Tại sao Ma Cao ít đòi hỏi dân chủ hơn Hồng Kông?
Nguồn: “Why Macau is less demanding of democracy than Hong Kong”, The Economist , 15/09/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Hồng Kông và Ma Cao có nhiều điểm chung. Chỉ cách nhau 60km trên vùng châu thổ Châu Giang (và sẽ sớm được nối liền bằng một ...
Nguồn: “Why Macau is less demanding of democracy than Hong Kong”, The Economist, 15/09/2017
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Hồng Kông và Ma Cao có nhiều điểm chung. Chỉ cách nhau 60km trên vùng châu thổ Châu Giang (và sẽ sớm được nối liền bằng một cây cầu), đây là hai thuộc địa của châu Âu trước khi được trao trả cho Trung Quốc. Anh trao trả Hồng Kông vào năm 1997; Bồ Đào Nha trao trả Ma Cao hai năm sau đó. Cả hai đều được quản lý theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, cho phép họ duy trì các hệ thống chính quyền của mình trong 50 năm. Tuy nhiên, trong khi nhiều người Hồng Kông kích động một cách ồn ào và không ngừng nghỉ để đòi hỏi một nền dân chủ cao hơn thì người dân Ma Cao dường như lại ít quan tâm đến điều đó. Tại sao lại như vậy?
Sự giàu có có thể là một phần của câu trả lời. Ma Cao là khu vực duy nhất tại Trung Quốc mà việc đánh bạc trong casino là hợp pháp. Trong khoảng thời gian một thế hệ, thành phố đã trở thành trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới, với ngành công nghiệp casino mang lại nhiều công việc được trả lương cao. GDP đầu người năm 2016 là 554.619 pataca (73.187 đô la), thuộc nhóm cao nhất trên thế giới và cao hơn 68% so với Hồng Kông. Ngoài tiền lương, mỗi năm chính phủ còn trợ cấp thêm cho mỗi cư dân 9.000 pataca.
Các quan chức Trung Quốc coi Ma Cao là một mô hình chính trị để Hồng Kông noi theo: phù hợp với mong muốn của Đảng Cộng sản và thể hiện lòng yêu nước một cách rõ ràng. Sự trung thành được khắc sâu vào từng người dân thông qua các phương tiện truyền thông và trong trường học. Một đạo luật an ninh, được gọi là Điều luật 23, được sử dụng dưới danh nghĩa trừng phạt tội phản bội tổ quốc và chủ nghĩa ly khai, khiến người dân phải cảnh giác. Tại Hồng Kông, việc người dân phản đối biện pháp giáo dục “yêu nước” và Điều luật 23 đã buộc chính quyền địa phương phải ngừng áp dụng cả hai biện pháp này.
Hồi tháng 08/2017, chính phủ Ma Cao đã yêu cầu quân đội Trung Quốc giúp đỡ dọn dẹp đống đổ nát sau cơn bão Hato, cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm. Điều này dẫn đến việc triển khai quân đội lần đầu tiên trên đường phố kể từ thời điểm trao trả vào năm 1999. Nếu quân đội được huy động ở Hồng Kông, ngay cả trong vai trò nhân đạo, thì một số người cũng sẽ lo lắng. Ở Ma Cao, sự hiện diện của binh lính đại lục đã được cổ vũ.
Ảnh hưởng của Đảng Cộng sản đối với nền chính trị của lãnh thổ này đã tồn tại trước cả khi kết thúc sự cai trị của Bồ Đào Nha. Trong những năm 1960, Cách mạng Văn hoá đã tràn ra từ đại lục, gây ra những cuộc bạo loạn của những người ủng hộ Cộng sản ở Ma Cao. Tình trạng bất ổn tương tự ở Hồng Kông đã được người Anh ngăn chặn, nhưng ở Ma Cao ảnh hưởng của đảng cộng sản đã lan rộng đến cả xã hội dân sự. Cho tới thời điểm đàm phán về việc trao trả trong những năm 1980, Trung Quốc đã từ chối hai nỗ lực trao trả của Bồ Đào Nha. Không giống như Hồng Kông vốn được Trung Quốc hứa hẹn rốt cuộc sẽ áp dụng hình thức “tổng tuyển cử phổ thông” trong các cuộc bầu cử lựa chọn người lãnh đạo thành phố, Ma Cao không nhận được một cam kết nào như vậy.
Trong khi nhiều người ở Ma Cao có vẻ bằng lòng, vẫn có những sự bất mãn. Cư dân phàn nàn về chi phí mua nhà, sự thiếu hụt nhà ở xã hội và tình trạng của giao thông và bệnh viện công. Các sòng bạc tạo ra việc làm với giờ làm việc dài, thiếu giao tiếp xã hội, và làm tắc nghẽn thành phố với những chiếc xe buýt du lịch. Các nhà phê bình đã đặc biệt lên tiếng về phản ứng của chính phủ trong cơn bão Hato, khi có mười người chết và 200 người bị thương.
Các đảng đối lập hy vọng rằng dân chúng sẽ nhớ tới sự tức giận của họ tại thùng phiếu vào ngày 17/09/2017 khi 150.000 người dân địa phương bỏ phiếu để bầu ra 14 thành viên trong Hội đồng Lập pháp gồm 33 ghế. Số thành viên còn lại được lựa chọn bởi các công đoàn và các nhóm lợi ích khác được chính phủ phê chuẩn, hoặc được chỉ định bởi Trưởng đặc khu hành chính của lãnh thổ, ông Thôi Thế An (Fernando Chui). Năm 2013, phe đối lập giành được chưa tới 1/4 số phiếu bầu, và chưa tới hai phần ba số phiếu này được giành cho các ứng cử viên kêu gọi một nền dân chủ cao hơn. Tại một cuộc bầu cử tương tự vào năm 2016 ở Hồng Kông, các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã giành được hơn một nửa số ghế được bầu trực tiếp. Người Hồng Kông thậm chí đã bầu sáu nhà lập pháp muốn đàm phán lại mối quan hệ với Trung Quốc. Đừng mong đợi những suy nghĩ cấp tiến như vậy ở Ma Cao.