18/06/2018, 16:04

Sử kí -Tần Thủy Hoàng bản kỉ

Hán – Tư Mã Thiên soạn Lưu Tống – Bùi Nhân tập giải Đường – Tư Mã Trinh sách ẩn, Trương Thủ Tiết chính nghĩa Nhữ Thành phiên dịch Tích Dã hiệu chính Thủy Hoàng đã lập, chiếm cả sáu nước, hủy kiếm đúc chuông, cất xếp binh cách, tôn ...

tan thuy hoang

Hán – Tư Mã Thiên soạn
Lưu Tống – Bùi Nhân tập giải
Đường – Tư Mã Trinh sách ẩn, Trương Thủ Tiết chính nghĩa
Nhữ Thành phiên dịch
Tích Dã hiệu chính

Thủy Hoàng đã lập, chiếm cả sáu nước, hủy kiếm đúc chuông, cất xếp binh cách, tôn hiệu xưng đế, khoe võ trổ sức, Nhị Thế nối theo, Tử Anh hàng phục. Cho nên chép bản kỉ thứ sáu là Thủy Hoàng bản kỉ. 

Thủy Hoàng Đế nhà Tần là con của Trang Tương Vương nước Tần. (Sách ẩn: Trang Tương Vương là con giữa của Hiếu Văn Vương, là cháu của Chiêu Tương Vương, tên là Tử Sở. Xét: Chiến quốc sách chép vốn tên là Tử Dị, sau làm con nối dõi của Hoa Dương phu nhân, phu nhân là người nước Sở, nhân đó đổi tên là Tử Sở.) Vào lúc Trang Tương Vương làm con tin của vua nước Tần ở nước Triệu (Chính nghĩa: Vua nước mạnh muốn để cho vua nước yếu đến giúp mình cho nên sai con và bầy tôi quyền quý đến làm con tin. Lại nữa hai nước đối địch cũng cho con tin qua lại. Tả truyện chép: “Nhà Chu và nước Trịnh cho con tin qua lại, con vua nhà Chu là Hồ làm con tin ở nước Trịnh, con vua nước Trịnh là Hốt làm con tin ở nhà Chu.”) có gặp người thiếp của Lữ Bất Vi bèn thích mà lấy nàng, (Sách ẩn: Xét: Bất Vi truyện chép: “Bất Vi là nhà buôn lớn người huyện Dương Trạch có người thiếp là con gái nhà giàu ở thành Hàm Đan múa hát giỏi, có thai mà dâng cho Tử Sở). sinh ra Thủy Hoàng, sinh ra ở thành Hàm Đan vào tháng giêng năm thứ bốn mươi tám thời Chiêu Vương nước Tần. Lúc sinh, đặt tên là Chính, mang họ Triệu.( Tập giải: Tống Trung nói: “Vì sinh ra vào buổi sáng tháng giêng cho nên đặt tên là Chính.” Sách ẩn: Hệ bản chép tên là ‘Chính’, lại sinh ở nước Triệu, cho nên gọi là Triệu Chính. Có người nói vua nước Tần cùng tổ với vua nước Triệu, được phong ở thành Triệu mà nổi lên, cho nên mang họ Triệu. Chính nghĩa: Chính nghĩa: Chính, đọc là ‘chính’. Thủy Hoàng sinh vào buổi sáng tháng giêng ở nước Triệu, nhân đó đặt tên là Chính, sau vì kị húy Thủy Hoàng cho nên đọc là ‘chinh’.) Năm mười ba tuổi thì Trang Tương Tương chết, Chính thay lập làm vua nước Tần. Vào thời bấy giờ, nước Tần đã gồm cả các quận Ba-Thục-Hán Trung, qua huyện Uyển lấy thành Dĩnh mà đặt ra quận Nam; phía bắc thu lấy từ quận Thượng về phía đông có các quận Hà Đông-Thái Nguyên-Thượng Đảng; phía đông đến thành Huỳnh Dương, diệt hai nước của nhà Chu đặt ra quận Tam Xuyên. Lấy Lữ Bất Vi làm Tướng quốc, phong cho mười vạn hộ, hiệu là Văn Tín Hầu. Mời gọi tân khách kẻ sĩ du thuyết đến muốn để mưu việc chiếm cả thiên hạ. Lấy Lí Tư làm Xá nhân. (Tập giải: Văn loại chép: ” Là chức quan nhỏ chủ về việc trông coi chuồng ngựa. Có kẻ nói là chủ việc tiếp đãi tân khách gọi là Xá nhân.”) Lấy bọn Mông Ngao, Vương Ỷ, (Tập giải: Từ Quảng nói: “Có sách chép là Vương Hột.” Sách ẩn: Mông Ngao là người nước Tề, là cha của Mông Vũ, là ông tổ của Mông Điềm. Vương Ỷ là Vương Hột, là kẻ thay quan Đại phu tên là Lăng đánh nước Triệu vào năm thứ bốn mươi chín thời Chiêu Vương. Ỷ, đọc là ‘ngư ỉ’ phiên. Lưu Bá Trang đọc là ‘ỷ’. )Biều Công (Tập giải: Ứng Thiệu nói: Biều là tên ấp của nước Tần.” Sách ẩn: Biều Công có lẽ là chúa ấp Biều, sử không chép họ tên. Chính nghĩa: Biều, đọc là ‘bỉ miêu’ phiên, có lẽ là tên huyện của nước Tần, quan Đại phu thì xưng là ‘Công’ như phép tắc của nước Sở.) làm tướng quân. Vua tuổi nhỏ mới lên ngôi, trao việc nước cho đại thần. 

Năm đầu (năm 246 TCN), người ở huyện Tấn Dương làm phản, tướng quân là Mông Ngao đánh dẹp được. Năm thứ hai (năm 245 TCN), Biều Công đem quân đánh huyện Quyển, chém ba vạn đầu. 

Năm thứ ba (năm 244 TCN), Mông Ngao đánh nước Hàn, lấy mười ba thành. Vương Ỷ chết. Tháng mười, tướng quân là Mông Ngao đánh ấp Sướng của nước Ngụy, đòi cắt đất. Năm đó đói to. 

Năm thứ tư (243 TCN), chiếm ấp Sướng, đòi cắt đất. Tháng ba, rút quân. Con tin của vua nước Tần từ nước Triệu quay về, Thái tử của nước Triệu cũng ra về nước. Ngày canh dần tháng mười, châu chấu từ phía đông bay đến che cả bầu trời. Thiên hạ mắc bệnh dịch, hạ lệnh trăm họ nếu dâng một ngàn thạch thóc thì được phong tước thêm một bậc. 

Năm thứ năm (năm 242 TCN), tướng quân là Mông Ngao đánh nước Ngụy, dẹp các ấp Toan Tảo, Yến, Hư, Trường Bình, Ung Khâu, Sơn Dương, đều thắng được, lấy hai mươi thành, bắt đầu đặt nên quận Đông. Mùa đông có sấm. 

Năm thứ sáu (năm 241 TCN), quân các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Vệ, Sở cùng đánh nước Tần, lấy ấp Thọ Lăng.( Chính nghĩa: Từ Quảng nói: “Tại quận Thường Sơn.”. Xét: Vốn là ấp của nước Triệu. )Quân Tần ra đánh, quân của năm nước rút về. Quân Tần chiếm nước Vệ, đến gần quận Đông, vua nước Vệ tên là Giác dẫn họ hàng thuộc hạ dời đến ấp Dã Vương, dựa vào núi hiểm để giữ quận Hà Nội của nước Ngụy. 

