18/06/2018, 12:44

Sóc Trăng - Lễ cúng Dừa

Trong những chuyện cũ, tích xưa ở Mỹ Tú, Sóc Trăng có truyền thuyết về cái cồng vàng. Truyền thuyết ấy kể rằng: Thủa trước, ở đất An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng. Chân người dẫm lên nghe âm vang như tiếng cồng, được ít lâu, tiếng cồng trong đất nhỏ dần rồi mất hẳn. ...

Trong những chuyện cũ, tích xưa ở Mỹ Tú, Sóc Trăng có truyền thuyết về cái cồng vàng. Truyền thuyết ấy kể rằng: Thủa trước, ở đất An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng. Chân người dẫm lên nghe âm vang như tiếng cồng, được ít lâu, tiếng cồng trong đất nhỏ dần rồi mất hẳn. Nhân gian cho là sự linh thiêng bèn lập một ngôi miếu thờ. Hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng hai tính theo Phật lịch, dân làng An Trạch lại tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là hội Thác Côn. Trong tiếng Khơ Me, Thác Côn có nghĩa Đạt Cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất. Hội Thác Côn có lệ cúng những chiếc bình bông làm bằng trái dừa. Nét độc đáo của vật cúng khiến người ta còn gọi lễ này bằng cái tên - Lễ Cúng dừa

Sóc Trăng là nơi có cộng đồng người dân tộc Khơ Me cư trú đông đảo vào bậc nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Nền văn hoá Khơ Me phong phú đặc sắc, thể hiện qua hàng trăm ngôi chùa mang lối kiến trúc độc đáo của Phật giáo Nam Tông. Nền văn hoá phong phú và đặc sắc ấy cũng góp phần tạo cho Sóc Trăng danh tiếng đất của lễ hội, ấn tượng về những đám rước đầy mầu sắc rực rỡ, hoành tráng và âm thanh náo nức trong các lễ dâng bông. Những đêm hội Đôn Ta, hội óc Ôn Póc rộn ràng lời ca điệu múa, và hình ảnh những chiếc đèn gió như những vì sao lấp lánh cả bầu trời. Những cuộc đua Ghe mo hào hứng đầy tinh thần thượng võ còn đọng mãi trong lòng du khách.

Lễ hội của đồng bào Khơ Me, Sóc Trăng cũng như nhiều đồng bào dân tộc anh em khác mang đậm sắc thái nông nghiệp. Chu kỳ của lễ hội dần xoay theo nhịp của thời tiết, mùa màng, theo nhịp sống lao động của người nông dân. Hầu hết các lễ hội diễn ra tưng bừng nhất khi nhà nông kết thúc vụ thu hoạch và việc lựa chọn những sản vật tốt nhất do chính tay mình làm ra để dâng cúng, tạ ơn trời đất, cũng là lề thói lâu đời.

Theo nhịp đi của mùa màng, cứ hết vụ đông xuân là đến Tết Chôn chơ năm khơ mây, song vụ hè thu lại cúng tưởng niệm ông bà, tổ tiên. Rồi khi gặt hái vụ mùa, lại cúng trăng đưa nước về nguồn sau một mùa mưa giúp con người làm ra hạt lúa. Lễ hội gắn bó với người dân qua cái gốc rễ sâu bền của đất đai, làng mạc, gần gũi và thân thuộc như nắng, như mưa, như tiếng ru của mẹ.

 Hội Thác Côn cũng như lễ cầu an, cầu ước thường tổ chức vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ. Tính chất nông nghiệp của nó thể hiện ngay trong các lễ vật dâng cúng, đó là những thứ hoa trái mang đậm dấu ấn tín ngưỡng giàu sắc thái bản địa của cộng đồng các dân tộc ở đồng bằng phù sa sông Hậu, trầu cau, hoa sen và trái dừa. Các thứ hoa trái tượng trưng cho sự thanh khiết và thiêng liêng ấy tập trung trên một vật cúng hết sức đặc biệt mà người Khơ Me gọi là Slathođôn, bình bông làm bằng trái dừa. Phần cây bông được tạo thành bởi những lá trầu xanh và những bông hoa. Miếng trầu, lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức đám cưới, giỗ cúng tổ tiên của các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long được cụm thành chiếc lá để trang trí cho Slatho.

Hoa sen mà ý nghĩa cao khiết, thánh thiện đã trở thành phổ biến trong văn hoá dân gian, chiếm vị trí chủ đạo để làm nên hình tượng cây bông. Ngoài ra, người ta đôi khi cũng trang hoàng thêm bông huệ, bông cúc vạn thọ nhằm mục đích phối hợp màu sắc nhưng vẫn thống nhất về ý nghĩa cúng dừa. Phần đế cắm hoa được làm bằng trái dừa, loại quả có nước tinh khiết, ngọt lành chẳng những chiếm vị trí quan trọng trong văn hoá ẩm thực của người Nam Bộ, mà còn hiện diện trong hầu hết các lễ lộc, mang ý nghĩa cầu phước, cầu an. Trên cái đế cắm độc đáo bày hoa lá, nhan đèn, sắp xếp gọn gẽ. Bình hoa Slathođôn giản dị, tiết kiệm và khá đẹp mang tính tượng trưng rất cao là lễ vật chủ yếu trong lễ cúng dừa.

