Sự kiện ngày 30 tháng 04 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam qua một số tài liệu phương Tây và Việt Nam Cộng Hòa
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê Ths. Hồ Thành Tâm Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, sự hiện diện của vị quan chức cấp cao cuối cùng của Chính phủ Hoa Kỳ trên vùng đất một thời được gọi là Việt Nam Cộng hòa, chấm dứt. Hình ảnh viên Đại sứ Graham Martin già nua vội vã xếp lá cờ leo lên ...
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê
Ths. Hồ Thành Tâm
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, sự hiện diện của vị quan chức cấp cao cuối cùng của Chính phủ Hoa Kỳ trên vùng đất một thời được gọi là Việt Nam Cộng hòa, chấm dứt. Hình ảnh viên Đại sứ Graham Martin già nua vội vã xếp lá cờ leo lên chiếc trực thăng đang gầm rít trên nóc Tòa Đại sứ giữa tiếng pháo kích rất gần của Quân Giải phóng – đánh dấu kết thúc giấc mơ Hoa Kỳ ở Việt Nam. Cơn ác mộng kéo dài 30 năm là quá dài và quá lâu đối với một siêu cường. Nó đã đẩy Hoa Kỳ vào một thời kỳ cay đắng bởi hội chứng Việt Nam (Vietnam syndrome) kéo dài liên tục trong nhiều thập kỷ. Hơn 30 năm đã trôi qua, cuộc chiến tranh Việt Nam đến giờ vẫn ám ảnh tâm hồn Hoa Kỳ[1]. Hàng loạt các cuộc tranh cãi vì sao Việt Nam Cộng hòa – một chế độ có lực lượng bộ binh đứng vào thứ 4 trên thế giới lúc đó, với hàng ngàn máy bay, tàu chiến hiện đại do Hoa Kỳ trang bị, mà vẫn thất bại? Câu hỏi này được bàn luận khá nhiều bởi các tướng lĩnh từng trực tiếp tham gia cuộc chiến, chính giới và các nhân vật điều hành bộ máy chính quyền cả Việt Nam Cộng hòa lẫn Hoa Kỳ.
Có nhiều quan điểm bất đồng, thậm chí đối lập giữa họ – những người một thời đứng cùng chiến tuyến, cho thấy tính chất phức tạp, phong phú của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng họ đều thống nhất với nhau ở một điểm cơ bản: với ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhân dân Việt Nam đã toàn thắng và Hoa Kỳ đã thất bại thảm hại.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu miễn cưỡng đặt bút phê chuẩn văn kiện Hiệp định Paris – bản Hiệp định mà ông ta hết sức bất mãn, bởi những lời hứa hẹn lẫn đe dọa của Nixon[2]: “Tôi nhắc lại cam kết cá nhân của tôi đối với ngài rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng rất mạnh và nhanh đối với bất kỳ sự vi phạm nào trong Hiệp định”[3]. Lời cam kết của Tổng thống một siêu cường đối với cơ nghiệp của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu như một thứ “bùa hộ mệnh”. Ông nói với Hoàng Đức Nhã – Cố vấn đặc biệt, rằng: “Nixon là người trọng danh dự. Tôi tin ông ấy”[4]. Chính niềm tin này đã đẻ ra kế hoạch tái thiết quốc gia mà Nguyễn Văn Thiệu dự định cho đến năm 1980[5], và trong khi Hoa Kỳ rút quân, ông vẫn phát biểu một cách cứng rắn rằng: “Nếu cộng sản dám đặt chân lên vùng chúng tôi kiểm soát, chúng tôi sẽ tiêu diệt họ”[6].
Ngược lại với Tổng thống Thiệu, các cấp dưới của Việt Nam Cộng hòa ngay từ đầu đã tỏ ra hoài nghi tính hiệu quả của Hiệp định (mà Nguyễn Tiến Hưng, Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế kế hoạch Việt Nam Cộng hòa, gọi là “trò chơi đố chữ”) và khả năng can thiệp của Hoa Kỳ.
