03/06/2017, 22:53

Nguyễn khoa điềm đã quan niệm đất nước như thế nào? Hãy so sánh quan niệm của ông có điều gì mới về tư tưởng và hình thức biểu hiện với bài thơ khác.

Đất nước là những đề tài quen thuộc của văn học xưa nay, được diễn đạt tùy theo cảm nhận và quan điểm của các nhà thơ, nhà văn. Một nhà thơ trong thời chống Mĩ là Nguyễn Khoa Điềm đã có những suy nghĩ mới mẻ về đất nước qua những vần thơ trữ tình chính luận Đất Nước trích trường ca Mặt đường khát ...

Đất nước là những đề tài quen thuộc của văn học xưa nay, được diễn đạt tùy theo cảm nhận và quan điểm của các nhà thơ, nhà văn. Một nhà thơ trong thời chống Mĩ là Nguyễn Khoa Điềm đã có những suy nghĩ mới mẻ về đất nước qua những vần thơ trữ tình chính luận Đất Nước trích trường ca Mặt đường khát vọng.

 
Theo Nguyễn Khoa Điềm, đất nước không là của riêng ai, mà là của toàn thể nhân dân. Hàng triệu người vô danh từ thế hệ này sang thế hệ khác đã đổ bao mồ hôi và xương máu để bảo vệ và xây dựng đất nước:
 
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Trong suốt bốn nghìn năm dựng nước, nhân dân ta đã chiến đấu, lao động, tạo nên lãnh thổ, nền văn hóa dân tộc, những mối quan hệ gia đình, làng xóm, tổ tiên, quan hệ với thiên nhiên, lịch sử...

Và ở đâu trên khắp ruộng lòng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

 
Đất nước không phải là những gì xa xôi trừu tượng mà thật cụ thể, gắn bó mật thiết với tình cảm và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta:
 
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Và hiện hữu ngay trong bản thân mỗi người chúng ta:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

Quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm có điểm khác với quan niệm phong kiến ngày xưa: đất nước là của nhà vua.
 
Nam quốc sơn hà nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
(Lí Thường Kiệt)
 
Quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm cũng có điểm khác với quan niệm của các nhà yêu nước ở đầu thế kỉ XX: đất nước là của những bậc anh hùng làm nên lịch sử.
 
Nọ thuở trước đánh Tàu mấy lớp
Cõi trời Nam cơ nghiệp mở mang
Sông Đằng lớp sóng Trần Vương
Núi La rẽ khói mở đường nhà Lê
Quang Trung đế từ khi độc lập Khí anh hùng đầy ắp giang san
(Phan Bội Châu)
 
Về hình thức biểu hiện đất nước, bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm cũng có điểm mới mẻ, sáng tạo. Thơ ca cổ điển thường dùng tiếng cuốc kêu tượng trưng cho lòng nhớ thương nước nhà:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
(Bà Huyện Thanh Quan)

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
(Nguyễn Khuyến)
 
Chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây, vào những năm 20 của thế kỉ XX, Tản Đà đã dùng hình ảnh bức dư đồ để tượng trưng cho đất nước:
 
Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười.
 
Khi Cách mạng thành công, Xuân Diệu viết Ngọn quốc kì ca ngợi đất nước:

Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!
Những ngực nén hít thở Ngày Độc lập!
 
Riêng Nguyễn Khoa Điềm sử dụng những hình ảnh trong ca dao, tục ngữ, truyền thuyết muôn màu muôn vẻ, trải dài trong không gian, xuyên suốt cả thời gian, lắng đọng trong tâm tưởng ta qua những liên tưởng kì thú để tượng trưng cho đất nước. Trước hết, đất nước đã có từ lâu đời, qua Sự tích trầu cau, truyền thuyết Thánh Gióng:
 
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc...
 
Qua những mĩ tục thể hiện lối sống giàu tình nghĩa:
 
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
 
Qua đời sống lao động thật vất vả để lo cái ở, cái ăn:
 
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
 
Tóm lại, đất nước là một đề tài quen thuộc trong văn chương. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm đã nêu một quan niệm về đất nước thật mới mẻ với cách trình bày đa dạng, sinh động, từ truyền thống dân tộc trong quá khứ đến hiện tại và tương lai, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
 

0