Năm thứ bảy (năm 240 TCN), sao Chổi xuất hiện ở phương đông trước, rồi xuất hiện ở phương bắc, đến tháng năm lại xuất hiện ở phương tây. (Chính nghĩa: Chổi, đọc là ‘tự tuế’ phiên. Hiếu kinh nội kí chép: “Nếu sao Chổi phạm vào chòm sao Bắc Đẩu thì binh cách nổi mạnh. Nếu sao Chổi phạm vào chòm sao Tam Thai thì tôi hại vua. Nếu sao Chổi phạm vào cung Thái Vi thì vua hại tôi. Nếu sao Chổi phạm vào chòm sao Thiên Ngục thì chư hầu làm loạn, phạm vào các chỗ ấy là điềm rất gở. Nếu sao Chổi xuất hiện ở cạnh Mặt Trời thì con muốn giết cha.”) Tướng quân là Mông Ngao chết vào lúc đánh các ấp Long, Hồ, Khánh Đô, đem quân về đánh ấp Cấp. Sao Chổi lại xuất hiện ở phương tây lâu đến mười sáu ngày. Hạ thái hậu chết. (Sách ẩn: Là mẹ sinh ra Trang Tương Vương. Chính nghĩa: Là mẹ của Tử Sở. )

Năm thứ tám (năm 239 TCN), em của vua là Trường An Quân tên là Thành Kiểu đem quân đánh nước Triệu, rồi làm phản, chết ở huyện Đồn Lưu, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành cũ Đồn Lưu tại phía đông bắc huyện Trưởng Tử châu Lộ ba chục dặm, là nước Đồn Lưu, Lưu Hu thời nhà Hán.”) quan quân đều bị chém chết, dời dân của họ đến ở huyện Lâm Thao. (Sách ẩn: Huyện Lâm Thao tại quận Lũng Tây. Chính nghĩa: Sông Lâm Thao cho nên đặt tên là huyện Lâm Thao. Châu Lộ ngày nay tại quận Lũng Tây xưa, cách tây kinh năm năm năm mươi mốt dặm. Ý nói dân huyện Đồn Lưu bị Thành Kiểu bắt ép cùng làm phản, cho nên dời họ đến huyện Lâm Thao. )Tướng quân chết ở trong lũy rồi, (Chính nghĩa: Ý nói Thành Kiểu tự sát ở trong rào lũy). rút cuộc dân các huyện Đồn Lưu-Bồ Cao cũng làm phản, đềi bị phanh thây. (Tập giải: Từ Quảng nói: “Đồn Lưu-Bồ Cao đều là tên huyện. Vào lúc đắp lũy ở các huyện ấy, quân lính chết đều bị phanh thanh. Sách ẩn: Cao Dụ nói: “Đồn Lưu là huyện thuộc quận Thượng Đảng. Ý nói Thành Kiểu làm tướng quân mà làm phản, vua Tần phát binh đến đánh cho nên Thành Kiểu đắp lũy ở huyện Đồn Lưu rồi chết. Quân lính làm phản ở hai huyện Đồn Lưu-Bồ Cao dẫu chết rồi mà vẫn còn bị phanh thây.”) Cá ở sông Hà nhảy lên bờ, (Sách ẩn: Ý nói nước sông Hà tràn, có nhiều cá nhảy lên đất bằng, cũng có ý nói là gặp nạn nước lụt. Là ý ‘cái hại của loài sâu bọ’ mà Lưu Hướng nói trong Hán thư ngũ hành chí. Năm sau, Lạo Ải bị giết. Cá là loài thuộc khí âm, tượng trưng cho tiểu nhân. Chính nghĩa: Năm thứ tám thời Thủy Hoàng, cá ở sông Hà bơi về phía tây vào sông Vị. )người dân ngồi xe cưỡi ngựa sang phía đông ăn cá. (Sách ẩn: Ý nói hiều cá ở sông Hà nhảy lên bờ, người nước Tần đều ngồi xe cưỡi ngựa cùng nhau đến ăn cá ở phương đông, ý nói đến bờ sông Hà ăn cá. Có kẻ nói cá ở sông Hà nhảy lên bờ là nạn nước lụt, người ta bèn sang phía đông kiếm ăn, đều ngồi xe cưỡi ngựa mà đi.) Phong cho Lạo Ải làm Trường Tín Quân, (Sách ẩn: Lạo là họ, Ải là tên chữ. Xét: Hán thư thì họ Lạo xuất từ thành Hàm Đan. Vương Thiệu nói: “Giả thị trung nói mẹ của Thủy Hoàng nhà Tần thông dâm với Lạo Ải mà bị bắt giết, cho nên người đời mắng kẻ dâm đãng là ‘lạo ải’. )Các việc săn bắt, làm vườn cây, quần áo, xe ngựa, cung thất đều theo ý Ải, cá việc không kể lớn nhỏ đều do Ải tự làm. Lại lấy các quận Hà Tây-Thái Nguyên làm đất phong cho Ải. 