Nguyên Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, người đã từng kề vai sát cánh với Thiệu trong cuộc bầu cử năm 1967, để rồi bị chính ông này hạ bệ, cho rằng: “Thật ra Hiệp định Ba Lê đã cho thế giới một ấn tượng hoàn toàn sai lầm. Mặc dù nó chấm dứt chiến tranh cho Hoa Kỳ, Hà Nội không bao giờ coi như chiến tranh đã chấm dứt… Bắc Việt chỉ biết một điều: Hoa Kỳ thật ra không quan tâm gì đến hòa bình, Hoa Kỳ chỉ quan tâm đến việc rút quân ra khỏi Việt Nam”[7].
Nguyễn Tiến Hưng thể hiện tâm trạng bi quan trong hồi ký của mình: “Những vùng da beo đang sinh sôi cả về quy mô lẫn số lượng, chẳng bao lâu sẽ phá vỡ những hoạt động của toàn bộ chính quyền. Người Hoa Kỳ từ lâu đã hứa sẽ có những phản ứng thích hợp đối với những vi phạm Hiệp định ngừng bắn ở miền Nam của Bắc Việt, nhưng đến nay vẫn chưa thấy điều họ hứa được thực hiện ở đâu cả”[8].
Giới quân sự cũng có những nhận xét tương tự:
Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhận định: “Nhưng một khúc quanh lịch sử xuất hiện, và khúc quanh đó đưa đến mọi thay đổi. Hiệp định Ba Lê được trao vào tay chúng ta như một trát lệnh tử hình; Việt Nam Cộng hòa bị dẫn vào một ngõ cụt từ đó”[9].
Thất bại cơ bản về mặt quân sự là việc duy trì một lực lượng lớn và nguy hiểm sát nách Sài Gòn mà Hiệp định Paris đã mặc nhiên công nhận. Tướng Đồng Văn Khuyên, nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Cục trưởng Tổng cục tiếp liệu Quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhận xét: Hiệp định Paris “tạo cho Bắc Việt những điều kiện thuận lợi để thành công trong việc chinh phục miền Nam… Tại Nam Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng được cho có một địa vị quốc gia hợp pháp. Nó có một chính quyền chính thức, một quân đội, một lãnh thổ riêng biệt. Trong mọi phương diện, Mặt trận Dân tộc giải phóng đã trở thành một thực thể chính trị có quyền ngang hàng với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa… Kể từ năm 1954 chưa bao giờ cộng sản có được một thế chính trị và quân sự mạnh như thế”[10].
Nhìn nhận về bản Hiệp định này, hai đồng minh lại có những đánh giá khác nhau. Đối với Tổng thống Nixon, Hiệp định là một thắng lợi cần thiết cho những tính toán dài hơi hơn về sau, nhưng đối với Việt Nam Cộng hòa, ngoài những hy vọng ban đầu của Tổng thống Thiệu, tất cả đều thấy một nguy cơ to lớn đang treo lơ lửng trên đầu do bản Hiệp định mang lại. Nhưng rất nhanh chóng, ông ta bắt đầu tỏ ra hoài nghi tính hiện thực của những lời hứa của Nixon. Cuộc chiến Yom Kippur bùng nổ dần dần thu hút mối quan tâm của Washington[11] và đồng thời, vụ Watergate bắt đầu phả hơi nóng của nó lên chính trường Hoa Kỳ. Đúng vào ngày tin Hoa Kỳ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam được loan báo thì nhóm thợ ống nước trong vụ Watergate nhận tội. Cú sốc gây chấn động mạnh trên chính trường Hoa Kỳ, đưa đến một loạt hạn chế của Quốc hội đối với quyền hạn của Tổng thống và sự mất tin tưởng sâu sắc của người dân Hoa Kỳ. Kissinger cho rằng, vụ Watergate đã tạo ra một “Nixon khác. Ông đối phó với vấn đề vi phạm Hiệp ước thiếu mạch lạc một cách kỳ cục. Ông buông xuôi. Ông không làm quyết định một cách chuyên chú và đầy nghị lực, vốn là đặc tính của ông. Lời hùng biện có thể vẫn còn đó, nhưng lần này nó được kèm theo bởi những lý do để không làm gì cả. Hồi tưởng lại, chúng ta biết rằng đến tháng 3 thì vụ Watergate đang sôi sục”[12]. Nixon viết trong hồi ký của mình: “Một khi Quốc hội tước bỏ khả năng phản ứng bằng quân sự chống lại những vi phạm Hiệp định hòa bình, tôi biết rằng mình chỉ còn có thể đe dọa suông mà thôi”[13].
