Saudi Arabia quy định trang phục phụ nữ như thế nào?
Nguồn: “Saudi Arabia’s dress code for women“, The Economist, 28/01/2015. Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân Các nhà bình luận, chủ yếu không phải là người Saudi, đã bình luận ồn ào khi bà Michelle Obama, đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, có mặt tại Saudi Arabia vào ngày ...
Nguồn: “Saudi Arabia’s dress code for women“, The Economist, 28/01/2015.
Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân
Các nhà bình luận, chủ yếu không phải là người Saudi, đã bình luận ồn ào khi bà Michelle Obama, đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, có mặt tại Saudi Arabia vào ngày 27 tháng Giêng trong một bộ quần áo rộng với màu sắc sặc sỡ và không mang khăn trùm đầu. Vương quốc giàu dầu mỏ này nổi tiếng với những phụ nữ mặc các bộ áo choàng dài màu đen được gọi là abaya, thường kết hợp với hijab (khăn trùm đầu) hay niqab (khăn trùm chỉ hở mắt), hoặc một bộ burqa (bộ đồ trùm từ đầu đến chân, chỉ hở đôi mắt). Vậy phụ nữ Saudi và nước ngoài thực sự nên ăn mặc như thế nào ở Saudi Arabia?
Chìa khóa để hiểu được trang phục của người Saudi chính là lịch sử của đất nước. Khi quốc gia hiện đại này được thành lập vào năm 1932, nó được dựa trên một thỏa ước thế kỷ 18 giữa vương triều nhà Al Saud và một nhóm các giáo sĩ mộ đạo, những người tuân theo một phiên bản hà khắc của Hồi giáo, gọi là chủ nghĩa Wahhab (đặt tên theo người sáng lập là Muhammad Ibn Abd al-Wahhab). Kể từ đó, các luật tục của Saudi Arabia đã được dựa trên phiên bản Sharia (tức luật Hồi giáo) nghiêm ngặt của tín ngưỡng này, vốn trong thực tế kết hợp nhiều phong tục của cư dân sa mạc vào đạo Hồi. Việc mặc áo quần trùm kín của phụ nữ được coi là một trong những phong tục ấy. Nhưng ngày nay nó được cưỡng chế thực thi bởi cảnh sát tôn giáo và các tình nguyện viên.
Trong khi tất cả các phiên bản của Hồi giáo ở nơi khác chỉ yêu cầu phụ nữ nên ăn mặc giản dị, thường phải che tóc và cơ thể của mình, thì Saudi Arabia là một trong hai quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số áp đặt một quy định pháp lý về cách ăn mặc (Iran là quốc gia còn lại). Phụ nữ, người nước ngoài cũng như bản địa, phải mặc một chiếc abaya (một vài người có thể được chấp nhận mặc áo khoác dài) ở những nơi công cộng. Phụ nữ Hồi giáo (thường đồng nghĩa là phụ nữ Saudi) cần đeo khăn trùm đầu; trong khi người nước ngoài thì không cần. Họ cũng không buộc phải che mặt trước sự thất vọng của một số người bảo thủ.
Cũng có những sự khác biệt và không rõ ràng. Vùng Jeddah ở bờ biển phía tây khá thoải mái hơn so với Riyadh, với những bộ abaya thường có màu sáng hoặc được để hở cho thấy các lớp quần áo bên dưới. Khi ở nhà với người thân, hoặc trong các khu vực chỉ toàn nữ, phụ nữ có thể cởi bỏ lớp đồ bên ngoài. Tại một số khu vực bên bờ Biển Đỏ sang trọng, họ còn được mặc bikini. Dù nhiều phụ nữ thường đi vệ sinh trên máy bay ngay trước khi hạ cánh, việc không mặc kín từ đầu tới chân cũng được chấp nhận trong khu vực sân bay.
Các luật lệ nghiêm khắc về trang phục không có nghĩa là không có chỗ cho sự biểu hiện cá nhân hay thời trang. Abaya có nhiều kiểu, màu sắc, phong cách và các loại vải khác nhau, từ màu đen tuyền tới những bộ có hình nhân vật hoạt hình trên lưng, và từ vải bông đến ren hoặc được xếp nếp, phù hợp khi đi chơi buổi tối. Hầu hết phụ nữ có một tủ quần áo gồm nhiều lựa chọn; và các cửa hàng bán abaya thì rất nhiều. Hơn nữa, phụ nữ có thể mang bất cứ đôi giày nào mà họ thích, từ giày thể thao đến giày hiệu Jimmy Choos. Việc kinh doanh phụ kiện đang bùng nổ ở Saudi Arabia khi túi xách, kính mát và đồ trang sức trở thành biểu hiện của gu thời trang. Một số phụ nữ cũng trang điểm đậm.
Tuy nhiên cũng có những xu hướng ngược lại. Như với các quy định khác tại vương quốc này, nhiều người trẻ đang tìm cách đi vòng qua chúng. Nhưng một cuộc khảo sát hồi tháng 1 năm 2014 cho thấy thái độ bảo thủ vẫn còn phổ biến trong người dân: mặc dù một nửa số người tham gia khảo sát nói phụ nữ nên được tự do lựa chọn những gì họ muốn mặc, nhưng hai phần ba trong số đó cho rằng phụ nữ nên mặc niqab và 11% nói nên mặc burqa – những trang phục còn kín đáo hơn cả quy định được áp dụng hiện nay.