Năm thứ chín (năm 238 TCN), sao Chổi xuất hiện, có lúc dài suốt cả bầu trời. Đánh các huyện Hoàn-Bồ Dương của nước Ngụy. Tháng tư, vua nghỉ ở huyện Ung. Ngày kỉ dậu, vua đội mũ đeo kiếm. (Tập giải: Từ Quảng nói: “Bấy giờ hai mươi hai tuổi.” Chính nghĩa: Lễ kí chép: “Hai mươi tuổi thì đội mũ.” Xét: Bấy giờ vua hai mươi mốt tuổi. )Trường Tín Quân là Lạo Ải làm loạn bị phát hiện, bèn làm giả ấn tỉ của vua và ấn tỉ của Thái hậu (Tập giải: Sái Ung nói: “Ấn tỉ là ấn làm tin. Ấn tỉ của thiên tử làm bằng ngọc trắng khắc văn li hổ. Thời xưa cũng có ấn tỉ cao thấp. Nguyệt lệnh chép là ‘giữ ấn tỉ’. Tả truyện chép là ‘Quý Vũ Tử mang trao ấn tỉ thư từ đuổi theo mà ban cho’. Đấy là ấn của Đại phu chư hầu gọi là ấn tỉ.” Vệ Hoành nói: “Từ thời nhà Tần về trước thì người dân đều lấy vàng ngọc làm ấn, có khắc hình rồng hổ, chỉ thích như thế. Từ thời nhà Tần đến nay, thiên tử chỉ dùng ấn gọi là ấn tỉ, lại chỉ làm bằng ngọc, bầy tôi chẳng dám dùng.” Chính nghĩa: Thôi Hạo nói: “Lí Tư mài tấm ngọc mà làm nên, các vị vua thời Hán nối nhay dùng nó, gọi là ‘ấn tỉ truyền quốc’.” Ngô thư của Vi Chiêu chép: “Ấn tỉ vuông bốn thước, trên đó có khắc hình năm con rồng, có văn khắc chữ có ý là ‘vâng mệnh từ trời, tuổi thọ mãi dài’. Hán thư chép lời văn khắc có ý là ‘vâng mệnh từ trời xanh, hoàng đế thọ dài’. Xét: Hai lời văn không giống nhau. Hán thư Nguyên Hậu truyện chép: ‘Vương Mãng sai Vương Thuấn ép Thái hậu lấy ấn tỉ, Vương thái hậu giận, ném ấn tỉ xuống đất, một góc ấn tỉ bị vỡ mất’. Ngô chí chép: ‘Tôn Kiên vào ấp Lạc, quét dọn tông miếu của nhà Hán, quân lính đến giếng Chân Cung lấy được ấn tỉ, sau dâng cho nhà Ngụy. Tháng sáu năm Vĩnh Gia thứ năm thời Hoài Đế nhà Tấn, Hoài Đế giấu ấn tỉ ở huyện Bình Dương, ấn tỉ lại vào tay vua nhà Tiền Triệu là Lưu Thông. Đến năm Hàm Hòa thời Thành Đế nhà Đông Tấn thì Thạch Lặc diệt nhà Tiền Triệu, lấy được ấn tỉ. Năm Vĩnh Hòa thứ tám thời Mục Đế, Thạch Lặc bị Mộ Dung Tuấn đánh diệt, Thái thú Bộc Dương là Đái Thi vào thành Nghiệp, lấy ấn tỉ, sai Hà Dung dâng cho nhà Tấn. Lại truyền cho nhà Lưu Tống, nhà Lưu Tống truyền cho nhà Nam Tề. Nhà Nam Tề truyền cho nhà Lương. Nhà Lương truyền đến năm Thiên Chính thứ hai thì Hầu Cảnh phá nhà Lương, đến quận Quảng Lăng, kịp lúc tướng nhà Nam Tề là Tân Thuật đánh lấy quận Quảng Lăng, lấy được ấn tỉ đem về cho nhà Bắc Tề. Kịp đến tháng giêng năm Kiến Đức thứ sáu nhà Chu thì bình nhà Bắc Tề, ấn tỉ vào nhà Chu, Nhà Chu truyền cho nhà Tùy, nhà Tùy truyền cho nhà Đường.) để phát quân lính ở kinh sư và quân lính túc vệ, quan kị, quân trưởng của người Nhung-Địch, tân khách, muốn để đánh vào cung Kì Niên làm loạn. (Tập giải: Địa lí chí chép: “Cung Kì Niên ở huyện Ung.”) Vua biết chuyện, sai Tướng quốc là Xương Bình Quân, Xương Văn Quân phát quân đánh Ải. (Sách ẩn: Xương Bình Quân là con cua nước Sở, lấy làm Tướng quốc, sau dời đến thành Dĩnh, được Hạng Yên lập làm vua nước Kinh, sử không chép tên. Xương Văn Quân cũng không chép tên. )Đánh ở thành Hàm Dương,( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành Hàm Dương cũ cũng có tên là thành Vị, tại phía bắc châu Ung năm dặm, nay ở chỗ phía đông huyện Hàm Dương mười lăm dặm. Từ thời Hiếu Công nước Tần về sau đã dựng đô ở đấy. Thủy Hoàng đúc mười hai tượng người vàng dựng ở thành Hàm Dương là chỗ ấy). chém mấy trăm đầu, đều được ban tước, những quan hoạn đều ở trong trận cũng được ban tước thêm một cấp. Bọn Lạo Ải thua chạy, liền hạ lệnh trong nước rằng: “Ai bắt sống được Ải thì ban cho trăm vạn tiền; giết được hắn thì ban cho năm mươi vạn tiền.” Rút cuộc bắt hết được bọn Ải. Hai mươi người bọn Vệ úy là Kiệt, Nội sử là Tứ, Tá dặc là Kiệt, Trung đại phu lệnh là Tề đều bị treo đầu, (Tập giải: Treo đầu ở trên cây. )lấy xe phanh thây để làm gương, diệt cả họ hàng bọn ấy(Chính nghĩa: Thuyết uyển chép: “Thái hậu của Thủy Hoàng nhà Tần không cẩn thận mà tin yêu Lạo Ải, Thủy Hoàng phanh thây cắt bốn tay chân Ải, bắt đánh chết hai người em, dời Thái hậu đến ở cung Hàm Dương. Hạ lệnh rằng: ‘Những kẻ can ngăn về việc của Thái hậu đều bắt giết mà phanh thây, lấy xương làm củi’. Có hai mươi bảy người vì can ngăn mà chết. Mao Tiêu bèn lên khuyên can nói: ‘Kẻ làm khách đến từ nước Tề là Mao Tiêu xin can ngăn việc của Thái hậu’. Hoàng đế nói: “Đã lệnh như thế, không thấy người chết chồng chất ở dưới cửa khuyết ư?’ Sứ giả hỏi Tiêu, Tiêu nói: ‘Bệ hạ lấy xe phanh thây cha dượng là có ý ghen ghét; đánh đập hai người em là có tiếng là không nhân từ; dời mẹ đến ở cung Hàm Dương là cái cái đức bất hiếu, róc xương kẻ sĩ can ngăn là việc làm của vua Kiệt-Trụ; thiên hạ biết chuyện sẽ vỡ lở cả, không hướng đến nhà Tần’. Vua bèn tự đón Thái hậu về thành Hàm Dương, lập Mao Tiêu làm quan Phó, ban tước thượng khanh.” Quát địa chí chép: “Mao Tiêu là người châu Thương.”) Còn những tân khách của bọn ấy thì nhẹ bị tội quỷ tân. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Lấy củi cấp ở tông miếu gọi là quỷ tân.” Như Thuần nói: “Theo luật thì tội quỷ tân phải lao dịch ba năm.” Chíhh nghĩa: Ý nói tân khách của Ải tội nặng thì đã bị tội phanh thây, tội nhẹ thì bị bắt dời đi lao dịch ba năm). Có hơn bốn ngàn nhà bị cắt tước dời sang quận Thục, làm nhà ở huyện Phòng Lăng. Tháng tư băng đóng, có người chết. (Chính nghĩa: Tháng tư là tháng tị, đầu mùa hạ băng đóng, có người dân chết cóng, là vì nhà Tần làm hình pháp nghiêm ngặt thì trời có báo ứng, cho nên sử chép lại. Cho nên Thượng thư hồng phạm chép ‘hình pháp nghiêm ngặt thì trời lạnh’.) Dương Đoan Hòa đánh huyện Diễn Thị. (Sách ẩn: Dương Đoan Hòa là tướng nước Tần. Diễn Thị là huyện của nước Ngụy.) Sao Chổi xuất hiện ở phương tây, lại xuất hiện ở phương bắc, từ chòm sao Bắc Đẩu xẹt về phía nam lâu đến tám chục ngày. 

Năm thứ mười (năm 237 TCN), Tướng quốc là Lữ Bất Vi vì tội của Lạo Ải mà bị bãi chức. Lấy Hoàn Ỷ làm tướng quân. Người nước Tề-Triều đến dâng rượu. Người nước Tề là Mao Tiêu khuyên vua Tần rằng: “Nước Tần lo việc của thiên hạ mà nhà vua có tiếng là đày mẹ là Thái hậu, sợ rằng chư hầu nghe chuyện ấy tất làm phản lại nước Tần.” Vua Tần bèn đón Thái hậu ở huyện Ung về thành Hàm Dương, (Tập giải: Thuyết uyển chép: “Thủy Hoàng Đế lập Mao Tiêu làm làm quan Phó, lại ban tước thượng khanh. Thái hậu cả mừng, nói: ‘Thiên hạ ngay thẳng, làm cho hỏng lại lành, giữ vững xã tắc nước Tần, khiến cho mẹ con thiếp lại được gặp nhau, là công của Mao Tiêu vậy’.”) lại cho ở cung Cam Tuyền.(Tập giải: Từ Quảng nói: “Biểu chép là cung phía nam thành Hàm Dương.”) Bắt đuổi tân khách trong nước, Lí Tư dâng thư can khuyên, bèn dừng lệnh bắt đuổi tân khách. Lí Tư nhân đó khuyên vua Tần là đánh lấy nước Hàn trước để làm cho người các nước khác lo sợ. Do đó sai Tư đánh nước Hàn. Vua nước Hàn lo việc ấy, mưu cùng Hàn Phi làm cho nước Tần suy yếu. Người nước Đại Lương là Úy Liễu đến khuyên vua Tần rằng: “Dựa vào sức mạnh của nước Tần thì vua chư hầu chỉ như vua của quận huyện. Thần chỉ sợ chư hầu hợp tung, tụ tập mà ra chỗ không ngờ, đấy là cái cớ mà Trí Bá, Phù Sai, Mẫn Vương bị diệt. Xin nhà vua chớ thích tiền của, hãy đem tặng cho bầy tôi quyền quý để làm làm loạn mưu của họ, chỉ mất không quá ba chục vạn cân vàng mà chư hầu bị dẹp hết.” Vua Tần nghe kế ấy, gặp Úy Liễu thì làm lễ ngang hàng, cách ăn uống mặc quần áo giống cũng với Liễu. Liễu nói: “Vua Tần là người mũi cao, mắt dài, ngực chim ác, tiếng sói, ít thương người mà có lòng hùm sói, lúc khó khăn thì nhún nhường dưới người, lúc thỏa chí cũng dễ khinh nhờn người. Ta là kẻ áo ải, nhưng vua Tần gặp ta thường tự nhún nhường dưới ta. Nếu vua Tần thỏa chí với thiên hạ thì thiên hạ đều là kẻ bị bắt. Không chơi với vua Tần lâu được.” Bèn bỏ đi. Vua Tần biết, cố giữ lại, cho làm Quốc úy của nước Tần, (Chính nghĩa: Như quan Thái úy của nhà Hán, tước ngang với Đại tướng quân. )cuối cùng dùng mưu kế của Liễu, lại cho Lí Tư nắm việc nước. 

Năm thứ mười một (năm 236 TCN), Vương Tiễn, Hoàn Ỷ, Dương Đoan Hòa đánh huyện Nghiệp, lấy chín thành. Vương Tiễn đánh các thành Át Dư, Liêu Dương, đều hợp thành một cánh quân. Tiễn dẫn quân đi mười tám ngày, cho quan có bổng một đấu trở xuống quay về, cứ mười người lại chọn hai người theo quân, sai Hoàn Ỷ đem quân đánh lấy huyện Nghiệp. 