Có đến hàng chục giống dừa to nhỏ, mầu sắc khác nhau thì cũng có đến hàng trăm kiểu phối hợp để tạo nên vô số Slatho đủ cỡ, đủ mầu. Nhưng nếu tinh ý, ai đó sẽ nhận thấy, món lễ nào cũng gồm có 5 thứ, nhằm dâng cúng năm vị Bồ Tát. Mà theo giáo lý nhà Phật hành độ trì cho chúng sinh trong quá khứ, hiện tại và tương lai, bao nhiêu cảm thức của người hành hương như kết tinh lại trong chiếc bình bông nhỏ bằng trái dừa.

Hội Thác Côn bắt đầu vào ngày trăng tròn, tháng trọng xuân. Dân làng An Trạch và nhất là thanh niên nam nữ, ai cũng thu xếp việc nhà, sắm sửa trang phục để trẩy hội cầu phước và đây cũng là dịp gặp gỡ bè bạn, người thân. Theo lệ, người dân tự sửa soạn Slatho cho mình, nhưng khách phương xa mỗi năm một đông. Nhiều gia đình khéo tay đã trở thành đầu mối cung ứng vật cúng cho các thiện nam, tín nữ. Tính ra mỗi kỳ lễ hội, An Trạch phải nhập hàng vạn trái dừa. Người dự hội tốn độ mươi ngàn là có thể thỉnh một cặp Slathođôn vào cúng, cùng với khách hành hương giẫm lên mảnh đất từng âm vang tiếng cồng huyền thoại. Người dự hội thường cầu phước cho cả gia đình nên cũng sắm sửa luôn hương hoa, dầu dó, chỉ đỏ để lấy may, lấy khước về nhà. Nghi thức cúng dừa làm cho hội Thác Côn mang nét đặc trưng riêng với cảnh tượng ngoạn mục hiếm thấy ở bất kỳ lễ hội nào. Tuy nhiên, nhìn từ sự tích đến thời điểm tổ chức, từ lễ vật đến nghi thức cúng bái, Thác Côn là hình ảnh của một lễ cầu an, làm phước theo truyền thống văn hoá Nam Bộ trong bối cảnh giao lưu về tập tục, tín ngưỡng của các dân tộc anh em trong khu vực. Người Việt, người Hoa, người Khơ Me tuy có khác nhau về tôn giáo, song vẫn sùng kính ông tà, ông địa, bà chúa sứ như những vị thần bổn quán, hóa thân vào đất đai, cây cỏ mà phù hộ cho dân.
 Ông bà ta từ xưa vẫn tin rằng, có cầu, có thiêng, có kiêng, có lành. Sắm chút lễ vật đơn sơ, dành thời gian đi hội để cầu cho gia đạo bình an, làm ăn tấn tới, tai qua nạn khỏi cũng là cách chút bớt âu lo, thêm niềm tin cho cuộc sống. Rồi hễ, cầu được ước thấy lại trở về chốn tôn nghiêm mà tạ ơn, trả nghĩa, tỏ lòng uống nước nhớ nguồn. Do vậy mà lễ cúng dừa năm nào cũng đông vui, trở nên một lễ hội truyền thống của đồng bào ba dân tộc vùng Bathắt. Dân gian quan niệm, đi lễ hội, viếng danh lam thắng cảnh là đem cái phước, cái lành về nhà. Người ta dâng cúng các vật phẩm như dầu dó, chỉ đỏ, cả hạt giống lúa, bắp, rồi mang về phòng khi trở trời trái gió có phương dược để khui phong, khi cưới xin có chỉ hồng buộc tay cho con cháu lấy hên, khi vào vụ có hạt giống lành gieo trồng để cầu cho mùa màng sung túc.

Hội Thác Côn diễn ra trong cái nắng gay gắt giữa mùa khô ở phương Nam, nhưng có lẽ sự thôi thúc của không khí hội hè, ước vọng về sự an lành, hạnh phúc đã khiến cho những người đi hội dường như quên cả cái nóng của khí hậu, cái ngột ngạt của khói hương, cái chật trội của nơi lễ bái, chen nhau cố làm tròn phận sự của kẻ hành hương. Những người dân làng An Trạch làm công quả phục vụ khách dâng bông trong miếu cũng dường như quên đi nỗi nhọc nhằn để giúp chuyển những cặp dừa lên bệ thờ, thu dọn lễ vật của những người cúng trước để dành chỗ cho người cúng sau. Có lẽ, chưa bao giờ người ta thấy ở đâu lại có nhiều bình hoa bằng dừa như thế.