Hậu quả của vụ Watergate về sau luôn được Nixon và Kissinger sử dụng để bào chữa cho trách nhiệm của mình trước sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa: “Nếu không có những khó khăn nội bộ, chúng tôi đã oanh tạc họ rồi. Bây giờ thì không thể làm điều này được. Những người anh em của ông ở miền Bắc chỉ hiểu được sự tàn bạo”[14]. “Tôi (tức Kissinger – TG) vẫn tin tưởng rằng thế cân bằng lực lượng được mang lại trong Hiệp định Paris đã có thể được duy trì nếu Watergate không phá hủy khả năng của chúng tôi để đạt được sự viện trợ đầy đủ của Quốc hội vào năm 1973 và năm 1974 cho Nam Việt Nam”[15]. Ngày 9 tháng 8 năm 1974, Nixon bị buộc phải từ chức. “Những cam kết bí mật của Nixon với Thiệu cũng tan theo chế độ Tổng thống của Nixon”[16] – Đô đốc Zumwalt nói.
Tại Sài Gòn, ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng Watergate, đã có nhiều luồng ý kiến bày tỏ tâm trạng bi quan đối với tương lai của cuộc chiến. Bùi Diễm, cựu Đại sứ lưu động của Việt Nam Cộng hòa, cho biết: “ông Thiệu vẫn được coi nổi tiếng là gan lì, nhưng tôi cảm tưởng là ông đã bắt đầu lo ngại khi tôi thuật lại vụ Watergate và những hậu quả bất lợi phải tiên liệu cho miền Nam. Ông có vẻ đăm chiêu hơn trước và ít nói”[17].
Diễn biến tình hình trên chính trường Hoa Kỳ tác động trực tiếp đến tâm trạng của các nhân vật trong Dinh Độc Lập.“Vào ngày 9 tháng 8 năm 1974 Tổng thống Thiệu ngồi đơn độc trong phòng làm việc ở Dinh Độc Lập, ông nhắm mắt lại, cắn môi, xoay nắm tay phải trên lòng bàn tay trái. Tin R. Nixon từ chức hôm đó đã đặt Thiệu vào một tình trạng rất căng thẳng”[18]. Thiệu tỏ ra lo lắng về vị tân Tổng thống, không biết ông ta sẽ cư xử ra sao đối với Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên tâm trạng đó đã được giải tỏa vào ngày 10 tháng 8 khi Thiệu nhận được bức điện của Tổng thống Gerald Ford, trong đó nhấn mạnh đến “những cam kết mà quốc gia chúng tôi đã lập ra vẫn luôn có giá trị và sẽ được tôn trọng đầy đủ”[19].
Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố: “Vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn tin rằngChính quyền và nhân dân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục chính sách đã được năm vị Tổng thống Hoa Kỳ theo đuổi và được hai Đảng chính trị chính yếu của Hoa Kỳ duyệt y. Hoa Kỳ sẽ duy trì hợp tác của họ với Chính quyền và nhân dân Việt Nam, để nền hòa bình chân chính ở Nam Việt Nam căn cứ vào Hiệp định Paris được thành công”[20]. Tin rằng mình sẽ tiếp tục được Hoa Kỳ ủng hộ, ông bỏ qua một bên chiến lược tái phối trí lực lượng phòng thủ quốc gia.
Trên thực tế, Chính quyền G. Ford đã không thể giúp được gì cho Việt Nam Cộng hòa ngoài những lời hứa và sau này là tài trợ cho chương trinh di tản khỏi Sài Gòn. Vụ khủng hoảng Watergate trong khi tước đi khả năng tái can thiệp của Nixon thì đồng thời cũng đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng tồn tại của Việt Nam Cộng hòa. Những sự kiện diễn ra sau đó chỉ là cơn hấp hối kéo dài của Việt Nam Cộng hòa, bản thân chúng không có khả năng đảo ngược tiến trình lịch sử.