Năm thứ mười hai (năm 235 TCN), Văn Tín Hầu là Lữ Bất Vi chết, táng ngầm. (Sách ẩn: Xét: Bất Vi nuốt thuốc độc chết, mấy ngàn tân khách của hắn ngầm cùng táng hắn ở núi Bắc Mang huyện Lạc Dương.) Tân khách của hắn đến điếu, nếu là người Tam Tấn thì đuổi đi về, nếu là người Tần có bổng sáu trăm thạch trở lên thì cắt tước, bắt dời đi chỗ khác, có bổng năm trăm thạch trở xuống không đến điếu thì dời đi chỗ khác, không cắt tước. Từ đó về sau, những kẻ nắm việc nước bất đạo như Lạo Ải-Lữ Bất Vi đều bị bắt thu người nhà, lấy đó làm gương. Mùa thu, lại bắt người nhà của Lạo Ải dời đến quận Thục. Vào thời bấy giờ, thiên hạ hạn to, từ tháng sáu đến tháng tám mới có mưa. 

Năm thứ mười ba (năm 234 TCN), Hoàn Ỷ đánh ấp Bình Dương của nước Triệu, giết tướng nước Triệu là Hỗ Triếp, chém mười vạn đầu. Vua đến phía nam sông Hà. Tháng giêng, sao Chổi xuất hiện ở phương đông. Tháng mười, Hoàn Ỷ đánh nước Triệu. 

Năm thứ mười bốn (năm 233 TCN), đánh quân Triệu ở ấp Bình Dương, đánh lấy được thành Nghi An, giết tướng quân giữ thành ấy. Hoàn Ỷ dẹp được các ấp Bình Dương-Vũ Thành. Hàn Phi đi sứ đến nước Tần, vua Tần dùng mưu của Lí Tư, giữ Phi ở lại, Phi chết ở huyện Vân Dương. (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành Vân Dương ở phía tây huyện Vân Dương châu Ung tám chục dặm, có cung Cam Tuyền của Thủy Hoàng nhà Tần ở đấy.”) Vua nước Hàn xin làm bầy tôi. 

Năm thứ mười lăm (năm 232 TCN), phát quân lớn, một cánh quân đến huyện Nghiệp, một cánh quân đến quận Thái Nguyên, đánh lấy huyện Lang Mạnh. Đất động. 

Năm thứ mười sáu (năm 231 TCN), tháng chín, phát quân đến nhận quận Nam Dương của nước Hàn, dùng qụan Thú tên là Thắng. Bắt đầu hạ lệnh con trai ghi tuổi vào sổ sách. Vua nước Ngụy dâng đất cho vua nước Tần. Vua Tần đặt ra áp Li. (Chính nghĩa: Li, đọc là ‘lực tri’ phiên. Quát địa chí chép: “Huyện Tân Phong châu Ung vốn là ấp Li Nhung thời nhà Chu. Tả truyện chép ‘Hiến Công nước Tấn đánh người Li Nhung’. Đỗ Dự chú là tại huyện Tân Phong quận Kinh Triệu, sau đó bị người Tần diệt đặt thành huyện.” )

Năm thứ mười bảy (năm 230 TCN), Nội sử là Thắng đánh nước Hàn, bắt được vua nước Hàn tên là An, thu hết đất ấy, lấy nước ấy đặt thành quận, đặt tên là quận Dĩnh Xuyên. Đất động. Hoa Dương thái hậu chết. Dân đói to. 

Năm thứ mười tám (năm 229 TCN),( Từ Quảng nói: “Ở quận Ba xuất hiện người lớn, dài hai mươi lăm trượng sáu thước.”) phát binh lớn đánh nước Triệu. Vương Tiễn đem quân từ quận Thượng đến đánh lấy huyện Tỉnh Hình. Dương Đoan Hòa đêm quân ở quận Hà Nội đi đánh. Khương Hội đánh nước Triệu. Dương Đoan Hòa vây thành Hàm Đan. 

Năm thứ mười chín (năm 228 TCN), Vương Tiễn, Khương Hội đánh lấy hết đất Đông Dương của nước Triệu, bắt được vua nước Triệu. (Vua Triệu tên là Thiên. Chính nghĩa: Năm thứ tám thời U Mâu Vương nước Triệu, quân Tần đánh nước Triệu, đến huyện Bình Dương, dời vua Triệu đến ở huyện Phòng Lăng.) Dẫn quân muốn đánh nước Yên, đóng đồn ở nước Trung Sơn. Vua Tần đến thành Hàm Đan, gặp những kẻ từng có thù oán với vua từ thời ở nhà mẹ tại nước Triệu, đều chôn họ. Vua Tần về, theo đường từ quận Thái Nguyên-Thượng để đi. Mẹ là Thái hậu của Thủy Hoàng băng. Con vua nước Triệu tên là Gia đem mấy trăm người họ hàng đến ở quận Đại, tự lập làm vua nước Đại, sang phía đông hợp binh với vua nước Yên, đóng quân ở quận Thượng Cốc. Đói to. 

Năm thứ hai mươi (năm 227 TCN), Thái tử nước Yên tên là Đan lo sợ quân Tần đến nước mìn, bèn sai Kinh Kha đi đâm vua Tần. Vua Tần biết được, phanh thây Kha để làm gương, lại sai Vương Tiễn, Tân Thắng đánh nước Yên. Vua các nước Yên-Đại phát binh đánh quân Tần. Quân Tần phá quân Yên ở phía tây sông Dịch. 

Năm thứ hai mươi mốt (năm 226 TCN), Vương Bôn đánh thành Kế. Bèn phát thêm quân đến giúp Vương Tiễn, rút cuộc phá quân của Thái tử nước Yên, lấy thành Kế của nước Yên, chém được đầu của Thái tử tên là Đan. Vua nước Yên sang phía đông thu quân ở quận Liêu Đông mà làm vua ở đấy. Vương Tiễn cáo già bệnh xin về quê. Người huyện Tân Trịnh làm phản. Xương Bình Quân dời đến ở thành Dĩnh. Có mưa tuyết lớn, dày đến hai thước năm tấc. 

Năm thứ hai mươi hai (năm 225 TCN), Vương Bôn đánh nước Ngụy, dẫn nước sông Hà chảy vào thành Đại Lương, thành Đại Lương bèn vỡ. Vua nước Ngụy xin hàng, lấy hết đất ấy. 

Năm thứ hai mươi ba (năm 224 TCN), vua Tần lại gọi Vương Tiễn, ép bắt đi, sai đem quân đánh nước Kinh.( Chính nghĩa: Người Tần gọi nước Sở là nước Kinh là vì kị tên của Trang Tương Vương là Tử Sở.) lấy đất Trần về phía nam đến đất Bình Dư, bắt được vua nước Kinh. Vua Tần đến chơi ở thành Dĩnh, huyện Trần. Tướng nước Kinh là Hạng Yên lập Xương Bình Quân làm vua nước Kinh, phản nước Tần ở phía nam sông Hoài. 

Năm thứ hai mươi tư (năm 223 TCN), Vương Tiễn, Mông Vũ đánh nước Kinh, phá quân Kinh. Xương Bình Quân chết, Hạng Yên bèn tự sát. 

Năm thứ hai mươi lăm (năm 222 TCN), phát binh lớn, sai Vương Bôn đem đi, đánh quận Liêu Đông của nước Yên, bắt được vua Yên tên là Hỉ. Về đánh nước Đại, bắt vua nước Đại tên là Gia. Vương Tiễn bèn dẹp yên miền phía nam sông Giang của nước Kinh, bắt vua người Việt hàng, (Chính nghĩa: Uy Vương nước Sở đã diệt nước Việt, dòng dõi còn lại tự xưng làm quân trưởng, nay hàng quân Tần. )đặt ra quận Cối Kê. Tháng năm, thiên hạ mở tiệc lớn.( Chính nghĩa: Thiên hạ vui mừng mở tiệc lớn uống rượu. Người Tần đã dẹp năm nước Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Sở, cho nên thiên hạ mở tiệc lớn. )

Năm thứ hai mươi sáu (năm 221 TCN), vua nước Tề tên là Kiến cùng Tướng quốc là Hậu Thắng phát binh giữ biên giới phía tây của mình, không qua lại với nước Tần. Vua Tần sai tướng quân là Vương Bôn từ phía nam nước Yên đánh nước Tề, bắt được vua nước Tề tên là Kiến. (Sách ẩn: Sáu nước đều bị diệt. Năm thứ mười bảy thì bắt được vua Hàn là An. Năm thứ mười chín thì bắt được vua Triệu là Thiên. Năm thứ hai mươi hai thì bắt được vua Ngụy là Giả. Năm thứ hai mươi ba thì bắt được vua Kinh là Phụ Sô. Năm thứ hai mươi lăm thì bắt được vua Yên là Hỉ. Năm thứ hai mươi sáu thì bắt được vua Tề là Kiến. )

