03/06/2017, 22:53

Cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài" của Nguyễn Huy Tưởng

Trong xã hội cũ, người bóc lột người, người nghệ sĩ thiên tài có lý tưởng cao đẹp thường lâm vào cảnh ngộ không giải quyết được một cách đúng đắn vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì. Đó cũng chính là bi kịch của Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng. I. Giới thiệu vài ...

Trong xã hội cũ, người bóc lột người, người nghệ sĩ thiên tài có lý tưởng cao đẹp thường lâm vào cảnh ngộ không giải quyết được một cách đúng đắn vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì. Đó cũng chính là bi kịch của Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng.

I. Giới thiệu vài nét về tác giả,tác phẩm:
1. Tác giả Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) xuất thân trong một gia đình nhà nho của đất Bắc Ninh xưa, nay thuộc huyện ĐôngAnh, Hà Nội. Từng gắn bó với phong trào cách mạng trong các tổ chức văn hoá văn nghệ do Đảng lãnh đạo từ rất sớm. Nguyễn Huy Tưởng có thiên hướng khai thác đề tài lịch ử để xây dựng tác phẩm có quy mô lớn, dựng lên những bức tranh, những hình tượng hoành tráng về lịch sử bi hùng của dân tộc. Ông là một nhà viết kịch tài ba. Văn phong của ông vừa giản dị, trong sáng, vừa thâm trầm sâu sắc khi đặt ra những vấn đề có tầm triết lý.

2. “Vũ Như Tô” là vở kịch lịch sử có qui mô hoành tráng xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng và của nền kịch Việt Nam hiện đại. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1941, dựa trên một sự kiện lịch sử xảy ra ở kinh thành Thăng Long vào thời hậu Lê. Tác phẩm gồm 5 hồi. Đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” là hồi 5, hồi cuối của vở kịch. Trong đoạn trích được học gây ấn tượng sâu sắc nhất là nhân vật Vũ Như Tô.

II.Trình bày cảm nghĩ về bi kịch nhân vật Vũ Như Tô:
1. Định nghĩa bi kịch:

Hiểu theo nghĩa thông thường là nỗi đau khổ vò xé dai dẳng không có cách nào giải thoát. Nhưng theo từ điển văn học, bi kịch chỉ xảy ra khi có mâu thuẫn giữa khát vọng, hoài bão, lí tưởng của cá nhân với thực tại. Thực tại chưa đủ điều kiện cho cá nhân thực hiện khát vọng, lý tưởng của mình nên rơi vào thất bại, thậm chí dẫn đến cái chết thảm thương.

2.Những nét chính trong bi kịch Vũ Như Tô
a. Hiểu như định nghĩa nói trên, chúng ta thấy bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của người nghệ sĩ có tài và có hoài bão lớn, nhưng không giải quyết được mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống, đặc biệt là không giải được một cách đúng đắn vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì.

b. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài, là hiện thân của niềm khao khát say mê sáng tạo cái đẹp, “là người ngàn năm dễ có một....có thể sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”

c. Vũ Như Tô là một nghệ sĩ lớn có nhân cách cao đẹp, có hoài bão lớn lao, có tư tưởng, lý tưởng nghệ thuật cao cả, ông muốn xây dựng một toà lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao” để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện” ; muốn xây dựng một công trình kiến trúc vĩ đại, tuyệt mĩ, tô điểm cho non sông đất nước. Ông mong muốn cho người đời biết những khát vọng cao đẹp của ông. Đó là ông chỉ có một hoài bão muốn tô điểm cho đất nước, đem hết tài năng ra xây cho nòi giống một toà lâu đài hoa lệ,thách cả những công trình trước sau, tranh tinh xảo với hoá công “để ta xây một Cửu Trùng Đài, dựng một kì công muôn thuở, vài năm nữa Cửu Trùng Đài hoàn thành, cao cả huy hoàng, giữa cõi trần lao lực có một cảnh Bồng Lai.... Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài”. Hồn ông để cả nơi đấy. Nhìn một cách đơn giản thì mục đích và nguyện vọng của Vũ Như Tô là hết sức cao đẹp. Nó xuất phát từ thiên chức của người nghệ sĩ, từ lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Vũ Như Tô vô cùng say mê với mơ ước của mình.

