​Sự khác nhau giữa văn hóa công ty Mỹ và Nhật

Văn hóa công ty Mỹ và Nhật khác nhau như thế nào? Sự khác biệt về văn hóa công ty giữa Mĩ và Nhật cho các bạn sinh viên tham khảo. Mỗi một công ty đều có văn hóa riêng và sự khác biệt đó cũng tùy thuộc vào địa điểm của công ty đó. Những sinh viên vừa tốt nghiệp, hầu hết ai cũng khao khát được ...

Văn hóa công ty Mỹ và Nhật khác nhau như thế nào? Sự khác biệt về văn hóa công ty giữa Mĩ và Nhật cho các bạn sinh viên tham khảo.

Mỗi một công ty đều có văn hóa riêng và sự khác biệt đó cũng tùy thuộc vào địa điểm của công ty đó. Những sinh viên vừa tốt nghiệp, hầu hết ai cũng khao khát được làm việc trong các công ty nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài bởi vì mức lương cao, khả năng tích lũy kinh nghiệm làm việc và cơ hội thăng tiến kèm theo các chế độ đãi ngộ lao động chuẩn mực.

Tuy nhiên, không phải dễ dàng mà ta có thể hòa nhập với văn hóa công ty trong một sớm một chiều được. Bên cạnh đó, bạn cũng phải rất cố gắng để tìm hiểu về văn hóa công ty cũng như làm quen và hòa nhập với nó. Nhiều ứng viên nói rằng khi làm việc cho các công ty nước ngoài họ đã phải sống một cuộc sống “hai mang”, tức là tại công sở họ phải sống cuộc sống phương Tây và khi rời khỏi văn phòng về nhà thì họ mới được trở lại là sống lối sống của chính mình.

Cơ bản là lối sống giữa người phương Tây và người phương Đông mang một sự khác biệt không hề nhỏ, và điều này dẫn đến sự khác nhau rõ rệt trong văn hóa công ty ở phương Tây và phương Đông. Hãy cùng xem qua sự khác biệt về văn hóa công ty Mỹ và Nhật để hiểu được một phần nào đó về sự khác nhau này.

1. Văn hoá công ty kiểu Mỹ

 
Để vào được các công ty Mỹ, các ứng viên phải trải qua nhiều vòng thi rất khắt khe. Tuy nhiên, để hòa nhập được với tập thể nhân viên công ty, ứng viên cần phải biết nhiều về văn hóa làm việc trong công ty Mỹ.

Người Mỹ là những người có khả năng làm việc độc lập rất cao. Vì vậy, nếu được giao làm một công việc nào đó theo nhóm, họ họp nhau lại, phân công công việc cụ thể cho từng người, khi dự án hoàn thành, mỗi một cá nhân lại trở về công việc của mình, không hề phụ thuộc vào nhau.

Tại công ty Mỹ, giữa cấp trên và cấp dưới luôn hình thành một ranh giới rõ ràng. Cấp trên thường được ưu ái hơn so với những nhân viên dưới quyền ở nhiều điểm như: chỗ để xe riêng, phòng ăn riêng, phòng họp riêng và các chế độ đãi ngộ riêng. Đây có lẽ cũng là nét đặc trưng của xã hội Mỹ: bạn có chức vụ càng cao, bạn càng khác biệt với những người cấp dưới, và lúc này người có chức vụ cao thường hạn chế đến mức tối đa các mối quan hệ tiếp xúc với người cấp dưới. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức ở công ty Mỹ rất rõ ràng, mỗi nhân viên đều có một chức vụ, vị trí nhất định, và họ không được quên rằng tất cả mọi vấn đề bàn bạc phải được thống nhất với những người lãnh đạo trực tiếp trước khi được báo cáo lên cho lãnh đạo cao cấp.

Đối với người Mỹ, việc thay đổi công việc là hoàn toàn bình thường. Một người lao động bình thường ở Mỹ có thể thay đổi công việc của mình tới 30 lần trong đời. Họ coi trọng kết quả làm việc chứ không phải là hình thức làm việc, nên làm việc rất tích cực và làm xong việc càng sớm càng tốt bằng mọi giá chứ không phải sáng đến công ty ngồi rồi chiều đến giờ lại xách cặp đi về trong khi công việc chưa hoàn thành.

Ở Mỹ, việc nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác ít xảy ra, dù vẫn có, bởi chi phí đầu tư vào một lĩnh vực nghề nghiệp mới (training) rất cao mà nếu không cẩn thận, người lao động có nguy cơ “mất cả chì lẫn chài”. Một nhân viên nếu đã chuyên về một ngạch nào đó thì họ thường chỉ “đào sâu” kiến thức trong lĩnh vực đó bởi vì với họ, kiến thức chuyên ngành hẹp càng sâu càng có giá trị. Do vậy, người Mỹ chỉ chuyên tâm đến chuyên ngành hẹp của mình, cho dù anh ta có thật sự giỏi ở các lĩnh vực khác. Ví dụ một nhân viên đã chuyên về marketing thì có lẽ suốt đời anh ta cũng chỉ sẽ làm marketing, mặc dù có khả năng làm được công việc khác như bên nhân sự chẳng hạn.