Vua Tần vừa chiếm cả thiên hạ, lệnh cho các quan Thừa tướng, Ngự sử rằng: “Ngày trước vua Hàn nạp đất trao ấn, xin làm bầy tôi, rồi lại trái ước, hợp tung với các nước Triệu-Ngụy phản nước Tần, cho nên dấy binh diệt đi, bắt được vua Hàn. Quả nhân cho là tốt, ngõ hầu ngừng binh cách. Vua Triệu sai Tướng quốc của mình là Lí Mục đến kết minh, do đó cho con tin của vua Triệu quay về, nhưng lại bội minh, phản ta ở quận Thái Nguyên, do đó dấy binh diệt nước ấy, bắt được vua Triệu. Con vua Triệu là Gia lại tự lập làm vua nước Đại, cho nên phát binh đánh diệt đi. Vua Ngụy lúc trước hẹn theo phục nước Tần, rồi lại mưu với vua các nước Hàn-Triệu đánh úp nước Tần, quân quân Tần lại đánh, bèn diệt nước ấy. Vua Kinh dâng đất từ huyện Thanh Dương về phía tây, (Tập giải: Hán thư Trâu Dương truyện chép: “Nước qua Trường Sa, thuyền về Thanh Dương.” Tô Lâm nói: “Thanh Dương là huyện thuộc quận Trường Sa.“) rồi cũng bội ước, đánh quận Nam của ta, cho nên phát binh đánh, bắt được vua Kinh, rút cuộc dẹp được nước Kinh. Vua Yên hôn loạn, Thái tử của hắn là Đan lại ngầm sai Kinh Kha làm giặc, ta lại phát binh đánh, diệt nước ấy. Vua Tề dùng kế của Hậu Thắng, cắt đứt sứ giả qua lại với nước Tần, muốn làm loạn, quân ta lại đánh, bắt được vua Tề, bình nước Tề. Quả nhân lấy tấm thân cỏn con dấy binh dẹp bạo loạn, cậy vào uy linh của tông miếu, cho nên vua sáu nước phải chịu tội, thiên hạ yên định. Nay nếu không đổi tên gọi thì không lấy gì để nêu công lao truyền cho đời sau. Hãy bàn cách đặt hiệu đế.” Bọn Thừa tướng là Oản, Ngự sử đại phu là Kiếp, (Sách ẩn: Oản họ Vương, Kiếp họ Phùng.) Đình úy là Tư (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Xét hình ngục phải hỏi ở triều đình, cùng tranh cãi với mọi người, quan coi về quân lính và hình phục cùng bậc, cho nên gọi là Đình úy.” )đều nói: “Ngày xưa đất của Ngũ đế vuông một ngàn dặm, ở ngoài là chư hầu theo phục, chư hầu có chầu hoặc không, thiên tử không giữ được. Nay bệ hạ (Tập giải: Sái Ung nói: “Bệ là bậc thềm, là chỗ để lên nhà trên. Thiên tử phải có bầy bôi gần gũi ở bên bậc thềm để ngăn giữ những việc không hay. Gọi là ‘bệ hạ’ là bầy tôi nói với thiên tử, không dám nói thẳng, cho nên xưng là kẻ dưới bậc thềm để nói với thiên tử, tỏ ý kẻ thấp nói với kẻ trên.) dấy quân nghĩa dẹp giặc ác, dẹp bằng thiên hạ, trong nước thành quận huyện, pháp lệnh từ một mối, từ thời xa xưa đến nay chưa từng có, Ngũ đế cũng chẳng hơn được. Bọn thần cẩn thận bàn với quan Bác sĩ (Tập giải: Hán thư bách quan biểu chép: “Bác sĩ là chức quan thời Tần, coi việc xét việc xưa nay.” )rằng: Thời xưa có ‘thiên hoàng’, có ‘địa hoàng’, có ‘thái hoàng’, ‘thái hoàng’ là cao nhất. Bọn thần liều chết dâng hiệu quý gọi vua là ‘thái hoàng’, gọi mệnh là ‘chế’, gọi lệnh là ‘chiếu’, thiên tử tự xưng là ‘trẫm’. (Tập giải: Sái Ung nói: “Trẫm là ta. Thời xưa trên dưới cùng xưng như vậy. Sang hèn không khác, vậy là có ý lấy cùng hiệu. Cao Dao nói với vua Thuấn rằng: ‘Lời trẫm hay, nên làm theo.’ Khuất Nguyên nói: “Tổ tiên của trẫm.’ Đến thời Tần thì mới thiên tử chỉ xưng như thế, nhà Hán cũng noi theo không đổi.” )Vua Tần nói: “Bỏ chữ ‘thái’, chọn chữ ‘hoàng’, lấy hiệu vị ‘đế’ thời xa xưa, gọi là ‘hoàng đế’. Còn lại như lời bàn.” Hạ chế rằng: “Được”. Xét gọi Trang Tương Vương là Thái thượng hàng. Hạ chế rằng: “Trãm nghe nói thời xưa lắm có tên hiệu mà không có tên thụy, thời xưa giữa có tên hiệu, sau khi chết thì xét việc làm để đặt tên thụy. Như thế thì con xét cha, tôi xét vua, rất là không có hay, trẫm chẳng chọn cách ấy. Từ nay về sau bỏ cách đặt tên thụy. Trẫm là hoàng đế đầu tiên, đời sau kể theo thứ tự là đời thứ hai, đời thứ ba cho đến muôn đời, truyền đến không cùng.” 

Thủy Hoàng xét ngũ hành xoay chuyển đầu cuối, (Sách ẩn: Ý nói khí tốt của ngũ hành xoay vần vào nhau trước sau. Hán thư giao tế chí chép: “Người nước Tề là bọn Trâu Tử bàn về sự xoay vần trước sau của ngũ hành, Thủy Hoàng chọn dùng cách ấy.” )cho rằng nhà Chu được khí tốt của hành hỏa, nhà Tần thay nhà Chu phải có khí tốt mà nhà Chu không thắng được.( Chính nghĩa: Nhà Tần cho rằng nhà Chu có khí tốt của hành hỏa, mà diệt được hành hỏa là hành thủy, cho neê xưng hành mà mà Chu không thắng được cho nhà Tần.) Nay đang là lúc bắt đầu của hành thủy, (Sách ẩn: Phong thiện thư chép: “Văn Công nước Tần bắt được con rồng đen, cho là có điềm lành của hành thủy, Thủy Hoàng nhà Tần nhân đó tự nói là có khí tốt của hành thủy.” )đổi tháng đầu năm, chầu hội chúc mừng đều đầu tháng mười.( Chính nghĩa: Nhà Chu lấy tháng kiến tí làm tháng giêng, nhà Tần lấy tháng kiến hợi làm tháng giêng, cho nên đầu năm bắt đầu từ tháng mười mà làm lễ chầu hội chúc mừng.) Quần áo, cờ mao, cờ tiết đều chuộng màu đen. Số đếm thì lấy số sáu làm một mối; phù, mũ đều dài sáu tấc, còn xe thì dài sáu thước, sáu thước là một bước, một cỗ xe có sáu con ngựa kéo. (Tập giải: Trương Yến nói: “Hành thủy là phương bắc, màu đen, cuối là số sáu, cho nên làm phù dài sáu tấc, lấy sáu thước là một bước.” Toản nói: “Hành thủy là số sáu, cho neê lấy số sáu làm tên.” Tiếu Chu nói: “Một bước là lấy chân người làm số đếm, không chỉ có phép tắc của nhà Tần.” Sách ẩn: Quản Tử-Tư mã pháp đều chép sáu thước là một bước. Lễ kí vương chế chép ‘thời xưa tám thước là một bước’. )Đổi tên sông Hà là sông Đức Thủy, cho là bắt đầu của hành thủy. Làm việc nghiêm ngặt cứng rắn, mọi việc đều xét theo hình pháp, khắt khe không có nhân nghĩa ôn hòa, sau mới hợp số thứ tự của ngũ hành. Do đó hình pháp kín kẽ, lâu ngày không tha lỏng. 

