Tại sao các hãng hàng không ngừng bay tới Venezuela?
Nguồn: “Why airlines are abandoning Venezuela“, The Economist , 07/06/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Trong những năm 1970, trữ lượng dầu mỏ của Venezuela đã thu hút các du khách là thương nhân từ khắp nơi trên thế giới. Một chiếc Concorde của ...
Nguồn: “Why airlines are abandoning Venezuela“, The Economist, 07/06/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong những năm 1970, trữ lượng dầu mỏ của Venezuela đã thu hút các du khách là thương nhân từ khắp nơi trên thế giới. Một chiếc Concorde của Air France đã từng bay giữa Paris và Caracas một lần một tuần. Nhưng đối với các hãng hàng không, cuộc bùng nổ siêu thanh đã nhường chỗ cho một sự đổ vỡ gây thất vọng. Vào ngày 28/5, Lufthansa thông báo đã đình chỉ đường bay ba chuyến một tuần từ Frankfurt đến Caracas kể từ ngày 18/6. Hai ngày sau đó LATAM, tập đoàn hàng không lớn nhất Mỹ Latinh, tuyên bố sẽ cắt tất cả các đường bay đến quốc gia này sau ngày 1/8. Trong những năm gần đây, Air Canada, American Airlines, Alitalia và Gol đều đã giảm hoặc đình chỉ các chuyến bay của họ tới Venezuela. Tại sao lại có nhiều hãng hàng không gạch tên quốc gia này khỏi lịch trình của họ như vậy?
Một sự sụt giảm mạnh của giá dầu, cộng thêm nhiều năm quản lý yếu kém của Hugo Chavez và người kế nhiệm ông, Nicolás Maduro, đã để lại một nền kinh tế Venezuela tả tơi. Năm nay, IMF dự báo GDP của nước này sẽ giảm 8% và lạm phát tăng lên khoảng 500%. Tình trạng thiếu hụt lương thực và thuốc men, bị làm cho trầm trọng thêm bởi cướp bóc tràn lan, khiến cho cuộc sống hàng ngày trở nên khốn khổ. Để đối phó với tình trạng xã hội ngày càng bất ổn, chính phủ đã đàn áp các cuộc biểu tình của công chúng và phe đối lập chính trị. Luis Almagro, Tổng thư ký của Tổ chức các nước châu Mỹ, đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tháng này để thảo luận việc liệu chính phủ của ông Maduro có vi phạm các nguyên tắc dân chủ được quy định trong hiến chương của tổ chức này hay không. Ông Maduro đã cáu kỉnh nói với ông rằng hãy “nhét chúng tôi vào bất cứ nơi nào phù hợp”.
Tuyệt vọng tìm cách ngăn chặn vỡ nợ quốc gia, điều sẽ cắt đứt tín dụng cho ngành công nghiệp dầu đang ốm yếu, chính phủ đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ được ông Chavez đưa ra hồi năm 2003. Các hạn chế khiến cho các công ty hầu như không thể chuyển đổi đồng bolívares bản địa sang đồng đô la Mỹ. Bởi các hãng hàng không thường tính phí khách hàng bằng đồng nội tệ, điều này đã gây khó khăn cho các hãng đó trong việc chuyển lợi nhuận của họ về nước. Lufthansa đã xóa hơn 100 triệu USD mà hãng này bị nợ; còn LATAM nói rằng con số đó của họ là 3 triệu USD. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cơ quan thương mại của các hãng hàng không, ước tính rằng chính phủ Venezuela đang chiếm giữ 3,8 tỷ USD doanh thu hàng không.
Dẫu sao đi nữa, nhu cầu đối với các chuyến bay đến Venezuela cũng đã giảm trong những năm gần đây khi ngày càng có ít du khách là thương nhân đến thăm đất nước này. LATAM nói rằng các chuyến bay đến Caracas chỉ chiếm chưa đầy 1% hoạt động của họ. Sân bay Caracas thường xuyên trống không. Nhưng sự ra đi của các hãng hàng không là một cú đánh mang tính biểu tượng đối với chính phủ nước này và làm trầm trọng thêm sự biệt lập của Venezuela đối với phần còn lại của thế giới. Chỉ một số ít các hãng hàng không nước ngoài vẫn còn hoạt động tại đây. Air France, United Airlines và Iberia đều cho biết rằng họ sẽ duy trì các chuyến bay của họ trong thời điểm hiện tại. Nhưng có thể chẳng bao lâu nữa chính họ cũng sẽ bay đi.
Xem thêm:
Nguồn gốc thảm họa kinh tế của Venezuela