Có nhiều điều khá thú vị khi khám phá văn hóa công ty Mỹ.

- Ở các công ty Mỹ, họ rất coi trọng bí mật kinh doanh. Trên các công văn giấy tờ, hồ sơ gửi khách hàng của các công ty quốc tịch Mỹ, thường có  dòng chữ “Strictly confidential”. Giấy đã in một mặt sẽ không bao giờ được sử dụng nữa dù chỉ để in bản nháp, và tất cả sẽ được cho vào máy cắt rồi đem hủy.

- Trong nhiều công ty Mỹ, nhân viên làm việc hết mình và rất sợ bị khách hàng phàn nàn. Nếu chẳng may một khách hàng nào đó không vừa ý với cách trả lời điện thoại của cô nhân viên tiếp tân công ty và có ý than vãn điều này với sếp công ty, lập tức cô gái sẽ bị chỉ trích gay gắt và nếu còn lặp lại, các ông chủ sẽ mời cô ta bước ra khỏi cửa mà không thèm nghe lời phân trần hoặc giải thích.

- Tại một số công ty Mỹ người ta không nhận các ứng viên đã từng có người thân làm việc tại đó từ trước, cho dù mối quan hệ không phải là máu mủ ruột rà. Có những công ty trước khi nhận nhân viên vào làm việc buộc nhân viên phải cam đoan không được kết hôn với người cùng công ty hoặc cùng hệ thống công ty, và nếu lỡ may có ai đó “phải lòng” nhau và quyết định đi đến hôn nhân, giải pháp tốt nhất đối với những người này có lẽ là tự tìm công việc khác và viết đơn xin nghỉ việc.

2. Văn hóa công ty kiểu Nhật

 
Người Nhật Bản từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng với truyền thống trung thành với chủ. Vì vậy, đối với họ công ty là nhà, sếp là cha là mẹ, đồng nghiệp là gia đình anh em. Nếu trong công ty có một vị trí trống, việc đầu tiên của các giám đốc nhân sự là ưu tiên cho những người ở các bộ phận khác dư thừa hoặc những người thân của nhân viên công ty. Ít khi người ta muốn tuyển dụng người “ngoại đạo” nếu như họ vẫn có thể tìm được người trong công ty thay thế.

Người Nhật đến với công ty từ lúc hãy còn là một anh sinh viên mới ra trường, chân ướt chân ráo đi tìm việc, sau đó làm việc tận tụy, leo những nấc thang nghề nghiệp một cách chậm chạp rồi cứ thế ung dung cho đến lúc nghỉ hưu. Cả cuộc đời làm việc họ chỉ biết đến một ông chủ, một công ty.

Không giống người Mỹ, người Nhật thường được khuyến khích học hỏi nhiều chuyên môn khác nhau. Người lao động Nhật Bản rất có tinh thần trách nhiệm đối với công ty. Cũng vì thế mà họ đặc lợi ích công ty lên đầu, sẵn sàng làm những công việc mà công ty giao phó, bất kể họ là những người có chức vụ hay không. Họ được đào tạo kỹ lưỡng về nhiều chuyên ngành, có nghĩa là kiến thức của họ rất đa dạng, tổng hợp. Một người lao động Nhật Bản luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống để có thể thay thế đồng nghiệp lúc cần thiết.

Trong văn hóa công ty Nhật, cấp trên và cấp dưới thường không phân chia ranh giới, và tất cả khi đã bắt tay vào việc là cùng một chí hướng, cùng một nhiệt huyết vì lợi ích của công ty. Tại công sở tất cả đều ăn mặc như nhau, cùng làm việc như nhau và tôn trọng nhau. Những áo choàng đắt tiền, xe hơi sang trọng, điện thoại di động đới mới, đồng hồ Thụy Sĩ. đối với các ông bà sếp người Mỹ là những thứ bắt buộc có để khoe mẽ thì đối với người Nhật bị coi là những thứ khó chấp nhận.

Ở các công ty Nhật, mọi vấn đề liên quan đến công ty được đưa ra bàn luận trước tập thể, chứ không chỉ riêng mình sếp quyết định.
Vì vậy tập thể đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của công ty.

Những sự khác nhau cơ bản giữ văn hóa công ty Mỹ và Nhật là một trong số những ví dụ điển hình nhất. Để không bị choáng hay bị “shock văn hóa” khi đến làm việc tại các công ty nước ngoài, bạn nên tìm hiểu kĩ về văn hóa làm việc của công ty mà bạn ứng tuyển và cố gắng học hỏi, hòa nhập với các đồng nghiệp tại công ty.

>>  
>> 

Nguồn: TNA
0