Bọn Thừa tướng là Oản nói: “Chư hầu vừa phá, các đất Yên-Tề-Kinh ở xa, nếu không đặt vua thì không sao giữ được. Xin lập các người con làm vương, mong nhà vua nghe theo.” Thủy Hoàng hạ lệnh bầy tôi bàn việc ấy, bầy tôi đều cho là tiện. Đình úy là Lí Tư bàn rằng: “Những con em mà Vũ Vương nhà Chu phong tước cho rất đông, nhưng sau lại xa rời, đánh diệt nhau như oán thù, chư hầu lại lại đánh giết nhau, thiên tử nhà Chu không ngăn lại được. Nay trong nước cậy vào uy linh của bệ hạ mà thành một mối, đều lập ra quận huyện, các con bầy tôi có công đều được thu tô thuế mà ban thưởng cho rất nhiều, vậy là rất dễ ngăn giữ được. Làm cho thiên hạ không có ý khác là kế yên ổn. Đặt chư hầu là việc không tiện.” Thủy Hoàng nói: “Thiên hạ cùng đánh đá khổ sở không ngừng là vì có các vương hầu. Nay cậy vào tông miếu, thiên hạ vừa yên, lại dựng lại các nước là gây ra binh đao vậy. Lúc ấy mong được nghỉ ngơi, há chẳng khó sao! Đình úy nói phải.” 

Chia thiên hạ ra làm ba mươi sáu quận,(Tập giải: Ba mươi sáu quận là Tam Xuyên, Hà Đông, Nam Dương, Nam, Cửu Giang, Chương, Cối Kê, Dĩnh Xuyên, Đãng, Tứ Thủy, Tiết, Đông, Lang Da, Tề, Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Liêu Tây, Liêu Đông, Đại, Cự Lộc, Hàm Đan, Thượng Đảng, Thái Nguyên, Vân Trung, Cửu Nguyên, Nhạn Môn, Thượng, Lũng Tây, Bắc Địa, Hán Trung, Ba, Thục, Kiềm Trung, Trường Sa, cả thảy là ba mươi lăm quận, cùng quận Nội Sử là ba mươi sáu quận. Chính nghĩa: Phong tục thông chép: “Theo phép tắc của nhà Chu thì đất của thiên tử vuông một ngàn dặm, chia thành một trăm huyện, mỗi huyện có bốn quận, cho nên Tả truyện chép ‘Thượng đại phu nhận huyện, Hạ đại phu nhận quận’. Thủy Hoàng bắt đầu đặt ra ba mươi sáu quận để coi xét các huyện.” )mỗi quận đặt quan Thú, Úy, Giám.( Tập giải: Hán thư bách quan biểu chép: “Quan Thú của một quận thời Tần nắm việc trong quận, có quan Thừa, Úy coi về quân lính võ bị, có quan Giám ngự sử coi xét cả quận.”) Đổi gọi dân là ‘đầu đen’. Mở hội uống rượu lớn. Thu lấy binh khí trong thiên hạ tụ ở thành Hàm Dương, (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Thời xưa lấy đồng làm binh khí.” )hủy để làm cồng chuông, đúc thành mười hai tượng người vàng, đều nặng đến một ngàn thạch,( Sách ẩn: Xét: Năm thứ hai mươi sáu có người lớn xuất hiện ở huyện Lâm Thao, cho nên hủy binh khí, đúc mà làm tượng người ấy. Hậu Hán thư của Tạ Thừa chép: “Tượng người đồng là Ông Trọng, Ông Trọng là ten của tượng người đồng.” Tam phụ cựu sự chép: “Mười hai tượng người đồng đều nặng hai mươi tư vạn cân. Đặt ở trước cửa cung Trường Lạc thời nhà Hán.” Đổng Trác hủy mười tượng trong đó để làm tiền, còn hai tượng vẫn còn. Thạch Quý Long dời đến thành Nghiệp, Bồ Kiên lại dời đến thành Trường An mà hủy đi. Chính nghĩa: Hán thư ngũ hành chí chép: “Năm thứ hai mươi sáu, có cả thảy mười hai người lớn dài năm trượng, chân đi giày dài sáu thước, đều mặc áo người Di-Địch, xuất hiện ở huyện Lâm Thao, do đó hủy binh khí, đúc làm tượng người ấy.” Ngụy chí Đổng Trác truyện chép: “Đập phá mười tượng người đồng và cồng chuông để đúc tiền nhỏ.” Quan Trung kí chép: “Đổng Trác hủy tượng người đồng, còn để lại hai tượng, dời đến trong cửa Thanh. Minh Đế nhà Ngụy muốn đem đến thành Lạc Dương, chở đến thành Bá thì nặng không chở được, sau đó Thạch Quý Long dời đến thành Nghiệp, Bồ Kiên lại dời đến thành Trường An mà hủy đi.” Anh hùng kí chép: “Ngày xưa người lớn xuất hiện ở huyện Lâm Thao thì đúc nên tượng người đồng, đến thời Đổng Trác thì hủy tượng người đồng.”) đặt ở trong cung đình. Đặt phép lệnh cách cân đo đếm làm một mối, bánh xe dài bằng nhau, cùng một chữ viết. Đất phía đông đến biển liền nước Triều Tiên; (Chính nghĩa: Biển là phía nam biển Bột đến biển Đông của các châu Dương-Tô-Đài. Ở phía đông bắc là nước Triều Tiên. Quát địa chí chép: “Nước Cao Li đóng đô ở thành Bình Nhưỡng vốn là thành Vương Hiểm quận Lạc Lãng thời Hán, là nước Triều Tiên thời xưa.” )phía tây đến huyện Lâm Thao, miền Khương Trung;( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Huyện Lâm Thao là châu Thao ngày nay, cũng là đáy của người Khương miền tây thời xưa, ở miền Khương Trung cách tây kinh một ngàn năm trăm năm muơi mốt dặm. Từ phía tây nam huyện Lâm Thao, phủ Phù Tùng châu Phương về phía tây đều là đất của người Khương thời xưa.”) phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về phía bắc,( Tập giải: Ngô đô phú chép: “Mở cửa quay mặt về phía bắc để hướng về Mặt Trời.” Lưu Quỳ nói: “Ở phía nam Mặt Trời thì mở cửa quay mặt về phía bắc, tựa như ở phía bắc Mặt Trời thì mở cửa quay mặt về phía nam.” )phía bắc dựa vào sông Hà làm lũy, men huyện Âm Sơn đến quận Liêu Đông. (Tập giải: Địa chí chép: “Quận Tây Hà có huyện Âm Sơn.” Chính nghĩa: Ý nói Từ sông Hà men theo huyện Âm Sơn sang phía đông đến quận Liêu Đông, đắp thành dài để làm ranh giới phía bắc.) Dời mười hai vạn nhà giàu mạnh đến ở thành Hàm Dương. Các miếu và nền đài, vườn Thượng Lâm đều đặt ở phía nam sông Vị. Vua Tần mỗi khi phá được chư hầu liền vẽ lại cung thất của các nước, rồi dựng lại ở trên dốc núi phía bắc thành Hàm Dương, (Tập giải: Từ Quảng nói: “Ở phía tây bắc thành Tràng An, thời Vũ Đế nhà Hán có tên khác là thành Vị.” )phía nam kề sông Vị; từ cửa Ung về phía đông đến sông Kính-Vị, giữa các cung điện lại có đường lối vòng quanh liền nhau; (Chính nghĩa: Miếu kí chép: “Phía bắc đến cung Cửu Tông, cung Cam Tuyền; phía nam đến cung Trường Dương, cung Ngũ Tạc; phía đông đến sông Hà; phía tây đến chỗ giao hội của sông Khiên-Vị; chiều đông tây dài tám trăm dặm, các cung rời quán rạc liền nối nhau. Áo lụa vải thêu, đất phủ thảm đỏ tía, người trong cung không đi ra ngoài, người ở đến già không muốn về, vẫn không đi khắp được.”) bắt được chuông, trống, người đẹp của chư hầu đều cho vào đấy. (Chính nghĩa: Tam phụ cựu sự chép: “Thủy Hoàng lấy sông Hà làm cửa đông của nhà Tần, lấy sông Khiên làm cửa tây của nhà Tần, lấy một trăm năm mươi lăm cung quan làm mặt trong ngoài, có hơn một vạn gái đẹp ở hậu cung, chí lớn xông lên tày trời. )

