Tâm Sự: Kẻ Lữ Hành – Tôn Giáo Nào Cho Tôi?
: Kẻ Lữ Hành – Tôn Giáo Nào Cho Tôi? Lang thang trên những ngã đường cũ kỹ của một con phố nhỏ, chiều nay không , chỉ có những màn sương mỏng mảnh sà xuống lòng đường rồi bám víu vào những dòng người nườm nượp. Cũng lâu rồi tôi mới lại có một buổi chiều nhẹ nhàng để như thế này. Bên dãy nhà ...
: Kẻ Lữ Hành – Tôn Giáo Nào Cho Tôi?
Lang thang trên những ngã đường cũ kỹ của một con phố nhỏ, chiều nay không , chỉ có những màn sương mỏng mảnh sà xuống lòng đường rồi bám víu vào những dòng người nườm nượp. Cũng lâu rồi tôi mới lại có một buổi chiều nhẹ nhàng để như thế này. Bên dãy nhà rêu phong san sát nhau hơn nửa thế kỷ, có vài ba người vận đồ lam Phật tử lững thững ra về. Hẳn rồi, trong một mớ xô bồ xanh đỏ lòe loẹt thì chính cái bình dị là cái nổi bật khiến người ta chú ý.
Nhưng, điều khiến tôi ngoảnh đầu nhìn lại họ thêm lần nữa là tin nhắn của một cô gái và dòng tin mà cô ấy gửi. Hôm nay, cô ấy đi chùa cầu an, và cô ấy ngỏ ý rằng sẽ cầu an giúp tôi luôn thể, tôi từ chối, cô ấy bắt đầu thắc mắc!? Thực ra, tôi không cần phải theo đạo mới thấy được chất thơ và nét đẹp của tôn giáo, tôi cũng không hề có bất cứ một sự phân biệt hay phán xét gì với đức tin của riêng ai. Tôi tôn trọng họ dựa vào con người họ, chứ không phải họ theo tôn giáo nào và họ tin vào điều gì. Các tôn giáo và đức tin khác nhau là điều làm cho xã hội này thêm đa dạng và cân bằng. Ai cũng theo Phật giáo hết thì chẳng mấy chốc con người sẽ bị các loài khác tàn phá sớm thôi!
Tôi tin rằng tôn giáo nguyên thủy luôn dạy con người những cái tốt đẹp và hướng thiện, mặc dù chúng đều có những quy định ràng buộc. Nhưng qua các thời kì, mọi tôn giáo đều có những thay đổi đi cùng với sự phát triển, đó là điều không thể chối cãi. Trong những cuộc Thập tự chinh, tôn giáo không phải là thứ để cai trị hay sao?
Và bên cạnh các lời răn dạy đúng với mọi thời đại, cũng có những điều đã lỗi thời với khoa học ngày càng tiến bộ, phải có ai đó dũng cảm sửa sai để gột rửa sự ngu muội còn tồn tại trong niềm tin của người mộ đạo. Tuy nhiên, đối đầu với một tôn giáo và tước đi lòng tin của ai đó luôn là một điều hết sức khủng khiếp, như Galileo cuối cùng buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống những ngày cuối đời trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Toà án dị giáo La Mã. Vì thuyết nhật tâm của ông trái ngược với ý nghĩa của Kinh Thánh, mà Kinh Thánh sai thì Chúa cũng chẳng còn!
Đọc những cuốn Thập tự chinh mới thấy những cuộc chiến tranh tôn giáo ác liệt thế nào, và đọc những cuốn như “thiên thần & ác quỷ” của DanBrown thì mới thấy sự đẫm máu của khoa học và tôn giáo ra sao. Từ xa xưa tới nay, khoa học và tôn giáo luôn đấu đá và phủ nhận nhau, nhưng chúng phải luôn tồn tại song song, kìm hãm nhau. Một bên là phát triển công nghệ còn một bên là truyền đạt nhận thức, gây dựng lòng tin và nỗi sợ hãi, nếu mất đi một, mọi thứ sẽ điên loạn.
Mọi người thường nhầm lẫn giữa tôn giáo và những kẻ thờ đạo. Như Phật giáo và Phật tử, ở Thái Lan, Phật tử đã tấn công và giết hàng loạt người Hồi giáo. Ở Myanmar, người tị nạn Muslim Rohingya bị Phật tử thảm sát đến gần 100.000 người, Phật đâu có dạy như vậy? Và ở Việt Nam, người ta đổi tiền lẻ nhét đầy những thùng quyên góp, đốt một lần cả bó nhang to tổ bố rồi chen lấn, xô đẩy để được rảy nước Thánh lên đầu, nhét tiền vào tay Phật để mua phước lộc, Phật giáo nào dạy như thế!?
