Nguyên nhân suy tàn của vương quốc Champa
Quân Champa xâm lược Angkor (ảnh mô phỏng phù điêu) Trà Thanh Toàn A-VẤN ĐỀ XUNG ĐỘT XÃ HỘI CHAMPA TRONG QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ Trong bất cứ lịch sử của một quốc gia nào, vấn đề xã hội luôn luôn là một đề tài quan trọng trong cơ cấu tổ chức của một cộng đồng. Mọi yếu tố, dù vô tình ...
Trà Thanh Toàn
A-VẤN ĐỀ XUNG ĐỘT XÃ HỘI CHAMPA TRONG QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ
Trong bất cứ lịch sử của một quốc gia nào, vấn đề xã hội luôn luôn là một đề tài quan trọng trong cơ cấu tổ chức của một cộng đồng. Mọi yếu tố, dù vô tình hay cố ý, nhằm đưa đẩy dân tộc đến sự xung đột và hiềm thù lẫn nhau, sẽ có một tác dụng vô cùng tai hại trong cơ cấu tổ chức xã hội đó. Và mọi xung đột xã hội là động cơ thúc đẩy một tập thể dân tộc đi vào con đường diệt vong.
Trong quá trình lịch sử Champa, vấn đề xung đột xã hội đã trở thành một đề tài mà nhiều nhà nghiên cứu thường nêu ra. Ða số đã nhận định rằng, sự xung đột liên tục trong nội bộ Champa mà lịch sử đã từng đề cập là nguyên nhân chính đã đưa vương quốc này đến chỗ diệt vong. Có 5 nguyên nhân mà lịch sử champa để lại:
- -: Tranh giành quyền lực giữa hai hòang tộc cau và dừa ngày càng lớn
- -: Các tôn giáo lớn trong khu vực du nhập ngày càng mạnh, làm đảo lộn trật tự xã hội champa có từ lâu đời. Xung đột giữa ấn giáo, đạo hồi và nho giáo lên đến đỉnh điểm. Phân biệt tôn giáo đã làm mất đi tính tự hào dân tộc, mất đi sự đoàn kết thiết yếu để bảo vệ dân tộc champa.
- -: Chênh lệch giàu nghèo giữa hoàng tộc và các tiểu vương
- -: Sai lầm quân sự khi đẩy mạnh tàu thuyền giao thương xa bờ nhưng không cũng cố phòng thủ quân sự, khi dân số ít và thưa thớt.
- -: Nội bộ trong cộng đồng nhân dân không đoàn kết. các tiểu vương chưa thống nhất, nhất quán trong chính tri, kinh tế và cả quân sự
B-XÃ HỘI CHAMPA TRƯỚC THẾ KỶ 15
Từ ngày lập quốc đến 1471, năm đánh dấu sự thất thủ thành Vijaya, vấn đề chiến tranh nội bộ vẫn là một yếu tố quan trọng trong tiến trình lịch sử của vương quốc Champa. Trải qua hằng thế kỷ, tư liệu lịch sử cũng đã ghi nhận biết bao biến cố xã hội trong vương quốc này. Tuy nhiên, những tư liệu đó, nhất là các bản văn viết trên bia đá đã được tìm thấy ở Champa, chỉ cho phép chúng ta kết luận rằng mọi xung đột xã hội trước thế kỷ thứ 15 chỉ do một nguyên nhân chính yếu, đó là việc tranh chấp chính trị nhằm độc quyền cai trị trên vương quốc Champa giữa hai dòng tộc của các vua Champa thời trước:
- dòng tộc cây Cau nắm quyền cai trị tiểu vương quốc Panduranga (Phanrang-Phanri) và Kauthara (Khánh Hòa- Phú Yên) ở miền nam;
- dòng tộc cây Dừa, nắm quyền cai trị ở phía bắc Champa, đó là Vijaya (Bình Ðịnh) Amaravati (Quảng Nam và Quảng Ngải) và Indrapura (Huế).
Chính vì sự khác biệt nguồn gốc giữa hai dòng tộc cây Cau và cây Dưà này mà các nhà lãnh đạo thường dùng chiến tranh hay vũ lực để tìm lối thoát cho những vấn đề liên quan đến sự sống còn của liên bang Champa (một thể chế chính trị rất gần với thể chế liên bang Mã Lai hôm nay).
Ðứng trên phương diện lịch sử mà nói, chiến tranh này chỉ là một phương thức nhằm giải quyết sự xung đột chính trị giữa hai tiểu vương quốc ở miền nam và ba tiểu vương quốc ở miền bắc, chứ không phải là vấn đề nội chiến phát xuất từ mối hiềm thù giữa dân tộc Champa. Chính vì thế, một khi chiến tranh đã chấm dứt, lãnh tụ dòng tộc nào may mắn được làm chủ tình hình quân sự sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Champa, gọi là vị vua của các vua Champa (Raja diraja Campa) nắm quyền cai tri trên toàn lãnh thổ của vương quốc này mà bia đá đã ghi là Po Tanah Raya “Quyền làm chủ trên toàn diện lãnh thổ›.
Ngược lại, dòng tộc nào kém may mắn, thì phải chấp nhận sự yếu thế với tất cả lòng hãnh diện: không hiềm khích với dòng tộc khác và cũng không tìm cách trả thù vì sự thất bại của mình. Ðiều đáng nêu ra, là hai dòng tộc Champa này có một ý thức hệ rất đặc biệt về tư tưởng đấu tranh chính trị của họ. Một khi đã thành công, chính quyền trung ương Champa thường khắc lên bia đá điều giải thích nguyên nhân chính yếu của biến cố đã xảy ra và tuyên bố rõ rệt kết quả của phía thất trận và phía thắng trận. Mặt dù bị thất trận, dòng tộc thua kém này, nhất là dòng tộc ở miền nam, không bao giờ tìm cách để xóa bỏ những dòng chữ trên bia đá. Ngược lại, họ coi đó là những kỷ niệm cao cả và thiêng liêng trong quy luật đấu tranh chính trị: ăn làm vua nhưng không vì thua mà làm giặc. Trong quá trình lịch sử Ðông Nam Á, quy luật đấu tranh chính trị này chỉ xuất hiện ở vương quốc Champa mà thôi.
C-KHỞI ĐẦU CỦA SỰ CÁCH BIỆT NAM BẮC CHAMPA
Sự xung đột xã hội đầu tiên trong lịch sử Champa đã xảy ra vào những năm cuối cùng của thế kỷ 11.Sau ngày từ trần của vua Champa Jaya Simhavarman đệ nhị vào năm 1044, một tướng tài xuất thân từ gia đình quan chức trong triều đình Champa, nổi lọan chiếm ngôi ở thủ đô Vijaya, và tự tôn mình lên làm vua Champa lấy tên là: Jaya Paramesvara varman đệ nhất (1044-1060).
Vì không đồng ý với chính sách dùng sức mạnh quân sự để chiếm đoạt ngôi vua Champa, tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam vùng dậy tuyên chiến chống lại chính quyền của Jaya Paramesvaravarman đệ nhất vào năm 1050, nhưng không thành công. Trong một bản văn viết trên bia đá hiện còn ở trên tháp Po Klaong Garai (Phan Rang), vua Jaya Paramesvaravarman đệ nhất chỉ trích kịch liệt nhân dân Panduranga là những “kẻ ngu muội, những người vô tôn chỉ luôn luôn có thái độ hiềm thù… chống lại vua Campa”.