Năm thứ hai mươi bảy (năm 220 TCN), Thủy Hoàng đi tuần ở các quận Lũng Tây-Bắc Địa, đến núi Kê Đầu, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Núi Kê Đầu ở phía đông bắc huyện Thượng Lộc châu Thành hai chục dặm, tại phía tây nam kinh sư chín trăm sáu chục dặm. Lịch Đạo Ngyên nói: “Có lẽ là tên khác của núi Đại Lũng.” Hậu Hán thư Ngôi Hiêu truyện chép: “Vương Mãng chặn ở núi Kê Đầu.” Là núi này. Xét: Phía tây huyện Bình Cao châu Nguyên một trăm dặm cũng có núi Kê Đầu, tại phía tây kinh sư tám trăm dặm, là núi Kê thời Hoàng Đế. )qua cung Hồi Trung. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Cung Hồi Trung tại huyện Bình Cao quận An Định.” Mạnh Khang nói: “Cung Hồi Trung ở quận Bắc Địa.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Cung Hồi Trung tại phía tây huyện Ung châu Kì bốn chục dặm.” Ý nói Thủy Hoàng đi tuần ở miền tây qua phía bắc quận Lũng Tây, từ thành Hàm Dương hướng lên phía tây bắc ra khỏi châu Ninh, đi về phía tây nam đến châu Thành, đến núi Kê Đầu, rồi về phía đông, qua cung Hồi Trung châu Kì). Dựng cung Tín ở phía nam sông Vị, rồi lại đổi cung Tín thành miếu Cực, bắt chước chòm sao Thiên Cực. (Sách ẩn: Dựng cung miếu giống cung sao Thiên Cực cho nên gọi là miếu Cực. Thiên quan thư chép: “Cung giữa gọi là cung sao Thiên Cực.” )Từ miếu Cực làm đường thông đến núi Li; dựng điện trước cung Cam Tuyền. Đắp đường ống, (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Đắp tường thành như ngõ phố.” Chính nghĩa: Ứng Thiệu nói: “Ý nói là đắp tường ở ngoài đường xe ngựa chạy, thiên tử đi ở giữa, người ngoài không thấy được.“) từ thành Hàm Dương liền đến đó. Năm đó, ban tước lên một cấp cho thiên hạ. Sửa đường xe ngựa chạy. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Đường xe ngựa chạy là đường của thiên tử, đường này như đường cái ngày nay.” Hán thư Giả Sơn truyện chép: “Nhà Tần làm đường cái ở thiên hạ, phía đông nối đất Yên-Tề, phía nam liền đất Ngô-Sở, đến miền sông hồ bờ biển, đều đến xem được. Đường rộng năm mươi bước, bên đường cách ba trượng lại trồng một cây, đắp tường dày ở ngoài, lấy vồ sắt cắm giấu ở trong, lại trồng cây tùng xanh.” )

Năm thứ hai mươi tám (năm 219 TCN), Thủy Hoàng đi tuần ở các quận huyện phía đông, lên núi Dịch huyện Trâu. (Tập giải: Vi Chiêu nói: “Trâu là huyện thuộc nước Lỗ, có núi ở phía bắc huyện ấy.” Chính nghĩa: Quốc hệ chép: “Núi Trâu Dịch cũng có tên là núi Trâu, tại phía nam huyện Trâu châu Duyện ba mươi hai dặm. Núi này cách sông Hà hơn ba trăm dặm.”) Dựng bia đá, nói chuyện với những kẻ sĩ học đạo Nho nước Lỗ, khắc lên đá ca ngợi công đức của nhà Tần, bàn việc phong thiện cúng tế sông núi. (Chính nghĩa: Tấn Thái Khang địa kí chép: “Đắp đàn ở núi Thái để tế trời, cho thấy trời càng cao. Quét đất ở núi Lương Phủ để tế đất, cho thấy đất càng rộng. Dùng rượu đen và mâm cá để tế. Chỗ đất quét dài rộng mười hai trượng. Chỗ đàn đắp cao ba thước, có ba bậc thềm; lại dựng bia đá cao ba thước một tấc rộng ba thước ở trên núi Thái, là bia đá khắc văn của nhà Tần.”) Rồi bèn lên núi Thái, (Chính nghĩa: Núi Thái còn có tên là núi Đại Tông, là núi lớn ở phía đông, tại phía tây bắc huyện Bác Thành châu Duyện ba chục dặm. Sơn hải kinh chép: “Trên núi Thái có nhiều ngọc, dưới núi ấy có nhiều đá.” Quách Phác nói: “Từ dưới lên đến đỉnh núi Thái hết một trăm bốn mươi tám dặm ba trăm bước.” Đạo thư phúc địa kí chép: “Núi Thái cao bốn ngàn chín trăm trượng lẻ hai thước, vòng quanh hai ngàn dặm, có nhiều đá ngọc cỏ thuốc, suối nước ngọt, khe nước dài, có nhà của người tiên. Lại có sáu cái hang xuyên vào lòng núi gọi là phủ quỷ thần. Từ phía trên dưới phía tây núi có hang nhìn thấy trời, vòng quanh ba ngàn dặm, là chỗ quỷ thần xét hỏi.” )dựng bia đá, đắp đàn làm lễ tế trời. Khi xuống núi, gặp mưa gió lớn đến, bèn nghỉ ở dưới cây, nhân đó phong cây ấy làm Ngũ đại phu. Tế đất ở núi Lương Phủ.( Tập giải: Toản nói: “Vua hiền thời xưa tế trời ở núi Thái, tế đất ở núi Đình Đình hoặc núi Lương Phủ, đều là núi nhỏ ở dưới núi Thái, quét đất làm đàn, tế ở núi Lương Phủ.” Chính nghĩa: Tại phía bắc huyện Tứ Thủy châu Duyện tám chục dặm.) Khắc văn lên bia đá mà mình dựng, lời ấy là: 

“Hoàng đế lên ngôi, đặt ra phép tắc sáng suốt, bầy tôi sửa sang cẩn thận. Vào năm thứ hai mươi sáu mới chiếm cả thiên hạ, chẳng ai không theo phục. Tự thân đi tuần xét dân đen ở phương xa, lên núi Thái này mà nhìn khắp miền cuối cùng của phương đông. Bầy tôi đi theo nghĩ nhớ công lao, xét rõ sự nghiệp, ca ngợi công đức. Cái đạo của việc trị nước là làm cho muôn vật được hòa hợp, đều có phép thường, làm cho nghĩa lớn sáng rõ, truyền cho đời sau, nối theo không đổi. Hoàng đế thấu suốt, đã bình thiên hạ, không lười việc nước, dậy sớm ngủ muộn, bày kế làm lợi lâu dài, chăm chỉ giáo hóa, răn dạy truyền bảo, gần xa đều yên, noi theo ý trên. Sang hèn chia rõ, trai gái thuận lễ, kính vâng chức phận, chiếu rọi trong ngoài, chẳng gì không trong sạch, lan đến đời sau. Giáo truyền đến không cùng, ban ra chiếu này, làm gương lâu dài.” 

Do đó bèn men theo biển Bột về phía đông, qua các huyện Hoàng-Thùy,( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành cũ huyện Hoàng tại phía đông nam huyện Hoàng châu Lai hai mươi lăm dặm, là nước Lai thời xưa.”) leo đến đỉnh núi Thành, lên núi Chi Phù, (Tập giải: Địa lí chí chép núi Chi Phù tại huyện Thùy. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Núi Chi Phù tại phía đông huyện Văn Đăng châu Lai một trăm tám chục dặm. Núi Thành tại phía tây bắc huyện Văn Đăng một trăm chín chục dặm.” Phong thiện thư chép: “Có tám vị thần, thứ năm là thần Dương Chủ, tế ở núi Chi Phù, thứ bảy là thần Nhật Chủ, tế ở núi Thành, đầu núi Thành liền biển.”) dựng bia đá ca ngợi công đức của nhà Tần rồi đi. Về phía nam lên núi Lang Da, rất vui mừng, ở lại đây ba tháng. Lại dời ba vạn nhà dân đầu đen đến ở dưới đài Lang Da, (Tập giải: Địa lí chí chép: “Vua nước Việt là Câu Tiễn từng trị ở huyện Lang Da, dựng đài quán.” Sách ẩn: Sơn hải kinh chép: “Đài Lang Da tại giữa biển Bột, có lẽ là bờ biển có núi hình như cái đài tại quận Lang Da cho nên gọi là đài Lang Da.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Phía đông nam huyện Chư Thành châu Đại một trăm bảy chục dặm có đài Lang Da, là đài ngắm biển của vua nước Việt là Câu Tiễn. Phía tây bắc đài chục dặm có thành thành Lang Da thời xưa.” Ngô Việt xuân thu chép: “Năm thứ hai mươi lăm thời vua Việt là Câu Tiễn, dời đô đến thành Lang Da, dựng đài quán để ngắm biển Đông, rồi hiệu lệnh các nước Tần, Tấn, Tề, Sở để giúp đỡ nhà Chu, uống máu hội thề.”) tha thuế cho mười hai năm. Dựng đài Lang Da, dựng bia đá khắc văn ca tụng công đức của nhà Tần để nêu rõ công đức của nà Tần rằng: 

