽ trở thành “chiếc gông” kìm chặt sự phát triển của đất nước.
Trong lĩnh vực quản lý, sửdụng đất đai, tài nguyên, khoángsản: tham nhũng chủ yếu diễn ra trong việc quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất… Một số đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất không đúng thẩm quyền; lập hồ sơ khống hoặc khai tăng diện tích đất khi đền bù.
VD: vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại dự án phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, Hà Nội, thiệt hại ước tính khoảng 14 tỷ đồng
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng: nổi lên tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ trong ngành ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại hoặc cán bộ trong ngành ngân hàng tiếp tay, móc nối với các đối tượng bên ngoài thông qua các hoạt động cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, ủy thác cho vay, ủy tác đầu tư… để chiếm đoạt tài sản, gây thất thoát lớn.
VD: Dương Thanh Cường và đồng phạm trong vụ đại án gây thất thoát 966 tỉ đồng (gần 1.000 tỷ đồng) xảy ra tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh 6 (Agribank CN6 tại TP. HCM).
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản, chủ yếu do tham ô và cố ý làm trái. Sai phạm xảy ra ở hầu hết các khâu, từ việc lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn đến đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Thủ đoạn chủ yếu là không chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu; khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị; đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào sử dụng; thi công sai quy trình để giảm chi phí...
VD: Vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy Vinawaco. Trong quá trình đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng thi công công trình nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai-Cái Lân, Hồ Thành Nghĩa (nguyên giám đốc Ban điều hành dự án nạo vét phía bắc) và Phạm Đình Hòa (nguyên trưởng phòng Kế hoạch thị trường, Vinawaco) đã thỏa thuận để công ty Tân Việt được tham gia đấu thầu và ký hợp đồng thi công, phía công ty phải chi cho ông Nghĩa và ông Hòa số tiền bằng 50% giá trị hợp đồng. Vũ Thanh Huyền (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tân Việt) và Trịnh Văn Thắng (nguyên Giám đốc Công ty Tân Việt) đã trực tiếp đưa cho Nghĩa 1,2 tỷ đồng, trong đó Nghĩa đưa lại Hòa 1,1 tỷ đồng, Nghĩa giữ lại 100 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Trong quá trình thi công công trình đã tổ chức không đúng theo hợp đồng đã ký (thanh toán khống về vị trí đổ thải, cự ly vận chuyển để được thanh toán theo đơn giá hợp đồng đã ký với Tổng Công ty Xây dựng đường thủy) để gian dối chiếm đoạt hơn 7,8 tỉ đồn.
Trong việcquản lý, sử dụng vốn, tài sản nhànước tại các doanh nghiệp: thủ đoạn tham nhũng chủ yếu là giấu bớt và định giá trị tài sản, đất đai thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa; lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá hoặc gửi giá khi mua bán tài sản công để trục lợi.
VD: Vụ án tham nhũng của công ty sản xuất thực phẩm Việt Nam (Vifon). Từ năm 2002 đến 2006, lợi dụng giai đoạn công ty Vifon trong quá trình chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, ông Nguyễn Bi và Thanh Huyền đã chỉ đạo cấp dưới lập khống nhiều phiếu chi nhằm lấy tiền Nhà nước và các cổ đông, sau đó hợp thức hóa thành nguồn huy động vốn của cá nhân rồi rút ra chiếm đoạt. Tổng cộng, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 18 tỷ đồng của Nhà nước và các cổ đông khác.