Bản văn kết tội nhân dân Panduranga trên bia đá này cũng có nghĩa là kết tội dòng cây Cau ở miền nam chỉ tìm cách xen lấn vào nội bộ Champa ở miền bắc thuộc dòng cây Dừa.
hiến tranh nội bộ này, mặc dù xuất phát từ sự tranh chấp quyền hành cai trị vương quốc Champa giữa hai dòng tộc, đã gây rạng nứt xã hội rất nghiêm trọng giữa dân tộc Champa ở miền nam vốn tôn thờ giai cấp lãnh đạo dòng cây Cau và dân tộc Champa ở miền bắc, trung thành với cấp lãnh đạo quốc gia thuộc dòng cây Dừa.
May thay, cuộc xung đột này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi, bởi vì các giới lãnh đạo quốc gia giữa hai miền, cũng vì ý thức đến tầm quan trọng của sự xung đột này, đã tìm cách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Ðể chấm dứt biến cố này, vua Panduranga chấp nhận sự thất bại của chiến tranh do mình tạo ra và sẳn sàng ra lệnh, thể theo lời yêu cầu của vua Jaya Paramesvaravarman đệ nhất, để bắt mỗi người dân Panduranga phải mang vài cục đá đem nộp cho đền tháp mỗi khi có cơ hội đi ngang qua khu vực này. Truyền thống này vẫn còn lưu truyền cho đến hôm nay, nhất là cho những ai thường đi ngang đèo Cậu, trên đường đi từ Phanrang lên Dalat.
D-NGUYÊN NHÂN SỰ XUNG ĐỘT GIỮA NAM VÀ BẮC CHAMPA
Sự thành công của cuộc hòa giải dân tộc vào năm 1050 vẫn là điều đáng chú ý, nhưng vấn đề xung đột xã hội vẫn là một hiện tượng lịch sử có một tác động tâm lý sâu đậm trong quần chúng. Và chỉ cần có một yếu tố nhỏ nhoi, biến cố này cũng có thể trở lại trên bàn cờ chính trị.
1-Tình hình 1145-1160
Năm 1145, vua Kampuchea là Suryavarman gởi một đoàn quân hùng mạnh sang thủ đô Vijaya và giết được vua Champa là Jaya Indravarman đệ tam (1139-1145) trên chiến trường. Ðể thay thế vua này, một hoàng tử xuất thân từ một gia đình hoàng gia khác, tự tôn mình là vua Champa, lên ngôi ở Vijaya lấy tên là Rudravarman đệ tứ
Vì thủ đô Vijaya bị quân campuchia chiếm đóng hay là vì sự vùng dậy của nhân dân Champa ở miền Vijaya chống lại chính quyền cướp ngôi này, vua Rudravarman đệ tứ phải chạy sang ẩn náu ở tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam vào năm 1147, cùng với đứa con trai của mình, tức là hoàng tử Sivanandana. Trước tình thế này, tiểu vương quốc Panduranga rất ân cần với gia đình hoàng gia từ miền bắc đến xin tị nạn trong lãnh thổ của mình.
Một vài tháng sau, Rudravarman thoái vị và xin hậu thuẫn của tiểu vương quốc Panduranga để tôn hoàng tử trẻ tuổi Sivanandana hiện có mặt tạm thời trên lãnh thổ của mình lên làm vua Champa vào năm 1147, lấy tên là Jaya Harivarman đệ nhất. Khi đã lên ngôi, mặc dù còn ở trong lãnh thổ miền nam, Jaya Harivarman đệ nhất đã có danh chánh ngôn thuận để đòi hỏi quân xâm lược Kampuchea phải rời khỏi thủ đô Vijaya của Champa.
Khi nghe tin này, vua Kampuchea Suryavarman vô cùng phẫn nộ và quyết định gởi một đoàn quân sang tàn phá vùng Phan Rang vào năm 1148. Sẳn dịp thắng trận, vua campuchia đưa em rể của mình là Harideva lên làm vua Champa ở Vijaya, bất chấp phản ứng của người dân Champa.Năm 1148 đánh dấu sự chia đôi đầu tiên của vương quốc này: Miền bắc Champa đặt dưới quyền cai trị của một ông hoàng tử gốc campuchia. Miền nam, đó là chính quyền của vua Champa Jaya Harivarman đệ nhất, gốc người Vijaya.
Một năm sau, tức là 1149, vua Jaya Harivarman đệ nhất, với sự hổ trợ của đoàn quân hùng mạnh Panduranga, sang đánh Vijaya, giết được hoàng tử Harideva của campuchia. Sau khi thắng trận, ông tự tôn mình là vua của vua Champa (Raja diraja Campa) trên toàn lãnh thổ của vương quốc này. Tiếc rằng, đối với nhân dân miền bắc Champa, Jaya Harivarman đệ nhất chỉ là một công cụ của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam.
Vì không chấp nhận chính sách của vua Jaya Harivarman đệ nhất nhằm dùng vũ lực để chiếm đoạt ngôi báu Champa, nhân dân Champa ở miền bắc và dân tộc Tây nguyên là Radê và Mada (Bahnar?) vùng dậy kêu gọi một hoàng tử khác, gốc hoàng gia Champa ở Vijaya, đó là Vangsaraja, em vợ của vua Harivarman đệ tứ (1114-1129) đứng ra làm lãnh tụ của phong trào kháng chiến này.
Năm 1150, Jaya Harivarman đệ nhất cho lệnh tấn công hàng ngũ cách mạng của hoàng tử Vangsaraja, nhất là nhóm Radê và Mada ở Tây nguyên. Bị thất bại, hoàng tử Vangsaraja chạy sang Ðại Việt để xin viện trợ quân sự nhằm chiếm ngôi lại, nhưng không thành.Năm 1151, nhân dân vùng Amaravati cũng vùng dậy đứng sau lưng hoàng tử Vangsaraja để phản đối lại sự chiếm ngôi của vua Jaya Harivarman đệ nhất.
Bốn năm sau, tức là vào năm 1155, tiểu vương quốc Panduranga, không biết vì lý do gì, cũng đứng ra để truất phế vua này. Thế là chiến tranh giữa nam và bắc bùng nổ trong suốt năm năm trường.
Phải chờ cho đến năm 1160, vua Jaya Harivarman đệ nhất mới có thời cơ để dẹp tan sự xung đột quân sự với Panduranga.Chiến tranh vào năm 1150 giữa vua Champa Jaya Harivarman đệ nhất và nhóm Tây Nguyên trung thành với Vangsaraja, một hoàng tử mà người Radê và Mada coi như là dòng chính thống có quyền lên ngôi Champa của họ, đã bị thêu dệt một cách phi khoa học bởi một số nhà sử học nước ngoài và Việt Nam như một chiến tranh của người Chăm nhằm đô hộ cao nguyên.
Nếu Champa không dính dáng gì với họ, tại sao dân tộc Radê và Mada lại tình nguyện đem quân giúp hoàng tử Vangsaraja để chống lại vua Jaya Harivarman đệ nhất từ Panduranga đến cai trị miền bắc.
Sự thành công trong việc chiếm ngôi ở Vijaya của vua Jaya Harivarman đệ nhất đã từng tị nạn ở Panduranga không phải là sự thành công của cá nhân ngài, nhưng là sự thành công của toàn dân tộc cây Cau Champa ở miền nam trong công cuộc chiếm đoạt quyền cai trị ở miền bắc. Ngược lại, dòng cây Dừa cũng có lý do riêng để phản đối sự hiện diện ở Vijaya của vua Jaya Harivarman đệ nhất.
