Thư gửi Nguyễn Ái Quốc của Phan Châu Trinh
(Trích Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3) Marseille, ngày 18 tháng 2 năm 1922 Tôi với anh mấy năm ròng cùng sống nơi đất khách quê người nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tượng bên nhà. Chánh phủ bảo hộ thường nói: cái việc dẹp loạn là để an dân, làm mấy con ...
(Trích Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3)
Tôi với anh mấy năm ròng cùng sống nơi đất khách quê người nhưng mà lòng bọn mình chẳng khi nào quên cái cảnh tượng bên nhà. Chánh phủ bảo hộ thường nói: cái việc dẹp loạn là để an dân, làm mấy con đường hỏa xa, mấy cái học đường, mấy cái nhà thương là để khai hóa xứ An Nam mình. Cái công lao ấy thì báo Ba Lê [1] nhan nhản đăng lên, còn cái sưu cao thuế nặng, cái tham quan lại nhũng, cái sĩ khí dân tình bị chém giết, bị bỏ tù, bị đày ải kia thì họ im phăng phắc. Bởi cái cảnh thất quốc vong gia, lòng dân đồ thán, nên cánh giang hồ chúng mình làm sao mà nguôi dạ được, hồn Tổ quốc nặng trĩu trên vai, xót vì quốc dân đồng bào đương rên xiết bởi cường quyền áp chế.
Thực trạng dân tình thế thái bên nhà, bọn mình biết rõ, bấy lâu nay, bọn mình ở bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng mà kết quả chẳng được là bao, cái khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu, ông Lư Thoa [2] khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào trên cái đất An Nam mình.
Xem thế thì ngẫm ngay được rằng: một chủng tộc muốn như chủng tộc văn minh chỉ có tự lập tự cường. Nhưng khốn nỗi ở nước An Nam ta từ ngày quan quân nước Pháp đem binh thuyền đến mà chinh phục mãi tới ngày nay, sĩ khí dân tình khởi sự chống lại chính phủ bảo hộ tiếp diễn liên miên hết cuộc này đến cuộc khác, rốt cuộc đâu hoàn đó, chẳng nhúc nhích được chút nào. Ngày nay, việc khởi sự lần hồi giảm đi bởi cái dã tâm của hạng người dạ thú, của kẻ đầu trâu mặt ngựa, bởi thiếu người hướng đạo.
Bấy lâu nay tôi cùng anh và anh Phan [3] đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân khí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi; còn tôi thì lại không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền đãi thời đột nội của anh và cả cái phương pháp bất hòa mà anh đã nói với anh Phan là tôi là hạng người hủ nho hủ cựu.
Cái điều anh gán cho tôi đó, tôi chẳng giận anh tí nào cả, bởi vì suy ra thì tôi thấy rằng: tôi đọc chữ Pháp bập bẹ nên không am tường hết sách vở ở cái đất văn minh này. Cái đó tôi đã thua anh xa lắm, đừng nói đọ gì với anh Phan. Tôi tự ví tôi ngày nay như con ngựa đã hết nước tế; tôi nói thế chẳng hề đem ví anh là kẻ tử mã lục thạch [4], thực tình từ trước tới nay tôi chẳng khinh thị anh mà tôi còn phục anh nữa là khác. Tôi thực tình có sao nói nấy, không ton hót anh chút nào.
Mấy cái việc nói qua trên kia để bọn mình ôn cố một chút, còn lần này tôi phải viết cái thơ này cho anh là tôi có cái hi vọng muốn anh nghe theo tôi mà lo cái đại sự. Phàm thử muốn thức tỉnh quốc dân đồng bào đánh đổ cường quyền áp chế, thì từ xưa đến nay, từ Á sang Âu chưa có một người nào làm cái việc như anh: anh lấy cái lẽ nước mình lưới giăng tứ bề, mà về nước ắt là sa cơ, gia dĩ dân tình sĩ khí cơ hồ tan tác, bởi cái chính phủ cường quyền nên sự hấp thu lý thuyết kém cỏi, bởi thế mà anh cứ khư khư cái phương pháp “ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” [5]. Cứ như cái phương pháp ấy thì anh viết bài đăng báo chương trên đất người để mà hô hào quốc dân đồng bào bên nhà đem tinh thần và nghị lực ra làm việc nước. Tôi coi lối ấy phí công mà thôi. Bởi vì quốc dân đồng bào mấy ai biết chữ Tây, chữ Quốc ngữ cầm tờ báo mà đọc nổi.
Theo ý tôi thì mình mà học hỏi lý thuyết hay, phương pháp tốt, tóm thâu được chủ nghĩa, có chí mưu cầu lợi quyền cho quốc dân đồng bào, thì đừng có dùng cái lối nương náu ngoại bang để rung chuông, gõ trống, mà phải trở về ẩn náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công. Anh không nghe lời tôi nói, anh ở hoài bên này, cứ cái lối đó thì tài năng của anh khác gì công dã tràng. Bởi cái lẽ đó mà tôi khuyên anh thu xếp mà về, đem cái tài năng của mình khích động nhân tâm, hô hào đồng bào ba kỳ đồng tâm hiệp lực, để mà đánh đổ cường quyền áp chế, ắt là thành công.
