22/06/2018, 09:21

Tại sao Úc chia rẽ trước trưng cầu về hôn nhân đồng tính?

Nguồn: “Why a planned vote on gay marriage has divided Australia“, The Economist , 11/102016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã công bố hồi tháng 9 vừa qua rằng chính phủ Liên đảng Tự do – Quốc gia phe bảo thủ của ...

79-why-a-planned-vote-on-gay-marriage-has-divided-australia

Nguồn: “Why a planned vote on gay marriage has divided Australia“, The Economist, 11/102016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã công bố hồi tháng 9 vừa qua rằng chính phủ Liên đảng Tự do – Quốc gia phe bảo thủ của ông sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu vào ngày 11/02/2017 để lấy ý kiến về việc “Liệu luật pháp có nên được thay đổi để cho phép các cặp đồng tính kết hôn hay không?” Chính phủ đã lập kế hoạch cho một cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị ràng buộc (non-binding referendum), hay còn gọi là bỏ phiếu toàn dân (plebiscite), thuật ngữ được dùng cho hoạt động này tại Australia. Nếu được thông qua bởi cuộc trưng cầu, ông cam kết rằng quốc hội liên bang sẽ sửa đổi Luật Hôn nhân để cho phép người đồng tính kết hôn với nhau. Australia là một trong số ít các nước giàu vẫn cấm hôn nhân đồng tính. Nhưng tranh cãi chính trị đã ngăn cản sự thay đổi này: nhiều người ủng hộ hôn nhân đồng tính và nhiều chính trị gia muốn quốc hội đưa ra quyết định mà không cần tổ chức bỏ phiếu toàn dân. Sau khi quốc hội nhóm họp lại sau một kì nghỉ ngắn vào tuần này, kế hoạch trưng cầu dân ý sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trật hướng. Vì sao lại như vậy?

Mặc dù gần hai phần ba người dân Australia muốn hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa và chỉ 6% là chưa quyết định, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có 39% người Australia chấp thuận việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Các lập luận chống lại cuộc bỏ phiếu chủ yếu là do chi phí của hoạt động này (170 triệu đô la Australia, tức 129 triệu đô la Mỹ) và nguy cơ của nó trong việc mở ra thành kiến chống lại người đồng tính.

Australia mới chỉ tổ chức ba cuộc bỏ phiếu toàn dân để lấy ý kiến dư luận, hai trong số đó đã thất bại. Quốc hội không bị ràng buộc phải tuân theo kết quả của trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, Warren Entsch, một nghị sĩ của Đảng Tự do từ bang Queensland, và một người ủng hộ nổi tiếng đối với việc thay đổi Luật Hôn nhân, cho rằng “90% hoặc nhiều hơn” các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền sẽ bỏ phiếu để thay đổi luật sau khi đã được thông qua ở cuộc bỏ phiếu toàn dân. Những người khác nghĩ điều này có thể đang được phóng đại, và rằng nhiều nghị sĩ chỉ đơn giản là sẽ bỏ qua kết quả này. George Williams, một luật sư hiến pháp, cho rằng việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu toàn dân là đã “tự buộc vấn đề vào thế khó khăn”.

Luật Hôn nhân không đưa ra định nghĩa về hôn nhân khi nó được ban hành cách đây 55 năm; mục đích chính của nó là để chuyển các quy định về hôn nhân từ các tiểu bang của Úc sang sự kiểm soát của liên bang. John Howard, cựu Thủ tướng của Đảng Tự do, và một thủ lĩnh của phe bảo thủ trong đảng của ông, đã sửa đổi đạo luật này vào năm 2004 để định nghĩa hôn nhân là “sự kết hợp duy nhất giữa một người nam và một người nữ”. Howard đã không đưa thay đổi này ra bỏ phiếu công khai. Định nghĩa của hôn nhân, ông nhấn mạnh, “rốt cuộc nên được đặt vào tay của quốc hội quốc gia”. Không những không giải quyết vấn đề, Howard còn để lại sự bất hòa chính trị cho đảng của mình.

Tony Abbott, thủ tướng kế nhiệm của Đảng Tự do, đã ủng hộ quy định cấm kết hôn đồng tính. Ông đã chấp thuận kế hoạch tổ chức bỏ phiếu toàn dân này vào năm ngoái như là một sự thỏa hiệp đối với những bên bất đồng về vấn đề này trong chính phủ liên minh. Các nhà phê bình thì nhìn nhận hành động này giống như một thủ đoạn chính trị để trì hoãn sự thay đổi. Ông Turnbull, người đã giành ghế thủ lĩnh Đảng Tự do và chức thủ tướng từ ông Abbott cách đây 13 tháng, đã từng ủng hộ việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Kể từ đó ông đã cắt giảm thiên hướng tiến bộ của mình theo hướng chính sách mà ông thừa hưởng từ ông Abbott, mặc dù ông nói rằng ông và vợ ông, Lucy, sẽ bỏ phiếu thuận.

Trong một cuộc bầu cử toàn quốc hồi cuối tháng Bảy, Đảng Lao động đối lập đã hứa sẽ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trong vòng 100 ngày nếu giành chiến thắng. Đảng Lao động nắm quyền quyết định liệu đạo luật về tổ chức cuộc bỏ phiếu toàn dân có được thông qua bởi Thượng viện hay không, bởi chính phủ không nắm đa số ở Thượng viện.

Hiện tại, nhiều nghị sĩ độc lập và thành viên của các đảng nhỏ trong Thượng viện đã tuyên bố họ sẽ bỏ phiếu chống lại nó. Bill Shorten, thủ lĩnh Đảng Lao động, cho biết một cuộc bỏ phiếu toàn dân sẽ biểu thị một sự “thất bại cơ bản của quốc hội trong việc thực hiện công việc của mình”. Penny Wong, Bộ trưởng bóng (shadow minister) của đảng đối lập phụ trách đối ngoại, và là một người đồng tính công khai, nhận thấy “bằng chứng đáng thất vọng” rằng “những tranh luận gây tổn thương” chống lại hôn nhân đồng tính sẽ nổi lên trong chiến dịch bỏ phiếu toàn dân. Vào ngày 11/10, các nghị sĩ Đảng Lao động cũng đã quyết định rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại đạo luật về tổ chức trưng cầu dân ý.

Nếu không có một thỏa hiệp vốn ít khả năng xảy ra với chính phủ, điều này sẽ giết chết cuộc bỏ phiếu toàn dân. Đảng Lao động vẫn đang gây áp lực để thực hiện một cuộc bỏ phiếu trong quốc hội nhằm cho phép hôn nhân đồng tính; nhưng bây giờ điều đó có vẻ khó xảy ra, trừ khi Đảng Lao động thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2019. Trò chơi đổ lỗi chính trị dường như đang bắt đầu trở nên ồn ào hơn.

0