“Vào năm thứ hai mươi sáu, bắt đầu xưng hoàng đế, sửa sang phép tắc, nắn sửa muôn vật, nêu rõ việc người, cha con cùng lòng, nhân nghĩa thánh trí, đạo lí sáng suốt. Sang phía đông vỗ về miền đông để giảm bớt quân lính, việc đã xong cả, bèn đến bờ biển. Công lao của hoàng đế là khuyến khích việc gốc, chuộng nghề nông mà giảm nghề ngọn, do đó dân đầu đen được giàu đủ. Khắp dưới vòm trời này đều dốc lòng gắng chí. Khí giới một mối, chữ viết cùng loại. Chỗ mà Mặt Trời-Mặt Trăng rọi đến, chỗ mà xe thuyền đi đến đều vâng mệnh trên, chẳng ai không vừa ý. Theo thời làm việc, sớm tối không nải. Dẹp bỏ nghi ngờ, sắp đặt phép tắc, đều biết việc mình nên tránh. Quan lại vâng chức, sửa trị công bằng, làm việc đúng đắn, không gì không rõ ràng. Hoàng đế sáng suốt coi xét bốn phương, sang hèn cao thấp không vượt khỏi khuôn phép, không chứa kẻ gian ác, đều nêu cao kẻ hiền lành. Lớn nhỏ trổ hết sức, chẳng dám lười biếng. Dẫu gần hay xa đều chăm làm việc ngay ngắn, thật thà thắng thắn, noi theo lẽ thường. Hoàng đế trổ đức vỗ yên bốn phương, trừ hại dẹp loạn, tìm lợi dựng phúc. Tùy thời đặt việc, làm nên của cải, dân đầu đen được yên ổn, không dùng binh cách. Người thân giúp nhau, chẳng gây cướp bóc, hớn hở vâng lệnh, biết hết phép tắc. Ở trong sáu cõi này đều là đấy đai của hoàng đế, phía tây qua bãi Lưu Sa, phía nam gồm cả miền cửa nhà quay mặt về phía bắc, phía nam có biển Đông, phía bắc qua đất Đại Hạ,( Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: “Đại Hạ là huyện Tấn Dương quận Thái Nguyên.”) nơi mà chân người đi đến, không ai không thần phục. Công hơn cả Ngũ đế, ân tỏ đến loài bò ngựa, chẳng ai không được bao bọc, đều được ở yên. 

Nghĩ vua Tần chiếm cả thiên hạ, nêu danh làm hoàng đế, bèn vỗ về miền đông, đến ở núi Lang Da, bọn được phong liệt hầu là Vũ Thành Hầu tên là Vương Li, Thông Vũ Hầu tên là Vương Bôn, bọn được phong luân hầu là Kiến Thành Hầu tên là Triệu Hợi, Xương Vũ Hầu tên là Thành, Vũ Tín Hầu tên là Phùng Vô Trạch, Thừa tướng là Ngôi Lâm, Thừa tướng là Vương Oản, Khanh là Lí Tư, Khanh là Vương Mậu, Ngũ đại phu là Triệu Anh, Ngũ đại phu là Dương Cù đi theo cùng bàn bàn việc ở trên bờ biển rằng: ‘Các vị đế vương thời xưa có đất không quá một ngàn dặm, chư hầu đều giữ lấy ấp phong của mình, hoặc đến chầu hoặc không, xâm lấn đánh nhau, chém giết không thôi mà vẫn khắc văn lên sắt đá tự ghi công của mình. Ngũ đế tam vương thời xưa có phép tắc không giống nhau, hiệu lệnh không rõ, cậy oai của quỷ thần để lừa bốn phương, thực là chẳng có danh thực, cho nên không được lâu dài. Thân họ chưa chết thì chư hầu đã làm phản, pháp lệnh chẳng được dùng. Nay hoàng đế lấy trong nước làm một mối đặt thành quận huyện, thiên hạ hòa bình, nêu rõ ở tông miếu, bày đạo trổ đức, lập nên tôn hiệu. Bầy tôi cùng nhau ca ngợi công đức của hoàng đế, khắc vào sắt đá để làm tấm gương.” 

Đã xong, người nước Tề là bọn Từ Thị dâng thư nói là giữa biển có ba ngọn núi thần là núi Bồng Lai, núi Phương Trượng, núi Doanh Châu, (Chính nghĩa: Hán thư giao tự chí chép: “Người ta truyền nhau là ba ngọn núi thần ấy ở giữa biển Bột, cách chỗ người ở không xa, có lẽ cũng có kẻ đến được, các người tiên và thuốc không chết đều có ở đấy. Muôn vật cầm thú đều màu trắng, lại có vàng ròng bạc trắng làm cung điện. Khi chưa đến thì nhìn xa như mây, đến rồi thì ba ngọn núi thần này đều ở dưới nước; đến kề thì lại sợ, gió liền đẩy thuyền mà đi, rút cuộc chẳng ai đến được. Kẻ làm vua trên đời chẳng ai không cam lòng.”)có người tiên ở đấy, xin được trai giới, cùng trai gái trẻ đi tìm. Do đó sai Từ Thị phát mấy ngàn trai gái trẻ vào biển tìm người tiên.( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Đảo Đản ở giữa biển Đông, Thủy Hoàng nhà Tần sai Từ Phúc đem trai gái trẻ vào biển tìm người tiên, dừng ở đảo ấy cùng mấy vạn nhà, đến nay người trên đảo còn có kẻ đến chợ ở quận Cối Kê trao đổi hàng hóa. Ngoại quốc đồ của người Ngô chép: “Đảo Đản cách quận Lang Da một vạn dặm.” )

Thủy Hoàng về, qua huyện Bành Thành, (Chính nghĩa: Bành Thành là huyện trị của châu Từ. Thành ở ngoài phía đông của châu, là nước Bành thời xưa. Sưu thần kí chép: “Con thứ ba của Lục Chung là Tiên Khanh được phong ở nước Bành, làm bá thời nhà Thương.” Ngoại truyện chép: “Cuối thời nhà Ân, diệt họ Bành Tổ.”) trai giới cầu đảo, muốn để cái vạc của nhà Chu ở sông Tứ nổi lên. Sai một ngàn người lặn xuống sông tìm cái vạc ấy nhưng không được. Lại đi về phía tây nam vượt sông Hoài, đến núi Hành, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Núi Hành còn có tên là núi Cẩu Lũ, tại phía tây huyện Tương Đàm châu Hành bốn mươi mốt dặm.”) quận Nam. Đi trên sông Giang đến miếu thờ núi Tương, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Miếu Hoàng Lăng tại phía bắc huyện Tương Âm châu Nhạc năm mươi bảy dặm có thờ vị thần là hai người vợ của vua Thuấn. Mộ của hai người vợ ấy ở trên núi Thanh Thảo phía bắc huyện Tương Âm một trăm sáu chục dặm.” Kinh châu kí của Thịnh Hoằng Chi chép: “Phía nam hồ Thanh Thảo có núi Thanh Thảo, hồ ven núi mà có tên ấy.” Liệt nữ truyện chép: “Vua Thuấn đi đến đấy, chết ở núi Thương Ngô. Hai bà vợ chết ở giữa vùng Giang-Hồ, nhân đó táng ở đấy.” Xét: Núi Tương là núi Thanh Thảo. Núi gần sông Tương, miếu ở phía nam núi, cho nên nói là miếu thờ núi Tương. )gặp gió lớn, gần như không qua được. Vua hỏi quan

0