Tôi biết anh hấp thu được cái chủ nghĩa của ông Mã Khắc Tư, ông Lý Ninh [6] nên tôi cũng đem chuyện hai ông ấy mà giảng dẫn cho anh rõ. Ông Mã vốn sinh trường trên đất Đức Ý Chí, ông bị chánh phủ tầm nã vì cái tội cách mệnh, đành lánh nạn sang nước Anh Cát Lợi. Ông ta học cái hay, cái tốt ở trên đất nước người, sau lại về Đức Ý Chí mà làm việc và lại còn nói cách mệnh dân quyền của cả thế gian là cái rốn chính ở ngay trên đất Đức Ý Chí, nên ông về đó mà làm việc.
Ông Lý cũng bị cái chánh phủ cường quyền Nga la tư truy nã, ông phải lánh nạn sang xứ Phất La Tây [7], Đức Ý Chí và Lang Sa, rồi ông lại trở về nước hô hào dân thợ, dân cày, lính tráng kết đoàn mới làm nổi cách mệnh mà dân Âu Mỹ đều bàng hoàng.
Cứ xem hai ông Mã, Lý mà anh tôn thờ chủ nghĩa có ông nào dùng cái lối nương náu đất người mà làm quốc sự cho nước mình như anh đâu? Bởi vậy. giá như anh tôn thờ lý thuyết hai ông ấy, mà anh nghe lời tôi mà về quảng cáo cho quốc dân đồng bào, ai nấy đều biết, có phải là phương pháp hay biết chừng nào?
Lại còn cái điều ngộ bất trắc sa cơ, đương nhiên là sự phòng xa thì ắt lợi hơn thiển cận; song le từ xưa đến nay, biết bao nhân nhân chí sĩ nước mình hoặc khởi sự hay ôn hòa đương đầu với cường quyền áp chế, mấy ai khỏi vòng lao lung tù tội, đày ải chém giết. Ông Đề Thám bị bêu đầu giữa chợ, ông Phan Đình Phùng bị đào mả ném xương xuống sông, ông Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ khoa Huân bị đày biệt xứ và nhiều không kể xiết bị đầu rơi máu chảy. Ngại vì sa cơ thì e rằng bỏ mất cái tài của mình, cơ hội chảy qua như dòng nước. Bởi thế cái phương pháp quy sào giác thế [8] mà anh làm được thì may mắn cho quốc dân đồng bào ta biết dường nào. Giả như không làm được như thế thì tài năng của anh ắt là mai một.
Anh cứ xem ông Phan Sào Nam hồi trước chẳng nghe lời tôi, mang người mang của đến đất Phù Tang, cầu cứu nghĩa cử đồng văn đồng củng, chạy đông chạy tây, dĩ ngoại đột nội, rốt cuộc chỉ làm được mấy lần khởi sự. Vả lại cái chủ trương của ông Phan mới xem qua thì hay lắm, song ngẫm kĩ lưỡng thì chẳng khác gì cái phương pháp họ Lê cầu Thanh đánh Tây Sơn, họ Nguyễn cầu viện Lang Sa đánh Tây Sơn. Cổ lai thế sự còn rành rành ra đó, ấy thế mà ông Phan cứ tôn thờ cái bài vị đồng văn đồng chủng. Thảng như phương pháp của ông Phan mà thành công thì quốc dân đồng bào chung quy vẫn nguyên cái lưng con ngựa, chỉ thay người cưỡi mà thôi. Hồi đó ông mới mưu đồ quốc sự, tôi có nói với ông ông hãy ở nhà cùng với nhân nhân chí sĩ ba kỳ mà thức tỉnh nhân tâm, hợp quần, hợp xã, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền, đông tay sao mà chẳng vỗ nên tiếng? Ấy thế mà ông Phan chẳng thèm nghe mà mãi cho tới nay ông vẫn còn cho cái phương pháp của ông là hay. Tôi biết anh chẳng tán đồng cái phương pháp của ông Phan, vả lại tôi cũng còn tin răng không sớm thì chầy anh cũng lấy cái phương pháp khẩu xướng đối nhân, dụng nội triệt ngoại [9] cùng với sĩ phu dân chúng ba kỳ mà mưu đồ đại sự.
Từ xưa tới nay tôi cứ cho cái phương pháp của tôi có nhiều sự hay hơn nhiều cái dở, vì rằng nước mình trên có chánh phủ bảo hộ trông, dưới là một bầy tham quan lại nhũng, học thức trong đám dân chúng kém cỏi, thì còn gì tốt lành bằng cái tôi dựa vào lý thuyết nhân quyền để cổ động sĩ khí dân tình, tôi thực hành cái phương pháp ấy thì tôi làm cái lối khẩu thuyết vô bằng mà hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực, kết đoàn hợp xã, dân tình thức tỉnh, kháng thuế cự sưu, tố giác tham quan lại nhũng, lại bất hợp tác từ cái này đến cái nọ, đến chừng đông tay vỗ nên tiếng mà đoạt lại lợi quyền.