Nguyên nhân chính đó là Jaya Harivarman đệ nhất, con của vua Rudravarman đệ tứ, không phải là dòng hoàng gia Champa, chạy sang Panduranga ở miền nam nhằm cầu cứu sự hỗ trợ chính trị và quân sự để chinh phục ngôi vua.
2-Tình hình 1190-1220
Sau cuộc nội chiến 1145-1160, tình hình nội bộ Champa trở lại bình thường, nhưng vấn đề cách biệt giữa dân tộc ở phía nam và bắc Champa vẫn còn là một hiện tượng đáng lo ngại. Bằng chứng rằng, sau 30 năm kể từ ngày cướp ngôi của vua Jaya Harivarman đệ nhất (1147-1160), vương quốc Champa đã lâm vào cuộc xung đột xã hội vô cùng bi đát chưa bao giờ có trong lịch sử Champa.
Biến cố này phát xuất từ sự tranh chấp quyền lực giữa những hoàng tử ở miền bắc Champa, nhằm tạo cho mình một tư thế với bất cứ giá nào để được toàn quyền làm vua trên đất nước này. Nếu một số hoàng tử Champa ở miền bắc dùng chính sách kêu gọi nhân dân miền bắc vùng dậy để yểm trợ cho phe phái mình, cũng có một số hoàng tử không ngần ngại mời gọi quân ngoại lai nhằm giải quyết việc nội bộ trong vương quốc này.
Vào năm 1182, tức là bốn mươi năm sau ngày dẹp tan quân Khmer ở Vijaya, một hoàng tử Champa khác tên là Sri Vidyanandana, gốc người Vijaya, chạy sang campuchia để tìm hậu thuẫn của vua Jayavarman đệ thất. Trong những năm lưu vong ở đây, ông ta xin vua Khmer phong tước cho mình là hoàng tử nối ngôi (Yuvaraja) của vương quốc Champa, bất chấp cả qui luật tổ chức chính trị trong vương quốc này. Vì rằng, chỉ có hội đồng hoàng gia có quyền phong chức hoàng tử nối ngôi của Champa.
Với hậu thuẫn của một đoàn quân Khmer hùng mạnh, hoàng tử Vidyanandana sang tấn công thủ đô Vijaya vào năm 1190, bắt được vua Jaya Indravarman đệ tứ (1167-1190) để đem giao nạp cho vương quốc campuchia.
Cũng nhờ hậu thuẫn chính trị và quân sự của vua Khmer là Jayavarman đệ thất mà hoàng tử Champa Sri Vidyanandana đã làm chủ tình hình chiến tranh ở miền bắc. Ðể tạ ơn vua campuchia hay là không đủ quyền lực chống lại sự thống trị của vương quốc láng giềng này, hoàng tử Champa Sri Vidyanandana , một khi đã thắng trận, xin đề nghị (hay là bị buộc phải đề nghị) em rể của vua Khmer Jayavarman đệ thất lên làm vua Champa ở Viajaya lấy tên là Suryajayavarman. Sau đó, ông ta tự xưng vua của tiểu vương quốc Panduranga, lấy tên là Suryavarman.
Sự cầu cứu quân sự ngoại lai để giải quyết nội bộ Champa đã phân chia vương quốc này thành hai khu vực rõ rệt: Miền bắc đặt dưới sự cai trị của một ông vua ngoại lai từ Khmer sang. Miền nam lại lọt vào trong tay của một ông hoàng tử Champa không phải gốc Panduranga, nhưng là gốc người miền bắc.
Vấn đề tự xưng vương ở Panduranga của vua Suryavarman, gốc Vijaya đã biến tình hình xã hội miền nam thành một ung nhọt không chữa trị được. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Champa miền nam cảm thấy mình không còn làm chủ trên lãnh thổ của mình nữa. Trước biến cố chính trị này, nhân dân Panduranga tìm cách vùng dậy, vào năm 1190 không phải để chống xâm lược ngoại lai, nhưng chống lại hoàng tử Champa gốc miền bắc, mặc dù không thành công.
Trong khi đó, dân tộc Champa miền bắc cũng vùng dậy vào năm 1191 dưới quyền chỉ đạo của hoàng tử Rasupati để đánh đuổi ông vua ngoại lai ở thủ đô Vijaya. Khi đã thắng trận, hoàng tử Rasupati lên ngôi lấy tên là Jaya Indravarman đệ ngũ.Trước tình thế này, vua Khmer không ngần ngại vuốt ve Jaya Indravarman đệ tứ, một ông vua Champa bị bắt giam ở Khmer vào năm 1190. Ðó cũng là một chiến thuật mới: dùng người Champa để chống lại với vương quốc Champa.
Nhưng đối với vua Champa là Jaya Indravarman đệ tứ đang tù đày ở Khmer, đây cũng là một dịp may mắn để chiếm lại ngôi vàng của mình.Cũng vào năm 1191, vua Jaya Indravarman đệ tứ, đem quân từ Khemer sang hợp tác với vua Panduranga là Suryavarman để tiến đánh Vijaya.
Mặc dù mang danh là người đứng ra để giúp đỡ Jaya Indravarman đệ tứ để chống lại chính quyền Vijaya, vua Suryavarman của tiểu vương quốc Panduranga, khi đã thắng trận, tự xưng mình là vua trên toàn vẹn lãnh thổ Champa. Cảm thấy mình bị lừa bịp trong chiến tranh này, Jaya Indravarman đệ tứ quyết định tập trung lực lượng của mình từ Khmer sang để tấn công vua Suryavarman, một nhân vật cướp ngôi, nhưng không thành.Nghe tin này, vua campuchia Jayavarman đệ thất tức tốc gởi quân sang để trừng trị Suryavarman ở Vijaya vào văm 1193.
Thế là chiến tranh giữa Campuchia và Champa bắt đầu bùng nổ, một chiến tranh vô cùng khủng khiếp làm đảo lộn hoàn toàn bao công trình kinh tế và cơ cấu xã hội.
Trong suốt 10 năm chiến tranh, vua Khmer, vì không thể nào chống lại vua Champa, chỉ còn cách là nhờ ông Dhanapati Grama, là cậu ruột của vua Suryavarman, tìm cách cô lập vua Champa này. Thế là vào năm 1203 chính quyền vua Suryavarma bị lật đổ bởi cậu ruột của mình là ông Dhanapati Grama, dưới sự yểm trợ của đoàn quân campuchia.
Sau trận chiến này, Champa đã trở thành một thuộc địa của Campuchia trong suốt 17 năm, tức là từ năm 1203-1220.
Ðứng trên phương diện lịch sử mà nói, vào những năm 1190-1220, xã hội Champa đã trở thành hai bãi chiến trường mà dân tộc Champa là nạn nhân chính của chiến cuộc này. Một bên là chiến trường tranh chấp quyền hành giữa các hoàng tử Champa ở miền bắc để làm bá chủ vương quốc Champa, còn chiến trường thứ hai dành cho sự tranh chấp uy quyền giữa hai nước láng giềng Champa và campuchia.
Từ năm 1182 đến năm 1220, nhân dân Champa đang chứng kiến một vở bi kịch lịch sử với bao nhiêu nhân vật chính trị tranh giành quyền làm Po Tanah Raya:
– Hoàng tử Sri Vidyananda chạy sang lánh nạn ở Khmer vào năm 1182, rồi sau trở thành vua tiểu vương quốc Panduranga, lấy tên là Suryavarman.
– Vua Indavarman ở Vijaya bị quân campuchia bắt đày sang campuchia vào năm 1190.- Em rể của vua Khmer Jayavarman đệ thất tự xưng vương ở Vijaya Champa lấy tên là Suryajayavarman.
