03/06/2017, 22:53

Suy ngẫm và chiêm nghiệm của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước qua đoạn trích cùng tên trong trường ca mặt đường khát vọng

Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại Thừa Thiên Huế, trong một gia đình trí thức cách mạng. Ông là người có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển thơ Việt Nam thời kì chống Mĩ. Với trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm đã đi tìm cho mình một định nghĩa thật cụ thể, sinh động về ...

Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại Thừa Thiên Huế, trong một gia đình trí thức cách mạng. Ông là người có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển thơ Việt Nam thời kì chống Mĩ. Với trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm đã đi tìm cho mình một định nghĩa thật cụ thể, sinh động về đất nước từ đó ông đã thể hiện những suy tưởng và chiêm nghiệm của mình về đất nước Việt Nam.

 
Trường ca Mặt đường khát vọng được nhà thơ sáng tác năm 1971, lần đầu được in năm 1974, nhằm mục đích thức tỉnh tuổi trẻ các vùng thành thị, vùng tạm chiến miền Nam nhận rõ bộ mặt xâm lược của đế quốc Mĩ, hướng về đất nước, ý thức được vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với dân tộc. Đó là những chiêm nghiệm, suy ngẫm của nhà thơ về đất nước, về cội nguồn tạo nên sức mạnh của dân tộc.
 
Với Nguyễn Khoa Điềm, trước hết, đất nước là lịch sử văn hóa - phong tục ngàn đời:
 
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể ”
 
Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định điều giản đơn nhưng vô cùng sâu sắc: đất nước Việt Nam đã hình thành và tồn tại từ ngàn đời nay. Đất nước là khuôn giá trị được bao thế hệ cha ông tạo dựng, bồi đắp. Lời thơ gợi lại không khí cổ tích xa xưa, gợi lên hình thù một đất nước cổ kính. Thật vậy, đất nước có ngày xửa ngày xưa, đất nước có từ những câu chuyện cổ tích mẹ ta, bà ta kể cho chúng ta nghe từ thời thơ bé.
 
Hình hài đất nước không cần tìm đâu xa mà chúng ta nhìn thấy đất nước trong những hình ảnh gần gũi nhất, bình dị nhất, đơn sơ nhất. Đất nước có từ xưa trong tục ăn trầu của bà, của mẹ, đất nước có trong truyền thống trồng tre giết giặc, giữ nước, đất nước chính là phong tục tập quán; là cách bới tóc, ăn mặc hàng ngày:
 
“Tóc mẹ thì bới sau đầu”
 
Đất nước hiện diện trong lối sống nghĩa tình, son sắt, thủy chung, dù cuộc sống có ngàn vạn biến cố, gian nan, cay đắng:
 
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”
 
Tác giả cho rằng tình nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình gắn bó thắm thiết từ ngàn đời nay chính là những hạt nhân quan trọng tạo nên chỉnh thể toàn vẹn của đất nước. Tình đất nước được bồi đắp từ tình cảm gia đình, tình cảm gia đình chính là nền tảng của tình yêu đất nước.
 
“Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó... ”
 
Nguyễn Khoa Điềm chiêm nghiệm về sức mạnh của đất nước không phải từ những điều kì vĩ, lớn lao mà nhìn thấy sức mạnh của dân tộc, nét tiềm tàng ngay trong sự bình dị của cuộc sống lao động hàng ngày. Điều này làm cho chúng ta bất ngờ nhưng đó lại là những suy tưởng vô cùng sâu sắc, chính xác. Thành ngữ “một nắng hai sương” với hoạt động từ “xay, giã, giần, sàng” đã diễn tả tài tình bàn tay tần tảo của nhân dân làm nên sự sống cho đất nước.
 