Cái lối khẩu thuyết vô bằng [10], mình có thể phơi bày hết điều hơn lẽ thiệt, ngộ mà có ai phản nghịch tố giác, cũng chẳng có chứng cớ minh bạch mà làm tù làm tội nặng mình được. Đương nhiên cái lối đó khó bề kéo dài, họ ắt vin cớ này, cớ nọ để mà làm tội làm tình; thế nhưng cái lúc đó vị tất không có người tiếp tục cái lối của mình hay sao? Cứ như cái hồi cự sưu, có anh Châu Thơ Đồng [11] há chẳng dùng lối ấy mà hô hào dân chúng cho đến khi không còn nói ra tiếng rồi chết, ấy là sự thật đã qua.
Còn ngày nay, cũng cứ làm cái lối ấy, chẳng may bị sa cơ, thế tất chẳng có người nối tiếp mình thức tỉnh nhân quần; bằng cái lối đó, chắc là cuồn cuộn dâng lên, rồi một ngày kia khác nào như ngọn thủy triều lôi cuốn mất cường quyền áp chế. Bởi vậy, anh coi cái lối đó của tôi mà tốt, thì anh cứ thể nghiệm, Anh mà làm theo lối đó, tôi tin không bao lâu cái chủ nghĩa của anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ, chớ anh mà khư khư cái lối của anh, cứ ở bên này viết báo chương, hô hào lý thuyết thì tôi e rằng công dày mưu cao của anh cứ lần hồi mai một.
Tôi là người có án tích, lại cư trú bên này, chân tay bị bó rọ, thế mà tôi cứ có nguyện vọng sẽ xin chánh phủ và Bộ Lang sa hải ngoại cho tôi về Tàu làm cái nghề viết báo chữ Hán mà kiếm sống, rồi may ra có cơ hội tôi lại về. Một khi mà tôi đặt chân lên quê hương xứ sở, tôi nguyện đem hết chí lực bình sanh mà thức tỉnh dân khí ba kỳ đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền áp chế.
Anh Nguyễn, tôi tường tâm với anh đã rõ nguồn cơn. Bây giờ, thân tôi tựa cá chậu chim lồng. Vả lại, cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong mà hơi tàn cũng gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông, nhưng mà anh chẳng nghe lời tôi anh cứ quanh quẩn bên này thì làm sao tài năng anh thi thố được. Bởi vậy tôi thành tâm khuyên anh, mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ đi để mà mưu đồ đại sự.
Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng bọn mình cùng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở.
Phan Tây Hồ
________________________
[1] Ba Lê: Paris
[2] Mạnh Đức Tư Cưu: Montesquieu, Lư Thoa: Rousseau
[3] Phan Văn Trường
[4] Tử mã lục thạch: còn nhiều tranh cãi nhưng theo Hoàng Xuân Hãn có thể dịch là ngựa non háu đá.
[5] Ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội: ngồi ở nước ngoài kêu gọi người tài giỏi, đợi thời để xông vào trong nước.
[6] Mã Khắc Tư, Lý Ninh: Marx – Lenin
[7] Phất La Tây: Phần Lan
[8] Quy sào giác thế: trở về nước giác ngộ đồng bào
[9] Khẩu xướng đối nhân, dụng nội triệt ngoại: dùng miệng mà nói với người, dùng người trong nước mà đánh đuổi ngoại xâm.
[10] Khẩu thuyết vô bằng: nói mà không có bằng chứng
[11] Châu Thơ Đồng: tên thật là Châu Thượng Văn. Người Minh hương, Hội An, Quảng Nam. Nhà chí sĩ duy tân, có quan hệ khắng khít với Duy Tân Hội và phong trào Đông Du. Mãi đến năm 1908, nhân vụ xin sưu giảm thuế bùng nổ tại Đại Lộc nhằm ngày 9 -2-1908, ngày càng lan rộng ra các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng cả trong Nam, nài Bắc khiến thực dân Pháp và Nam triều ra tay đàn áp quyết liệt. Kết quả, những thành viên nòng cốt của phong trào Duy Tân và Duy Tân Hội cùng với những người liên đới tham gia đều bị bắt, bị xử tội…trong số đó, có cụ Châu Thơ Đồng bị bắt tại Hội An. Khi tra hỏi cụ đã khảng khái nhận chủ mưu đưa người trong nước sang Nhật du học và xui dân kháng thuế, ngoài ra không có ai can dự. Tòa án Nam triều kết tội chung thân, đày lên Lao Bảo. Từ lúc bị bắt đến khi có án đày lên Lao Bảo là 20 ngày, cụ tuyệt thực hoàn toàn, chỉ uống chút nước do người nhà đưa vào đến Huế thì cụ mất trong lao Thừa Phủ