Bộ GD triển khai đề án "Đo lường sự hài lòng của dân"

Đo lường sự hài lòng của dân để giám sát, đánh giá giáo dục Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, mục tiêu của đề án là xây dựng được phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Trên cơ sở đó để đánh giá một cách khoa học, khách quan chất lượng dịch vụ của ...

Đo lường sự hài lòng của dân để giám sát, đánh giá giáo dục

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, mục tiêu của đề án là xây dựng được phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Trên cơ sở đó để đánh giá một cách khoa học, khách quan chất lượng dịch vụ của các cơ sở giáo dục công. Từ kết quả đo lường này, các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ.

Phạm vi của đề án là đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục, trình độ đào tạo ở các cấp học, gồm: GD mầm non, tiểu học, THCS, THPT, GD thường xuyên, GD chuyên nghiệp và GD đại học trên phạm vi cả nước. Đề án không bao gồm các chương trình dạy nghề. Bộ GDĐT đã đưa ra công cụ đo lường gồm ba yếu tố là bộ câu hỏi điều tra xã hội học, chọn mẫu điều tra xã hội học và dựa trên các chỉ số hài lòng. Mức độ hài lòng của người dân sẽ được chia làm 5 cấp độ là “rất hài lòng”, “hài lòng”, “bình thường”, “không hài lòng” và “rất không hài lòng”.

Đối tượng khảo sát là học sinh, sinh viên và đại diện gia đình người học với 24 tiêu chí được ban soạn thảo đề án đưa ra. Các tiêu chí này dựa trên 5 nội dung cơ bản tạo nên chất lượng dịch vụ giáo dục công là cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, tiếp cận dịch vụ, hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục. Riêng nội dung hoạt động giáo dục phải đánh giá được mức độ hài lòng của người dân  về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đội ngũ giáo viên, công tác quản lý, kiểm tra… Chỉ số đo lường trên sẽ được Bộ GDĐT công bố công khai hằng năm.

Bộ GDĐT khẳng định rằng, thực hiện đề án sẽ nâng cao được nhận thức về quyền, trách nhiệm của người dân và tổ chức trong việc giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, và cũng thông qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc hoàn thiện dịch vụ GD công do mình cung cấp.   

Thể chế hóa cải cách hành chính giáo dục

Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công” bắt đầu triển khai ngay từ ngày quyết định phê duyệt có hiệu lực (ngày 17.9.2013) và được chia làm 2 giai đoạn: 2013-2015 và 2016-2020. 

Theo Bộ GDĐT, trong giai đoạn 2013-2015, đề án tập trung triển khai áp dụng đồng bộ công cụ đo sự hài lòng của người dân với dịch vụ GD công tại các cơ sở GD. Đồng thời sẽ tiến hành sơ kết việc triển khai áp dụng đồng bộ công cụ đo lường sự hài lòng của người dân để hoàn thiện “bộ công cụ”. 

Trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020), sẽ đẩy mạnh triển khai đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công, đi kèm với việc nghiên cứu các giải pháp để triển khai áp dụng có hiệu quả “bộ công cụ đo lường”. Trong giai đoạn 2 này, Bộ GDĐT sẽ tổng kết việc triển khai áp dụng bộ công cụ để hoàn thiện và thể chế hóa cho giai đoạn cải cách hành chính tiếp theo của ngành giáo dục.  

Kết quả triển khai đề án “đo lường sự hài lòng của người dân” thì chưa ai có thể nói trước được, nhưng việc Bộ GDĐT quyết tâm thực hiện là điều được rất nhiều người chờ đợi và ủng hộ.

Theo LĐ

>> Đề án di dời trường ĐH, CĐ ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội và TPHCM

0