22/06/2018, 09:19

Tại sao trưng cầu dân ý không phải lúc nào cũng tốt?

Nguồn: “Why referendums are not always a good idea,” The Economist , 18/05/2016. Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng Các cuộc trưng cầu dân ý đang lan rộng trên khắp châu Âu. Trong những năm 1970, trung bình chỉ có hai cuộc trưng cầu được tổ chức mỗi năm. Giờ hàng năm là tám. Tháng ...

referendums

Nguồn: “Why referendums are not always a good idea,” The Economist, 18/05/2016.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Các cuộc trưng cầu dân ý đang lan rộng trên khắp châu Âu. Trong những năm 1970, trung bình chỉ có hai cuộc trưng cầu được tổ chức mỗi năm. Giờ hàng năm là tám. Tháng 6 tới Anh sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Tháng 10 tới Ý sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu về việc tu chính hiến pháp.

Trong khi đó, ở Hungary, Thủ tướng Viktor Orbán đã kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý với câu hỏi: “Bạn có đồng ý với việc EU có thẩm quyền áp đặt việc định cư bắt buộc cho những người không phải công dân Hungary ở Hungary mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Hungary hay không?” Bất chấp sự phổ biến của chúng, các cuộc trưng cầu dân ý không phải lúc nào cũng là một ý tưởng tốt. Tại sao?

Những người ủng hộ dân chủ trực tiếp cho rằng trưng cầu dân ý mang lại một cách thu hút cử tri. Sự ủng hộ dành cho các đảng chủ lưu đã chao đảo tại các nước giàu. Trưng cầu dân ý về các vấn đề khác nhau có thể giúp người dân quan tâm đến chính trị. Khi được tổ chức thường xuyên, như ở Thụy Sĩ, nó cũng có thể phục vụ mục đích giáo dục cử tri; mỗi lần người dân Thụy Sĩ đến điểm bỏ phiếu họ đều nhận được một cuốn sách nhỏ trình bày chi tiết vấn đề, đầy đủ biểu đồ và sơ đồ.

Khi người Ireland bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu về việc có nên chấp thuận hôn nhân đồng giới hồi năm ngoái, 61% dân số đã đi bỏ phiếu, với hàng trăm người Ireland trẻ đang sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn còn tên trên danh sách cử tri đã đặt máy bay về tham gia. Cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland về việc có nên độc lập khỏi Vương quốc Anh cũng chứng kiến những người trẻ, thường không thích thú với chính trị, tham gia một cách nhiệt tình.

Nhưng các cuộc trưng cầu dân ý đang ngày càng được sử dụng như một công cụ chính trị nhiều phiền nhiễu. Một số, bao gồm cuộc trưng cầu ở Hungary, được kêu gọi để thách thức hoặc phá hoại chính sách EU. Năm ngoái, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi một cuộc trưng cầu được thông báo trước chỉ tám ngày về những điều kiện giải cứu Hy Lạp.

Ở những nơi khác, các nhóm đấu tranh cho một vấn đề nào đó theo chủ nghĩa dân túy đang sử dụng trưng cầu dân ý như một cách thách thức các điều ước của EU: hồi tháng 4 một cuộc trưng cầu được tổ chức ở Hà Lan về thỏa thuận thương mại của EU với Ukraina, dù Hà Lan sẽ không phải chịu nhiều ảnh hưởng từ thỏa thuận này bằng bất cứ cách nào.

Cuộc trưng cầu của Thủ tướng Anh Cameron một phần là do áp lực từ phe hoài nghi châu Âu trong chính Đảng Bảo thủ của ông, vốn lo lắng trước sự trỗi dậy của Đảng Độc lập Anh (UKIP, một đảng dân túy cánh hữu muốn Anh rời khỏi EU). Các cuộc trưng cầu cũng có thể được sử dụng bởi các chính trị gia muốn tránh đưa ra những quyết định khó khăn vốn có thể không nhận được sự ủng hộ trong đảng của họ.

Ví dụ, chính phủ bảo thủ của Úc đang nêu vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, bất chấp sự ủng hộ rộng rãi dành cho biện pháp này. Đây là một cách tốn kém để thúc đẩy việc thông qua cải cách: công ty tư vấn PwC ước tính cuộc trưng cầu sẽ tốn đến 525 triệu AUD (380 triệu USD), trong đó bao gồm 158 triệu USD để tiến hành cuộc bỏ phiếu và 66 triệu USD cho cuộc vận động.

Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu về Dân chủ Trực tiếp, một viện chính sách ở Thụy Sĩ, tỷ lệ cử tri đi bầu trong các cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc đã giảm từ 75% trong đầu những năm 1990 xuống còn 43% trong một vài năm qua. Nếu các chính trị gia chủ lưu tiếp tục kêu gọi trưng cầu dân ý cốt để tỏ ra dân chủ – mà vẫn không thể thực hiện những lời hứa của họ (như ông Tsipras) – thì cử tri sẽ trở nên thờ ơ hơn. Điều đó cũng đúng nếu họ bị các nhóm ngoài lề hoặc các chính trị gia dân túy khai thác. Thay vì thúc đẩy sự tham gia của cử tri, bệnh bùng phát các cuộc trưng cầu dân ý như hiện nay có thể sẽ có tác dụng ngược lại.

Xem thêm:

Mặt trái của trò chơi ‘trưng cầu dân ý’

0