Tuy nhiên, vào cuối năm 1974, dù tiên liệu được chiến thắng chung cuộc sẽ thuộc về mình, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tỏ ra thận trọng trong việc hoạch định chương trình giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kế hoạch được xây dựng cho hai năm 1975-1976, với năm 1975 là năm quyết định và năm 1976 là thời điểm giành thắng lợi hoàn toàn. Dù khó có thể xảy ra, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn dè chừng khả năng tái can thiệp của Hoa Kỳ. Kế hoạch đã thay đổi và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự bước qua lịch biểu của mình khi phép thử Phước Long thành công. Vừa đánh vừa dò xét Hoa Kỳ, khi Washington buộc phải ngồi yên thì Hà Nội quyết định đẩy nhanh tiến độ: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về chính trị và quân sự như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”[21]. Phương án “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975” được nhấn mạnh.
Trong khi Quân Giải phóng đang dồn dập tiến công Phước Long từ các hướng thì bộ máy quân báo Việt Nam Cộng hòa vẫn không đánh giá đúng ý đồ của đối phương, không đề ra những phản ứng thích hợp. Đó là tình hình tại cấp Trung ương, còn ở Phước Long, khi thấy xe tăng của Quân Giải phóng đồng loạt tiến vào tỉnh lỵ, tinh thần binh sĩ Việt Nam Cộng hòa lẫn dân chúng đều trở nên hoảng hốt. Lá thư của Linh mục Trần Đức Sâm, Chánh xứ tỉnh lỵ Phước Long, gửi Linh mục Cao Văn Luận có đoạn: “… quân đội, cả sĩ quan đều chỉ nghĩ đến chuyện một chạy hai chết… Hiện nay nhìn vào tình hình VC, nhìn vào tinh thần lính, nhìn vào sự tăng viện nhỏ giọt của quân đoàn không ai có thể tin là PL (tức Phước Long – TG) có thể cầm cự nổi nếu bị đánh”[22]. Đến khi Phước Long thất thủ, một mặt Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho bộ máy tuyên truyền loan báo việc Quân Giải phóng vi phạm Hiệp định Paris, cường điệu tính chất, mức độ, cường độ của cuộc tấn công, kêu gọi nhân dân và binh lính quyết tâm chiến đấu đẩy lùi đối phương[23]; chỉ thị cho Bộ Ngoại giao kiến nghị và kêu gọi sự ủng hộ, bênh vực của dư luận quốc tế đối với Việt Nam Cộng hòa [24] thì mặt khác, ông ta quyết định “án binh bất động”. Thiệu muốn sử dụng sự kiện Phước Long như một “cái cớ” để mặc cả viện trợ của Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn tiễn phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ về nước ngày 1/3/1975, sau khi tố cáo những hành động vi phạm Hiệp định Paris của Quân Giải phóng mà Việt Nam Cộng hòa là nạn nhân, Tổng thống Thiệu nói “Khi đã khắc ghi sư hy sinh cao cả mà hàng vạn thanh niên Hoa Kỳ đã chấp nhận trên mảnh đất nầy, và những gian khổ mà nhiều người khác đã gánh chịu trong các lao tù Cộng sản, liệu chúng ta có thể để cho những hy sinh đó trở thành vô nghĩa hay không? Liệu Hoa Kỳ có tách rời người bạn đồng hành với mình trong suốt hai thập niên vừa qua không? Nhớ lại lịch sử kiêu hùng và sự cung hiến của Hoa Kỳ cho các lý tưởng Tự do và Công bằng, tôi tin rằng câu trả lời cho câu hỏi nói trên, chỉ có thể là KHÔNG”[25]. Lời lẽ lâm li trên chỉ nhằm kêu gọi số viện trợ bổ sung 300 triệu USD mà ít lâu sau cũng bị chính Quốc hội Hoa Kỳ cắt nốt.
Đánh giá ý nghĩa của trận Phước Long, Tướng Cao Văn Viên viết: “Đối với cộng sản, chiến thắng Phước Long không chỉ là một chiến thắng đơn thuần về quân sự; họ đạt được nhiều lợi điểm về tâm lý và chính trị trong chiến thắng đó. Đây là bước đầu của một cuộc chinh phục quân sự, một cuộc chinh phục trắng trợn mà cộng sản không sợ bị trả đũa, phản ứng, từ Hoa Kỳ. Cộng sản Bắc Việt không có một khuyến khích nào tốt hơn trước sự yên lặng của Hoa Kỳ”[26].
