Thơ văn Nguyễn Trãi phản ánh tâm hồn trong sáng của tác giả cũng như thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta.
Cây chuối như một người con gái e lệ và duyên dáng ôm ấp bức thư - bức thông điệp của tình yêu, rồi gió nhẹ nhàng bay đến, mở xem. Thiên nhiên hữu tình, tình tứ như con người vậy. Cái nhìn của Nguyễn Trãi lúc này thật trẻ trung. Với những tác phẩm của Nguyễn Trãi mà em đã học, đã đọc, hãy ...
Cây chuối như một người con gái e lệ và duyên dáng ôm ấp bức thư - bức thông điệp của tình yêu, rồi gió nhẹ nhàng bay đến, mở xem. Thiên nhiên hữu tình, tình tứ như con người vậy. Cái nhìn của Nguyễn Trãi lúc này thật trẻ trung.
Với những tác phẩm của Nguyễn Trãi mà em đã học, đã đọc, hãy làm rõ nhận định trên.
YÊU CẦU
Người viết căn cứ vào thơ văn Nguyễn Trãi, làm rõ được hai ý lớn:
- Thơ văn Nguyễn Trãi phản ánh tâm hồn trong sáng của tác giả.
- Thơ văn Nguyễn Trãi phản ánh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta.
1.Về tâm hồn trong sáng của tác giả, cần chú ý những nét sau:
- Một tấm lòng suốt đời vì dân, vì nước.
- Một cuộc đời thanh bạch, giản dị.
- Một tình yêu thiên nhiên đằm thắm thiết tha.
- Một niềm lạc quan lớn.
- Một hồn thơ dạt dào.
2. Về thiên nhiên tươi đẹp của đất nước trong thơ văn Nguyễn Trãi, người viết nên chú ý tới một số khía cạnh:
- Thiên nhiên trong thơ văn Nguyễn Trãi chiếm một vị trí rất quan trọng.
- Thiên nhiên hiện lên với nhiều vẻ khác nhau: hùng vĩ, hoành tráng, thơ mộng, diễm lệ, tươi tắn...
- Thiên nhiên như cũng mang hồn người, nhiều trường hợp thiên nhiên cũng sẻ chia niềm vui, nỗi buồn của tác giả.
Tuy đề bài yêu cầu dùng thơ văn Nguyễn Trãi, nhưng căn cứ vào chương trình và đặc điểm của vấn đề, người viết chủ yếu sử dụng thơ Nguyễn Trãi.
BÀI LÀM
Nhớ Nguyễn Trãi là chúng ta nhớ đến người anh hùng dân tộc, nhà chỉ huy quân sự tài ba, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc của nền văn học dân tộc Việt Nam. Ông là tinh hoa, là khí phách của dân tộc. Những tác phẩm của ông, từ những bức thư địch vận gửi tướng tá quân xâm lược, mềm dẻo mà đanh thép như “lạt mềm buộc chặt”, “Cáo bình Ngô” đến những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm gồm nhiều thể, tất cả đều đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp đến lạ lùng.Dường như Nguyễn Trãi là con người của thơ ca và thơ là người bạn tâm tình của ông. “Thơ văn Nguyễn Trãi đã phản ánh tâm hồn trong sáng của tác giả cũng như thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta”.
Nguyễn Trãi đã mượn thơ văn để bày tỏ tấm lòng, tâm hồn trong sáng của mình. Trước hết ông là người yêu nước thương dân tha thiết.
Nguyễn Trãi luôn tự hào về đất nước với phong tục tập quán, biên giới lãnh thổ, với nền văn hiến lâu đời, với chủ quyền độc lập của dân tộc và lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm oai hùng (Cáo bình Ngô). Với cái nhìn tiến bộ và đầy trách nhiệm của một bậc hào kiệt, một con người nghĩa hiệp, ông quan niệm nước gắn liền với dân. Dân là “dân đen con đỏ” - những người “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu), bảo vệ đất nước là bảo vệ cuộc sống ấm no thanh bình cho nhân dân. Cũng vì yêu nước thương dân mà ông căm thù bọn cướp nước giày xéo lên cuộc sống của nhân dân - những người ông yêu thương hết lòng hết dạ. Ông “đau lòng nhức óc chốc đã mười mấy năm trời, Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối”. Trăn trở, day dứt trước vận mệnh đất nước, mọi sinh hoạt hàng ngàycủa con người nghĩa hiệp này bị đảo lộn: “Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh”. Với ngọn lửa yêu nước thương dân luôn cháy trong tim và ý chí xả thân diệt thù cứu nước bất chấp khó khăn thiếu thốn, Nguyễn Trãi cùng với toàn quân, toàn dân đã đem lại chiến thắng vang dội trong lịch sử dântộc. Nguyễn Trãi như con ngựa suốt đời rong ruổi. Ông không lúc nào không lo lắng, trăn trở trước cuộc sống của nhân dân. Tuy hi sinh, cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân nhưng đến cuốiđời ông cũng không thực hiện được. Không bằng lòng với hiện thực xã hội, mộng ước tan vỡ, Nguyễn Trãi sẵn sàng từ bỏ chốn lầu son gác tía xa hoa trở về với cuộc sống ẩn dật, điền viên để giữ cho mùa xuân của dân tộc. Không tham quyền cố vị, Nguyễn Trãi lúc nào cũng như cây trúc cương trực và ngay thẳng giữa triều đình, giữa những kẻ bon chen danh lợi:
Vườn quỳnh dù chim kêu hót
Cõi trần có trúc đứng ngăn
Ông khẳng định ý chí của mình:
Nguyệt xuyên há dễ thấu lòng trúc
Nước chảy âu khôn xiết bóng non
Ánh trăng sáng đến đâu cũng không soi thấu được lòng cây trúc, nước chảy mãi cũng không làm mòn được bóng núi in xuống lòng sông.