3-Chiến tranh với Mông cổ 1283-1285
Sáu mươi ba năm về sau, tức là năm 1283, tiểu vương quốc Champa Vijaya lại bị quân Mông Cổ chiếm cứ liên tục trong hai năm liền. Vua Champa Indravarman đệ ngũ, vì không thể đứng ra để đối chọi với đoàn quân hùng mạnh Mông Cổ trong khu vực đồng bằng, dùng chiến thuật nhà không đồng trống để kháng chiến, quyết định rút toàn bộ quân sự của mình về phòng thủ ở Tây Nguyên.
Biến cố này đã chứng minh rõ rệt rằng Tây Nguyên là một lãnh thổ của Champa. Cũng nhờ sự yểm trợ của dân tộc Champa ở Tây Nguyên mà vua Champa Indravarman đã thành công trong công trình chống lại quân Mông Cổ.
Trong suốt hai năm chờ đợi để giao chiến, quân Mông Cổ, vì không còn lương thực để tiếp tục chiến tranh, quyết định bỏ hẳn chiến trường Champa để trở về Trung Quốc, vào năm 1285.Trong cuộc chiến này, tiểu vương Panduranga không lên tiếng phản đối và cũng không đứng lên hô hào giúp anh em Champa ở miền bắc chống lại quân xâm lược Mông Cổ.
Thái độ tiêu cực này phải chăng là một bằng chứng để giải thích rằng vương quốc miền nam Panduranga, mặc dù cùng chung sống trong một liên bang Champa, vẫn coi Vijaya là một tiểu vương quốc riêng biệt, có nền tự trị riêng. Ðã nhiều lần bị kết tội là muốn cai trị miền bắc, phải chăng Panduranga muốn tỏ bày thái độ dè dặt hơn trước biến cố chính trị này.
Sự dè dặt đó cũng đã chứng minh rằng, mấy thế kỷ vừa qua, sự xung đột xã hội giữa nam và bắc Champa vẫn là một vấn đề chủ yếu trong tiến trình lịch sử của quốc gia này
4-Vai trò Vua Trà Hoa bồ Để trong chính sách hòa đồng dân tộc và ngoại giao: 1342-1360
Vua Trà Hoa Bồ Để (1342-1360) ( Ông là Hậu duệ Vua Chế Mân, Con rể Vua Chế A Nan). Ông thuộc vương triều thứ 12, Triều đại thứ 9, đóng đô ở thành Vijaya (Đồ bàn, bình định).
Ông chủ trương hòa đồng xung đột dân tộc, xây dựng kinh tế, hòa hoản với đại việt và khmer. Vương quốc ông trị vì trải dài từ dãy hoàng liên sơn phía bắc, nam giáp đến Đồng nai ngày nay. Đông giáp biển champa (biển đông), tây giáp tây lào. Kinh tế phát triển dựa vào nguồn đánh bắt thủy sản ngoc trai, đồi mồi, trầm hương, ngà voi, nền nông nghiệp trồng lúa nước nổi tiếng đông nam á, sản suất gốm sứ, điêu khắc, công nghiệp sx đồng, đồng thau phát triển rực rỡ, đội tàu thuyền hùng mạnh, quản lí một vùng biển champa (biển đông), cung cấp hàng hóa cho một vùng rông lớn Đông á, tây á.
Đội tượng binh hằng ngàn voi trận thiện chiến đánh lui các cuộc xâm lược của khmer và đại việt xâm lấn bờ cỏi. Tạo tiền đề kinh tế vững chắc cho Chế bồng Nga sau này
5-Vai trò Chế Bồng Nga trong chính sách hòa đồng dân tộc: 1360-1390
Hơn nửa thế kỷ sau cuộc tấn công của quân Mông cổ vào năm 1283, tình hình xã hội Champa giữa hai miền nam bắc tạm coi như là lắng dịu, nhưng ý đồ chia cách giữa hai miền vẫn còn thể hiện trong tâm tư của dân tộc này.Năm 1360, Chế Bồng Nga xuất hiện trên bàn cờ chính trị Ðông Dương. Cũng nên nhắc rằng, Chế Bồng Nga là một vị vua của liên bang Champa, đặt thủ đô của mình ở Vijaya (Bình Ðịnh).
Chế Bồng Nga không dính dáng gì với ông vua Po Binthuor (hay Cei Sak Bingu trong biên niên sử Panduranga), như nhiều nhà nghiên cứu thường hiểu lầm. Vì rằng; Po Binthuor là một vị vua thứ 10 của tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam lên ngôi từ 1316 đến 1361 hay từ 1328 đến1373, tùy theo biên niên sử của tiểu vương quốc này, đặt thủ đô của mình tại Bal Anguai (trong khu vực Phanrang).
Sự hiện diện của Chế Bồng Nga, một nhà quân sự đại tài nhưng cũng là một nhà chính trị sáng suốt, đã đem lại cho lịch sử của vương quốc này những ngày vàng son nhất. Nhằm thực thi chính sách đưa Champa đến một tư thế vững mạnh vừa chính trị và quân sự trong khu vực Ðông Nam Á này, Chế Bồng Nga cần sự yểm trợ toàn diện của dân tộc Champa ở hai miền nam và bắc.
Chính thế, trong suốt 30 năm cai trị quốc gia này, Chế Bồng Nga vẫn đặt vấn đề xã hội lên hàng đầu. Xã hội là một lực lượng luôn luôn giữ một vai trò trọng yếu trong mọi biến cố chính trị và quân sự. Công trình to tát của ngài là vận dụng mọi nỗ lực để hòa đồng dân tộc giữa nam và bắc, nâng cao ý thức hệ quốc gia nhằm yểm trợ chính sách thu hồi lại vùng đất của Champa đã bị mất ở phía bắc của ngài và để xác định lại uy quyền Champa trên bàn cờ chính trị Ðông Dương.
Chưa đầy 30 năm an bình giữa nam và bắc, ung nhọt xã hội trong vương quốc Champa lại tái sinh. Cái ung nhọt này không phát xuất từ những phong trào nhân dân chống lại chính quyền Champa của Chế Bồng Nga, nhưng phát xuất từ một số nhà lãnh đạo Champa vô ý thức, vì quyền lợi và danh vọng riêng tư của mình, họ không ngần ngại làm mật vụ cung cấp tin tức mật của quốc gia cho ngoại xâm.
Cũng vì mưu đồ của một số nhà lãnh đạo Champa làm tay sai cho địch, vua Chế Bồng Nga đã bị ngã gục trong chiến trường ở hải phận Ðại Việt vào năm 1390.Năm 1390 đánh dấu một vở bi kịch mới trong lịch sử Champa.
Nếu sự sụp đổ của xã hội Champa phát xuất một phần nào từ chính sách của một số nhà lãnh đạo Champa thường hay kêu cứu ngoại lai để củng cố địa vị chính trị của mình trong vương quốc này, thì kể từ năm 1390, xã hội Champa lại bắt đầu đối phó với một hiện tượng mới lạ mà hậu quả còn nguy hiểm hơn chính sách cầu cứu ngoại lai, đó là những mưu đồ của một số tập thể lãnh đạo làm tay sai cho địch.
Chính vì thế, cái chết của vua Chế Bồng Nga vào năm 1390 đã cho chúng ta thấy sự phát hiện của một chứng bệnh mới gọi là “mưu đồ làm tay sai cho địch” đang diễn tiến trong cơ cấu tổ chức xã hội của Champa thời đó; một chứng bệnh có một tác động vô cùng nguy hiểm trong mọi chiến lược quân sự và chính trị của vong quốc này:chỉ vì một giây phút sơ hở, nền an ninh quốc gia gặp nguy biến.