Frank Snepp, một viên chức cao cấp của CIA ở Sài Gòn lúc đó cũng viết: “Về quân sự mà nói, Phước Bình bao giờ củng chỉ có một giá trị thứ yếu. Đó là một hòn đảo nhỏ nằm giữa một miền đất tranh chấp nóng bỏng. Nhưng về mặt tâm lý nó thất thủ sẽ làm cho Chính phủ choáng váng. Chưa một tỉnh lỵ nào rơi vào tay cộng sản kể từ khi thành phố Quảng Trị đầu hàng. Nhưng Quảng Trị đã chiếm lại được. Và cũng chưa bao giờ Hoa Kỳ tỏ ra thụ động đến như vậy… Họ đã nắm được bằng chứng là Hoa Kỳ sẽ không nhúng tay can thiệp để giúp đồng minh của nó tránh được một thất bại nặng nề”[27].
Ngày 14 tháng 1 năm 1975, một tuần sau khi Phước Long thất thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Schlesinger tuyên bố tại Washington rằng: “Bây giờ tình hình ở Nam Việt Nam cho thấy Bắc Việt Nam không thích tung ra một cuộc tấn công rộng khắp, quy mô. Cái mà họ đang chú tâm là làm suy yếu sự kiểm soát của chế độ Nam Việt Nam trên khắp nước, đặc biệt làm đảo lộn chính sách bình định đang thành công. Do đó điều mà chúng tôi tiên đoán trong vài tháng tới chỉ là một số trận đánh lớn. Lúc này tôi không tiên liệu sẽ có cuộc tấn công quy mô chính yếu như năm 1972”[28]. Trong khi đó, Tổng thống Ford viết thư cho Nguyễn Văn Thiệu an ủi rằng: “Sự thi hành đầy đủ Hiệp định Paris với sự đàm phán trực tiếp của hai phía Việt Nam sẽ là phương cách hiệu quả nhất, mau chóng nhất để chấm dứt sự đổ máu ở Việt Nam”[29]. Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa.
Điều này gây ra sự bất bình sâu sắc ở Thiệu. Ông ta quyết định quay lại kế hoạch tái phối trí chiến lược phòng thủ quốc gia đã từng được bàn đến trước đó và tiến hành trong sự bí mật với Washington[30].
Buôn Ma Thuột là khởi đầu của đoạn kết. Một khởi đầu hoàn toàn bất ngờ.
Tháng 12 năm 1974. Tướng Phạm Văn Phú được chỉ định thay Tướng Nguvễn Văn Toàn làm Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật – Quân khu 2. Phú cho rằng Quân Giải phóng sẽ tấn công vào hai tỉnh Kon Tum và Pleiku, những hoạt động nghi binh của Quân Giải phóng càng khiến Phú tin chắc vào điều đó, nên ông ta tập trung phần lớn lực lượng Quân đoàn 2 lên phía Bắc Tây Nguyên, để nhiệm vụ phòng thủ Buôn Ma Thuột cho một liên đoàn Biệt động quân[31]. Cả Sài Gòn lẫn Washington bị lừa vào một cái bẫy lớn.
- Snepp viết: “Ở sứ quán tại Sài Gòn, chúng tôi không hề biết Tướng Văn Tiến Dũng có mặt ở miền Nam Việt Nam. Chúng tôi lại càng không biết là ông đã đặt sở chỉ huy ở phía Tây Buôn Ma Thuột và chuẩn bị tấn công thành phố. Viện binh của Bắc Việt Nam ùn ùn kéo đến đó mà chẳng ai hay và cũng không ai quan tâm đến một vài báo cáo tin tức đả động đến chuyện này. Sự thật hiển nhiên là cộng sản chuẩn bị mở một giai đoạn mới cho chiến dịch mùa khô, nhưng không một ai trong chúng tôi biết mục tiêu chính của họ nhằm vào chỗ nào”[32]. F. Snepp cũng kể lại thái độ của Nguyễn Văn Thiệu khi biết tin Buôn Ma Thuột bị tấn công: “Điên tiết vì Buôn Ma Thuột bị tấn công bất ngờ. Thiệu bắt đầu chửi rủa những sĩ quan quân báo của ông ta, buộc tội họ đã lừa dối mình”[33].