Tôi không phải kẻ quá vô thần vô thánh, nhưng mọi thứ đều chỉ nên ở mức tương đối. Tôi vẫn tin có những điều kỳ lạ, có những điều loài người chưa hiểu, vũ trụ quá rộng lớn, trái đất thì nhỏ bé, chúng ta lại càng nhỏ bé, ai dám nói rằng không có những điều siêu nhiên vẫn luôn hiển hiện? – Những điều chúng ta chưa hiểu, chúng ta gọi đó là Chúa, là Phật. Tôi không thờ lạy Phật, nhưng trên những ngôi chùa trống vắng ngự trên mấy đỉnh đồi, tôi vẫn thắp một nén hương và vái chào một cái như để bày tỏ sự thành kính với một vị đại thánh. Tôi không phải là một con chiên dưới vòng tay của Chúa, nhưng vẫn cúi chào để thể hiện sự kính trọng trước tượng đài Đức Mẹ đồng trinh. Tất nhiên ở những nơi vắng vẻ, trang nghiêm, chứ để làm điều ấy mà phải chen chúc, xô đẩy, bát nháo thì xin miễn, tuyệt nhiên là không bao giờ, vậy nên tết nhất bạn bè đi chùa thắp hương, hái lộc gì chứ tôi thì không, với tôi nó vô vị lắm!
Tôi vẫn gặp gỡ với các mormons, những người trẻ tình nguyện đi giao giảng khắp nơi về Thiên Chúa Giáo và đức tin của họ vào Chúa Cứu Thế. Tôi vẫn trò chuyện với các nhà sư, Phật tử. Tôi cũng nói chuyện, hỏi han với những ông thầy mua ma bán quỷ, thầy cúng, nhưng không phải vì một mục đích nào, chỉ đơn thuần là tìm hiểu và lắng nghe.
Vậy, tôn giáo nào cho tôi? Tôi học Phật giáo, tôi cũng nghiên cứu về Kinh Thánh, đó là kho văn hoá đa dạng của nhân loại. Tôi học Kinh Thánh không phải vì muốn trở thành con chiên của Thiên Chúa hay Tin Lành, tôi nghiên cứu Phật giáo không phải để tìm kiếm đức tin, đơn giản đó là kiến thức, tôi cũng chỉ đọc những phần thú vị chứ không phải những lời giáo giảng! Tôi cũng muốn nói thêm rằng những ai theo Phật thì hãy theo bằng cái tâm, chứ không phải rằng hình thức. Ăn chay thì chọn những món chay càng giống thịt càng tốt, từ hình dạng cho tới hương vị!? Làm những việc xấu xa, lừa dối, xảo trá, đợi tới ngày lại bước lên chùa, bỏ tiền cúng vái rồi khoác lên người bộ đồ thanh đạm, hai tay chắp lạy với cái vẻ mặt hiền lương chẳng phải là nó quá lố bịch hay sao!?
Với tôi, thần thánh hay ác quỷ chỉ là vấn đề góc nhìn và quan điểm. Ví như trong bộ phim nào đó, hai dân tộc đang đấu tranh với nhau nhưng một bên được thần giúp, với bên còn lại, thần tiên bên kia há chẳng phải là ác quỷ!? Nếu nói rằng thần giúp bên thiện vì bên kia quá ác thì đã phạm tới sự phát triển tự nhiên. Ác gì không biết, chỉ biết kẻ mạnh là kẻ thắng để những giống nòi sau được thụ hưởng những đặc điểm trội. Hay trong tự nhiên, ai dám nói rằng con hổ thì ác mà con nai thì hiền!? Tất cả chỉ là góc nhìn và quan điểm.
Còn vấn đề cầu an, tôi từ chối chỉ đơn giản vì tôi không cần. Có lẽ tôi chưa xứng đáng để Phật phù hộ, nếu Phật thực sự thấu được trần gian, thì hãy cầu cho những đứa em lăn lóc ngoài kia, những người cha, người mẹ đang rất rất khó khăn ngoài ấy. Và nếu quả báo là có thật, cớ sao những kẻ đang đè đầu cưỡi cổ hàng triệu người dân vẫn còn nhởn nhơ!? Phải chăng trong cái chốn sặc mùi huyễn hoặc này, quả báo và niềm tin chỉ đơn giản là một thứ để mà những người cơ cực dùng để tự an ủi bản thân? Có lẽ!
Tôi là kẻ sùng bái sự tự do, tôn thờ Mẹ tạo hóa, thích lang thang hoang hoải, là một còn quá nhiều hiếu kì với thế giới bởi chính tôi còn quá hạn hẹp. Thiết nghĩ, tôi chẳng cần phải khoác lên mình tấm áo tôn giáo nào cả. Tôi không cần phải theo đạo để thấy được chất thơ và nét đẹp của tôn giáo. Cho nên, tôi sẽ vẫn chọn là kẻ vô thần trong sự ngưỡng mộ với các tôn giáo khác!
Tâm Sự: Kẻ Lữ Hành – Tôn Giáo Nào Cho Tôi? Xem thêm