Trong công tác cán bộ: dư luận về tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy công chức” vẫn còn nặng nề, nhưng trong trong việc phát hiện và xử lí thì chưa đáng kể. Dư luận nói nhiều đến hiện tượng một số cán bộ tiến thân bằng con đường chạy chọt, nịnh bợ cấp trên (tìm hiểu sở thích, nhu cầu cá nhân của cấp trên và gia đình họ để tìm cách đáp ứng; sẵn sàng biếu cấp trên những món quà có giá trị lớn như nhà ở, đất ở, cổ phần trong các dự án, công ty...). Nhiều người nói rằng, hiện nay mọi thứ đều “có giá”, từ việc tuyển dụng, phân công công việc đến bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
VD: Vụ sai phạm trong điều động và bổ nhiệm cán bộ, luân phiên cán bộ, ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Cụ thể đã tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện. Vi phạm Quyết định 83/2004 của Bộ Nội vụ và Quyết định 81-QĐ/BCS của ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức phó chánh Văn phòng, trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng, chánh văn phòng ban cán sự Đảng, vụ trưởng, thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng quy trình, để ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư ban cán sự Đảng, tự ý đề nghị phê duyệt bổ sung quy hoạch chức danh thứ trưởng Bộ Công Thương đối với Trịnh Xuân Thanh và một số trường hợp khác. Mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh để bổ nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang... Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh. Vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp trong việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng) làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); điều động, đề cử tham gia HĐQT và giữ chức phó tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trong lĩnh vực tư pháp: hành vi tham nhũng chủ yếu là cán bộ tư pháp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ nhằm bỏ lọt hoặc giảm nhẹ tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
VD: Vụ án Trương Văn Cam: Đầu năm 1995, Năm Cam phát hiện đang bị Công an điều tra về hoạt động tội phạm của mình, nên rất lo sợ và tìm cách lo chạy các cơ quan pháp luật để giảm thoát tội. Năm Cam đã ra Hà Nội nhờ Nguyễn Văn Thắng (Thắng Tài Dậu) dẫn đến nhà Trần Văn Thuyết lo chạy giúp (vì biết Thuyết quen biết nhiều công chức pháp luật và nhà báo), Thuyết hướng dẫn Năm Cam đến nhà Cao Huy Phước (Công an hưu trí) ở 111 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại đây, Thuyết đặt vấn đề nhờ ông Phước chuyển đơn kêu oan của Năm Cam đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Phước đồng ý. Năm Cam đã đưa cho Trần Văn Thuyết 10.000 USD để lo chạy tội. Thuyết nhờ Nguyễn Thập Nhất (Trưởng phòng Kiểm sát giam giữ Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội) thảo đơn và sắp xếp trình tự gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan công luận, gửi qua đường bưu điện đến các nơi cần thiết. Thuyết đã đưa hối lộ cho quan chức, nhà báo bằng tiền và hiện vật có giá trị cao (như đồng hồ Rolex...) nhằm chạy tội cho Năm Cam.
Ngoài những lĩnh vực trên, tình trạng nhũng nhiễu còn khá phổ biến trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước và công chức nhà nước với người dân và doanh nghiệp, giữa nhân viên các cơ sở dịch vụ công với khách hàng, người dân, như: cảnh sát giao thông, cán bộ thuế, các cơ quan cấp phép, cơ sở khám, chữa bệnh, các trường học… gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tóm lại, tình hình tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, và ngày càng phổ biến phổ biến. Trước đây, tham nhũng chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh… Tham nhũng còn len lói ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, những cơ quan cầm cân, nảy mực, đại diện cho công lý và công bằng xã hội, như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... Những trường hợp thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện ở nhiều nơi.
Không ít cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức và việc công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường. Số đối tượng tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ thấp hoặc không có chức vụ lãnh đạo, quản lý, như: nhân viên cảnh sát, thuế vụ, bác sỹ, y tá v.v... chiếm tỷ lệ khá cao; trong khi ở nhiều nước khác, đối tượng tham nhũng chủ yếu là các chính khách, các quan chức và doanh nhân.
Mấy năm gần đây đã xuất hiện một số vụ tham nhũng liên quan đến “yếu tố lợi ích nhóm” được mọi người quan tâm rất nhiều. Đây cũng là một trong những vấn đề được đạt ra ngay tức thềm kỳ họp tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 19/10/2015. Nhưng việc lợi ích nhóm vẫn chưa được báo cáo rõ ràng, cụ thể là xuất hiện ở lĩnh vục nào và biểu hiện ra sau?. Đây vẫn là một dấu hỏi lớn chưa được giải đáp rõ ràng gây rất hoang mang cho người dân.