6-Sự phân chia nam bắc Champa: 1360-1471
Mưu đồ làm tay sai cho địch nhằm ám hại vua Chế Bồng Nga, một hiện tượng duy nhất trong lịch sử Champa, phải chăng là một tiếng chuông báo hiệu cho sự suy tàn của vương quốc này. Bởi rằng, hơn một nữa thế kỷ tính từ ngày tử trận của Chế Bồng Nga, xã hội Champa đang nằm trên bờ vực thẳm: tranh chấp quyền hành giữa các nhà lãnh đạo đã trở thành tấn bi kịch xảy ra hàng ngày.
Kể từ năm 1360, vương quốc Champa ngày càng đi đến con đường suy yếu. Sự suy yếu này phát xuất từ hai nguyên nhân chính: một phần, phải đối đầu chống lại sự xâm lăng của láng giềng miền bắc, còn phần khác phải đối phó với bao nhiêu chiến tranh nội bộ của mình. Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 30 năm, 5 vị vua Champa tiếp nối nhau để lên ngôi ở thủ đô Vijaya (Bình Ðịnh).
Sự hiện diện của 5 vị vua trên ngai vàng Champa cũng đã chứng minh rằng trong suốt 30 năm này, Champa có 5 chính sách riêng biệt và 5 lực lượng riêng biệt. Mỗi lực lượng vì sự sống còn của mình cần đi tìm hậu thuẫn trong quần chúng nhân dân. Hay nói một cách khác, trong suốt 30 năm này, xã hội Champa chia ra làm 5 phe nhóm để phục vụ cho 5 vị vua Champa.
Sự xung đột không lối thoát trong xã hội Champa kể từ năm 1360, xuất phát từ gia đình trị và địa phương trị của một số nhà lãnh đạo Champa thời đó, cũng là nguyên nhân đưa đến sự diệt vong của Vijaya, tiểu vương quốc Champa ở miền bắc vào năm 1471. Khi đã diệt vong, vấn đề xung đột giữa nam và bắc cũng tự biến mất trong xã hội Champa.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, nếu vấn đề nam bắc không còn nữa kể từ hôm nay, không phải là nhờ chính sách hòa đồng dân tộc do các nhà lãnh đạo đã đưa ra, nhưng là vì lãnh thổ Champa ở miền bắc đã lọt vào tay của Ðại Việt, và dân tộc Champa miền bắc đã trở thành một công dân Việt hoàn toàn, kể từ năm 1471.
7- Xã hội Champa từ 1471 đến 1832
Thành Ðồ Bàn (Vijaya) rơi vào tay Ðại Việt vào năm 1471 đánh dấu sự diệt vong của dòng tộc cây Dừa ở miền bắc. Kể từ đó, Champa tự thu hẹp lại trong lãnh thổ của tiểu vương quốc Panduranga, nơi tập trung của dòng tộc cây Cau.
Hết đối phó với Ðại Việt, Champa lại gặp phải mối đe dọa mới vô cùng nguy hiểm đã từng làm rung chuyển bàn cờ chính trị Ðông Dương, đó là chính sách “Nam Tiến” của nhà Nguyễn từ thế kỷ thứ 16.
Mặc dầu chấp nhận chịu đựng để đương đầu với chính sách “Nam Tiến” này trong suốt hai thế kỷ đầu, vương quốc Champa cũng rất tự hào với chính sách xã hội của mình. Nhưng sự an bình và thịnh vượng xã hội đó đã trở thành một vấn đề khúc mắc một khi nhà Nguyễn quyết định xâm chiếm Champa vào năm 1692 và đặt vương quốc này dưới quyền cai trị của quân viễn chinh nhà Nguyễn với sự yểm trợ của hoàng tử Po Saktirayda putih một nhân vật chỉ đóng vai trò bù nhìn cho triều đình Huế để được nhận được chức vô cùng tầm thường, đó là “Khám Lý” thay vì “Chiêm Thành Vương”.
Trước thái độ nhu nhược của hoàng tử này, toàn bộ dân tộc Champa tự vùng dậy vào năm 1693 để giải phóng quê hương của họ. Ðây là một cuộc khởi nghĩa nhân dân đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Champa.
Ngoài mục tiêu đánh đuổi quân nhà Nguyễn ra khỏi vương quốc này, mật trận kháng chiến nhằm giải phóng Champa còn vùng dậy để quét sạch những người Champa làm tay sai cho hoàng tử Po Saktiraydaputih và những nhân vật Champa khác vô tình hay cố ý hợp tác với quân xâm lược nhà Nguyễn.
Chiến tranh này kéo dài liên tục hai năm liền là một thí dụ điển hình minh chứng cho sự xung đột lớn lao trong xã hội Champa thời đó. Nhưng sự xung đột xã hội này không phát xuất từ sự tranh giành quyền lợi riêng tư giữa hai tập thể dân tộc Champa, nhưng là sự dị biệt trong ý thức hệ đấu tranh cho quyền lợi thiêng liêng của Champa.
Nếu đa số dân tộc Champa cương quyết, với bất cứ giá nào, đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược nhà Nguyễn ra khỏi đất đai Champa, một số nhà lãnh đạo Champa khác thích chọn con đường làm bù nhìn cho nhà Nguyễn để cũng cố địa vị hay danh vọng của mình. May mắn rằng, đoàn quân kháng chiến đã đánh bại lực lượng xâm lược nhà Nguyễn vào năm 1694, tập trung mọi nổ lực nhằm hàn gắn lại vết thương xã hội do chiến tranh gây ra trong suốt hai năm liền.
Kể từ những năm cuối cùng của thế kỷ thứ 17, ngoài hiện tượng làm tay sai cho địch đã từng xảy ra dưới thời Chế Bồng Nga vào năm 1390, vương quốc Champa bắt đầu đối phó với một hiện tượng mới nữa, đó là một số nhà lãnh đạo chỉ biết dựa vào uy quyền nhà Nguyễn để cai trị quốc gia. Chính thế mới có cuộc vùng dậy của dân tộc Champa vào năm 1693 để nói lên sự quyết tâm đoàn kết của dân tộc Champa.
Chỉ cần đoàn kết, dân tộc Champa đã dập tan quân đội hùng mạnh của nhà Nguyễn.Hơn thế kỷ sau, Champa trở thành một nạn nhân của cuộc tranh chấp chính trị giữa người Việt Nam, hay nói một cách khác, nạn nhân của chiến tranh giữa lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh kể từ năm 1771.
Muốn đập phá tổng hành dinh Nguyễn Ánh ở Saigon, Tây Sơn tập trung mọi nổ lực nhằm chiếm đóng Champa trước để làm nhịp cầu tiến quân trong chiến lược quân sự. Khi đã chiếm đóng Champa, Tây Sơn tìm cách đưa những nhân vật Champa thân cận mình lên nắm chính quyền. Nhưng Tây Sơn chỉ làm chủ tình hình Champa trong khoảng một hay hai năm. Bởi rằng Nguyễn Ánh cũng tìm cách chinh phục Champa để đặt tổng hành dinh nhằm tiến quân đánh Khánh Hòa, một địa đầu quân sự của Tây Sơn.