Lúc về ở ẩn để thực hiện giấc mộng với “ba khóm cúc vườn xưa”, Nguyễn Trãi ước mơ cuộc sống thanh cao, trong sạch:
Bao giờ nhà dựng đầu non
Pha trà nước suối gối hòn đá ngơi.
(Sau loạn đến Côn Sơn cảm tác)
Tuy xa lánh bụi trần nhưng Nguyễn Trãi không hoàn toàn là một ẩn sĩ chỉ biết “say mùi đạo, trà ba chén, rửa lòng phiền, thơ bốn câu”. Ông vẫn yêu đời tha thiết, vẫn lắng nghe tiếng vọng của cuộc đời, mặc dù “Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn, Khách tục không ai bén mảng gần” (Cuối xuân tức sự). Như một bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, phẩm chất trong sáng của Nguyễn Trãi luôn ngời lên như một viên ngọc quý. Cho đến hết đời Nguyễn Trãi vẫn không nguôi một tấc lòng yêu nước thương dân “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”. Những câu thơ của ông như một ánh đèn chong lên trong đêm tối:
Bui có một lòng trung với hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen
Tâm hồn trong sáng của Nguyễn Trãi vốn đã đáng quý, nhưng khi đặt vào hoàn cảnh xã hội đen tối với những kẻ xấu xa thâm hiểm mà có lần ông đã phải thốt lên đầy xót xa mai mỉa.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay
thì lại càng đáng quý bội phần.
Ngoài việc gửi gắm những tâm sự của mình vào trong thơ văn, Nguyễn Trãi còn gửi gắm vào đó những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Khi cònở triều đình, còn tung hoành giữa cuộc đời, Nguyễn Trãi đã có những câu thơ rất hay về thiên nhiên:
Một mâm lam biếc lắng gương trong
Muôn hộc xanh om mái tóc rủ
(Cảnh Vân Đồn)
hay:
Ngạc chặt kình băm non lởm chởm
Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng
(Cửa biển Bạch Đằng)
Đến khi về ở ẩn, ông càng gắn bó với thiên nhiên bội phần. Là người đã viết những câu văn “trúc chẻtro bay”, “có sức mạnh như mười vạn binh” thì cũng chính ông lại viết những câu văn mượt mà uyển chuyển về thiên nhiên quê hương.
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi vô cùng dân dã và sống động. Ông nâng niu từng bông hoa rụng, từng ánh trăng ngần. Thiên nhiên trong thơ ông rất quen thuộc và gần gũi với đời sống hàng ngày nhưng lúc nào cũng có sức cuốn hút, sự mới mẻ lạ kì. Có khi thiên nhiên chỉ là một quãng đồng vắng, một con đò nhỏ hay một cơn mưa, một vạt cỏ xanh tươi. Đây là bức tranh “Bến đò xuân đầu trại”'.
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Bức tranh là sự kết hợp hài hòa giữa những gam màu rất tươi tắn dịu dàng: màu xanh của cỏ đan quyện với màu trắng của mưa xuân. Dưới đôi mắt thi sĩ của Nguyễn Trãi “cỏ xanh như khói” chứ không phải là “Cỏ non xanh rợn chân trời” hay “Một vùng cỏ mọc xanh rì” như trong thơ Nguyễn Du. Cỏ lúc nàychắc hẳn ở thời kì phát triển nhất, xanh tươi nhất. Những lá cỏ đã đua dài, mập mạp và mỡ màng vươn lên đón mưa xuân - những giọt rượu của đất trời ban phát cho cỏ cây. Một màu xanh thắm trải dài như khói đầy sức sống. Dường như bức tranh còn có một sự chuyển động rất tinh tế, không khí lâng lâng bay bổng mơ màng như cảnh thần tiên. Mưa xuân như dềnh lên vỗ vào nền trời. Mưa ý nhị và duyên dáng giao duyên cho trời và đất. Cảnh vô cùng đơn sơ, dân dã mà thắm đượm tình người.