Mất Buôn Ma Thuột, Quân đoàn 2 tháo chạy và tan rã trong cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên. Mọi phương án tái chiếm Buôn Ma Thuột đều thất bại vì không đủ lực lượng[34]. Thế trận quân sự của Việt Nam Cộng hòa bị giáng một đòn chí mạng. Trên phương diện quân sự, thảm bại Buôn Ma Thuột đánh dấu sự sụp đổ không thể cứu vãn được của chế độ Sài Gòn, “binh bại như núi lở”.
Tại Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhận thấy không thể làm gì khác được, nên quyết định thay đổi chiến lược “giữ đất bằng mọi giá” thành “giữ đất theo khả năng”: “Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có, chắc chắn chúng ta không thể bảo vệ được tất cả lãnh thổ chúng ta muốn bảo vệ”[35]. Ông ta phác ra những vùng đất ưu tiên và những vùng ít quan trọng hơn cần bảo vệ. Tây Nguyên coi như đã mất, chỉ còn lại dải ven biển Vùng 2 chiến thuật với những giá trị kinh tế quan trọng và các Vùng 3, 4.
Đối với Vùng 1, vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa yêu cầu “giữ được phần nào thì giữ”. Ông ta tỏ ra không còn mặn mà đối với Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị nữa. Ưu tiên số một là phải tập trung lực lượng mạnh để bảo vệ Sài Gòn và những vùng phụ cận. Vì vậy, Thiệu liên tiếp đưa ra những mệnh lệnh bất nhất, buộc Ngô Quang Trưởng phải điều Sư đoàn dù về Sài Gòn, làm suy yếu khả năng phòng thủ của vị tướng này, góp phần đưa đến sự thất thủ của Vùng 1 chiến thuật[36].
Trong thời gian này, Nguyễn Tiến Hưng được lệnh xúc tiến những cuộc vận động Quốc hội Hoa Kỳ nhằm kêu gọi sự viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam Cộng hòa. Khả năng phòng thủ của quân Sài Gòn tùy thuộc vào số viện trợ mà Hoa Kỳ cung cấp. Nhưng đối với Hoa Kỳ, vấn đề Việt Nam đã chấm dứt lâu rồi. Kissinger nói: “Sao họ không chết đi sớm hơn. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu cứ để họ sống vất vưởng”[37].
Trên chiến trường, sau khi giải phóng Đà Nẵng, Quân Giải phóng trên mọi nẻo đường, thần tốc tiến về phía Nam. Lần đầu tiên trong cuộc chiến này, Quân Giải phóng có thể công nhiên hành quân giữa ban ngày, trên các con đường lớn cùng tất cả hệ thống vũ khí của mình mà không phải e ngại bất cứ điều gì. Nguyễn Tiến Hưng nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử cuộc chiến tranh Đông Nam Á, quân chủ lực Bắc Việt lộ ra hoàn toàn, xe tăng của họ công nhiên chạy rầm rầm giữa ban ngày trên những con đường Nam Việt Nam. Những điểm đóng quân của phe Bắc Việt hiện ra mồn một và quân của họ rất tập trung… Hà Nội chuyển từ chiến tranh du kích “âm thầm chiến đấu” sang chiến tranh quy ước hoàn toàn”[38]. Hình ảnh cuộc chiến tranh đã thay đổi một cách căn bản. Từ những nhóm du kích nhỏ lẻ với trang bị đơn giản, Quân Giải phóng đã đạt được một bước tiến kỳ diệu với bốn quân đoàn trong tay cùng hệ thống vũ khí hiện đại bậc nhất. Năm 1975, ưu thế áp đảo về lực lượng và vũ khí hoàn toàn thuộc về phía những người cộng sản.
Tại Sài Gòn, thời gian chỉ còn được tính bằng ngày. Ngày 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống và bay sang Đài Loan. Trước khi đi, ông ta không quên tố cáo đồng minh Hoa Kỳ của mình là “vô nhân đạo”[39]. Sự kiện Nguyễn Văn Thiệu từ chức đánh dấu sự tan rã hoàn toàn của Việt Nam Cộng hòa. Sau 7 năm cầm quyền với sự hỗ trợ to lớn của Hoa Kỳ, ngày ra đi, Thiệu bỏ lại sau lưng hình ảnh một Việt Nam Cộng hòa đang hấp hối, trút bỏ trách nhiệm lên vai Trần Văn Hương. Chính phủ Trần Văn Hương, “một chính phủ kiểu Thiệu mà không có Thiệu”, chỉ tồn tại được một tuần và không phải là tâm điểm của mọi hy vọng ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Người được nhắc đến nhiều nhất là Tướng Dương Văn Minh.
