Tại sao người ta lại gõ vào gỗ để lấy may?
Nguồn: “Why do people knock on wood for luck“, History , 29/8/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Trong nhiều nền văn hóa, người dân duy trì một tập tục mê tín phổ biến là gõ khớp ngón tay của mình lên một mảnh gỗ để lấy may hay tránh xui xẻo. Tuy ...
Nguồn: “Why do people knock on wood for luck“, History, 29/8/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong nhiều nền văn hóa, người dân duy trì một tập tục mê tín phổ biến là gõ khớp ngón tay của mình lên một mảnh gỗ để lấy may hay tránh xui xẻo. Tuy nhiên, mặc dù cụm từ “gõ lên gỗ” (knock on wood) – hoặc “chạm vào gỗ” (touch wood) ở Anh – đã trở thành một phần của ngôn ngữ bản xứ kể từ ít nhất thế kỷ 19, có vẻ như rất ít người có cùng quan điểm về nguồn gốc của tập tục này.
Một giả thuyết phổ biến giải thích rằng hiện tượng này có nguồn gốc từ các nền văn hóa ngoại giáo cổ xưa như của người Celt, khi họ tin rằng các linh hồn và các vị thần cư ngụ trong cây. Gõ vào thân cây có thể giúp đánh thức các linh hồn và cầu xin sự bảo vệ của họ, nhưng nó cũng có thể là một cách để thể hiện lòng biết ơn đối với một điều may mắn bất ngờ.
Tuy nhiên, một giả thuyết khác thì cho rằng người ta gõ vào gỗ là để xua đuổi các linh hồn tà ma hoặc ngăn cản chúng lắng nghe trong khi người ta đang khoe khoang về vận may của mình, từ đó ngăn ngừa sự đảo ngược vận may. Trong khi đó, những người Kitô hữu lại thường xuyên liên hệ hành động này với gỗ trên cây thánh giá mà Chúa Jesus bị đóng đinh.
Các nhà nghiên cứu khác coi việc gõ lên gỗ là một hiện tượng có lịch sử gần đây hơn. Trong cuốn sách “The Lore of the Playground”, nhà nghiên cứu truyền thống dân gian người Anh Steve Roud đã chỉ ra nguồn gốc của hành động này từ một trò chơi của trẻ em thế kỷ 19 gọi là “Tiggy Touchwood”, một loại trò chơi đuổi bắt trong đó người chơi sẽ được miễn khỏi việc bị bắt bất cứ khi nào họ chạm vào một mảnh gỗ như là một cánh cửa hay một cái cây. “Vì trò chơi này liên quan đến việc ‘bảo vệ’, và được biết đến rộng rãi với người lớn cũng như trẻ em, gần như chắc chắn nó là nguồn gốc của hành động mê tín ngày nay của chúng ta, tức là, ‘chạm vào gỗ'”, ông lập luận. “Lập luận rằng hành động này có nguồn gốc từ việc chúng ta tin vào những linh hồn sống trên cây là hoàn toàn vô lý.”
Trong khi nguồn gốc của việc “gõ lên gỗ” có thể chưa bao giờ được biết đến một cách chắc chắn, hành động mê tín này vẫn còn phổ biến trên toàn cầu và thậm chí đã tạo ra một số biến thể tại nhiều khu vực. Người Thổ Nhĩ Kỳ thường kéo một bên thùy tai và gõ vào gỗ hai lần để đẩy lùi một lời nguyền. Trong khi đó, người Italia lại nói cụm từ “chạm vào sắt” khi muốn tránh vận đen.