03/06/2017, 22:53
Nghị luận xã hội về hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua bài thơ Tự Tình II của Hồ Xuân Hương
Hình tượng người phụ nữ Việt Nam thời trung đại đã trở thành để tài rất hấp dẫn, gợi lên nhiều cảm hứng cho các thi sĩ xưa. Bằng sự đồng cảm nơi sâu thẳm tâm hồn, nhiều tác phẩm ra đời chính là sự lên tiếng của nhiều nhà thơ nói thay cho tâm sự thầm kín của người phụ nữ mà tiêu biểu là bài thơ “Tự ...
Hình tượng người phụ nữ Việt Nam thời trung đại đã trở thành để tài rất hấp dẫn, gợi lên nhiều cảm hứng cho các thi sĩ xưa. Bằng sự đồng cảm nơi sâu thẳm tâm hồn, nhiều tác phẩm ra đời chính là sự lên tiếng của nhiều nhà thơ nói thay cho tâm sự thầm kín của người phụ nữ mà tiêu biểu là bài thơ “Tự tình II” nằm trong chuỗi thơ Tự Tình, II, III của Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương là một hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam. Đó là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình. Bài thơ Tự Tình II chính là tiếng lòng của tác giả đồng thời cũng là của những người phụ nữ tài hoa hơn người, họ khát khao đòi quyền sống, tình yêu, bình đẳng, tự do và hạnh phúc.
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non."
Trơ cái hồng nhan với nước non."
Một mở đầu vào lúc đêm khuya vắng vẻ, bóng đêm bao trùm mọi ngõ ngách khiến con người ta cảm thấy mình thật nhỏ bé, thật đơn độc, tâm tư nặng trĩu mình ta hiểu, mình ta biết. Đêm đen đè nặng trên mí mắt nàng chẳng buồn chớp, đôi mắt vô hồn nhìn vào khoảng tối không lối thoát, thân xác cũng cứ trơ ra như khúc gõ, lạnh buốt, bất lực. Giọng thơ trĩu xuống càng tăng thêm nỗi chán chường và nỗi cô đơn, nỗi thao thức trăn trở ghê gớm đang bủa quanh người phụ nữ ấy. Khuya tĩnh lặng nhưng lòng nàng thì không được như thế. Âm thanh của tiếng trống canh văng vẳng vọng đến báo hiệu đã nữa đêm như làm khuấy động bầu không khí yên tĩnh xung quanh và trong tâm hồn của Hồ Xuân Hương. Tiếng trống mỗi lúc một dồn dập hơn như trôi theo từng khoảnh khắc của thời gian, rút ngắn tuổi xuân của người phụ nữ "hồng nhan" xinh đẹp, quyến rũ nhưng đã “trơ” đi trước cuộc đời, trước quá khứ, tựa như gỗ đá đã bị mất hết cảm giác vì đã quá quen thuộc, chai lì trước những phiền muộn, đợi chờ một thứ hạnh phúc mong manh không thể với tới. Nhà thơ không chỉ tự chua xót cho chính mình mà còn thương thay cho số phận của những người phụ nữ bị vùi dập trong chế độ phong kiến thối nát đương thời đầy bất công thị phi ngang trái. Họ không có chỗ đứng trong xã hội, luôn phải sống trong lo lắng, không thể tự quyết định duyên phận và số phận của chính bản thân mình. Tiếng thở dài ngao ngán và ý nguyện muốn thoát khỏi nỗi sầu muộn dấy lên trong lòng nhưng cuối cùng cũng rơi vào bế tắc. Dường như nghịch cảnh không chịu buông tha cho những người phụ nữ ấy, mượn rượu quên đi nhưng lại càng nhớ:
"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tàn."
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tàn."