6. Nguyên nhân
Có thể nói tham nhũng là căn bệnh hiểm nghèo gắn liền với mọi nhà nước đe dọa sự tồn vong của chế độ, trên thực tế Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp nhằm khắc phục được tình trạng tham nhũng. Nhưng tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục xuất hiện và khó có thể khắc phục triệt để bởi do nhiều nguyên nhân như những chủ trương, biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực sự còn nửa vời, mang tính hình thức, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Tình trạng tham nhũng nhiều nơi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, trước hết là của Bộ Chính trị chưa kiên quyết và chưa tập trung đúng mức. Tình trạng tham nhũng trong hệ thống chính trị, nhất là bộ máy nhà nước và các tổ chức kinh tế vẫn còn khá phổ biến.
Một số chủ trương, biện pháp quy chế chính sách nhằm ngăn ngừa đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, chưa hợp lý chưa chặt chẽ, tính khả thi chưa cao, còn ít hiệu quả. Thiếu sự phân công phối hợp chỉ đạo việc chống tham nhũng một cách có hiệu quả.
Quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu ở không ít nơi chưa được xác định rõ. Việc thực hiện chế độ, chính sách thiếu công khai, minh bạch. Hoạt động thu, chi tài chính, tuyển dụng, đề bạt , bổ nhiệm cán bộ, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện tốt. Nhiều thủ tục hành chính phiền hà chậm xóa bỏ.
Nhiều tổ chức đảng và đảng viên trong tự phê bình và phê bình nể nang, né tránh nên rất ít nơi tìm ra được tham nhũng, tiêu cực trong sinh hoạt chi bộ. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa tự giác nhận có tham nhũng, chưa làm gương cho cán bộ, đảng viên trong đấu tranh chống tham nhũng. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự dựa vào dân, chưa coi trọng tiếp thu ý kiến phê bình của dân để xây dựng, chỉnh đốn đảng.
Một số không ít vụ việc tham nhũng được dư luận, báo chí phát hiện chậm được xem xét, kết luận hoặc xử lý không triệt để, chưa tạo được sự đồng tình cao của nhân dân, chưa bảo đảm được sự công minh của pháp luật. Một số cán bộ trong ngành vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống chưa được xem xét, xử lý kỷ luật. Việc xử lý một số vụ việc nổi cộm chưa nghiêm, vẫn còn vụ việc có biểu hiện “trên nhẹ dưới nặng”. Có những vụ tham nhũng lớn, một số cán bộ có liên quan, dính líu chưa được đưa ra xét xử công minh.
Sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, …
Vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật, như công an, viện kiểm sát, tòa án chưa được phát huy đầy đủ nhất. Trên thực tế, những tiêu cực, hành vi tham nhũng lại hiện diện ở cả chính những cơ quan này mà chưa được tích cực ngăn chặn, đẩy lùi càng làm hạn chế hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Những trường hợp thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện ở nhiều nơi.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đấu tranh chống tham nhũn chưa được các cấp ủy chỉ đạo thường xuyên. Việc biểu dương người tốt, việc tốt, người có công trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng làm chưa tốt. Tính tích cực của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng chưa được phát động thường xuyên.
Ngày nay sự phát triển của kinh tế thị trường là không thể phủ nhận được, tuy nhiên do bản chất của nền kinh tế thị trường, việc tự do hoá cạnh tranh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn tham nhũng. Trong nền kinh tế thị trường vai trò của đồng tiền được đặt lên rất cao. Có không ít tổ chức, cá nhân vì những mục tiêu riêng để tồn tại trong sự canh tranh khốc liệt đã dùng mọi thủ đoạn trong đó thủ đoạn hối lộ được sử dụng rất phổ biến.
7. Ảnh Hưởng
Tham nhũng là một thách thức mang tính toàn cầu – đó là một nhận định được cả thế giới thừa nhận. Bởi tham nhũng là một trong những trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng và giảm đói nghèo. Ở Việt Nam, tham nhũng cũng đã được nhận thức khá sâu sắc rằng đó là một trở lực nghiêm trọng đối với chiến lược phát triển quốc gia, bởi nó làm suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước, xói mòn nguyên tắc pháp quyền, cản trở tăng trưởng kinh tế và những nỗ lực xoá đói giảm nghèo.
