06/02/2018, 15:32

Cảm nghĩ về truyện ngắn Tôi đi học

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện ngắn Tôi đi học Bài làm Nếu như ai đã từng đi học, chắc sẽ không thể quên được những kỉ niệm của chuỗi ngày tháng được cắp sách đến trường, vô lo, vô nghĩ. Dễ tìm thấy trong tác phẩm Tôi đi học, nhà văn Thanh Tịnh của chúng ta ...

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện ngắn Tôi đi học

Bài làm

Nếu như ai đã từng đi học, chắc sẽ không thể quên được những kỉ niệm của chuỗi ngày tháng được cắp sách đến trường, vô lo, vô nghĩ. Dễ tìm thấy trong tác phẩm Tôi đi học, nhà văn Thanh Tịnh của chúng ta là sự chú ý miêu tả những suy nghĩ, gửi gắm tâm sự đến từng câu văn, câu chữ nên nó có những sức truyền đạt mạnh mẽ đúng với sự hỗn độn, vô vàn cảm xúc dễ bắt gặp ở các cô cậu học trò nhỏ.

Mùa thu mùa đẹp nhất trong năm, sự nhẹ nhàng, mát mẻ, dễ chịu, nó gây cho mỗi con người những sự vui thích, để dễ dàng sáng tác. Câu truyện được in trong tập Quê mẹ, xuất bản năm 1941, tác giả bắt đầu câu truyện của mình trước cảm xúc rạo rực của mùa thu, hòa cùng với không khí tựu trường của học sinh khắp cả nước, cái “tôi” ấy được tìm lại những kỉ niệm mơn man, của buổi tựu trường đã từng chứng kiến ba mươi năm về trước. Tác giả đã kể chi tiết từng cảnh vật, như cho ta thêm xác thực về những chuỗi cung bậc cảm xúc “nao nao, hoang mang” của tác giả, nào là: “lá ngoài đường rụng nhiều”, “trên không có những đám mây bàng bạc”, còn mỗi chúng ta được sống lại giữa bộn bề niềm thương, nỗi nhớ về miền ký ức học trò đẹp đẽ “như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.  

be-di-hoc

Câu truyện cuốn hút ta theo dòng tự truyện của tác giả, phát triển dần lên theo dòng cảm xúc của chính con người ta vào buổi đầu tiên được đi học, những dòng ý tưởng của tác giả cứ thế tuôn trào, những lần “thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường”, đã làm cảm xúc của tác giả thay đổi một cách rõ rệt, tác giả đã biến mình trở thành cậu học trò nhỏ từ bao giở. Không chỉ mỗi cậu học trò này cũng có mặt trong các sự kiện đáng nhớ của cuộc đời mình, mà ta còn thấy đi cùng cậu có người mẹ thân thương, đáng kính “âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”, cái cách cậu nhận ra  thay đổi trong cách suy nghĩ của mình cũng dễ khiến người đọc đồng cảm, vui thích.:“Hôm nay tôi đi học” không còn là đứa trẻ chỉ biết “lội qua sông thả diều như thằng Quí và không ra đồng nô hò như thằng Sơn” và “tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn”.Rồi cũng đến cái lúc, trong suy nghĩ cậu có sự so sánh mới, nó đầy hay ho: “mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi…Mấy cậu đi trước có sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết”, cậu lập tức muốn thử sức đỡ cho mẹ rồi cậu lại nghĩ “chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước”. Cái suy nghĩ của trẻ thơ nó đơn giản, non nớt nhưng ở đây đã là sự ưu ái vì hành động của  “nhân vật” nó còn đánh dấu sự trưởng thành, nghiêm túc dần trong một con người, dù chỉ “như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi”.

Rồi cái cách cậu bé được thỏa lòng đam mê khi được ngắm ngôi trường làng Mỹ Lý, ấn tượng của cậu đầu tiên là sự đông vui, náo nhiệt, khác hẳn với những hình ảnh trường thân thuộc bình dị, yên ắng trong kí ức lần trước của cậu. Cậu say lòng với những gì mới mẻ, to lớn trước mắt, kích thích trí tò mò, cùng không tránh khỏi sự lo sợ như là điều hiển nhiên phải có trong lúc này, những ước muốn về thế giới quen thuộc ngày nào, những người thân quen, bạn bè quen,…cứ hiển hiện về trong tâm trí. Những gì là lo lắng, hồi hộp đến với từng đứa trẻ được xướng tên khi được lên lớp mới, và sự xa cách chưa bao giờ đến sớm thế, cậu bé chỉ biết vâng lời dù vẫn chưa hiểu hết được trách nhiệm của mình với gia đình, với tương lai bản thân như lời thầy- Ông đốc trường Mỹ Lý căn dặn, cậu cùng các bạn cùng lớp vẫn phải tiến vào nhận chỗ và được học những tiết học đầu tiên.

Ta cảm động khi bắt gặp những chân thành trong từng chi tiết, từng cảm xúc khó tả đọng lại đậm đà và đầy trữ tình của tác giả đến cả từng “tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ, những cặp mắt lưu luyến” của đám học trò nhỏ khi phải xa rời gia đình, người thân để vào lớp mới, để bước vào đối diện với sự lạ lẫm. Nhân vật “tôi” ấy rồi cũng nhận ra qua cảm xúc tự nhiên ấy cũng qua, điểu đang đợi cũng rất nhẹ nhàng, “quyến luyến và không xa lạ chút nào” từ người bạn nhỏ ngồi bên, từ thầy cô, từ mái trường này nó góp phần làm thay đổi cuộc đời, mở ra cả một chân trời tri thức quý giá mà cha mẹ muốn dành tất cả cho cậu, hay cũng là cho tất cả mỗi chúng ta.

Cuộc đời học sinh trong sáng ấy bắt đầu bằng những buổi học đầu tiên kì diệu bởi cảm xúc ta dành cho nó quá lớn, do vậy cũng có thể nói nó là niềm ấn tượng sâu sắc để mỗi người chúng ta chẳng thể quên được được dù có đi qua bao nhiêu năm tháng.

Bằng câu chuyện của mình, qua từng dòng chữ giàu chất thơ, ta đều cảm nhận được tình cảm, tâm hồn chân thật của tác giả về cái “ngày quan trọng” ấy nó không gò bó, gượng ép mà hết sức tự nhiên thấm vào lòng người. Tác giả Thanh Tịnh thực sự đã thành công với những biệt tài sử dụng linh hoạt những hình thức nghệ thuật tự sự, miêu tả và biểu cảm. Có thể khẳng định rằng, câu truyện cùng tên tuổi của tác giả sẽ sống mãi trong trái tim của các thế hệ độc giả.

 

Từ khóa tìm kiếm

0