Chén rượu cầm hờ hững trên ngón tay nõn nà, mặc cho hương nóng của rượu phả vào mặt, xộc vào mũi, nàng nghĩ rằng chỉ có rượu mới có thể giải tỏa hộ nỗi lòng của mình, nghĩ rằng cơn say sẽ đưa nàng đến một nơi yên bình dù trong một khoảng thời gian ngắn ngủi thôi cũng còn đỡ hơn khi phải một mình đối diện nỗi cô đơn đang giày xéo tâm can này. Thế nhưng, say rồi lại tỉnh, cứ chập chờn, chập chờn mơ hồ trong cái vòng lẩn quần, say chỉ là thoáng qua, tỉnh mới là thực, tỉnh nên mới thấy được “vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”, mượn rượu giải sầu nhưng sầu không dứt. Cảm giác dưới dạ nóng ran, hơi rượu nồng xộc lên đầu đến choáng váng, mắt đỏ hằn, vị đắng cay xè còn đọng trên đầu lưỡi. Đến bao giờ thì trăng mới tròn, đến khi nào thì hạnh phúc mới trong tầm tay và đến khi nào thì nỗi cô đơn này mới thôi xuất hiện? Tuổi xuân ngày càng trôi đi mà tình yêu, hạnh phúc sao cứ “khuyết mãi chưa tròn”. Hồ Xuân Hương khao khát tình yêu đến phát điên, nỗi niềm đó nhân lên theo ngày tháng, nhưng càng hi vọng thì càng thêm đau khổ. Đầu óc nàng quay cuồng gục ngã trong tuyệt vọng bởi mối tình dở dang muộn màng đau khổ, đối với nàng có được hạnh phúc là một điều không tưởng. Mâu thuẫn trong cảm xúc của tác giả càng trở nên gay gắt đến phức tạp, lúc thì bất cần, lúc thì khao khát không tả xiết. Chính vì sự mong muốn được hạnh phúc đến mãnh liệt đấy đã khiến chính tác giả liên tưởng đến những sức mạnh của thiên nhiên, sự đau khổ vì thất tình càng khiến chính nữ thi sĩ càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”
Phi thường thay, những đám rêu yếu ớt lại có thể xiên ngang mặt đất, những hòn đá cỏn con lại có thể đâm toạc chân mây, khiến cho con người ta phải thốt lên ngạc nhiên trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên. Rêu và đá bé nhỏ là thế nhưng chúng giống nhau ở sức sống mạnh mẽ vô cùng và nhà thơ cũng vậy. Hồ Xuân Hương muốn mượn hình ảnh thiên nhiên để bày tỏ thái độ muốn “vạch trời xé đất” cho thỏa tủi hờn, dù trong hoàn cảnh lọt xuống hố đen không lối thoát nhưng tâm trí tác giả lúc nào cũng tràn đầy niềm hy vọng to lớn, bi kịch dẫu đắng cay nhưng bằng cả nghị lực, nàng vẫn cố gắng gượng ao ước bến bờ bình yên cho mình, sự bướng bỉnh, kiên quyết không chấp nhận số phận một cách quyết liệt của Hồ Xuân Hương đã nói lên thái độ không cam chịu trước số phận, thể hiện nỗi niềm khao khát được hạnh phúc, có được một mái ấm gia đình và được người chồng yêu thương chăm sóc chứ không phải ngồi một mình trong đêm khuya lạnh lẽo. Phẫn uất trước duyên phận, nàng cố gắng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch:
“Ngán nôi xuân đi xuân lại lại.
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Tiếng lòng than thở lúc này càng rõ ràng hơn khi nàng không thể kéo dài tuổi trẻ, ai cũng muốn được mãi xuân nhưng tạo hóa không cho phép. Xuân cứ đến mãi, liên tục hết lần này đến lần khác. Mùa xuân ghé thăm khiến cho nhà thơ ngán ngẫm, chẳng những không vui mà càng thêm buồn vì nó đồng nghĩa với việc nàng càng ngày càng già thêm. Tình duyên của Hồ Xuân Hương lúc bấy giờ chi là con số không. Tình yêu, hạnh phúc không trọn vẹn, chỉ là mảnh tình thừa bị san sẻ thành từng tí con con. Số phận vợ lẻ còn phải tả sao, nam nhân thời phong kiến tam thê tứ thiếp là chuyện đương nhiên. Có ai thâu hiểu cho những gì nàng đang phải gánh chịu? Liệu chàng có còn nhớ đến sự tồn tại của thiếp chăng? Dẫu đã vô tâm nhưng nàng vãn không đổ mọi oán hận lên người hắn. Hồ Xuân Hương rất muốn tự giải thoát cho mình nhưng rốt cuộc bà vẫn chỉ là một người phụ nữ bé nhỏ hèn mọn trong cái xã hội này, đành chấp nhận tháng ngày trôi. Mặc dù Hồ Xuân Hương có bản lĩnh, có giỏi giang như thế nào cũng không thể thoát khỏi nghịch cảnh của số phận. Bởi người phụ nữ không dễ có được địa vị trong xã hội này. Cái xã hội bất công “trọng nam khinh nữ”, đã làm cho người phụ nữ điêu đứng, nhưng cũng từ đó những phẩm chất tốt đẹp của họ được bộc lộ rõ nét hơn...
Tự tình II thể hiện tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương: vừa đau buồn, vừa phẫn uất trước duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kich. Bài thơ cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của “Bà Chúa Thơ Nôm” trong nghệ thuật sử dụng từ ngữ và xây dựng hình tượng. Khả năng Việt hóa thể thơ Đường Luật của nhà thơ rất điêu luyện: cách sử dụng từ ngữ giản dị, dân dã; sử dụng những từ Thuần Việt rất tinh tế kết hợp với biện pháp đảo ngữ, điệp từ, dùng từ đồng âm khác nghĩa, động từ mạnh,...
Từng câu từng chữ trong bài thơ Tự Tình II của Hồ Xuân Hương khiến cho độc giả không khỏi rung động trước tình cảnh éo le, trớ trêu, những bi kịch đau thương họ phải gánh chịu. Và có lẽ chính bởi từ đó, ta hiểu thêm về một nửa nhân loại. Hình ảnh người phụ nữ tiềm ẩn bao vẻ đẹp, tài năng và phẩm chất đáng trân trọng. Nhưng trong xã hội phong kiến mục nát ấy, mọi quyền lợi mà họ đáng được hưởng lại bị tước đoạt. Có thể khẳng định rằng, người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa đẹp người, đẹp nết. Họ mang một vẻ thuần khiết, trắng trong. Ánh sáng lan tỏa từ phẩm chất cao đẹp của họ sẽ len lỏi đến trái tim độc giả muôn đời.