Như vậy, với nhà thơ thì sức mạnh của dân tộc Việt Nam, cái đầu tiên và quan trọng làm nền tảng đó là lịch sử phát triển hàng ngàn năm của nó. Hơn thế nữa, đất nước không phải tồn tại hiện diện ở đâu xa lạ mà tiềm ẩn ngay trong những gì đơn sơ nhất, bình dị nhất. Cội nguồn của đất nước bắt nguồn từ gia đình (là cha mẹ, là bà) là làng mạc, đồng ruộng, cội nguồn của đất nước, sức mạnh của đất nước nằm ở những gì dung dị nhất. Chính điều đó đã góp phần nuôi dưỡng bao tâm hồn người Việt Nam.
 
Sự suy tưởng, chiêm nghiệm của Nguyễn Khoa Điềm về sức mạnh của đất nước không chỉ ở thời gian lịch sử lâu đời mà ông còn khẳng định sức mạnh đất nước biểu hiện ở không gian lãnh thổ, địa lí:
 
“Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm”
 
Tác giả tách hai nguyên tố “Đất” và “Nước” để suy ngẫm. Đất - Nước từ phương diện lãnh thổ. Đất Nước là sự gắn bó của tâm hồn mỗi người. Mỗi rung động, mỗi kỉ vật tình yêu đều được đất nước lưu giữ:
 
“Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
 
Đất nước chính là nơi thắp lên tình yêu, nhen lên trong trái tim con người ngọn lửa của niềm tin vào cuộc sống. Đất nước là nơi chứng kiến bao cuộc hẹn thề, là nơi in dấu bao cuộc chia li và những ngày tháng âm thầm chờ đợi của con người thủy chung, tình nghĩa.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước còn hiện diện trong những hình ảnh hùng vĩ:
 
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
 
Các hình ảnh “chim phượng hoàng”, “cá ngư ông” nhắc ta nhớ đến những câu chuyện cổ tích Cây khế, Ông lão đánh cá và con cá vàng. Nó thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh về xứ sở, không gian đất nước là nơi dân mình quần tụ, sinh sống cả ngàn năm. Sức mạnh của dân tộc hiện diện ở chính những địa danh kì thú của đất nước: núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, đất Tổ Hùng Vương, vịnh Hạ Long, núi Bút, non Nghiên. Đó là những địa danh được tạo nên từ bàn tay của con người Việt Nam. Tất cả, nơi nào có không gian Việt Nam thì nơi ấy có sự in dấu của bàn tay người Việt xây dựng, gìn giữ, lưu truyền, bảo tồn.
 
Như vậy, điều cốt lõi nhất trong những suy tưởng và chiêm nghiệm về đất nước chính là con người Việt Nam. Sức mạnh của đất nước là ở trong mỗi con người đất Việt. Mỗi một trái tim nhỏ bé lại là một lò lửa nhen nhóm tình yêu đất nước, thắp lên nhiệt huyết xả thân mỗi khi Tổ quốc lâm nguy. Đất nước chính là máu xương của mỗi người, đất nước hài hòa nồng thắm trong tình cảm giữa những con người cụ thể. Mỗi cái “tôi” riêng lại là một phần không thể thiếu của cái “ta” chung, và mỗi cái “tôi” cá nhân ấy đã góp phần làm nên đất nước muôn đời. Chính cuộc đời của bao người dân đã in dấu lên sông núi tạo ra những danh lam thắng cảnh kì thú. Những người âm thầm chờ đợi làm nên những núi Vọng Phu, tình yêu thủy chung, son sắt làm nên hòn Trống Mái. Mỗi địa danh đã được ghi tên những con người cụ thể: Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm... Rõ ràng, những bàn tay nhỏ bé của những người dân đất Việt đã tạo nên sức mạnh vô song cho đất nước này, xứ sở này:
 
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha“
 
Mỗi người dân Việt Nam là một hạt nhân của đất nước, trái tim và lòng yêu nước nhiệt thành của mỗi người hợp lại tạo nên sức mạnh vô song. Đó là sức mạnh làm quân thù phải khiếp sợ, sức mạnh làm cho đất nước này mãi mãi bền vững xanh tươi.
 