Tướng Dương Văn Minh được xem là hy vọng sống sót cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa thông qua một chính phủ liên hiệp mà trước giờ ông ta vẫn theo đuổi. Tối 27 tháng 4, Dương Văn Minh được bầu làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ảo tưởng về giải pháp Dương Văn Minh nhanh chóng bị tan vỡ. Sài Gòn lúc này không còn gì để thương lượng. Trưa ngày 30 tháng 4, Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. Dương Văn Minh làm nhiệm vụ cuối cùng trên cương vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa là đọc tuyên bố đầu hàng không điều kiện và yêu cầu binh sĩ hạ vũ khí tại chỗ. Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Năm năm sau ngày Sài Gòn giải phóng, Nixon viết trong hồi ký của mình về nguyên nhân thất bại của cuộc “chiến tranh Việt Nam”: “Có thêm vũ khí hạt nhân trong kho cũng không thể cứu được Việt Nam. Có thêm quân đội chính quy cũng không thể cứu được Việt Nam. Việt Nam thất bại, không phải là vì thiếu thốn sức mạnh, mà là bởi sự thất bại của khả năng và quyết tâm sử dụng sức mạnh. Những thất bại này là vì sự chia rẽ trong lòng tin của dân chúng dẫn đến sự sụp đổ của ý chí quốc gia. Cuối cùng, Tổng thống đã bị suy yếu bởi những hạn chế của Quốc hội lên quyền tiến hành chiến tranh của Tổng thống và bởi những tác động tiêu cực của vụ Watergate”[40].
Cũng với những nhận xét tương tự, Kissinger viết: “Chính quyền thì có mục tiêu mà không đạt được sự nhất trí trong nước; những kẻ chỉ trích thì có nhiệt tình mà không biết phân tích tình hình. Vụ bê bối Watergate đã phá hủy mọi hy vọng cuối cùng về một kết quả đúng đắn nào đó”[41].
Về phía Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu trước sau đều đổ hết tội cho Hoa Kỳ đã phản bội nhân dân và chế độ của ông ta: “Tốt hơn là nên để chính người Hoa Kỳ nói lên điều này. Tôi nghe nói đã có những nhân vật quan trọng có nhiều trách nhiệm đối với vấn đề Việt Nam thú nhận rằng họ đã phản bội chúng tôi”[42]. Tướng Cao Văn Viên kể ra sáu lý do chính khiến Việt Nam Cộng hòa thất bại là: Hiệp định Paris năm 1973, sự thất hứa trong việc tái can thiệp của Hoa Kỳ, viện trợ bị cắt giảm đột ngột, những quyết định chiến lược được đưa ra quá trễ, Việt Nam Cộng hòa đã không điều chỉnh đường lối quốc gia cho phù hợp với tình hình quốc tế đang thay đổi và tình trạng tan vỡ mọi mặt của Việt Nam Cộng hòa sau 20 năm chiến tranh dằng dặc[43].
Suy cho cùng, hầu hết những người liên quan bên phía Việt Nam Cộng hòa lẫn Hoa Kỳ đều cố gắng quy kết trách nhiệm cho người khác về sự sụp đổ của Việt Nam cộng hòa. Tất cả họ đều không đánh giá đúng quyết tâm và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam dám hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói“Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
[1] Diễn văn nhậm chức của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có nhắc đến Khe Sanh. Xem http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2009/01/090120_obama_speech.shtml
[2] Tổng cộng đã có 27 bức thư của R. Nixon gửi cho Tổng thống Thiệu, nhấn mạnh đến những cam kết của Nixon đối với đồng minh nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris. Về nội dung những bức thư này, xem: Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, tập 1 và 2, Nxb. Trẻ, tp. Hồ Chí Minh, 1996.
[3] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 1, tr.299, 354.
[4] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 1, tr.354.
[5] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.106.
[6] Larry Berman, Không hòa bình chẳng danh dự, Việt Tide xuất bản, 2003, tr.324.
