Bình luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
Đề bài: Nêu suy nghĩ của anh/chị về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn Bài làm Có thể nói những bài học, những truyền thống đạo lý đặc sắc của nhân dân ta xưa đã để lại rất hay, ý nghĩa qua mỗi câu tục ngữ dân gian. Trong đó nổi bật lên nhất là truyền thống quý báu ...
Đề bài: Nêu suy nghĩ của anh/chị về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
Bài làm
Có thể nói những bài học, những truyền thống đạo lý đặc sắc của nhân dân ta xưa đã để lại rất hay, ý nghĩa qua mỗi câu tục ngữ dân gian. Trong đó nổi bật lên nhất là truyền thống quý báu “uống nước nhớ nguồn”, đã để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ, giáo dục con người ta bằng quan niệm đầy tính nhân sinh thiết thực ẩn chứa trong câu nói ngắn gọn, dễ dàng đi sâu để rồi in đậm vào trong tâm khảm của người con đất Việt dù trải qua bao thế kỷ.
Câu nói vẻn vẹn bốn chữ mà ý nghĩa của nó vô cùng sâu sắc. Câu nói mở ra cho con người ta biết bao nhiêu suy nghĩ về tình người, mở ra những chân trời rộng lớn hướng đến những tư tưởng đẹp, lối sống đẹp.
Tại sao lại uống nước phải nhớ đến nguồn?. Câu hỏi này tưởng chừng như quá đơn giản, nó lại là đi từ những điều kiện tiên quyết để rồi dẫn đến hệ qủa tất yếu, đúng quy luật từ “uống nước” tới “nhớ nguồn”. Về nguồn nước nó được hiểu là nơi khởi phát ra dòng nước chảy tỏa đi mọi hướng, nó còn có giá trị là sự trong sạch, nước đầu nguồn luôn là thứ tinh khiết ta luôn yên tâm nhất, để ăn uống, sinh hoạt, ứng dụng trong việc nghiên cứu,…Nguồn nước ấy nhiều nhưng sẽ hiếm thấy nó vơi cạn đi bao giờ, nhờ nguồn nước tự nhiên quý giá ấy mà con người ta mới có sự sinh sôi, nảy nở, phục vụ cho mọi hoạt động của các sinh vật, thiên nhiên trên trái đất, biển cả luôn luôn nhiều nước,..vậy khi ta uống những giọt nước từ những suối nguồn ấy, ta cũng nên hết sức trân quý nó. Nhưng có lẽ ý nghĩa sâu xa vốn không chỉ ẩn chứa trong nghĩa đen, “uống nước” ở đây chính là nói về sự hưởng thụ, còn bao hàm cả bài học về sự quý trọng, sự biết ơn những người làm ra vất vả để cho ta có được ngày hôm nay.
Cũng nhờ câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” không chỉ nêu lên được những bài học đạo đức đặc biết quan trọng, chú trọng bồi đắp những mối quan hệ tốt đẹp giữa những con người với con người với nhau, mà còn nổi bật lên những mối quan hệ thiết thực, liên quan đến lịch sử, xã hội rộng lớn, sự đúc kết của vẻ đẹp đạo lý thấm đượm trong tâm hồn của dân tộc từ bao đời nay. Ta vẫn còn đang trong vòng tay của gia đình, nhà trường, ta cần phải sống có tình nghĩa, biết ơn, nó chưa phải là điều gì to lớn bởi ta sống biết ơn, biết giúp đỡ với người đã sinh thành là cha, là mẹ ta, là ông bà, là hàng xóm, là thầy cô, những người xung quanh ta. Xa hơn nữa, nó còn là lời nhắc nhở khéo léo về sự biết ơn, trân trọng những gì mình đang có, những gì là thành quả của bao nhiêu thế hệ – đất nước ta, tất cả họ đã vì tương lai để mà hi sinh những giọt máu, mồ hôi, thậm chí phải bỏ lại mình trên chiến trường để bảo vệ, gìn giữ sự độc lập bền vững cho đất nước cho đến ngày hôm nay. Không thể kể hết những thứ mà lịch sử đã mang lại cho chúng ta, trải qua bao nhiêu năm, thế hệ này nối tiếp cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước, vậy ta làm sao chỉ biết mỗi hưởng thụ, ta cũng cần đóng góp sức mình để giúp chính bản thân, cũng là mở ra tương lai đưa đất nước, đưa các thế hệ sau đến với nền văn minh mới hơn nữa.
Lòng biết ơn đầy tình nghĩa ấy giờ đây không phải chỉ là trên trang giấy, suy nghĩ mà đó phải thể hiện qua hành động. Là hình ảnh con cháu cũng giỗ ông bà, những nén hương trầm cứ nghi ngút để khơi gợi nên những tình cảm bao la, với việc học hành của ta, việc ta học giỏi, ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn mai này ra đời xây đắp nên những giá trị mới cho cuộc sống phong phú, sung túc hơn, là những người học sinh trở về bên những thầy cô dịp lễ, bổn phận phải hỏi han, chăm sóc các thầy cô khi họ về già. Những ngày lễ kỷ niệm lớn như 30/4, 27/7,…là ngày để ta cùng tưởng nhớ về những vị anh hùng lịch sử, cùng tự hào về những trang sử hào hùng đã đi qua của dân tộc, cùng đi xây đắp, dọn dẹp cho sạch sẽ, xây dựng thêm những “ngôi nhà nghĩa tình” cho những người mẹ liệt sĩ, anh hùng…
Có vô vàn những hành động để thể hiện sự biết ơn phù hợp với chúng ta, để giúp ý nghĩa câu tục ngữ tồn tại mãi mãi, tất cả phải xuất phát từ chính tấm lòng, nghĩa vụ không hề nặng nhọc. Câu tục ngữ vẫn ở đây, tồn tại, tự thấm vào lòng người tự bao giờ, bởi vì nó là một lời nhắc nữa về sự biết ơn, tưởng nhớ đến cội nguồn và cũng không bao giờ quên trọng trách khơi nguồn cho các thế hệ sau.