Ảnh hưởng nói chung trên các phương diện:
Đối với chính trị: Làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Làm cho chế độ chính trị bị suy yếu từ bên trong tạo điều kiện cho các thế lực thù địch chống phá nhà nước, dẫn đến nguy cơ sụp đổ nếu không được chấn chỉnh kịp thời.
Đối với kinh tế: Tham nhũng là hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của Đất nước. Đặt biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nó làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của nhân dân, thiệt hại ngân sách Nhà nước, gây rối loạn kinh tế. Vì lợi ích cá nhân mà những kẻ tham nhũng sẵn sàng nhập cả một dây chuyền sản xuất đã lạc hậu hay một con tàu mục về chỉ có thể bán sắt vụn, những công trình xây dựng chưa sử dụng đã hư hỏng...
Đối với xã hội: Làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội. Tình trạng nghèo đói diễn ra trầm trọng hơn. Làm xấu đi hình ảnh nước ta trên trường quốc tế.
Như đã nói trên, tham nhũng không chỉ xuất hiện trong các lĩnh vực kinh tế mà còn hiện ở nhiều ngành nghề khác nhau và xuất hiện ngay cả trong cơ quan công quyền nhà nước. Ảnh hưởng trực tiếp không chỉ về lợi ích kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị và toàn xã hội. Không ích những vấn đề nổi cộm, bức xúc như: bao che, để lọt người lọt tội, chạy tội, chạy chức chạy quyền…….mà cụ thể là:
Trong lĩnh vực tư pháp, tham nhũng làm cho cán cân công lý bị lệch, gây ra những bản án oan sai cho những người vô tội mà không gì có thể bù đắp được về tinh thần, thể xác và cả những người thân trong gia đình của họ hay làm cho những kẻ đã gây thiệt hại về lợi ích kinh tế và xã hội lọt qua khỏi gông xiềng pháp luật, tiếp tục thực hiện những hành vi gian dối phi pháp, để rồi mang lại những bi kịch cho nhiều gia đình. Tham nhũng đã lấy đi sự công bằng dân chủ, lấy đi niềm tin của nhân dân vào công lý mà Đảng luôn hướng đến đó là “Xã Hội Công Bằng Dân Chủ Văn Minh”
Trong lĩnh vực quản lý vốn và sử dụng tài sản của nhà nước, tham nhũng làm thất thoát ngân sách nhà nước lên đến hàng chục tỷ đồng. Việt Nam là nước đang phát triển, chính vì vậy việc hao hụt một khoảng ngân sách lớn do tham nhũng gây đang làm ảnh hưởng đến người dân, làm nợ công tăng cao, chính sách xóa đói giảm nghèo của nhà nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vinashin từng được coi là con rồng biển đông, từng là niềm tự hào to lớn của Đảng và nước ta, vậy mà chỉ vì đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, đã làm giảm đi uy tính của doanh nghiệp nhà nước, làm mất uy tính của nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế, Hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước cũng vì thế đã trôi ra biển đông vĩnh viễn.
Trong lĩnh vực công tác cán bộ, tham nhũng đã làm mất lòng tin của người dân vào bộ máy hành chính nhà nước. Xâm phạm, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, không còn làm việc vì mục đích phục vụ nhân dân mà hướng tới việc thu được các lợi ích bất chính, bất chấp việc vi phạm pháp luật, làm trái công vụ, trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Đáng chú ý, tham nhũng xuất hiện ngay cả những người đảng viên có tư tưởng chính trị vững mạnh rõ ràng và tinh thần thép, qua đó cho ta thấy, tham nhũng đã làm suy thoái đạo đức của một bộ phận đảng viên, làm phai mờ đi câu nói “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”.Ảnh hưởng xấu của tham nhũng xuất hiện trong bộ phận cán bộ công chức nhà nước đã làm công tác hành chính giấy tờ gặp phải nhiều vướng mắt bất cập, không được giải quyết, khiến cho nhân dân bất bình phản ánh.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tham nhũng làm hạ thấp chất lượng công trình công cộng, giảm đi tính an toàn của các công trình công cộng, các công trình mang tính cộng đồng, như giao thông, công trình an sinh xã hội….. hiện tượng rút ruột công trình diễn ra phổ biến… đe dọa tính mạng người dân,....