Cũng có khi thiên nhiên rất xinh đẹp, hữu tình. Nguyễn Trãi đã thổi linh hồn vào cảnh vật khiến cho cảnh cũng như con người:
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
(Cây chuối)
Cây chuối như một người con gái e lệ và duyên dáng ôm ấp bức thư - bức thông điệp của tình yêu, rồi gió nhẹ nhàng bay đến, mở xem. Thiênnhiên hữu tình, tình tứ như con người vậy. Cái nhìn của Nguyễn Trãi lúc này thật trẻ trung.
Bên cạnh vẻ đẹp mặn mà duyên dáng với những đường nét mềm mại uyển chuyển, thiên nhiên còn mang một vẻ đẹp hùng vĩ với những đường nét sắc gọn, khoẻ khoắn. Dưới con mắt của Nguyễn Trãi, cảnh cửa biển Bạch Đằng hiện lên kì vĩ và choáng ngợp:
Ngạc chặt kình băm non lởm chởm
Giáo chim gươm gãy bãi dăng dăng
Cảnh kì vĩ, sừng sững, gắn với chiến công oai hùng của dân tộc ta. Trăm nghìn núi sông kì vĩ và mĩ lệ của Tổ quốc ta được khắc hoạ bằng những bài thơ nên hoạ nên tình. Nguyễn Trãi với tài thể hiện của mình đã tạc vào thơ văn những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử của đất nước. Đó là cảnh Vân Đồn, là chùa Yên Tử với vẻ đẹp hoang sơ cổ kính của những măng tre rậm rạp...
Với tình yêu thương rộng lớn, với cái nhìn tinh tế, quán xuyến, với “túi thơ” dạt dào muôn dặm, Nguyễn Trãi đã nâng cuộc sống của thiên nhiên lên, đem sự sống đến với thiên nhiên. Đối với ông, thiên nhiên gắn bó gần gũi như những người thân: Nguyễn Trãi “đón trăng vào nhà”, “gối đầu lên mây”, “ngày xem hoa nở”, “tối rước chim về”. Ông sống giữa lòng thiên nhiên, được thiên nhiên ôm ấp, Nguyễn Trãi như muốn dang rộng vòng tay yêu thương ôm ấp thiên nhiên vào lòng. Non xanh nước biếc, cỏ cây hoa lá đối với ông đều là bạn:
Đàn cầm suối trong tai dội
Còn một non xanh là cố nhân
Cao cả hơn, thắm thiết hơn, thiên nhiên là những người thân, là anh em ruột thịt:
Núi láng giềng, chim bầu hạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam
thậm chí là tình mẹ con, máu mủ ruột rà:
Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn
Ấp ủ cùng ta làm cái con
Thiên nhiên quây quần đoàn tụ quanh con người. Giữa thiên nhiên và con người có một sợi dây liên hệ chặt chẽ. Đó là sợi dây tình cảm. Dường như thiên nhiên là cuộc đời, là lẽ sống, là một yếu tố tinh thần không thể thiếu được của nhà thơ. Thiên nhiên trong thơ ông thanh đạm như nước, hào hoa như gió, bao la như biển rộng sông dài. Cũng là “phong hoa tuyết nguyệt”, cũng là “cầm kì thi tửu” nhưng thiên nhiên không lạnh lẽo, hoang vắng, con người không mượn thiên nhiên để trốn tránh mà hoàn toàn ngược lại: thiên nhiên sống động và gắn bó với con người. Nói cho cùng, Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên cũng là yêu đất nước, yêu non sônggấm vóc. Thiên nhiên chiếm một mảng lớn trong toàn bộ thơ văn Nguyễn Trãi. Điều đó khẳng định sự gắn bó sâu sắc với đất nước của ông. Qua thơ văn ông, người đọc được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên cách đây năm thế kỉ. Thơ văn ông chính là chiếc cầu nối thời gian giữa xưa và nay. Tự hào về non sông đất nước tươi đẹp, chúng ta càng tự hào về Nguyễn Trãi, một con người vĩ đại, một tâm hồn vĩ đại và cao khiết. Thơ văn của ông là sự kết hợp hài hoà giữa thời đại và dân tộc, giữa chính trị vàtình người, giữa cao siêu và bình dị. Những câu thơ trong trẻo long lanh như ngọc quý của ông còn truyền lại cho chúng ta ngày nayvà sẽ tồn tại mãi mãi trong sự ngưỡng mộ, kính phục và tự hào của dân tộc.