Khi đã thành công, Nguyễn Ánh cũng truất phế những nhà lãnh đạo Champa phục vụ cho Tây Sơn và đưa những nhà lãnh đạo Champa khác, thân cận với mình, lên nắm chính quyền trong vương quốc này. Biến cố này đã chứng minh rằng tại sao có sự thành hình của mấy chục chính phủ Champa trong một thời gian chưa đầy 30 năm.Trở thành một nạn nhân của chiến tranh giữa nhà lãnh đạo Việt Nam, xã hội Champa đã đi vào một khúc quanh lịch sử. Ngoài chiến tranh tàn phá kinh tế, tàn phá cơ cấu tổ chức làng xã và gia đình, xã hội Champa thời đó đương đứng trước lề vực thẳm.
Với sức ép quân sự của ngoại lại, dù Nguyễn Ánh hay Tây Sơn, dân tộc Champa tự khai trừ lẫn nhau để làm hài lòng cho quân xâm lược. Gần 30 năm chiến tranh giữa nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa xã hội Champa vào hố thẳm tăm tối chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Vì quyền lợi riêng tư của mình, của gia đình mình, một số người Champa không ngần ngại tố cáo anh em Champa ruột thịt trước chính quyền Tây Sơn hay Nguyễn Ánh, và cũng không ngần ngại loại trừ bất cứ ai không đồng quan điểm với mình.
Xã hội Champa trong suốt thời gian tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã trở thành một xã hội thối nát, không còn nhận diện được ý thức hệ đoàn kết thiêng liêng để kháng cự chống lại những tập thể xâm lược ngoại lai.
Trước biến cố bi đát này, vua Cei Brei (chứ không phải Po Saong Nhung Ceng như người ta thường hiểu lầm) – dòng Po Romé, gốc dân tộc Cru đã từng nắm chính quyền Champa từ năm 1627 – cùng hàng vạn quân Champa và gia đình của mình, quyết định rời bỏ quê hương để sang ẩn náu ở Kampuchea vào năm 1795. Sự ra đi của vua Cei Brei đã chứng minh rằng vương quốc Champa không còn chính quyền cai trị nữa. Cũng trong thời gian này, Po Saong Nhung Ceng, một tướng tài trong triều đình của vua Cei Brei, gốc dân tộc Chăm (tức là tổ tiên của bà Thềm ở Phan Rí hôm nay), chạy theo Nguyễn Ánh ở Saigon thành lập một chính phủ lâm thời.
Thế là kể từ năm 1795, Champa có hai chính phủ: một chính phủ lưu vong Champa ở campuchia gốc người Cru và một chính phủ lâm thời ở Sàigon gốc người Chăm. Sự hiện diện hai chính phủ này là động cơ chính yếu đã đưa hai dân tộc Cru và Chăm đến sự xung đột không lối thoát. Thêm vào đó, hai chính phủ này đều đặt tổng hành dinh trên lãnh thổ láng giềng. Mỗi chính phủ lưu vong đều tìm cách gởi cán bộ của mình về nước để chinh phục lòng dân.
Thế là, một tập thể xã hội Champa không tổ chức và không nhà lãnh đạo đã trở thành một tập thể tự chia ba xẻ bảy nhằm phục vụ hoặc cho chính phủ lưu vong ở campuchia hoặc cho chính phủ lưu vong ở Sàigon. Một khi đã dấn thân vào cuộc đấu tranh quân sự để chiếm đoạt ngôi báu, hai chính phủ lưu vong này không còn quan tâm cho lắm đến hậu quả của chiến tranh, hô hào cho phe phái của mình ở địa phương tuyên chiến với nhau để nêu cao chính nghĩa của nhóm mình.
Ngoài hai nhóm theo chính phủ lưu vong, tập thể Champa còn lại cũng bị chia ba xẻ bảy để tụ tập thành nhóm, hoặc ủng hộ cho chính sách Nguyễn Ánh ở miền nam hay cho chính sách Tây Sơn ở miền bắc. Sự chia ba xẻ bảy này đã biến tập thể dân tộc này thành những kẻ thù nghịch, để rồi sự sống còn của họ tùy thuộc hoàn toàn vào kết quả của chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, chứ không phải tùy thuộc vào ý thức hệ đoàn kết dân tộc của họ như đã từng xảy ra vào năm 1693.
Năm 1802, Nguyễn Ánh dẹp tan phong trào Tây Sơn và lên ngôi ở Huế, lấy niên hiệu là Gia Long. Ðể cám ơn Po Saong Nhung Ceng trong công trình đấu tranh chống Tây Sơn, Gia Long trao trả lại cho Champa quyền độc lập và đưa Po Saong Nhung Ceng về làm vua Champa ở Panduranga. Gia Long cũng tôn cử Lê Văn Duyệt, một bạn thân của Champa, làm Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành ở Saigon. Mặc dù Champa độc lập trong biên chế chính trị Việt Nam, nhưng quyền quản trị Champa vẫn còn tuỳ thuộc vào trong tay của Lê Văn Duyệt hơn là vào uy quyền của triều đình Huế.Kể từ ngày Po Saong Nhung Ceng lên nắm chính quyền vào năm 1802, vết thương của xã hội Champa bất đầu hàn gắn lại.
Nhưng sự hàn gắn xã hội này chỉ là một vấn đề tạm bợ, bởi rằng cộng đồng dân tộc Cru, con cháu dòng Po Romé, vẫn chưa phục tùng chính quyền Champa của Po Saong Nhung Ceng, một ông tướng đại tài, không xuất thân từ gia đình hoàng gia Champa.Mười tám năm sau, Champa lại trở thành nạn nhân lần thứ hai của cuộc tranh chấp chính trị giữa người Việt Nam như thời Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Năm 1820, khi Gia Long từ trần, hoàng đế Minh Mệnh lên nối ngôi vua cha. Vì muốn tập trung toàn quyền cai trị Việt Nam trong tay mình, Minh Mệnh tìm cách gạt bỏ Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành là Lê Văn Duyệt ra khỏi quyền kiểm soát chính sách Việt Nam ở Champa, nhưng không thành.
Mặc dù đã bao lần nhận lời khiển trách từ triều đình Huế, chính quyền Champa bất tuân chỉ thị của Minh Mệnh và tiếp tục phục tùng uy quyền Lê Văn Duyệt ở Saigon. Chính vì thế, Minh Mệnh không ngần ngại tìm kiếm những nhà lãnh đạo Champa thân cận với mình để lật đổ chính quyền Champa thân Lê Văn Duyệt.
Thế là xã hội Champa bị rạng nứt ra làm hai phe phái: một tập thể theo Lê Văn Duyệt và một tập thể khác phục tùng triều đình Huế. Hai tập thể cùng chung sống trong một vương quốc Champa này tiếp tục xung khắc và âm thầm chống báng nhau. Vì quyền lợi riêng tư, một số nhà lãnh đạo Champa không ngần ngại chạy ra ngoài Huế để mua chức tước, tìm cách phỉ báng những lãnh tụ Champa phục vụ cho Lê Văn Duyệt ở Saigon.
Kể từ năm 1820, người dân Champa sống trong một không khí vô cùng nặng nề, chỉ cần một tiếng nói sơ hở đối với Minh Mệnh hay Lê Văn Duyệt, họ có thể trở thành một nạn nhân của thời đại vì đã bị gán cho một nhân vật nguy hiểm chống đối với chính quyền Champa thời đó. Cũng từ năm 1820, người dân Champa chịu sống trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng dao động: có khi hai anh em trong gia đình không còn tin tưởng lẫn nhau; và vì quyền lợi riêng tư, họ không ngần ngại tố tụng nhau trước chính quyền Việt Nam.