Trong lĩnh vực tài chính, tham nhũng còn liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tội phạm tẩy rửa tiền làm thất thoát và sử dụng sai trái một phần quan trọng nguồn lực các quốc gia, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững.
Đó là điển hình một số ảnh hưởng của tệ nạn tham nhũng trên các ngành nghề khác nhau, tham nhũng như một loại virut đang lây lan khắp các lĩnh vực không chỉ trong các lĩnh vực nói trên mà còn trong cả ngành giáo dục, ngành an ninh quốc phòng trật tự xã hội. Mà nguyên nhân sâu xa, xuất phát từ tình hình kinh tế hiện nay đang diễn biến phức tạp, đời sống người cán bộ, đảng viên chưa được nâng cao nếu không có tinh thần chính trị vừng vàng, suy nghĩ sáng suốt, thì dễ dàng mang nặng chủ nghĩa nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình.
8 Giải pháp
Ở nước ta từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang sơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước XHCN là con đường hoàn toàn mới mẻ. Những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cởi mở, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển. Một mặt hệ thống pháp luật vẫn thiếu đồng bộ, một số văn bản pháp quy vừa mới ban hành đã sớm lạc hậu với thực tiễn, tạo nhiều sơ hở, dễ bị lợi dụng. Mặt khác, bước vào cơ chế mới, tâm lý nôn nóng làm giàu có mặt tích cực là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, nhưng cũng có mặt tiêu cực là làm cho một số người bị tha hóa, đánh mất chính mình trong chủ nghĩa vị kỷ, hưởng lạc trong khác vọng làm giàu bằng mọi giá, bất chấp luật pháp, đạo lý. Một số biện pháp nhằm giảm thiểu các vụ tham nhũng, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng tham nhũng của nước ta hiện nay.
Hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,...Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên cấp ủy và của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phát huy vai trò giám sát của đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với các cơ quan công quyền, với đảng viên, cán bộ, công chức nhà nước.
Kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng, mất uy tín trong nhân dân. Đổi mới việc đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ theo hướng công khai, dân chủ nhằm lựa chọn người có đức, có tài, có uy tín vào các vị trí lãnh đạo.
Các cấp ủy đảng cần dựa vào nhân dân để xây dựng, củng cố Đảng, đánh giá cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.
Loại bỏ những quy định không còn phù hợp, các bộ phận trung gian dễ phát sinh tiêu cực, lựa chọn những cán bộ đảng viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vào công tác tại cơ quan này.
Xử lý nghiêm, kịp thời, chính xác, đúng người, đúng tội đối với cán bộ, đảng viên tham nhũng, bất kể họ là ai, ở cấp nào.
Nâng cao chất lượng tuyên tuyền, cổ động cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tạo dự luận xã hội, khuyến khích tôn vinh người có tinh thần đấu tranh, tố cáo đúng các vụ, việc tham nhũng
Kê khai nhà, đất, cơ sở sản xuất kinh doanh của cán bộ, công chức nhằm làm rõ ràn, minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức, tạo điều kiện để quần chúng quản lý, giám sát, nhất là giám sát việc hình thành tài sản mới. Khi cơ sở sản xuất kinh doanh có thay đổi thì cán bộ, công chức phải kê khai bổ sung. Do vậy, khi phát hiện cán bộ, công chức có những dấu hiệu bất minh thì giao cho cơ quan có thẩm quyển điều tra, xác minh nguồn gốc tài sản và nếu vi phạm xử lý theo pháp luật. Cán bộ, công chức cần có trách nhiệm kê khai trung thực.
Nghiêm cấm việc lấy tiền của nhà nước, tập thể biếu, tặng cho cá nhân, tổ chức. Cán bộ công chức không được nhận tiền, quà biếu của các cơ quan, tổ chức kinh tê - xã hội trong mọi trường hợp, kể cả ngày lễ, tết, đi công tác.
Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy định những điều đảng viên không được làm, đưa việc kiểm điểm thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của các cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở.