d. Nhưng Vũ Như Tô nào có hiểu được sâu xa, trên thực tế, Cửu Trùng Đài đã xây dựng bằng mồ hôi xương máu của nhân dân và nếu được hoàn thành thì nó cũng chỉ là nơi ăn chơi xa xỉ, sa đoạ của vua chúa, giống như công trình kiến trúc “Vạn Niên” của triều đình Nguyễn sau này : “Vạn niên là vạn niên nào? Thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Như vậy, Vũ Như Tô đã sai lầm khi lợi dụng quyền lực của bạo chúa để thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình.Chỉ đứng trên lập trường nghệ sĩ thuần tuý nên đã vô hình chung, trở thành kẻ đối nghịch với nhân dân, gây đau khổ cho nhân dân.

e. Nhân dân căm giận bạo chúa, đồng thời cũng oán trách, nguyền rủa, thậm chí là oán hận kiến trúc sư đầy tài năng Vũ Như Tô và cuối cùng đã giết chết cả tên hôn quan bạo chúa Lê Tương Dực lẫn Vũ Như Tô, đốt cháy cả Cửu Trùng Đài.Vũ Như Tô đúng là một nhân vật bi kịch. Ông không thể nào trả lời câu hỏi “xây dựng Cửu Trùng Đài là đúng hay sai, là có công hay có tội? ”. Là một nghệ sĩ đầy tài năng và giàu sáng tạo, Vũ Như Tô muốn khẳng định tài năng của mình, muốn tô điểm cho đất nước, muốn làm đẹp cho đời, nhưng khát vọng nghệ thuật và đam mê sáng tạo của ông đã đặt lầm nơi lạc chốn, lạc điệu với thời thế, xa rời thực tế, nên đã phải trả giá bằng chính sinh mệnh của bản thân và của cả công trình thấm đẫm mồ hôi tâm não của mình.Thật đau đớn thay, bi kịch thay cho đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Đan Thiềm mặt cắt không còn hột máu, hốt hoảng đến báo cho Vũ Như Tô, nếu không chạy trốn thì ông sẽ bị giết, nhưng Vũ Như Tô vẫn không chịu đi và vẫn day dứt một câu hỏi: “Tôi có tội gì? Tôi làm gì nên tội? Làm gì phải trốn?”. Và vẫn hi vọng thuyết phục được An Hoà Hầu, một kẻ cầm đầu một phe nổi loạn, song sự thực đã diễn ra một cách phũ phàng tàn nhẫn, không như ảo tưởng của Vũ Như Tô. Khi tất cả chỉ là ảo vọng. Đan Thiền và ông bị bắt, Cửu Trùng Đài bị thiêu huỷ thì ông mới bừng tỉnh, ngửa mặt lên trời mà cất lên tiếng than ai oán tuỵệt vọng “Đốt thực rồi! Ôi Đảng ác! Trời ơi! Phú cho ta cái tài để làm gì. Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài! Thôi thế là hết! Dẫn ta đến pháp trường”. Trong tiếng kêu than ấy, tiếng “Đan Thiềm, mộng lớn Cửu Trùng Đài” dồn dập vang lên hoà nhập vào nhau thành khúc ca bi tráng, ai oán, đầy tiếc thương. Đó chính là âm hưởng chủ đạo của đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”.

III . Phát biểu cảm nghĩ:
1. Thương người nghệ sĩ có tài có tâm, đam mê nghệ thuật, khao khát sáng tạo, sẵn sàng hi sinh tất cả cho cái đẹp nhưng xa rời thực tế, mà phải trả giá đắt bằng cả sinh mệnh và cả công trình nghệ thuật đầy tâm huyết sáng tạo cuả mình.

2. Không có cái đẹp tách rời cái chân cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không thể chỉ mang cái đẹp thuần tuý, nó phải có mục đích chân chính là phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc đời. “Văn chương không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời, cuộc đời là nơi xuất phát và là nơi đi tới của văn chương”. Người nghệ sĩ phải có hoài bão lớn, có khát vọng sáng tạo những công trình vĩ đại cho muôn đời, nhưng cũng biết xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng đó với điều kiện thực tế cuộc sống với đòi hỏi của muôn dân.

3.Xã hội phải biết tạo điều kiện sáng tạo cho các tài năng, vun đắp tài năng, quý trọng nâng niu những giá trị nghệ thuật đích thực.

Kết Luận:
Qua tấn bi kịch của người nghệ sĩ thiên tài Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng gợi những suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ với hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thực tế đời sống nhân dân. Vì vậy vấn đề tác giả đặt ra ngày ấy, giờ đây bước sang thiên niên kỉ mới, nó vẫn còn nguyên giá trị.

0