Đường vào An Trạch thường ngày vắng vẻ, nay bỗng tràn ngập người, đông ngịt xe, hàng quán mọc lên như nấm, quang cảnh đúng là vui như hội. Lễ cúng dừa như bất cứ tập tục, lễ hội nào của người Khơ Me đều có sự tham dự của các vị sư sãi. Vốn là dân tộc chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Nam Tông, người Khơ Me coi việc phụng sự Tam Bảo là bổn phận thường ngày. Trong lễ hội, dân làng mời tăng đoàn của các chùa trong vùng đến tụng kinh, cầu an cho bá tánh, tạo thêm duyên may, phước lành cho khách thập phương. Các vị cao tăng trong địa phận cũng nhân dịp này đăng đàn, thuyết pháp, giảng giải về giáo lý cho tín đồ. Đồng thời cũng thường nhắc nhở, khuyên răn về việc thực hiện nếp sống văn hoá, tốt đời, đẹp đạo. Giới thiệu với du khách về những thành tựu trên bước đường đổi mới của quê hương Mỹ Tú.

Khách phương xa có đến lễ cúng dừa vào buổi tối cũng chẳng ngại lỡ độ đường, bởi đêm hội Thác Côn là đêm thức trắng. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi, giải trí diễn ra náo nhiệt, quán ăn, quán nước phục vụ tận sáng. Nam thanh, nữ tú của ba dân tộc có dịp giao lưu, kết bạn, An Trạch chan hoà không khí nô nức của đêm hội trăng rằm. Lễ cúng dừa kéo dài 3 ngày, chiều 17 dư âm của hội hè còn đọng lại trên những trái dừa chất đống cao như núi trong sân miếu Thác Côn. Đó chính là lúc dân làng An Trạch thực hiện nghi lễ cuối cùng, nghi lễ đậm tính chất nông nghiệp, bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa mà những du khách ở phương xa ít có dịp chứng kiến. Nghi lễ do các bà lão và các thiếu nữ trong làng tiến hành, họ lấy những hạt giống ngũ cốc đã được đặt trên bệ thờ suốt những ngày lễ hội, trước những lời cầu mong chứa chan ước vọng của khách thập phương. Họ lấy một ít tro, nhang từ các lư hương đầy ắp, cả những chân nhang cháy dở trong ngôi miếu thiêng, đặt vào cái mâm bạc chuyên dùng đựng các vật cúng của người Khơ Me. Những người phụ nữ An Trạch nối nhau đi ra đồng, đem những vật phẩm từ miếu Thác Côn để dâng cúng đất đai, cúng hồn lúa, cúng những vị thần bảo hộ cho ruộng vườn, làng mạc, tỏ lòng biết ơn mưa thuận, gió hoà đã đem lại cuộc sống sung túc cho nhà nông. Với niềm tin mộc mạc, thuần phác, những người phụ nữ làng An Trạch làm đúng những nghi lễ mà các bậc tổ mẫu xưa đã thực hiện. Họ rải những hạt giống lấy từ miếu Thác Côn lên các cánh đồng, rắc tro, nhang lên bờ ruộng để cầu mong những hạt giống ấy, những tro, nhang ấy trả về một mùa màng bội thu, cho cái chu kỳ bất tận của trời đất, nắng mưa luôn mang tới no ấm, hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình.

Trong tâm thức của những cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, vầng trăng là nguồn cổ tích, huyền thoại, bởi tượng trưng cho mảnh trăng tròn lấp lánh đó đã chứa đựng biết bao điều kỳ diệu về sự chuyền rời của thiên nhiên, về sự sống của con người. Biết bao chuyện cổ tích đã ra đời trong những đêm trăng đã được kể dưới ánh trăng, để nuôi nấng những tâm hồn, nuôi nấng những ước mơ. Cho hôm nay, người dân An Trạch bước đi mà tưởng như tiếng cồng xưa còn âm vang trong lòng đất.

Huyền thoại về chiếc cồng vàng dù đã xa xưa, nhưng những sắc vàng óng của mỗi mùa lại hiện ra từ những bông lúa chín trên đất An Trạch. Mặt đất Thác Côn dẫu không còn vọng tiếng cồng, nhưng vẫn còn đây, lòng yêu thương tự hào về mảnh đất thiêng của tổ tiên đã dầy công khai phá. Anh em ba dân tộc đã cùng chung sức gìn giữ, dựng xây trong tình đoàn kết, nghĩa thuỷ chung. Hội Thác Côn với nghi thức cúng dừa độc đáo đã góp thêm nét đẹp vào diện mạo văn hoá phong phú và đặc sắc của quê hương Sóc Trăng. Để mỗi năm cứ đến ngày trăng tròn, hàng vạn bàn chân lại tìm về rầm rậm bước chân trên đất An Trạch như khơi âm hưởng, nhịp cồng xưa.


0