Xử lý nghiêm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn trong cơ quan, đơn vị, bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng.
Để tạo chuyển biến tích cực và thay đổi rõ rệt hơn trong việc phòng chống tham nhũng cần phải:
Đối với Doanh nghiệp, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt về liêm chính trong hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các đối tác kinh doanh cùng tuân thủ các chuẩn mực này để đạt được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp khác và các bên liên quan, ủng hộ và tham gia các sáng kiến phòng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân, bao gồm việc tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Đối với báo chí, các tổ chức xã hội và người dân, thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia phòng chống tham nhũng bằng cách tích cực đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật Tố cáo sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Tiếp cận thông tin thông qua các diễn đàn, hội thảo, tiếp xúc cử tri hay các phương tiện thông tin đại chúng. Báo chí và các tổ chức xã hội tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin để lôi cuốn người dân cùng lên tiếng về nhu cầu, nguyện vọng liên quan đến phòng chống tham nhũng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để trực tiếp khuyến nghị các giải pháp phòng chống tham nhũng và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của các bên liên quan. Người dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng trong đời sống, tham gia giám sát xã hội và sẵn sàng tố cáo khi phát hiện ra các hành vi tham nhũng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên một cách mạnh mẽ, kiên trì, bền bỉ, nhất định chúng ta sẽ ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng một cách có hiệu quả.
III Kết Luận
Quá trình đấu tranh với “nguy cơ” này để bảo vệ sự sống còn của chế độ vẫn còn không ít thử thách, chông gai. Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài bền bỉ, là vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh mệnh của Đảng và công cuộc đổi mới; là cuộc đấu tranh giữa tiến bộ với lạc hậu, giữa văn hóa - phát triển với phản văn hóa - phản phát triển ở nước ta. Vì vậy, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân vào cuộc chiến đấu này. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cần phải thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, cần phải coi cuộc đấu tranh này là công việc “cần làm ngay” và làm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các đơn vị, phải xây dựng cơ quan chống tham nhũng thực quyền và đủ mạnh. Và điều không kém phần quan trọng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn xã hội về những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề quan trọng và cấp thiết này, trong đó có luật phòng chống tham nhũng…..
Theo điều tra của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Towards Transparency gọi tắt là TT), trong năm 2016 chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176, điều này cho thấy có một sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực về chống tham nhũng. Như vậy, lần đầu tiền sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ, nếu như trước đây năm 2012 - 2015 Việt Nam liên tục giữ số điểm 31/100. Cơ quan đầu mối quốc gia của TT tại Việt Nam – tin rằng đây là một dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Nhà nước và xã hội.
Mặc dù điểm số tăng nhẹ, nhưng xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch, điểm số 33/100 năm nay cho thấy Việt Nam chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng. Kết quả này cũng tương đồng với nhận định của Chính phủ và ý kiến đánh giá của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng 2016 của Chính phủ.
IV TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Đỗ Xuân Tuất, Phạm Quang Hưởng, Nguyễn Ngọc Hân, “Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”, 2006, NXB Lao Động.
-
Viện Thông tin KHXH, “Tham nhũng - tệ nạn của mọi tệ nạn, Hà Nội, 1997.
-
Thế Kha, “Điểm danh 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng sắp được xét xử”, báo Dân Trí, 01/10/ 2016 <http://dantri.com.vn/chinh-tri/diem-danh-6-vu-an-tham-nhung-kinh-te-nghiem-trong-sap-duoc-xet-xu-20161001160107048.htm>
Ngày truy cập: 26/01/2017. -
Nguyễn Tiến Nghĩa “Tham nhũng - nguyên nhân và biện pháp ngăn ngừa”, Tạp Chí Cộng Sản, 1/2013
-
Lên Văn Lân “Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi vừa trắng trợn”, vnexpress, 9/2012
-
Tổ chức Minh bạch Quốc tê, “Chỉ Số Tham Nhũng Ở Việt Nam”.
-
Dã Quỳ “Ngân hàng Agribank và những vụ án tham nhũng được xét xử 2015”,Báo Doanh Nghiệp, 12/2015