Ngoài biến cố chính trị này, dân tộc Champa, nhất là tập thể nông dân, còn phải đương đầu với bao nhiêu thống khổ khác, đó là đối phó với một số địa chủ hay cường hào Champa dựa vào chính quyền hay tài sản của mình để tung hoành bốc lột những tập thể dân nghèo hay nông dân thiếu nợ. Một khi đã lâm vào hoàn cảnh kinh tế này, dân nghèo và nông dân Champa chỉ còn cách xin bán thân mình để làm nô lệ cho điền chủ hay cường hào này. Với phương thức tính tiền lãi hơn 100% một năm theo kiểu Việt Nam thời đó, dân nghèo và nông dân Champa làm nô lệ cho họ hơn ba thế hệ của mình, nhưng nợ vẫn còn. Ðể né tránh số kiếp nô lệ, họ chỉ còn cách là bán ruộng đất và của cải của họ. Ðó là giải pháp mà điền chủ và cường hào thường mong đợi. Chính sách này là một phương thức bốc lột hợp pháp chỉ nhằm đưa những người giàu trở thành giàu thêm, người nông dân nghèo nàn trở thành những đám dân nô lệ.
Năm 1832, Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mệnh đem quân xâm chiếm Champa và ra lệnh trừng phạt vô cùng dã man những nhà lãnh đạo Champa và tất cả dân Champa theo ủng hộ Lê Văn Duyệt. Khi đã trừng trị thẳng tay những người cộng tác với Lê Văn Duyệt, Minh Mệnh tự quyết định xóa hẳn bản đồ Champa trên bán đảo Ðông Dương.
Những dữ kiện lịch sử đã nêu ra ở trên đã cho chúng ta thấy rằng sự xung đột xã hội, từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 15, giữa hai miền nam và bắc Champa phát sinh từ ý thức hệ đấu tranh giữa hai dòng tộc Cau và Dừa nhằm độc quyền cai trị vương quốc này. Nhưng sự xung đột giữa hai miền nam bắc này cũng thường tạo cho dân tộc Champa một ý thức đoàn kết chặt chẽ để bảo vệ sự sống còn của mình, một khi vương quốc Champa bị tấn công bởi một lực lượng ngoại lai khác.Từ thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 15, sử liệu đã từng ghi nhận có ba lần chiến tranh nội bộ giữa nam và bắc Champa. Nhưng 3 cuộc xung đột này đều phát xuất từ 3 vụ xâm lược của ngoại lai chống lại Champa.
Trong 3 biến cố chính trị đó, tiểu vương quốc Panduranga ở miền nam vẫn giữ một vai trò chính yếu trong những phong trào cách mạng chống ngoại xâm, nhưng vẫn có thái độ tìm cách tự tôn vinh mình là vua liên bang Champa nhằm nằm quyền cai trị các tiểu vương quốc Champa ở miền bắc.
Những sử liệu ở trên cũng chứng minh rằng, dân tộc Champa không phải là dân tộc có bản tánh hiềm thù hay ganh tị lẫn nhau như người ta thường hiểu lầm. Sống trong vương quốc Champa, họ chấp nhận có hai dòng tộc khác nhau trên phương diện nào đó, nhưng không vì thế họ dùng chủ thuyết dòng tộc của mình để tự ly khai ra khỏi vương quốc Champa, mặc dù trên phương diện chính trị, các tiểu vương quốc có quyền tách rời ra khỏi liên bang Champa để thành lập một vương quốc độc lập riêng biệt.
Sau ngày thất thủ thành Ðồ Bàn vào năm 1471, vấn đề khác biệt nam bắc không còn nữa. Sự xung đột xã hội đã trở thành một vấn đề giữa dân tộc Champa trong tiểu vương quốc Panduranga.
Ai cũng công nhận rằng, 1693 là năm đánh dấu cuộc cách mạng lớn lao của nhân dân Champa nhằm chống lại mưu đồ nhà Nguyễn đã quyết định xoá bỏ vương quốc này trên bản đồ Ðông Dương. Ðây cũng là một công trình cách mạng nhân dân chống lại các lãnh tụ Champa bất lực chỉ biết làm bù nhìn cho ngoại bang. Tiếc rằng, cuộc cách mạng nhân dân Champa đó chỉ là một biến cố chính trị nhất thời, chứ không phải là một phong trào có một tổ chức qui mô nhằm phát triển mạnh mẽ để đưa ý thức hệ đấu tranh vào tiềm thức dân tộc.
Từ năm 1693 đến 1832, sử liệu cũng từng nhắc đến hai lần xung đột lớn lao trong cộng đồng Champa thời đó. Nhưng hai lần chiến tranh nội bộ này cũng đều có một xuất xứ chung đó là Champa trở thành nạn nhân của chiến tranh giữa người Việt Nam, dù dưới thời Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh, cũng như dưới thời vua Minh Mệnh chống lại Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Ðịnh Thành. Sự xung đột xã hội này cũng phát sinh từ thái độ của một số nhà lãnh đạo Champa thường hay nương tựa vào quyền hành lớn lao của nhà Nguyễn để xây dựng quyền lợi riêng tư của mình trên vương quốc Champa nhỏ bé này; phát sinh từ chính sách thống trị của một số điền chủ hay cường hào Champa thường lợi dụng địa vị và của cải của mình hoặc để làm giàu trên lưng những người dân Champa nghèo đói, hoặc tìm cách biến tập thể nông dân Champa nghèo đói thành một tập thể nô lệ (halun) của mình.
Từ năm 1795, sự xung đột xã hội cũng phát xuất từ một yếu tố khác đó là quyền nối ngôi ở Champa giữa dòng Po Romé (1627-1795) gốc người Chru và dòng Po Saong Nhung Ceng (1802-1832), gốc người Champa, tức là tổ tiên của bà Thềm ở Phan Rí.
Nguyên nhân sự suy tàn của vương quốc Champa là công trình nghiên cứu có phần bổ túc thêm. Công trình này với tựa đề “Le déclin du Campa entre le XVIe et le XIX e siècle” đăng đầu tiên trong tác phẩm Le Campa et le Monde Malais. Actes de la Conférence Internationale sur le Campa et le Monde Malais) Berkeley (Université de Californie, Travaux du CHCPI, Paris, 1991, trang 47-64)và PGS TS Po DharmaTheo pgs ts Po Dharma: Champa là một vương quốc ở miền Trung Việt Nam chạy dài từ mũi Hoành Sơn (Quảng Bình) đến biên giới Biên Hòa.
Ðược hình thành vào thế kỷ thứ 2, vương quốc Champa là một quốc gia liên bang bao gồm 4 tiểu vương quốc, đó là:- Amaravati (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi)- Vijaya (Bình Ðịnh)- Kauthara (khu vực Phú Yên Khánh Hoà)- Panduranga (Phan Rang và Phanrí)Năm 1471 đánh dấu cho ngày thất thủ thành Ðồ Bàn (Vijaya). Lợi dụng cơ hội này, Ðại Việt xâm chiếm toàn diện lãnh thổ Champa ở phương bắc và dời biên giới của mình đến đèo Cù Mông, ở phía nam Bình Ðịnh. Kể từ đó, Champa bị thu hẹp lại trong hai tiểu vương quốc Kauthara (Phú Yên-Nha Trang) và Panduranga (Phan Rang-Phan Rí). Thế là vương quốc Champa bé nhỏ này phải đương đầu kể từ thế kỷ thứ 16 với chính sách Nam Tiến của nhà Nguyễn, hùng mạnh cả quân sự lẫn kinh tế.
