Tại sao EU đang đau đầu vì Ba Lan?
Nguồn: “Why is Poland’s government worrying the EU?”, The Economist , 12/01/2016. Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân Ba Lan đang khiến cho châu Âu đau đầu. Kể từ khi Đảng Công lý và Pháp luật (viết tắt là PiS trong tiếng Ba Lan) có xu hướng bảo thủ về mặt xã hội và có ...
Nguồn: “Why is Poland’s government worrying the EU?”, The Economist, 12/01/2016.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Ba Lan đang khiến cho châu Âu đau đầu. Kể từ khi Đảng Công lý và Pháp luật (viết tắt là PiS trong tiếng Ba Lan) có xu hướng bảo thủ về mặt xã hội và có phần bài châu Âu giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 25 tháng 10, nước này đã không còn là gương mặt tiêu biểu của hội nhập châu Âu nữa mà trở thành một “đứa con hư” của tổ chức này. Chính phủ mới đã bất chấp các cảnh báo của Liên minh châu Âu, thông qua các đạo luật mà các nhà phê bình coi là đã làm suy yếu cơ chế kiểm soát và cân bằng của hiến pháp cũng như tự do báo chí. Những nhà chính trị theo hướng trung dung và tự do cảnh báo về khả năng “Orban hóa” vì sợ rằng Ba Lan đang đi theo con đường phi tự do của Viktor Orban, Thủ tướng Hungary.
Nếu EU có thể chịu đựng được sự phá lệ của Hungary thì tại sao nó lại lo ngại về Ba Lan đến vậy?
Chủ yếu là vì Ba Lan quan trọng hơn: nước này là nền kinh tế lớn thứ sáu của EU và lớn nhất trong số các nước cựu cộng sản gia nhập khối này vào năm 2004. Ba Lan là một “quốc gia tiền tuyến” với đường biên giới với Nga và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Bảy tới. EU cũng cần sự giúp đỡ của Ba Lan về mặt chống biến đổi khí hậu (vì nước này là một nhà sản xuất than lớn).
Các chỉ trích thực sự hợp lý tới đâu?
PiS là đảng đầu tiên cai trị Ba Lan một mình kể từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Chiến thắng của đảng này chủ yếu là nhờ sự chán nản của người dân với chính phủ tiền nhiệm, một liên minh do đảng Nền tảng Công dân (PO) trung dung dẫn đầu vốn đã nắm quyền từ năm 2007. Nhưng PiS chiến thắng với hứa hẹn thay đổi vừa phải, không phải tiến hành một cuộc cách mạng, và đảng này gắn với nhân vật gây tranh cãi nhất: chủ tịch đảng Jaroslaw Kaczynski.
Kể từ sau bầu cử, ông Kaczynski là trung tâm của mọi sự chú ý khi bổ nhiệm các đồng minh chủ chốt của mình vào các chức vụ quan trọng nhất. Beata Szydlo, chính trị gia ôn hòa nhưng ít ảnh hưởng và là Thủ tướng trên danh nghĩa, đã bị gạt ra bên lề. Mục tiêu của ông Kaczynski để hoàn thành những gì ông cho là còn dang dở từ cuộc cách mạng năm 1989, quét sạch tham nhũng và ảnh hưởng của các đảng viên cộng sản cũ. Ông theo đuổi các mục tiêu này với tốc độ chóng mặt, với các cuộc đột kích và mệnh lệnh đưa ra lúc đêm khuya (bao gồm cả một cuộc đột kích vào một trường đào tạo điệp viên liên kết với NATO).
PiS đã sử dụng lợi thế đa số trong Quốc hội để thông qua những thay đổi trong các thể chế được cho là trung lập như các cơ quan an ninh, tòa án hiến pháp, các cơ quan hành chính, và gần đây nhất, là các cơ quan phát thanh truyền hình. Điều đó đe dọa làm suy yếu các thể chế mà Ba Lan đã xây dựng trong suốt 25 qua năm. Ông Kaczynski cũng cho thấy đã làm ngơ những quan ngại của giới kinh doanh, đưa ra một chính sách ngoại giao chống Đức bất thường, và sử dụng lối nói gây sốc về người di cư, khi nói rằng họ mang theo “các loại bệnh tật khác nhau.”
EU có thể làm gì?
Một số quan chức EU muốn Ba Lan phải được giám sát bằng cách sử dụng một cơ chế bảo vệ pháp quyền được thông qua bởi Liên minh châu Âu trong năm 2014. Trong trường hợp xấu nhất, quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong EU có thể bị đình chỉ, căn cứ vào Điều 7 của Hiệp ước Liên minh châu Âu, trong đó đề cập đến “sự vi phạm nghiêm trọng và dai dẳng” chống lại các giá trị của EU. Nếu xảy ra, đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử của EU.
Các thủ tục này sẽ kéo dài và có thể bị chặn bởi các nước EU khác. Hơn nữa, những lời chỉ trích từ bên ngoài có thể phản tác dụng. Người Ba Lan nhìn chung là ủng hộ châu Âu, nhưng một số bất mãn khi bị Brussels yêu cầu làm điều này điều nọ. Cũng giống như người đồng cấp ở Hungary là Orban, ông Kaczynski cũng có thể lợi dụng tình thế này, khắc họa Ba Lan như một pháo đài bị bao vây. Khi đó, người đắc lợi lớn từ sự cô lập của Ba Lan sẽ là Vladimir Putin.
Hình: Ông Jaroslaw Kaczynski và Thủ tướng Beata Szydlo.