Suy nghĩ về câu nói một điều nhịn chín điều lành
Đề bài: Bình luận của anh/ chị về câu nói một điều nhịn chín điều lành Bài làm Dân gian ta đã có những truyền thống lâu đời, đầy văn hóa quý báu bởi những suy nghĩ thấu đáo về các cách đối nhân xử thế sao cho đúng mực nhất, nó được mài giũa ngay chính trong xã hội và ...
Đề bài: Bình luận của anh/ chị về câu nói một điều nhịn chín điều lành
Bài làm
Dân gian ta đã có những truyền thống lâu đời, đầy văn hóa quý báu bởi những suy nghĩ thấu đáo về các cách đối nhân xử thế sao cho đúng mực nhất, nó được mài giũa ngay chính trong xã hội và càng ngày ý nghĩa của nó càng được khẳng định rõ giá trị thiết thực, tác động đến cuộc sống của chúng ta một cách tích cực nhất. Một trong số đó là câu nói: "Một điều nhịn chín điều lành" đầy thấm thía và sâu sắc.
Thoáng nghe, chắc hẳn chúng ta sẽ bị ấn tượng bởi câu nói và cảm thấy nó rất dễ tiếp thu vì hai vế trong câu đầy ngắn gọn và cũng chính vì sự cường điệu, mới thấy được hết những bài học ẩn chứa trong đó và tính thuyết phục cho mỗi người chúng ta. Cuộc sống của chúng ta là một chặng đường dài, là vô vàn những cung bậc cảm xúc, những khoảnh khắc đến với ta, và mỗi lúc như vậy phụ thuộc chính vào thái độ của ta trước những sự việc làm nó trở nên ý nghĩa hay tồi tệ. Tại sao ta không chọn cách giải quyết chúng bằng sự ôn hòa để tâm hồn, đầu óc được thanh thản, thoái mái khi bên ngoài vô số những phức tạp đến với ta?.
Trong câu tục ngữ nổi tiếng này, xuất hiện hai khái niệm nhịn và lành. Nó dường như không còn xa lạ gì với chúng ta, một bên là phẩm chất con người, một bên là những điều ta đạt được, hai điều này có sự liên quan mật thiết đến nhau. Từ “nhịn” trong câu được hiểu là nhẫn nhịn, đức tính nhẫn nại, và khiêm nhường cao quý, trong công việc, trước người khác, họ là những người biết cư xử đúng mực cho cuộc nói chuyện diễn ra đúng hướng, có khi còn được hiểu là lúc cần sự im lặng lên ngôi để tránh gây xung đột, bất hòa làm tổn thương người khác. “Lành” là sự bình an, kết quả tốt đẹp, xứng đang mà ta đáng nhận được sau chữ nhẫn nhịn kia. Câu nói đã cho ta thêm mở mang tầm mắt, những suy nghĩ tích cực về chính những kết quả sẽ có nếu như biết nhẫn nhịn và ôn hòa, biết nghĩ cho người khác trong mọi tình huống.
Ở xã hội này, con người ta sống vì bản thân quá nhiều, nhưng nên hiểu rằng ta sống cũng vì cộng đồng, nếu tách rời khỏi đó, liệu ta có tồn tại mãi, vững bền?. Nếu như có sự kết hợp giữa các cá thể tạo nên một chỉnh thể toàn diện, hoàn chình, ta cần nêu cao thái độ hợp tác, đoàn kết, cần nhìn xa để thông cảm cho người khác tránh đi những rắc rối làm rạn nứt cho dù chỉ là một chỗ nhỏ. Để rồi có thời gian để vun đắp, bồi dưỡng cho những điều tuyệt vời hơn, những mối quan hệ ngày một đi lên, tình cảm với mọi người thêm gắn bó, tâm hồn thêm thanh tịnh, ấm áp.
Muốn làm được điều đó ta nên hiểu, áp dụng được những lời ông bà căn dặn như “cơm sôi nhỏ lửa”, hay “chồng giận thì vợ bớt lời”, nhất là những lúc xảy ra xung đột giữa vợ chồng mà ta không hề mong muốn. Về với gia đình, ta vẫn còn là trẻ con cần được sự nuôi dưỡng, ta nên bỏ thái độ bất hòa với các thành viên khác lớn tuổi trong gia đình, vì cãi lại, tranh đấu căng thẳng với bố mẹ chỉ càng làm cho ta đến gần với cái tôi tự cao, những sự chính chắn chưa đủ, đau lòng người làm cha mẹ, nhưng đa số là vì có sự hiểu lầm, ta muốn giải thích thì cũng nên nhịn, lắng nhẹ cơn giận đã, bạn có thể nói sau, không bằng cách này thì cách khác. Hãy yên tâm vì bạn là tất cả với bố mẹ, nên không lý do gì họ không thông cảm, hiểu cho bạn hơn. Với các mối quan hệ khác cũng thế, tránh đối đầu, ta cần nhẹ nhàng, bình tĩnh, làm chủ tình huống, từ từ mà tìm hiểu hoàn cảnh, lý do của đối phương, nếu không mọi chuyện xấu xảy ra, nhanh chóng đến bến bờ vực thẳm, đổ vỡ, mất mát, đau thương sẽ gõ cửa thế giới thì cũng là điều tất yếu.
Nhẫn nhịn không phải là ta tỏ ra hèn nhát, yếu đuối, mà là sự thông minh, biểu thị sự văn hóa,tấm lòng rộng rãi, cao thượng và đôi khi tác dụng của nó to lớn nhiều lần mà đôi khi ta không ngờ tới. Chiến tranh xâm lược đến, Hưng Đạo đại Vương, Trần Quang Khải đã vì từ bỏ cái tôi lớn, hiềm khích tư mà đồng lòng cứu nước, đạt thành công vang dội chính là chiến thắng Nguyên- Mông lẫy lừng. Nhẫn nhịn một lần để ta trưởng thành, một lần cũng chẳng sao vì “lùi một bước biển rộng trời cao” được sự nể phục và kính mến từ mọi người. Nhưng nhiều lần mà quá giới hạn chịu đựng bản thân trong khi là lúc cần bảo vệ công lý, bảo vệ cái thiện thì đó lại là sự nhẫn nhục, ngu ngốc. Biết giành lại quyền lợi bản thân, biết cất tiếng phản đối bị chà đạp quá vô lý bởi người khác là điều ta nên suy nghĩ.
Bài học về chữ nhẫn vẫn vang vọng mãi đến ngàn đời, nó sẽ là mầm mống nuôi dưỡng trái tim, tâm hồn tỉnh táo, bao dung trong ta mà ta hằng ao ước, đây cũng là cách để ta gìn giữ những thứ quý giá trong cuộc sống, đẩy lùi xa những sự xung đột, kết cục thảm hại không đáng. Việc hiểu, vận dụng cũng rất quan trọng để nó phù hợp, đạt hiệu quả tốt hơn trong xã hội nay.