Sau 17 thế kỷ đấu tranh dựng nước và bảo tồn đất nước nhằm đẩy lui cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, Champa bị xóa hẳn trên bản Ðông Dương vào năm 1832. Hôm nay, vương quốc này chỉ để lại cho hậu thế một chuổi vết tích lịch sử hoang phế nằm ngổn ngang trên mảnh đất ở miền Trung Việt Nam và ba cộng đồng dân tộc thuộc thần dân Champa chưa đầy một triệu người sống rải rác ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Phanrang-Phanrí và ở Campuchia.
Trong suốt 17 thế kỷ thăng trầm của lịch sử, Champa đã cố ngoi lên để tạo cho mình có một nền văn minh cao độ và đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử ở khu vực Ðông Nam Á. Tiếc thay dân tộc Champa hôm nay, vì sự bất hạnh hay vì một lý do nào khác, đã trở thành một nhóm người vong quốc không còn có chủ quyền trên chính bản thân của mình, dù đó chỉ là chủ quyền trên di sản văn hóa và tín ngưỡng hay quyền trên mảnh đất vụn do chính bàn tay của mình tạo dựng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên hôm nay.
Nói đến lịch sử thì phải nói đến sự thăng trầm của biến cố: hết thời vàng son thì đến thời suy tàn. Ðây là một quy luật mà không ai chối cải được. Nhưng mọi sự suy tàn đều có nguyên nhân của nó. Tiếc rằng, nguyên nhân suy tàn của vương quốc Champa đã trở thành một chủ đề nóng bỏng mà mỗi nhà nghiên cứu thường nêu ra với những lý thuyết thiếu sự trung thực, chỉ dựa vào cảm tính và nhãn quan riêng tư của mình để giải thích cho sự bại vong của Champa.
Tựu trung, các lý thuyết này thường mang bố cục nhằm chứng minh rằng sự sụp đổ Champa chỉ là hậu quả của một quốc gia có bản chất háo chiến thường gây chiến tranh chống phá Ðại Việt; một vương quốc phá sản, chỉ biết dùng tài nguyên của mình vào công trình xây cất đền đài nguy nga tráng lệ; một chính quyền chỉ biết nghĩ đến tranh chấp quyền hành giữa miền nam và miền bắc, v.v. Có chăng đây chỉ là cách lý luận phiến diện không có cơ sở khoa học. Vì rằng, sự sụp đổ vương quốc Champa có một nguyên nhân sâu xa của nó, bắt nguồn từ hai dân tộc láng giềng có hai nguồn văn hóa và nền văn minh khác nhau,có hai ý thức hệ về bang giao và chính trị khác nhau, có hai chủ thuyết về biên giới và chiến tranh hoàn toàn khác nhau, v.v.Sau đây là một số nguyên nhân chính yếu đã đưa vương quốc Champa vào con đường bại vong vào năm 1832.
8-Chủ thuyết bành trướng đất đai của vua chúa Ðại Việt
Một khi đã giành được quyền độc lập và tự chủ vào thế kỷ thứ 10, Ðại Việt (sau này là Việt Nam), một vương quốc chịu ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa, bắt đầu áp dụng chính sách thống trị nhằm biến các quốc gia láng giềng thành chư hầu của mình mà Champa là nạn nhân đầu tiên của chính sách “Nam Tiến” này. Chính sách thống trị của Việt Nam thời cổ có mục tiêu duy nhất đó là bành trướng đất đai của mình về phía nam mà các sử gia Âu Châu thường gọi đó là “chủ thuyết đế quốc” của vua chúa Ðại Việt. Thế là xung đột quân sự giữa Ðại Việt và Champa bắt đầu bùng nổ.
Trong những thời điểm của 5 thế kỷ ban đầu, chính sách xâm lăng của Ðại Việt hoàn toàn dựa vào yếu tố quân sự. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 15, Ðại Việt chỉ tập trung vào trọng yếu quân sự để tấn công Champa. Tiếc rằng, chiến tranh của Ðại Việt không phải là chiến tranh chinh phạt Champa, mà là chiến tranh xâm lược đất đai. Một khi gặt hái được chiến thắng quân sự, Ðại Việt sáp nhập tức thời lãnh thổ Champa vào khu vực hành chánh của mình và bắt đầu áp dụng chính sách Việt Nam hóa bằng cách biến dân tộc Champa trong khu vực bị chiếm đóng thành người Việt. Tất cả người Chăm sinh sống từ tỉnh Quảng Bình đến Cam Ranh hôm nay không còn biết nguồn gốc dân tộc họ là ai nữa và không còn biết nói tiếng mẹ đẻ của họ nữa là minh chứng cụ thể để chứng minh cho giả thuyết Việt Nam hóa của Ðại Việt trong quá khứ.
Chỉ cần hai lần chiến thắng quân sự vào năm 1069 và 1471, Ðại Việt nuốt trọn một phần lãnh thổ rộng lớn của Champa chạy dài từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Ðịnh. Trong khi đó, dưới thời vua Chế Bồng Nga (1360-1390), Champa đã hơn 7 lần chiến thắng quân sự ở Thăng Long, nhưng không bao giờ nghĩ đến việc xâm chiếm một mảnh nhỏ đất đai nào của Ðại Việt. Ðiều này đã chứng minh rằng chủ thuyết xây dựng quốc gia của Ðại Việt là chủ thuyết đế quốc theo nghĩa rộng của nó, có nghĩa là phương án chính trị nhằm thống trị và xâm chiếm đất đai của một dân tộc khác.
Trong tiến trình lịch sử, một quốc gia có bản chất đế quốc lúc nào cũng nắm phần thắng lợi trên một quốc gia láng giềng, dù là hùng mạnh trên hai phương diện quân sự lẫn kinh tế, nhưng chỉ bám vào ý thức hệ chiến tranh chinh phạt nhằm đưa quân địch vào con đường suy yếu để họ không còn phương tiện quấy phá biên giới của mình nữa. Champa là một vương quốc chịu ảnh hưởng Ấn Ðộ Giáo, cũng như Campuchia, chỉ biết tôn vinh thức hệ chiến tranh chinh phạt, nhưng không bao giờ nghĩ đến chính sác xâm chiếm đất đai của dân tộc khác.
Dựa vào các yếu tố đã đưa ra, chúng tôi tự đặt câu hỏi rằng có chăng chủ thuyết đế quốc của vua chúa Ðại Việt đã trở thành một động cơ chính yếu đã đưa đẩy vương quốc Champa vào con đường bại vong vào năm 1832.
9-Nạn nhân của chủ thuyết “Thiên Tử”
Hoàn toàn khác hẳn với ý niệm thần quyền của vua chúa Champa, vua chúa Ðại Việt, vì ảnh hưởng nền văn minh Trung Hoa tự phong cho mình là bậc “Thiên Tử” nhận lãnh sứ mạng của “Trời” chẳng những để cai trị dân tộc Việt mà phải có nghĩa vụ mở mang bờ cỏi hầu làm sáng ngời uy quyền của mình trên năm châu bốn bể. Ðó cũng điểm mốc đã đưa chính sách bang giao giữa Ðại Việt và Champa thành hai thế lực thù địch không bao giờ chấp nhận đội trời chung.Nhân danh là “Thiên Tử” phát nguồn từ nền văn minh Trung Hoa, Ðại Việt luôn luôn tìm cách thống trị các nước lân bang nhằm biến họ thành các quốc gia chư hầu của mình. Thế là Champa, một quốc gia láng giềng của Ðại Việt, đã trở thành món mồi đ