Tại sao nhiều cử tri Mỹ không tin tưởng bà Clinton?
Nguồn: “Why the Clinton Foundation is so controversial“, The Economist , 07/02/2016. Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân Một trong những vấn đề chính của bà Hillary Clinton trong quá trình tìm cách trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là sự thiếu tin tưởng của cử tri ...
Nguồn: “Why the Clinton Foundation is so controversial“, The Economist, 07/02/2016.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Một trong những vấn đề chính của bà Hillary Clinton trong quá trình tìm cách trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ là sự thiếu tin tưởng của cử tri vào bà. Một cuộc thăm dò của The Economist / YouGov hồi tháng 12 cho thấy 53% số người được hỏi xem bà là không trung thực và không đáng tin cậy. Chỉ Donald Trump là ứng cử viên tổng thống khác có hơn 50% số người được khảo sát xem là không trung thực và không đáng tin cậy. Trong khi đó, đối thủ chính của bà Clinton, Bernie Sanders, được 41% số người trả lời coi là trung thực và đáng tin cậy. Đây là tỉ lệ cao nhất mà bất kỳ ứng cử viên chính nào đạt được, và chỉ có 27% số người trả lời nói rằng họ không tin tưởng ông. Đặc biệt, các cử tri trẻ tuổi có xu hướng không tin tưởng bà Clinton và tin vào tất cả mọi thứ ông Sanders, một thượng nghị sĩ đến từ bang Vermont, nói với họ.
Quỹ Clinton là một trong những lý do tại sao các cử tri đã có một quan điểm tiêu cực như vậy về sự liêm chính của bà Clinton. Được thành lập vào năm 1997, đây là một quỹ từ thiện nhằm hỗ trợ nhiều sáng kiến từ thiện khác nhau, từ phát triển kinh tế ở các vùng nghèo khó của thế giới, tới chống biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống của phụ nữ và trẻ em gái, hay cung cấp thuốc men cho những người nhiễm HIV. Đây đều là những mục tiêu rất đáng khen ngợi và quỹ từ thiện này đã giành được nhiều giải thưởng vì những công việc ấn tượng này.
Vấn đề là một quỹ được dẫn dắt bởi một cựu tổng thống và một người được hy vọng sẽ được bầu làm tổng thống vào cuối năm nay có thể là đối tượng gặp phải các xung đột lợi ích. Một trong những nguyên nhân khiến Quỹ Clinton trở thành một cỗ máy gây quỹ đáng gờm như vậy là vì các nhà tài trợ dường như hy vọng có thể tiếp cận được các hành lang quyền lực chính trị thông qua những khoản đóng góp của họ.
Theo một cuộc điều tra của tờ The Washington Post, trong 15 năm qua, Quỹ Clinton đã quyên được một số tiền đáng kinh ngạc, lên gần 2 tỷ USD, từ những công ty lớn, các chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ chính trị và các tổ chức giàu có khác. Nhiều người trong số các nhà tài trợ có nhiều ý đồ khác ngoài mong muốn làm việc thiện của họ. Theo The Washington Post, gần một nửa các nhà tài trợ chính là những người đang ủng hộ chiến dịch “Ready for Hillary” (Tạm dịch: “Sẵn sàng bỏ phiếu cho Hillary”), một nhóm vận động hỗ trợ cuộc đua giành chức tổng thống của bà Clinton trong năm nay, cũng như gần một nửa trong số những người gây quỹ vốn ủng hộ và đóng góp cho kinh phí tranh cử của bà hồi năm 2008, đã đóng góp ít nhất 10.000 USD cho Quỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức và các công ty. Đóng góp từ các ngân hàng và tổ chức tài chính khác chiếm phần lớn nhất trong danh sách các doanh nghiệp hảo tâm của Quỹ này. Có lẽ các nhà tài trợ gây tranh cãi nhất của Quỹ chính là các chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài khác, chẳng hạn như các chính phủ Oman và Kuwait, vốn theo luật định không được phép đóng góp bất cứ khoản tài trợ nào cho các chính trị gia Mỹ đang tranh cử.
Tại cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Dân chủ vào ngày 4 tháng 2, bà Clinton đã có một cuộc trao đổi rất nóng với ông Sanders, người nói với bà rằng là một phần của giới cầm quyền chính thống có nghĩa là bà Clinton có một “siêu Ủy ban Hành động Chính trị” , tức các tổ chức gây quỹ phục vụ chiến dịch tranh cử, qua đó đã quyên được 15 triệu USD từ Phố Wall, và nhận được rất nhiều tiền từ các công ty dược và các nhóm lợi ích đặc biệt khác. (Ông Sanders không có một siêu Ủy ban như vậy.) Bà Clinton đã mất bình tĩnh, cáo buộc đối thủ của mình đã “bôi nhọ một cách tinh vi” cũng như đã đưa ra các cáo buộc liên tục thông qua sự ám thị và ẩn ý. Bà khăng khăng phủ nhận đã từng bị mua chuộc bởi các nhà tài trợ chính trị. Tuy nhiên, bằng cách trở nên gần gũi với những người khổng lồ Phố Wall vốn ủng hộ quỹ từ thiện của gia đình cũng như những tham vọng chính trị của bà, bà Clinton đã để mình trở thành đối tượng của những chỉ trích như vậy.
Câu chuyện đang diễn ra liên quan đến việc bà sử dụng tài khoản e-mail cá nhân cho công việc trong thời gian bà làm ngoại trưởng bổ sung thêm một nguyên nhân khác vào ấn tượng của một số người về sự không đáng tin cậy của bà. Thật ra Quỹ Clinton lẽ ra đã đễ dàng đình chỉ các hoạt động gây quỹ của mình trong thời gian bà tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống. Và nó sẽ làm bớt đi một lý do khiến các cử tri không tin tưởng ở bà.