[7] Larry Berman, Không hòa bình chẳng danh dự, sđd, tr.328.
[8] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 1, tr.418.
[9] Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, Vietnam Bibliography, 2003, tr.19.
[10] Larry Berman, Không hòa bình chẳng danh dự, sđd, tr.327-328.
[11] Thomas J. Cormick, Nước Mỹ nửa thế kỷ. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.384-399.
[12] Larry Berman, Không hòa bình chẳng danh dự, sđd, tr.343-344.
[13] Richard M. Nixon, The Real War, Wanner Books Press, New York, 1980, p.117.
[14] Larry Berman, Không hòa bình chẳng danh dự, sđd, tr.343-344.
[15] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 1, tr.387-388.
[16] Larry Berman, Không hòa bình chẳng danh dự, sđd, tr.345-346.
[17] Bùi Diễm, Gọng kiềm lịch sử, Cơ cơ Phạm Quang Khai xuất bản, Paris, 2000, tr.556.
[18] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.115.
[19] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.120-122.
[20] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.123.
[21] Dẫn lại theo Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam 1965-1975, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr.509.
[22] Trích thư của Linh mục Trần Đức Sâm gửi Linh mục Cao Văn Luận ngày 25/12/1974, phông ĐIICH, hồ sơ số 568.
[23] Biên bản phiên họp Hội đồng Nội các đặc biệt Việt Nam Cộng hòa ngày 3/1/1975 có đoạn: “Trong các cuộc thuyết trình và họp báo nầy, không cần đi vào chi tiết, chỉ nêu tuần tự những cuộc tấn công của Cộng sản tại Tỉnh Phước Long và nhấn mạnh đến hiện trạng Tỉnh Phước Long trước ngày ký Hiệp định Balê (hoàn toàn thuộc chủ quyền VNCH), đồng thời đưa ra những con số cụ thể về các phương tiện mà địch đã huy động để đánh chiếm Phước Long, cốt cho dư luận thấy rõ tương quan lực lượng và chứng tỏ âm mưu trường kỳ của Cộng sản là xâm chiếm miền Nam”. Trích biên bản tóm lược số 01/75 phiên họp Hội đồng Nội các đặc biệt chính quyền Sài Gòn ngày 3/1/1975 về kế hoạch phản kháng vụ Quân Giải phóng đánh chiếm tỉnh Phước Long, phông ĐIICH, hồ sơ số 568.
[24] Tuyên cáo của Văn phòng Lưỡng viện Quốc hội Việt Nam Cộng hòa ngày 4/1/1975 có đoạn: “Khẩn thiết kêu gọi tổ chức Liên Hiệp Quốc, các thành viên ký kết Định ước Quốc tế ngày 2.3.1973 và Ủy hội Quốc tế Kiểm soát và Giám sát bắt buộc Cộng sản Bắc Việt phải tức khắc chấm dứt mọi hành vi xâm lược và phá hoại hòa bình…”. Phông ĐIICH, hồ sơ số 568.
[25] Trích diễn văn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ngày 1/3/1975 tiễn phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ về nước, Phông PTTg, hồ sơ số 3822.
[26] Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, sđd, tr.113-114.
[27] Frank Snepp, Tùy nghi di tản, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr.118-119.
[28] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.143.
[29] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.149.
[30] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.167-169.
[31] Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, sđd, tr.116.
[32] Frank Snepp, Tùy nghi di tản, sđd, tr.142.
[33] Frank Snepp, Tùy nghi di tản, sđd, tr.155.
[34] Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, sđd, tr.140.
[35] Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, sđd, tr.129.
[36] Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, sđd, tr.174.
[37] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.263.
[38] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.207.
[39] Nguyễn Tiến Hưng, J. L. Shecter, Từ Tòa Bạch Ốc đến Dinh Độc lập, sđd, tập 2, tr.330.
[40] Richard M. Nixon, The Real War, sđd, tr.123.
[41] Henri Kissinger, Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã ấn hành, tập 1, tr.16.
[42] Nguyễn Văn Thiệu trả lời phỏng vấn trong bộ phim của Michael McClear, Việt Nam cuộc chiến tranh 10.000 ngày, tập 12.
[43] Cao Văn Viên, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, sđd, tr.235-254.
Nguồn bài đăng