Từ sự suy tưởng về con người Việt Nam và bàn tay của họ, Nguyễn Khoa Điềm đã nâng cao sự suy tưởng của mình lên một nấc mới. Ông đã đi tới kết luận vô cùng sâu sắc: chủ nhân của đất nước là nhân dân. Chính nhân dân nắm giữ vai trò to lớn, đảm trách sứ mệnh cao cả là làm nên sự phồn thịnh muôn đời của Tổ quốc.

“Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm đất nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận Người con gái trở về nuôi cái cùng con”


Mỗi chúng ta nhìn vào lịch sử lẫy lừng của đất nước, từ khi ông cha ta khai thiên lập địa, sở dĩ đất nước có được dáng hình như ngày nay là nhờ hàng triệu triệu những chiến công hiển hách của tầng tầng lớp lớp những người con trai ra đi đánh giặc, những người con gái trở về mang gánh nặng hậu phương. Lời thơ nhắc ta nhớ đến bài ca dao:

“Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”


Tất cả họ đều là những anh hùng thực sự của đất nước này. Vì trong trái tim họ, họ luôn yêu đất nước nhiệt thành, dám cống hiến hết sức lực, dám xả thân, dám quên mình để bảo vệ đất nước bình yên.
Tuy nhà thơ có nhắc tới sự nghiệp của những anh hùng hữu danh nhưng cảm hứng chủ đạo vẫn dành cho công lao của bốn nghìn lớp người anh hùng vô danh:

“Họ đã sống và chết,
Giản dị và bình tâm”


Họ sống, chết thầm lặng mà vĩ đại. Chính sự đóng góp, hi sinh thầm lặng đó đã tạo nên sức mạnh kiên cường, vô song của đất nước này. Nhân dân chính là móc xích, là cầu nối lưu truyền mọi giá trị văn minh, văn hóa, giá trị tinh thần và vật chất: họ truyền lửa, họ lưu truyền tiếng mẹ đẻ, họ đắp đập, be bờ họ tạo nên những ca dao, thần thoại, họ giữ tên xã, tên làng, họ gìn giữ tất cả những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông:

“Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại”


Nhân dân là sức mạnh của đất nước. Bốn ngàn năm đất nước  được  tạo dáng hình, được hoàn thiện, tồn tại và phồn thịnh là nhờ có hàng nghìn lớp người dốc sức dựng xây. Chính bàn tay của những con người nhỏ bé ấy đã tạo nên một Việt Nam giàu đẹp, với những giá trị văn hóa truyền thống, đức tính kiên cường, dũng mãnh, luôn vươn tới tương lai.

Những điều chiêm nghiệm suy ngẫm của Nguyễn Khoa Điềm được diễn tả bằng chất liệu văn hóa dân gian, thể hiện qua những câu thơ dài, ngắn. Cách vắt dòng rất đắc dụng trong việc miêu tả sự suy tưởng giàu tính triết lí của nhà thơ. Bởi vậy, chúng ta đã cảm nhận được sức mạnh vô song của đất nước Việt Nam một cách cụ thể và sinh động nhất.

Một lần nữa có thể khẳng định rằng Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm thể hiện những chiêm nghiệm thật sâu sắc về đất nước và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi sự vật nhỏ bé, bình thường, là sức mạnh của không gian địa lí, chiều dài lịch sử, là sức mạnh của nhân dân - chủ nhân thực sự của đất nước này. Qua những chiêm nghiệm này, nhà thơ đã bộc lộ một cách hình tượng tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”. Xét đến cùng, có được những chiêm nghiệm sâu sắc như vậy là xuất phát từ trái tim yêu nước nhiệt thành của một nhà thơ đang sống trong thời kì bão táp của dân tộc. Và người thanh niên ấy đang dùng cả bầu máu nóng của mình kêu gọi mọi người đứng lên chiến đấu vì Tổ quốc. Tính nhân văn của trường ca cũng như của đoạn trích này là ở đó.

0