Thế nào là một siêu đại biểu?
Nguồn: “What is a superdelegate?“, History.com , 22/03/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Hệ thống hiện tại được sử dụng bởi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Hoa Kỳ để chọn ứng cử viên tổng thống đã được hình thành sau cuộc bầu cử năm 1968, khi một ...
Nguồn: “What is a superdelegate?“, History.com, 22/03/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hệ thống hiện tại được sử dụng bởi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Hoa Kỳ để chọn ứng cử viên tổng thống đã được hình thành sau cuộc bầu cử năm 1968, khi một Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ hỗn loạn ở Chicago đã đưa Hubert Humphrey vào vị trí ứng cử viên dù ông không thể thắng được bất kỳ một cuộc bầu cử sơ bộ nào. Kể từ đó, hầu hết các đại biểu trong các hội nghị của đảng bị ràng buộc phải bầu theo ý muốn của cử tri và ủng hộ người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ hoặc trong cuộc họp kín tại bang của họ. Nhưng trong số 4.763 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ vào mùa hè này tại Philadelphia, có 712 người (khoảng 15%) được gọi là siêu đại biểu (superdelegates), những người có thể ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào mà họ lựa chọn và có thể thay đổi sự ủng hộ của họ bất cứ lúc nào, cho đến khi có ứng cử viên được đề cử.
Vậy các siêu đại biểu này là ai? Họ chủ yếu là những quan chức dân cử (bao gồm cả các thượng nghị sĩ và thành viên Hạ viện), những thành viên có danh tiếng trong đảng (các tổng thống hoặc phó tổng thống đương nhiệm hoặc trước đây) và một số thành viên của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) – hay nói một cách đơn giản, họ là những thành viên ưu tú của Đảng Dân chủ.
Clip lý giải lịch sử quy trình bầu chọn ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ. Nguồn: History.com.
Sau năm 1968, Đảng Dân chủ đã tạo ra một số ứng cử viên tương đối yếu: George McGovern chỉ thắng được tại một bang, cộng thêm Quận Columbia, khi để thua Richard Nixon vào năm 1972, và năm 1980, Jimmy Carter đã thua trong cuộc tái tranh cử tổng thống vào tay Ronald Reagan với thành tích chỉ kém nhục nhã hơn McGovern một chút. Sau những lần thua như vậy, những người dẫn đầu Đảng Dân chủ quyết định cải cách quy trình đề cử để các thành viên ưu tú của đảng có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc lựa chọn người được đề cử, và chọn các ứng viên mà họ tin rằng sẽ có thành tích tốt hơn trong cuộc tổng tuyển cử.
Về mặt lý thuyết, các siêu đại biểu có thể thay đổi kết quả của quá trình đề cử, nhưng trong thực tế thì họ hiếm khi làm như vậy. Từ khi các cải cách được thông qua vào năm 1982, tất cả các siêu đại biểu đã tuân theo kết quả bỏ phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại đại hội. Thời điểm duy nhất mà các siêu đại biểu đã trực tiếp gây ảnh hưởng là vào năm 1984, khi họ đẩy Walter Mondale vào vị trí đề cử sau khi ông giành được số lượng đại biểu ràng buộc với một khoảng cách quá hẹp để đảm bảo chiến thắng. (Mondale sau đó chỉ thắng được một tiểu bang cộng thêm D.C khi để thua Reagan trong cuộc bầu cử tổng thống.)
Đảng Cộng hòa không sử dụng các siêu đại biểu theo cùng một cách như Đảng Dân chủ. Ngoài số lượng các đại biểu nhất định được phân bổ dựa trên quy mô dân số, mỗi tiểu bang đều có ba đại biểu đến từ Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC) để đại diện cho tiểu bang đó tại hội nghị toàn quốc. Trong quá khứ, các đại biểu RNC này (chiếm dưới 7% tổng số đại biểu của đảng vào năm 2016) có thể không bị ràng buộc, nhưng hồi năm 2012, Ủy ban [RNC] đã yêu cầu rằng họ bị ràng buộc phải phản ánh ý chí của cử tri tại các bang của mình.