Tại sao các băng nhóm yakuza không bị coi là phạm pháp?
Nguồn : “Why the yakuza are not illegal”, The Economist , 29/09/2015. Biên dịch : Đặng Tấn Phước | Hiệu đính : Phạm Trang Nhung Người ta ước tính rằng Yamaguchi-Gumi, một trong những băng đảng lớn và hung ác nhất thế giới, kiếm được hơn 6 tỷ USD một năm từ ma túy, bảo kê, ...
Nguồn: “Why the yakuza are not illegal”, The Economist, 29/09/2015.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung
Người ta ước tính rằng Yamaguchi-Gumi, một trong những băng đảng lớn và hung ác nhất thế giới, kiếm được hơn 6 tỷ USD một năm từ ma túy, bảo kê, cho vay nặng lãi, bất động sản, và thậm chí từ sàn chứng khoán Nhật Bản. Năm nay, khi tổ chức này tròn 100 tuổi, hơn 2.000 trong số 23.400 thành viên đã tách khỏi băng. Điều này khiến cho lực lượng cảnh sát lo lắng về các hệ lụy có thể xảy ra. Giữa thập kỷ 1980, một cuộc chiến giữa các băng nhóm kình địch đã cướp đi mạng sống của hơn hai chục người. Vậy mà việc là thành viên của yakuza – tên gọi các tập đoàn tội phạm của Nhật Bản – về cơ bản lại không phải hành vi phạm pháp.
Chỉ cần một quyển danh bạ là có thể tìm thấy nơi đóng trụ sở của các tập đoàn tội phạm này. Băng xã hội đen giàu nhất Tokyo có văn phòng ẩn sau khu mua sắm Ginza hoa lệ. Bảng tên bằng đồng trên cửa giúp ta dễ dàng nhận ra Symiyoshi-kai, một tổ chức tội phạm lớn khác. Tất cả các thành viên chính thức của băng đều mang danh thiếp và đăng ký với cảnh sát. Một số còn có tiết kiệm hưu trí.
Yakuza xuất phát từ những người bán rong và đánh bạc vì không thích nghi được trong thời kỳ nhà Edo (từ 1604 đến 1868) mà đã lập nên các băng nhóm tội phạm. Trong thời kỳ hiện đại hóa nhanh chóng của Nhật Bản, họ đã tiến sâu vào nền kinh tế. Sau Thế chiến II họ cực kì có quyền lực ở các chợ đen. Thế lực của họ đạt đến đỉnh điểm vào thập niên 60 của thế kỷ 20 với 184.000 thành viên. Thời kỳ đỉnh cao, họ có quan hệ vững chắc với các chính trị gia bảo thủ và được Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đảng chính trị lớn nhất của Nhật Bản thời hậu chiến, sử dụng để phá hoại các nghiệp đoàn và các cuộc biểu tình cánh tả. Những mối liên hệ đó có thể vẫn chưa biến mất hoàn toàn.
Quá khứ đó có thể phần nào giải thích tại sao các băng đảng không thật sự bị đưa ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng một phần dưới áp lực từ Mỹ, nước muốn Nhật Bản phải kiềm chế tội phạm tài chính, các băng đảng đang được đưa vào vòng kiểm soát. Các qui định nhằm loại trừ yakuza được áp dụng từ ba năm trước đã cấm việc các công ty cố ý giao dịch kinh doanh với xã hội đen. Các doanh nghiệp từ ngân hàng cho tới các hàng tạp hóa nhỏ giờ bị buộc phải xác nhận rằng khách hàng không có liên hệ với tội phạm có tổ chức. Dân xã hội đen lộ mặt không được phép mở tài khoản ngân hàng.
Tuy vậy, không có kế hoạch nào để quy các băng đảng là phạm pháp. Theo Hiroki Allen, một cố vấn an ninh và tài chính nghiên cứu về yakuza, cảnh sát tin rằng đều này sẽ đẩy các tên tội phạm đi vào hoạt động ngầm. Ít nhất thì hiện tại họ được quản lý và chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Người ta từng biết dân xã hội đen tự nộp mình bằng cách đi vào các đồn cảnh sát. “Nếu một thành viên làm gì đó xấu xa bạn có thể triệu tập ông trùm và triệt hạ cả băng”, ông nói.
Kết luận là về cơ bản yakuza vẫn hoạt đông công khai theo cách mà ta không thể tưởng tượng được ở Mỹ hay Châu Âu. Các tạp chí thần tượng, truyện tranh và phim ảnh đánh bóng họ. Ông trùm các băng nhóm lớn cũng gần như là người nổi tiếng. Dù số thành viên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 53.500 người, nhưng theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, “công việc tay chân” (sử dụng vũ lực – NBT) được chuyển giao cho những “lao động tự do” không có tiền án, tiền sự. Một nhóm nòng cốt xã hội đen cứng cựa hơn đã chuyển từ các ngành béo bở truyền thống của dân du côn sang các loại tội phạm tài chính có lẽ khó phát hiện hơn.
Yakuza cũng tham gia vào việc dọn dẹp rác thải hạt nhân ở Fukushima và người ta cho là họ tìm cách kiếm chác từ những công trình xây dựng và giải trí trước kỳ Olympics Tokyo năm 2020. Miễn là các cuộc ly khai băng nhóm gần đây không làm bạo lực lan ra đường phố thì sẽ không ai mong đợi yazuka thật sự bị ngăn cản. Nhật Bản có vẻ thích tội phạm có tổ chức hơn là vô tổ chức.