25/05/2018, 14:43

Thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lí vi phạm pháp luật về đất đai

Trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về đất đai nói riêng không thể thiếu nội dung thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra, giám sát là một khâu làm hoàn chỉnh quá trình quản lý của Nhà nước. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra để phát ...

Trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về đất đai nói riêng không thể thiếu nội dung thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra, giám sát là một khâu làm hoàn chỉnh quá trình quản lý của Nhà nước. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện các vi phạm, các bất hợp lý trong quản lý đất đai để kịp thời xử lý và điều chỉnh. Thanh tra, kiểm tra đất đai là một nội dung đã được đưa vào công tác quản lý nhà nước về đất đai từ khi thực hiện Quyết định số 201/CP năm 1980. Lúc đó, nội dung này được quy định là "Thanh tra việc chấp hành các chế độ về quản lý, sử dụng đất" Luật Đất đai 1987 và Luật Đất đai 1993 quy định nội dung này là "Thanh tra việc chấp hành các chế độ thể lệ về quản lý, sử dụng đất đai". Đến Luật Đất đai 2003, nội dung này được hoàn thiện thành "Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai". Với quy định ở Luật Đất đai 2003 như vậy Nhà nước không chỉ thanh tra mà còn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai. Như vậy, nội dung này đã có từ lâu nhưng ngày càng được chỉnh sửa và quy định cho chặt chẽ và hoàn thiện hơn.

Theo Đại từ điển tiếng Việt: Thanh tra là việc điều tra,xem xét để làm rõ sự việc"Kiểm tra là việc xem xét tình trình thực tế để đánh giá,nhận xét"

Từ khái niệm chung về thanh tra và kiểm tra trong từ điển, chúng ta có thể suy ra: Thanh tra đất đai và kiến nghị biện pháp xử lý.Kiểm tra đất đai là việc xem xét tình hình thực tế về quản lý,sử dụng đất đai để đánh giá,nhận xét."

Thanh tra đất đai là thanh tra nhà nước theo chuyên ngành về đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra đất đai trong cả nước. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thanh tra đất đai tại địa phương.

Như vậy, ngoài hệ thống thanh tra nhà nước theo cấp hành chính từ Chính phủ xuống đến cấp tỉnh, cấp huyện để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai nói riêng còn có hệ thống thanh tra chuyên ngành về đất đai là Vụ Thanh tra thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thanh tra thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường chuyên làm nhiệm vụ thanh tra về lĩnh vực tài nguyên môi trường mà một phần chính là thanh tra về đất đai.

Đồng thơi, Luật Đất đai 2003 cũng quy định rõ trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra đất đai trong cả nước là thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm tổ chức, thực hiện thanh tra đất đai ở địa phương là cơ quan quản lý đất đai. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm cụ thể về đất đai thì do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện quyết định dựa trên cơ sở kết quả của thanh tra.

Luật thanh tra quy định nguyên tắc của hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra đất đai nói riêng là phải tuân theo pháp luật; đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Hoạt động thanh tra đất đai nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước về đất đai; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng đất.

Luật đất đai quy định nhiệm vụ của thanh tra đất đai là thanh tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan Nhà nước, người sử dụng đất trong việc quản lý và sử dụng đất đai; đồng thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai.

Để thực hiện được mục đích và nhiệm vụ, thanh tra đất đai phải tiến hành thanh tra việc quản lý nhà nước về đất đai của Uỷ ban nhân dân các cấp; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân khác.

Khi tiến hành thanh tra đất đai, đoàn thanh tra và thanh tra viên có trách nhiệm và quyền hạn cụ thể được pháp luật đất đai quy định như sau:

-Đoàn thanh tra và thanh tra viên đất đai khi tiến hành thanh tra có quyền: yêu cầu cơ quan nhà nước, người sử dụng đất và các đối tượng khác có liên quan cung cấp tài liệu và giải trình những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra; quyết định tạm thời đình chỉ việc sử dụng phần đất không đúng pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xử lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai; các quyền khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Đoàn thanh tra và thanh tra viên đất đai khi tiến hành thanh tra có trách nhiệm: xuất trình quyết định thanh tra, thẻ thanh tra viên với đối tượng thanh tra; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trình tự, thủ tục. thanh tra theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận, quyết định của mình; thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Pháp luật đất đai không chỉ quy định quyền hạn, nhiệm vụ của đoàn thanh tra và thanh tra viên đất đai mà còn quy định quyền hạn, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Đối tượng thanh tra đất đai gồm các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, người sử dụng đất và các tổ chức, cá nhân khác. Quyền và nghĩa vụ của các đối tượng này khi bị thanh tra về đất đai được quy định như sau:

Đối tượng thanh tra có các quyền: yêu cầu đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên thi hành công vụ giải thích rõ các yêu cáu về thanh tra; giải trình trong quá trình thanh tra, tham gia ý kiến về kết luận thanh tra; trường hợp không nhất trí với kết luận thanh tra, quyết định xử lý vi phạm pháp luật của thanh tra đất đai thì có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên vi phạm lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; các quyền khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Đối tượng thanh tra có các nghĩa vụ: không được cản trở, gây khó khăn cho đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ; cung cấp tài liệu, giải trình các vấn đề cần thiết liên quan đến nội dung thanh tra đất đai; chấp hành các quyết định của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong quá trình thanh tra và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi kết thúc thanh tra; thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

0